TÔI
CHỌN DỊCH THƠ THEO CÁCH CỦA MÌNH
Nguyễn
Chiến
Năm 1999 Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn
Việt Nam, tuần báo Văn nghệ và Trung tâm VHNN Đông Tây tổ chức một cuộc thi
dịch thơ Puskin nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nga vĩ đại. Nhận giải
nhất cuộc thi là một tên tuổi hoàn toàn mới: dịch giả Tạ Phương.
Nhà khoa học - nhà thơ Tạ Hòa Phương
Được biết chỉ từ cuộc thi đó, Tạ Phương mới
bắt đầu chú tâm tới mảng văn học dịch và đã gặt hái những thành công bước đầu.
Thời gian trôi qua, ngỡ như đó chỉ là cuộc chơi chóng vánh của nhà khoa học địa
chất, nhưng những người yêu thơ Nga lại hoàn toàn bất ngờ và vui mừng khi lần
lượt đón nhận những tập thơ dịch của Tạ Hòa Phương: Thơ trữ tình Puskin,
Lermontov và Exenin, A.Akhmatova, Thơ nga từ một góc nhìn, và mới đây ông cũng vừa cho ra mắt tập thơ
của chính mình.
Trong việc dịch thơ Nga nói chung, thơ của các
tác giả kinh điển nói riêng, trước và sau Tạ Hòa Phương không ít người đã thực
hiện, nhưng số người có được những bản dịch chất lượng như anh không nhiều. Bởi
để có được bản dịch thơ Nga đạt hiệu quả cao, người dịch phải trở thành một cá tính
sáng tạo, vừa có khả năng thực hành tiếng Việt văn chương, vừa sử dụng thành
thạo tiếng Nga, am hiểu văn
hóa Nga, am hiểu
sáng tác của tác giả được dịch, đồng thời, và điều này quan trọng nhất, phải có
xúc cảm thơ ca. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Tạ Hòa Phương về vấn
đề này.
* Vì sao anh hầu như chỉ dịch các tác gia
kinh điển?
- Tôi hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự
nhiên. Việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy đã choán phần lớn quỹ thời gian
của tôi, do đó dịch văn học chỉ là việc làm thêm. Vì yêu thích mà làm. Cũng vì có ít
thời gian để đọc, nghiên cứu, lựa bài, nên tôi nghĩ có lẽ đối với mình thích
hợp nhất là "ăn sẵn", chọn dịch những tác gia đã được công chúng và
thời gian sàng lọc - những tác gia kinh điển, như Puskin, Lermontov, Esenin,
Blok, Akhmatova, Apollinaire... Vả lại, đối với các tác gia kinh điển, nếu mỗi
dịch giả chỉ chú tâm dịch một người, như Puskin hoặc Esenin chẳng hạn, tôi nghĩ
có thể lại có những đóng góp tốt hơn. Tuy nhiên ở ta, làm được điều đó hoàn
toàn không dễ.
* Là nhà khoa học tự nhiên, anh có chú trọng
đến ngôn từ trong dịch thuật không?
- Tôi nghĩ bất kỳ ai dịch văn học, nhất là
dịch thơ, đều phải nghĩ tới điều đó. Nhiều khi rất khổ công mà vẫn không tìm được
từ thích hợp, được ý thì mất vần hoặc ngược lại. Khi dịch bài tứ tuyệt Vàng
và kiếm của Puskin tôi đã mất không ít thời gian sao cho cùng một động
từ “nói” (cказать) trong tiếng Nga có thể phiên thành 4 từ Việt khác nhau, biểu
hiện được tính cách và chất liệu của đối tượng. Cuối cùng tôi đã tìm được bốn
động từ tiếng Việt thích hợp: lảnh lót, hầm hè, thốt và thề để dịch chữ nói của nguyên bản. Với bài đó, nếu chuyển tất cả thành
"nói" trong tiếng Việt thì chắc hẳn không còn là thơ nữa.
"Tất cả của
ta" - Vàng lảnh lót;
"Tất cả của
ta" - Kiếm hầm hè.
"Tất cả ta sẽ
mua" - Vàng thốt;
"Tất cả ta sẽ
chiếm" - Kiếm thề.
* Ý anh thế nào về việc dịch lại những
tác phẩm đã có người dịch rồi?
- Tôi không câu nệ. Có những bản dịch sai lạc,
cần dịch lại. Đôi khi sai sót do khâu in ấn, như trường hợp bài Bông
hồng (Puskin) do Hoàng Trung Thông dịch chẳng hạn. Bài đó in trong
cuốn Thơ trữ tình Puskin (1966), sau được in lại trong Alexandr
Puskin - Tuyển tập tác phẩm - Thơ và trường ca (1999). Khi đọc bản
dịch, tới câu "Bạn nhận cùng hoa hộ" tôi đã không hiểu được ý. Do vậy
tôi phải tìm nguyên tác để đọc và dịch lại. Và chỉ khi dịch xong tôi mới phát
hiện ra là bản dịch của Hoàng Trung Thông đã bị in sai một chữ, lẽ ra là
"nhắn" lại in thành "nhận", vì vậy mà lạc nghĩa. Nhưng cũng
nhờ thế mà tôi có một bản dịch Bông hồng theo thể lục bát:
Bông hồng tươi thắm đẹp xinh,
Đứa con yêu của bình minh, tàn rồi...
Xin đừng nghĩ, bạn lòng ơi:
Tuổi xuân mơ mộng một thời đã qua.
Xin đừng nuối tiếc, xót xa:
Niềm vui chỉ thoáng gọi là vậy thôi.
Nhủ hồng tha thứ cho tôi,
Bước sang vườn huệ - bùi ngùi còn thương...
Đứa con yêu của bình minh, tàn rồi...
Xin đừng nghĩ, bạn lòng ơi:
Tuổi xuân mơ mộng một thời đã qua.
Xin đừng nuối tiếc, xót xa:
Niềm vui chỉ thoáng gọi là vậy thôi.
Nhủ hồng tha thứ cho tôi,
Bước sang vườn huệ - bùi ngùi còn thương...
Tôi cho rằng mỗi người dịch có sở trường
riêng. Ai chẳng muốn đi đến tận cùng, thể hiện được hết cái hay, cái đẹp của
nguyên tác. Nhưng lực bất tòng tâm, như người ta thường nói "dịch là
diệt", điều này trong lĩnh vực thi ca càng đúng. Cũng vì thế, mỗi bản dịch
chỉ mong khai thác, thể hiện được phần nào đó của nguyên tác thôi. Do vậy không
nên ngại dịch lại những bài người khác đã dịch, kể cả đã được dịch hay, miễn là
phải gắng gức hầu mang lại một điều gì đó mới mẻ. Tôi không tin là có bản dịch
hay duy nhất ứng với một nguyên tác, kể cả những bản dịch tuyệt vời, như
bài Tôi yêu em đến nay chừng có thể... (Puskin) do Thúy Toàn dịch,
mà theo tôi, cho đến nay chưa có bản nào khác hay bằng.
Nếu cần kể một bài tôi đã dịch lại và cảm thấy
hài lòng, xin đơn cử bài Chiều đông (Puskin). Bài này đã có
những bản dịch rất đạt của Thúy Toàn - Hoàng Yến và Bằng Việt, nhưng vì yêu
thích, tôi vẫn gắng dịch lại.
* Anh đã gửi gắm điều gì
trong bản dịch lại ấy?
- Có một câu tôi đã bám
sát nguyên bản hơn: "Uống cho vui lên chút". Ngoài ra tôi cố gắng
kiệm lời (dùng thể thơ ngũ ngôn) và giữ đúng số lượng câu của nguyên bản.
* Anh thường lựa
chọn bài dịch như thế nào?
- Hồi đầu thì tùy hứng,
cốt để học dịch. Sau đã tìm cách lựa chọn bài hay, hợp với tạng của mình. Cũng
có những bài tôi được các nhà văn, nhà thơ ưu ái gửi đến cho dịch, như một món
quà vậy. Cho đến giờ, tôi vẫn luôn biết ơn các dịch giả giàu kinh nghiệm Đoàn
Tử Huyến, Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi, những người đã động viên, khuyến khích và
giúp đỡ tôi trong lĩnh vực này một cách vô tư và hiệu quả. Đặc biệt nhà nga ngữ
học Vũ Thế Khôi đã sao cho tôi những bài rất hay của Puskin chưa được ai dịch (Tự
thú, Những con quỷ...), giải thưởng dịch thơ 1999 mà tôi được nhận có lẽ
một phần cũng nhờ cơ may ấy.
* Có bài nào gay cấn mà
anh thấy phải bỏ nhiều công sức?
- Bài Cánh buồm của
Lermontov. Bài này đã từng được nhiều người dịch. Nó gần như là chìa khóa mở
cửa vào tâm hồn và thi ca của thiên tài Lermontov, là tuyên ngôn thơ của ông.
Bài thơ thể hiện sự bức bấn của "cánh buồm", không chấp nhận thực tại
tù túng, muốn thoát khỏi. Nó không tìm và cũng không trốn tránh hạnh phúc,
nhưng cái mà nó cần là sự bình yên, mà điều đó chỉ có thể tìm kiếm trong giông
bão. Trong bài tác giả thể hiện những đối chọi sâu sắc từ hình thức tới nội
dung, sử dụng ngôn từ cô đọng, súc tích - là những thử thách lớn đối với bất kỳ
người dịch nào. Riêng để hoàn thiện bài dịch này, tôi đã phải thường xuyên trao
đổi thư từ qua mạng internet với một nhà nghiên cứu kiêm dịch giả văn học Nga, lựa chọn từng câu, từng chữ sao cho có thể lột tả được tinh thần
của nguyên tác. Vậy mà vẫn còn gợn, chưa thật hài lòng.
* Thời gian qua, anh
đã dịch khá nhiều, vậy công việc chuyên môn của anh có bị sao lãng?
- Không, bao giờ tôi cũng
xác định hoạt động khoa học và giảng dạy là công việc chính yếu. Nhưng dù sao
cũng phải có đôi lúc giải lao. Đem thơ ra dịch, đối với tôi, là cách giải lao
tích cực nhất.
* Anh thích ai nhất
trong số các tác giả mà anh đã dịch?
- Về con người, thì có lẽ
tôi thích tất cả. Họ đều là những nghệ sĩ tài năng, những nhân cách lớn. Còn về
thơ, cũng chẳng thể nói tôi yêu thơ ai hơn. Mỗi người một vẻ. Tôi yêu hoa hồng,
nhưng không vì thế mà kém mê hoa lan, hoa cúc.
* Hình như anh còn
là một nhà thơ?
- Tôi vừa được Nhà xuất
bản chọn in một tập thơ, bao gồm 70 bài, Thơ Tạ Phương vừa ra
mắt tháng 10 năm nay.
* Anh có điều gì
muốn nói về công việc dịch thơ nhọc nhằn này?
- Có những bài thơ Việt
cà kê, trúc trắc, đọc lên người ta bảo nghe như thơ dịch! Tôi biết kể cả những
độc giả phát biểu như thế cũng không tin là các bài thơ trong nguyên tác vốn
không vần, không nhịp điệu. Khi dịch thơ, tôi luôn chú trọng tới vần điệu, sao
cho khi đọc, độc giả ít có cảm giác là "thơ dịch", và nếu họ quên
được điều đó là hay nhất.
Dịch giả gửi cho Trang vunhonb.blogspot,com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét