Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

TRƯỜNG CA “BIỂN MẶN” CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO



 Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Trọng Tao
TRƯỜNG CA “BIỂN MẶN” CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO
                                     Vũ Nho
Chúng ta đã có nhiều, rất nhiều các tác phẩm văn xuôi, thơ và trường ca viết về chiến tranh. Nhưng đề tài chiến tranh vẫn không bao giờ cũ. Trường ca “Biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo vừa xuất bản, như đang làm nóng lên đề tài này. Mấy câu thơ trong bài thơ “Những người lính đi qua thành phố” được lồng vào trường ca này có lẽ giúp chúng ta hiểu vì sao Nguyễn Trọng Tạo viết trường ca “Biển mặn”:
Người lính đi, qua mấy cuộc chiến tranh
Nói về súng dẫu nhiều – chưa nhàm cũ
Nói mất mát, hi sinh dẫu cạn lời – chưa đủ

Khi đọc tập trường ca “Biển mặn”, tự nhiên tôi có ý so sánh với trường ca “Biển” của Hữu Thỉnh. Hai người từng là lính. Hai người cùng viết về biển. Trường ca của Hữu Thỉnh viết 1981, hoàn thành năm 1994. Còn trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, không đề khởi viết năm nào, nhưng năm hoàn thành là 2015. Nghĩa là trường ca “Biển mặn” được viết khi vấn đề biển đảo của ta, vấn đề biển Đông đang dậy sóng. So sánh kết cấu thì thấy:
          Trường ca “Biển” của Hữu Thỉnh gồm 6 chương. Chương 1 - Đối thoại biển; chương 2 – Cát; chương 3 -  Tự thuật của người lính; chương 4 - Đất này; chương 5 – Hóa thạch những dòng sông; chương 6 - Bão biển.
          Trường ca “Biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo gồm 5 chương và phần Vĩ thanh. Chương 1 - Mặn hơn muối; chương 2 - Những cột mốc sống; chương 3 -  Lính biển; chương 4 - Hải chiến; chương 5 – Đảo bão; 6 – Vĩ thanh.
          Hai nhà thơ. Hai cách tiếp cận biển. Và dù viết sau, nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã có một cách riêng để triển khai trường ca của mình. Chúng ta sẽ thấy đó là một cách triển khai thông minh và khá độc đáo, sáng tạo.
           Bản trường ca này có chủ đề khái quát “mặn hơn muối” để nói về “Biển mặn”.  Trên trục hoành không gian, biển trải từ Móng Cái đến Hà Tiên, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác. Đồng thời trên trục tung lịch sử, tác giả triển khai “Những cột mốc sống” từ thời xưa đến bây giờ. Cột mốc chủ quyền quốc gia trên đất liền là những cột xi măng cốt thép, có tọa độ rõ ràng. Còn trên biển cả, chúng ta đã có những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và ở Hoàng Sa.
Những ngư dân trên đất nước tôi
Nguyện làm “cột mốc sống”
Ngàn vạn “cột mốc sống”
 Trên biển sóng
Trên đá ngầm
Trên đảo chìm đảo nổi
Trên Tự do lãnh hải Việt Nam tôi!
Về lịch sử nối tiếp các thế hệ, trong chương “Lính biển”, tác giả đã viết về người lính hôm nay, con trai của người lính trong bài thơ “Những người lính đi qua thành phố” năm xưa. Thật khái quát và cô đọng:
Cha đã lính. Bây giờ con lại lính
Những thế hệ nối nhau đi giữ nước non nhà
Xưa cha Trường Sơn Rừng
Nay con Trường Sơn Biển
Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến
Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên,
Tiếp nối lịch sử “Hải đội Hoàng Sa” từ thời nhà Nguyễn, tác giả dựng lên chương “Hải chiến” rất cụ thể, rất “thời sự”. Ở đây không có lối nói bóng gió nào hết. Đánh nhau với  bọn cướp biển không phải chung chung như vẫn nghe là “tàu lạ”:
Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt/Chúng lén lút/Chúng ngang nhiên/
Chúng hằm hằm/Chúng sằng sặc/Chúng ngụy trang áo mặc/Chúng trá hình dân đen/Chúng giả bạn, giả anh em/Giả tình, giả nghĩa
Một sự thật mà dân Việt, cả thế giới đều biết. Đó là Trung Quốc xâm lược. Bọn bành trướng đã làm cuộc chiến tranh trên đất liền tháng 2 năm 1979. Bọn chúng cũng xâm lược trên biển từ tháng 1 năm 1974.
Và Trung Quốc đã quyết dùng vũ lực
Mao đã phê “Đồng ý đánh trận này!”
Đặng Tiểu Bình sau 7 năm “bóc lịch”
Quyết lấy Hoàng Sa xá tội với quan thầy
Cái mới mẻ và hấp dẫn của tập trường ca này chính là bên cạnh những câu thơ được viết kĩ, trau chuốt, vừa có vẻ thô mộc cường tráng, vừa tràn đầy cảm xúc thì có những đoạn văn xuôi. Không chỉ một đoạn mà nhiều đoạn từ sách của Lê Quý Đôn, từ sách sử, và từ những trang báo, trang tin về Hoàng Sa, Gạc Ma… (Theo sức đọc còn hạn chế của tôi, chưa có một trường ca nào làm như vậy!)
Tôi đã đọc nhiều trường ca, nhiều tiểu thuyết viết về sự hi sinh của chiến sĩ ta. Nhưng không thể nào không rưng rưng khi đọc những câu thơ về sự hi sinh kiêu hãnh mà đau xót:
Những người lính sát vào nhau một vòng tròn khép kín
Mặc pháo 100 li từ biển bắn vào
Các anh hóa thành sao
Các anh hóa thành cờ
Mỗi người lính một lá cờ Tổ quốc
C ó th ể nói  toàn  bộ bản trường ca, đặc biệt hai chương II và IV đã thể hiện r õ tính chất bi tráng của cuộc chiến khẳng định chủ quyền và chống xâm lược của chúng ta trên biển. Lòng yêu nước như  sóng biển  uất nghẹn trào lên:
-         Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức
          Gầm vang
Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền che chở
Các bạn thuyền xúm vào nhau trên con thuyền rách nát
Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn
-         Nh ững con tàu HQ không tiến được
Phải rút lui dưới hỏa lực quân thù
T àu Nhật Tảo chìm dần trong lửa khói
Biển ôm vào lòng nức nở tiếng sóng ru
Chương “Đảo bão” là chương khắc họa thêm phẩm chất của người lính biển.  Chúng ta thêm tin tư ởng vào sức mạnh Việt Nam. Thật thú vị là trong khi nhà thơ đồng đội Hữu Thỉnh viết về cơn bão giật người lính ra khỏi đảo, về sự kiên cường của một người lính bơi trên chiếc phao thoi thóp, quyết trở về đảo, cùng đồng đội xốc lại đội hình: “Tiếng lính gọi mịt mù bão cát/ Tiếng lính gọi từng giây khẩn thiết/ Đảo tìm nhau xếp lại đội hình”. Nguyễn Trọng Tạo lại viết về tập thể những người lính vẫn vững vàng trên đảo bão:
Bão rú gầm rách tã những tảng mây
Những người lính cởi áo ra che pháo
Những người lính ngã nhoài trong gió bão
Lại đứng lên. Gió lại giật ngã nhoài…[…]
Đảo vẫn đứng hiên ngang như đứng vậy từ xưa
Dáng người lính sáng lên cùng đá đảo
Những người lính đầu trần không áo
Lại đắp dày công sự của mình lên
Phần “Vĩ thanh” là một phần tương tự như cái kết thúc có hậu trong truyện cổ dân gian. Chúng ta đã cắm mốc chủ quyền bằng những “cột mốc sống”. Chúng ta có những người lính biển dầy dạn chiến chinh. Chúng ta đã có những trận hải chiến ác liệt. Chúng ta vẫn vững vàng trong bão tố biển khơi. Và những gì của ông cha ta để lại, chúng ta phải giữ lấy bằng mọi giá. Và đảo đá đã thành quê:
Nghe tiếng gà gáy trưa trên ghềnh đá
Nghe tiếng bò gọi đêm thân thương quá
Tiếng chuông chùa rung động cả hoàng hôn
Tiếng lính hát ca, tiếng trẻ đến trường
Ríu rít bài đồng dao mới/“Nu na nu nống/Đánh trống phất cờ
Biển cả xa mờ/Có hai quần đảo/Hoàng Sa, Trường Sa/
Tên gọi thiết tha/Trong lòng dân Việt”
Kết thúc trường ca là một sự thấu hiểu bằng con tim:
Biển nơi này mặn lắm
Những cuộc đời máu thắm đã thành hoa
Rất nhân văn, và cũng rất trọn vẹn khi “điệp khúc tiếng sáo” luôn luôn trầm bổng khắp bản trường ca “Nhặt lên hạt muối, thưa rằng/ Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương”, giờ kết  tinh lại trong hai câu lục bát mang sắc thái  mới.
          Cuối cùng, chúng tôi muốn nói tới những tìm tòi của tác giả Nguyễn Trọng Tạo trong bản trường ca này. Các chương được liên hệ với nhau chặt chẽ theo chiều rộng không gian Móng Cái, Bạch Long Vĩ, Vịnh Hạ Long, Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc. Và theo chiều dài lịch sử từ khi nhà Nguyễn lập Hải đội Hoàng Sa, cho đến những trận hải chiến gần đây nhất. Tác giả đã sử dụng  những thần thoại, truyền thuyết về Con Rồng cháu Tiên, về Đảo là con trai đất liền, Biển là tiên nữ; về việc ném đá thành các đảo, và cả những tục lệ “Tế lễ sân đình/ Tế lễ khao quân/ Tế sống lính lên đường” trong nghi lễ dân gian. Nhân vật xưng tôi trong bản trường ca khi là một người bình thường “ra khơi vào lộng”, nhưng khi lại hóa thành một nạn nhân trên thuyền bị hải tặc ráp vây, hoặc thành “con thuyền bị đâm trên biển của mình/ Những xương sườn gãy nát”, khi khác thì “Tôi con thuyền gãy nát cột buồm” và như là trong thần thoại “Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây/ Thành rừng xanh/ Thành cổ thụ/ Lại xẻ ván đóng thuyền”. Tôi chính là người lính hải quân, có người cha đã viết bài thơ “Những người lính đi qua thành phố”. Có khi tôi lại xưng anh với “em” trong một khổ thơ, tự nó đã thành một bài thơ độc lập: “Bây giờ trên đảo tuần tra/ Sau mưa, tôi lẫn chan hòa nắng lên/ Nắng như nắng nhớ đất liền/ Tôi như tôi chẳng xa em bao giờ/ Bởi tôi tin tự trong mơ/ Em là biển biếc bãi bờ là tôi”. Nhân vật tôi vì thế mà đa dạng, đa thanh. Sử dụng “điệp khúc tiếng sáo”, sử dụng những ghi chép trog sách vở, trong bản tin. Sử dụng cả đồng dao mới (do Phạm Xuân Nguyên đặt lời). Sử dụng bài thơ hay của mình đã viết về người lính. Tất cả đều được huy động có chọn lọc, được sắp xếp cài đan chặt chẽ. Đó chính là độ chín trong nghề nghiệp của người viết. Và điều cuối cùng là có nhiều câu thơ hay có thể đứng độc lập. Một bản trường ca hay là bản trường ca có giá trị tư tưởng cao và có giá trị văn chương tương ứng. Thiếu một trong hai thứ, là không trọn vẹn. Rất đáng ghi nhận là giá trị tư tưởng của bản trường ca này nằm trong văn mạch yêu nước, một truyền thống quý báu của dân tộc. Và về nghệ thuật, ngoài bố cục chặt chẽ liền mạch, hợp lí, còn có rất nhiều câu thơ được viết bởi một tài hoa đang vào độ chín. Những câu thơ có thể neo vào tâm trí mọi người, như mỏ neo của các tàu chiến sĩ hải quân neo vào lòng biển.
Trong một rừng trường ca của chúng ta, (theo Đỗ Quyên  “đến nay - 2/10/2012 -  trong tng s 409 tác gi,293 tác gi trường ca 116 tác gi thơ dài có tính trường ca: trung bình mi tác gi đã viết hơn 2 tác phm có tính trường ca” - nguồn: khoavanhoc.edu.vn, nghĩa là có khong 1000 trường ca). “Biển mặn” là một trường ca thành công. Nó càng đặc biệt có ý nghĩa khi trường ca này ca ngợi những người lính biển đang tiếp nối “Trường Sơn Rừng” của lớp lớp cha anh.
                                                Hà Nội, 13/12/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét