Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Trở lại PLEIKU




 TRỞ LẠI PLEIKU*
                 (Cao Ngọc Thắng)

Mười lăm năm
                 trở lại
Tây Nguyên trống trải
Cao nguyên oải xanh
Màu bazan nhợt nhạt
Bàn chân
            mềm
Những cô gái Ba na, Ê đê...
                                thắc thỏm
Cánh tay lực lưỡng
Chàng trai
              hờ hững
                           chiêng cồng
Hờ hững
              triền sông
Vào phố núi
Tìm
Chiều thu
Mắt ướt
Pleiku
Hoàng hôn
                 rực
Nhuốm
            sắc hồng
Mây
        bảng lảng
                     trời đông
Thức dậy
Lang Biang
                 Lâm Viên
                               Di Linh
                                         Kon Tum
Khát vọng

Mười lăm năm
Trở lại
Lặng lẽ
Tìm
Nắng sớm
              xuân

       10/7/2009.

*Trở lại Pleiku: Thơ Cao Ngọc Thắng, tập Giao mùa - Nxb Hội Nhà Văn-2010.

TRẦN TRUNG viết lời bình:

Bài thơ như vương nợ, nỗi niềm từ cái tên “ Trở lại Pleiku”; cũng có nghĩa là miền đất Tây Nguyên, với Cao Ngọc thắng đã thành kỷ niệm. Và, giờ đây là “Mười năm trở lại”. Trở lại, mà cũng là tìm lại, tìm về kỷ niệm xưa.
   Bao nhiêu cái nhìn thấy, từ thực tại của hôm nay, như chợt dấy lên, tượng hình lên, trong sự đối sánh ngày nay với ngày qua. Đấy là cảnh sắc ngoại giới:
   “Tây Nguyên trống trải
   Cao nguyên oải xanh
   Màu bazan nhợt nhạt”



 
  Những con chữ tượng hình, gợi sắc như bất chợt hợp hòa và cộng hưởng, đến xót lòng thấm thía... trong nỗi  tâm trạng của người trở lại.
  Những câu thơ trên, có sự dịch chuyển điểm nhìn-trữ tình của nhà thơ. Vẫn tiếp nối là cảnh quan thiên nhiên, hiển hiện, nhà thơ họ Cao khéo và thật ,dịch di từ không gian “Tây Nguyên trống trải”, đến những điểm gần hơn khi vào phố núi:
   “Vào phố núi
     Tìm chiều thu
      Mắt ướt
      Pleiku”
  Hình như cảnh Pleiku thực tại đã tạo gợi cảm giác buồn lây lan. Bởi,cái buồn, cái gợi, lại  chợt thức dậy cái đã qua-chưa xa:
   “Hoàng hôn
                    rực
     Nhuốm
                sắc hồng
     Mây
              bảng lảng
                          trời đông
     Thức dậy
     Lang Biang
                  Lâm Viên
                           Di Linh
                                      Kon Tum
   Khát vọng”
   Vẻ đẹp cùng sức sống của núi rừng cùng con người Tây Nguyên, những chàng trai, con gái Tây Nguyên hôm nay, dường như cũng đánh thức cảm nhận khác lạ với bao buồn vui. Hình như, đằng sau những câu thơ của Cao Ngọc Thắng còn ẩn chứa bao điều băn khoăn, day dứt cùng nghĩ suy về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Chất chứa và đan xen bao cung bậc về Cảnh-Người, của hôm qua và hôm nay trong thơ Cao Ngọc Thắng:
   “Bàn chân
                 mềm
  Những cô gái Ba na, Ê đê
                                     thắc thỏm
   Cánh tay lực lưỡng
   Chàng trai
                 hờ hững
                           chiêng cồng
   Hờ hững
              triền sông”
   Những điều ẩn chứa, day dứt, nhà thơ dường như không cho hiện diện thành câu chữ. Mà, có khả năng lay thức lòng người.
Phải chăng, đấy là phẩm chất và cũng là cái cách theo hướng“ý tại ngôn ngoại” của Cao Ngọc Thắng.
   Năm dòng thơ cuối của “Trở lại Pleiku” có sự  đổi giọng điệu. Và, tất nhiên sự chuyển giọng từ hoài niệm, bâng khuâng trước thực tại... sang giọng điệu khởi sắc, xốn xang, đã tạo hiệu quả, ấn tượng cho gửi gắm tâm tư-Tin vui của nhà thơ :
   “Mười lăm năm
   Trở lại
   lặng lẽ
   Tìm
  Nắng sớm
                 xuân”
   Người thơ sử dụng điệp khúc “Mười lăm năm trở lại”. Nhưng, không khép lại tâm tư trong nỗi buồn, day dứt. Mà, mở ra niềm hy vọng, sự tìm kiếm lặng thầm trong tâm tưởng. Ấy là khi mảnh đất và con người Tây Nguyên rỡ ràng trong vẻ đẹp và sức sống mới cung “Nắng sớm/xuân”. Và, trong sắc màu thanh tân, sáng tươi của một ngày trong lành mới, ta sẽ lại tìm thấy, lại nghe thấy sắc xanh của rừng, sắc đỏ ba-zan; Ta lại hình dung ra hình ảnh những cô gái, những chàng trai Tây Nguyên nhảy múa cùng tiếng cồng chiêng, hân hoan với mùa xuân-thời đại mới.

                 HÀ NỘI, viết 6/ 2010. Chỉnh lại 21/9/2019.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét