CUỐN
SÁCH THÀNH CÔNG VỀ MỘT CUỘC KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN
Đọc
“ Hoa dạ hương” tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Nhuận, nxb Văn Học, 2015
Vũ Nho
Cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành là
một cuộc khởi nghĩa lớn, kéo dài trong 7 năm. Tuy vậy, những trang lịch sử viết về người thủ lĩnh nông dân này không
nhiều. Chỉ có những dòng vắn tắt về tiểu sử cũng như một số trận đánh và nguyên
nhân thất bại. Cũng đã có truyện cổ tích về Ba Vành, một số giai thoại về ông.
Tuy vậy chỉ là những mẩu chuyện lẻ tẻ, vụn vặt. Đó là một khó khăn lớn về tư
liệu mà người cầm bút phải bắt buộc vượt qua. Song, chính cái khó đó lại cho
phép người viết có thể tung hoành bằng trí tưởng tượng phong phú, dựng lại chân
dung một con người và một thời kì cách chúng ta chưa xa. Thành công của cuốn
sách chính là đã khắc họa được khá sinh động, chi tiết một thủ lĩnh nông dân,
có sức khỏe phi thường, có tài ném lao, có những hành động vì dân nghèo nên
được nhân dân ủng hộ chống lại cả một triều đình binh hùng tướng mạnh. Những
chương miêu tả Ba Vành học võ; các trận
đánh của quân Ba Vành với tướng lĩnh triều đình khá hấp dẫn. Tác giả là người
vùng quê Phan Bá Vành nên có điều kiện sưu tầm những giai thoại về nhân vật.
Nhưng giải thích vì sao Ba Vành có khả năng phi thân, ném lao nổi tiếng, nhà
giáo muốn nhấn mạnh đến công phu luyện tập với người thầy giỏi. Giai thoại về
những cái lông xoăn đặc biệt ở chân Ba Vành ( sau bị thuộc hạ làm phản cắt đem
nộp Nguyễn Công Trứ) không được sử dụng. Phải chăng tinh thần của nhà giáo muốn
đề cao sự học tập, mà cũng có thể là tác giả không muốn “thần thánh” hóa nhân
vật, làm cho nhân vật gần gũi đời thường mà vẫn khác thường?
Vũ Nho - Chủ trang
Tác giả đã cắt nghĩa vì sao quân Ba Vành ngày càng lớn
mạnh. Bởi vì nghĩa quân làm hợp lòng dân: lấy của nhà giàu chia cho người
nghèo, dẹp bọn giặc cướp tàu ô để giữ
cuộc sống, và chống lại sự áp bức nặng
nề của triều đình. Ba Vành và nghĩa quân
của ông đứng lên chống triều đình là vì dân “Bọn tàu ô nhiễu nhương nhiều rồi, sao triều đình không mang quân ra mà
dẹp. Lại còn mất mùa, đói kém ở khắp nơi, dân khổ vì ai?[…] Nhìn rộng ra, ai
gây sưu cao thuế nặng? Ai để ruộng đồng ngập lụt, xác xơ? Ai để anh em ta, bố
mẹ ta, vợ con ta không có nổi bát cơm mà ăn?” (tr.30)
Các tướng triều đình
Lê Mậu Cúc, Trương Phúc Đặng lần lượt thất bại trước Ba Vành. Triều đình
buộc phải cử Nguyễn Công Trứ, một người túc trí đa mưu để dẹp Ba Vành.
Trong chính sử chỉ ghi ngắn gọn là Ba Vành bị thất bại
vì Nguyễn Công Trứ dùng mĩ nhân kế kết hợp với việc cho binh lính của Ba Vành
xem các tích chèo để chểnh mảng việc
quân. Tác giả đã hình dung ra nhân vật Trần Thị Tú, một người chẳng những đẹp
mà lại thông minh, dũng cảm. Một chi tiết thú vị là tìm mĩ nhân không phải ở
cung tần mĩ nữ của nhà vua, mà là tìm ở các lớp “Tứ dịch quán”. ở đây, tác giả
đã dụng công dựng lên mối tình chớm nở tuyệt đẹp giữa Tú và Hà. Ba mươi ngày, ba mươi bài thơ qua lại của hai
nhân vật làm nên một nét độc đáo cho tập
sách. Phạm Ngọc Tâm Dung đã góp phần làm cho hai nhân vật Tú , Hà trở nên rõ
nét hơn qua những vần thơ lãng mạn, nhớ nhung, say đắm. Đáng tiếc là nếu như
thầy giáo Nhuận dụng công hơn miêu tả cảnh đưa thư, cảnh chờ thư, sự khắc khoải
của hai người thì chương này và cả cuốn sách sẽ càng thêm thú vị.
Tất cả các cuộc khởi nghĩa trong thời gian nhà Nguyễn trị vì đều lần
lượt thất bại. Khởi nghĩa của Phan Bá Vành cũng vậy. Phan Bá Vành thất bại vì
Nguyễn Công Trứ là một người túc trí đa mưu. Nguyễn Công Trứ không chỉ là một
nhà thơ, mà còn là một nhà quân sự, một nhà
kinh tế khi đảm nhận chức “Dinh điền sứ” khai khẩn đất đai và lập nên
hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Trong tiểu thuyết này, tác giả không sáng tạo
nhiều về nhân vật Công Trứ với tính chất
tự tin, có tài, và chất “ ngất ngưởng” phóng túng. Nhân vật Nguyễn Công Trứ
được thể hiện như là một người trông rộng, nhìn xa, nhạy bén tâm lí. Từ những
đối đáp, luận bàn với vua, cho đến các hành động thực tế, và đặc biệt là sự
thấu hiểu lòng người, trong việc chọn và thi hành kế mĩ nhân, trong việc đánh
giá đối thủ là Ba Vành. Một người bạn sau khi đọc bản thảo có nhận xét rằng,
nhân vật Nguyễn Công Trứ được dành cho nhiều trang quá, có phần ngang hoặc lấn
át Ba Vành. Chúng tôi cũng thấy như vậy. Nhưng có thể, tác giả không chỉ chú
trọng vào lãnh tụ khởi nghĩa Ba Vành, mà chú trọng đến toàn bộ cuộc khởi nghĩa,
những nguyên nhân thành công và thất bại của nó. Nếu quả như vậy thì nhân vật
Nguyễn Công Trứ, đối thủ trực tiếp của Ba Vành cũng cần được dụng công xây
dựng. Chỉ có điều giá như tác giả kết thúc ở chương mười lăm thì vừa đẹp. Với
giấc mơ của Công Trứ, các nhân vật quan trọng nhất của tiểu thuyết trò chuyện
đối đáp với nhau. Thêm chương nữa thì
lại đầy đủ quá. Mà văn chương đôi khi kị sự đầy đủ!
Một điều thấy
rõ là tác giả không chỉ trình bày lại lịch sử. Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa và
thất bại của Ba Vành còn được tác giả lồng thêm vào những suy ngẫm, những trải
nghiệm cá nhân thông qua các nhân vật. Chẳng hạn về vua ( người lãnh đạo có
chức vụ cao nhất) và người tài. Vua nói : “ Làm vua thì ai chẳng làm được: “Cờ
đến tay ai người ấy phất”. Không có ông vua này thì ông khác. Thiếu người như ngươi thì không ai thay thế,
bởi ngươi là một nhà quân sự, một nhà thơ, một nhà tâm lí…Nhà ngươi đúng là người
quân tử đã lập công, lập đức, lập ngôn, còn ta chỉ là ông vua của một thời” (
trang 190). Hoặc là quan hệ giữa quyền
lực với tình yêu trong câu chuyện tay tư giữa Công Trứ , Ba Vành, Hà và Trần
Thị Tú :
Ba Vành có lúc được tôn làm vua, nhưng không có tình yêu, Công Trứ cũng
không có tình yêu, cả vua có hàng ba
trăm mĩ nữ cung tần cũng không có tình yêu. Xét cho cùng thì họ thua Tú và Hà,
tuy không thành vợ thành chồng, nhưng đã có
một tình yêu lãng mạn và say đắm. “ Quyền uy rồi sẽ hết, tuổi tác rồi sẽ
già, bạo lực rồi sẽ qua. Chỉ còn tình là sống mãi với thời gian” ( chương 15).
Còn có thể suy ngẫm về lẽ được mất khi không bo bo giữ của cải ( tr. 200), về
việc thu phục nhân tâm không phải bằng tiền mua, bằng sức ép, mà bằng cái tâm
của mình ( tr. 202)…
Những năm gần đây, các nhà văn Việt Nam thường quay lại với đề tài lịch
sử. Hàng loạt tiểu thuyết về các nhân vật lịch sử đã ra đời như về Hồ Quý Li ( Hồ Quý Li của Nguyễn Xuân Khánh), về Nguyễn Trãi ( Hội thề của Nguyễn Quang Thân), về Trần Nguyên Hãn ( Sóng hận sông Lô của Vũ Ngọc Tiến), về
triều Trần ( Bão táp triều Trần của
Hoàng Quốc Hải) về Ỷ Lan ( Nguyên phi Ỷ Lan
của Ngô Ngọc Liễn), về Hồ Chí Minh ( Mặt
trời Pác Bó của Hoàng Quảng Uyên)…Bây giờ nhà giáo Nguyễn Xuân Nhuận viết
về Ba Vành với tiểu thuyết Hoa dạ hương.
Còn nhớ trong chương 12 của tiểu thuyết này, dân Thái
Bình muốn xây đền thờ Phan Bá Vành nên đã xin ý kiến Nguyễn Công Trứ. Vì tránh
phiền phức nên ngôi đền đó phải mang tên là “ Đền mục đồng”. Nguyễn Công
Trứ dù dẹp được Ba Vành nhưng vẫn tôn
trọng, đánh giá cao đối thủ. Ông đã thấy Ba Vành không có tội gì và đó là người rất được lòng dân. Bây giờ thì
Lịch sử đã trả lại sự công bằng cho người lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. “Hoa dạ
hương” chính là ngôi đền trong cõi văn chương về Ba Vành, tuy chưa phải là ngôi đền tráng lệ, nguy nga bậc
nhất, nhưng cũng đủ to đẹp, đàng hoàng.
Ca từ của bài hát nổi tiếng một thời ai ai cũng biết “
Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng
ngay”. Nhưng với nhà giáo Nguyễn Xuân Nhuận, ngay tác phẩm đầu tay, đường
cày đầu tiên trên mảnh đất tiểu thuyết lịch sử; dù có điểm này điểm khác chưa
được như ý tác giả và như ý bạn đọc, thì “Hoa dạ hương” vẫn là một tiểu thuyết
thành công, chững chạc viết về cuộc khởi nghĩa của một lãnh tụ nông dân sinh
trưởng tại vùng quê lúa Thái Bình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét