THƠ HÀ NỘI TRONG DÒNG
CHẢY CÁCH TÂN
Vũ Nho
Theo quan niệm của chúng tôi, kể từ đầu thế kỉ XX đến nay, Việt
Nam chúng ta đã trải qua một số lần cách tân thơ ca với những mốc lớn sau đây:
-
Phong trào thơ mới (1932 -1941)
-
Phong trào thơ kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược. (1945 –
1975)
-
Phong trào thơ ca từ khi thống nhất đất nước và
mở cửa đổi mới (1986 đến nay).
Nói sự đổi mới của thơ Hà Nội chúng ta
cũng phải đặt trong dòng chày của cả đất nước. Tuy nhiên, phải thấy rằng phần lớn
lực lượng người viết ưu tú là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, sống tập
trung ở Hà Nội, nên ảnh hưởng của thơ Thủ đô có một vị trí quan trọng nhất định
trong xu thế đổi mới thơ ca của đất nước. Chúng tôi nhận diện thơ Hà Nội là thơ
của các nhà thơ sinh hoạt trong Hội nhà văn Hà Nội, thơ của các Câu lạc bộ thuộc
Trung tâm văn hóa của thành phố Hà Nội, và thơ của các nhà thơ Hội viên Hội nhà
văn Việt Nam sống và viết tại Thủ đô.
Bây giờ chúng
ta đã có kinh nghiệm trong cuộc đổi mới của thời kì thơ mới. Và cũng đã có những
kinh nghiệm của cuộc đổi thay từ thơ mới sang thơ chống Pháp, chỗng Mĩ. Dĩ nhiên
có cả kinh nghiệm tìm tòi riêng lẻ của các nhà thơ sống và viết ở miền Nam. Những
người làm thơ tìm tòi đổi mới thơ ca theo nhiều hướng khác nhau, theo nhiều cách
khác nhau. Cũng có người ồn ào tuyên bố. Cũng không ít người lặng lẽ, âm thầm.
Chúng tôi đã thử phân chia việc đổi mới thơ ca
Thủ đô theo các xu hướng khác nhau như sau:
Xu hướng viết trường ca
Đây là một xu
hướng nhắm vào sự đổi mới hình thức. Những người viết sau các bài thơ, các tập
thơ in riêng, muốn dồn sức để thơ nói về một vấn đề lớn, có sức khái quát, ôm
trùm lớn. Bởi thế mà trường ca là một thể loại mà nhiều người tìm tới. Người viết
muốn chứng tỏ bút lực của mình, muốn làm mới mình, muốn sử dụng mọi yếu tố kĩ
thuật. Có nhà thơ không tiếp tục trường ca như
Trần Đăng Khoa. Có thể trước đó đã viết trường ca nay tiếp tục như Hữu
Thỉnh ( Trường ca biển, 1994, Sức bền của đất, 2004); Nguyễn Trọng Tạo ( Biển
mặn, 2005). Có người lần đầu viết rồi gắn bó với trường ca như Trần Anh Thái (Đổ
bóng xuống mặt trời ,1999; Trên đường, 2004; Ngày
đang mở sáng, 2007); Nguyễn Anh Nông ( Trường
ca Trường Sơn, 2009; Gửi Bill Gates
và trời xanh, 2011; Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn, 2012; Lập Thành, 2012); Lê Thị Mây (Lửa
mùa hong áo, 2003; Côn Đảo, 2009)…Có
người chỉ một lần tạt qua trường ca như Mai Nam Thắng ( Cổ tích làng cát, 2004), Lê
Ngọc Bảo ( Tiếng hát một dòng sông,
2005), Nguyễn Vũ Tiềm ( Văn đàn bi tráng, 2008), Nguyễn Viết Chữ
( Hát dọc cánh rừng già, 2010); Có
người viết trường ca đồ sộ như Nguyễn Linh Khiếu với tập “Hoa linh” ( 710 trang khổ 16 x 24)…Dẫu sao thì đây cũng là một xu
hướng thơ đổi mới. Có người còn đưa ý kiến
ngay trong thể loại trường ca, cũng có thể có “phản trường ca”, ý muốn nói đến
những việc làm khác với trường ca cổ điển. Tuy nhiên, coi trường ca như một thể
loại mới được du nhập vào chưa lâu. Lí
thuyết về thể loại này cũng chưa có hệ thống và bài bản. Vì vậy nói đến cách tân
trường ca có thể là quá sớm.
Xu hướng viết thơ ngắn
Không có tuyên
ngôn gì ghê gớm, nhưng các nhà thơ sống
và viết ở Hà Nội, hầu như đều thử sức với thể thơ ngắn. Bởi lẽ thơ ngắn là sự
diễn tả cảm xúc cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc.
Vũ Nho chủ trang
Mặt khác, thời của thông tin bùng nổ,
thơ ngắn rất thích hợp để quảng bá vì tốn ít diện tích, tốn ít thì giờ của người
đọc. Nếu Nhật Bản có thơ Haiku ( ba dòng 17 âm tiết), Trung Quốc có thơ tứ tuyệt
( 4 câu) thì Việt Nam từ xa xưa cũng đã
có ca dao 2 câu. Chỉ 2 câu 6 và 8 gồm 14 âm tiết, chúng ta đã có những bài ca
dao độc đáo như những viên ngọc sáng trong kho tàng thơ ca đất nước. Bây giờ các
tác giả làm thơ hai câu không nhất thiết phải là 6 và 8. Thơ ngắn có thể là 2 câu,
nhưng cũng có thể là 3 câu, 4 câu. Thậm chí thơ ngắn có thể chỉ 1 câu ( nhưng
hiếm, bởi vì nó dễ bị nhận nhầm sang tục ngữ, một thể thơ trí tuệ như là một thể
loại riêng trong văn học dân gian). Tìm tòi thơ ngắn có Nguyễn Hoa (tập “Từ một
đến tám” NXB Văn Hóa Thông Tin 1997). Một cây bút thơ viết ngắn khác là Mai
Quỳnh Nam. Anh nghiêng về triết luận với các tập Bước trượt 1995; Các sự việc
rời rạc 2002; Phép thử thuật tư biện
2007; Biến thể khác 2012; Không
thiên vị 2014. Trong các tập thơ của các nhà thơ Hà Nội xuất bản gần đây,
không khó để tìm ra một vài bài thơ ngắn.
Trong xu hướng viết thơ ngắn, phải kể đến việc du
nhập thể thơ Haiku của Nhật. Có người làm Haiku nhưng Việt hóa chỉ đề là thơ 3
câu. Có người làm Haiku thuần Nhật với số
câu, số chữ và “quý ngữ”. Danh sách này có thể kể Đinh Nhật Hạnh, Cao Ngọc Thắng,
Phùng Gia Viên, Nguyễn Ngọc Căn… và các Haijin của Câu lạc bộ thơ Haiku Việt Hà
Nội.
Xu hướng
cách tân dựa vào ảnh hưởng của thơ nước ngoài
Các nhà thơ trẻ, những
người biết ngoại ngữ có thể đọc trực tiếp thơ nước ngoài từ bản gốc đã cách tân
bằng cách học tập các thủ pháp kĩ thuật của nước ngoài. Đứng đầu danh sách khá
dài này là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bắt đầu bằng tập thơ Sự mất ngủ của lửa 1992 gây tranh cãi ồn ào. Nguyễn Quang Thiều
kiên trì theo hướng cách tân đã chọn. Các tập sau thơ sau : Người đàn bà gánh nước sông (
1995); Nhịp điệu châu thổ mới (1997); Bài
ca những con chim đêm (1999); Cây ánh
sáng (2009); Châu thổ (2010) khẳng
định xu hướng cách tân của vị “chủ soái” đổi mới.
Viết theo xu hướng này ở
mức độ nhiều ít khác nhau, ở Hà Nội, có thể kể
Bằng Việt, Giáng Vân, Tuyết Nga, Hà Huy Hiệp, Thái Bá
Tân…
Trong buổi Tọa đàm “Những khuynh hướng sáng tác thơ Hà Nội đương đại” của Hội nhà văn
Hà Nội sáng 10 tháng 9, nhà thơ Đỗ Ngọc Yên nhấn mạnh hai nhà thơ cách tân tiêu
biểu là Nguyễn Việt Chiến (dựa trên thơ truyền thống) và Nguyễn Linh Khiếu (dựa
trên điểm nhìn tư tưởng triết học). Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại
khẳng định hai tác giả ấn tượng là Nguyễn Phúc Lộc Thành (thơ lục bát) và Hoàng Xuân Tuyền ( thơ tự
do) với giọng mới mẻ là giễu nhại.
Xu
hướng quay trở lại những thể thơ truyền thống
Khi phong trào thơ mới
bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, vẫn có nhà thơ kiên trì với thơ cổ điển ( thơ cũ),
đường thi là Quách Tấn, lục bát là Nguyễn Bính. Bây giờ cũng thế
thôi. Một mặt các nhà thơ tìm cách viết ngắn, viết dài, làm mới từ ngữ, câu chữ,
hình ảnh, nhịp điệu thơ,…tìm cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật thơ nước ngoài.
Nhưng mặt khác vẫn có nhà thơ quan tâm đến lục bát truyền thống. Ngay cả người
hăng hái như Trúc Thông, nhà thơ vẫn làm lục bát với Bờ sông vẫn gió; rồi Nguyễn Quang Thiều cũng viết lục bát ( mà lục
bát cũng nhuần nhụy và hay). Hầu như nhà thơ nào cũng thử sức với thể tài này,
dù biết rằng lục bát dễ viết, khó hay. Một số tác giả viết
nhiều lục bát có thể kể : Phạm Công Trứ,
Nguyễn Thị Mai, Bùi Kim Anh, Đặng
Vương Hưng, Nguyễn Thế Kiên, Lê Tiến Vượng, …Có cả một trang mạng thơ lục bát khá nhộn nhịp do nhà thơ Đặng Vương Hưng sáng lập. Các nhà
thơ nổi bật như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Trần Ninh Hồ, Phan
Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến,… đều có thơ lục bát.
Một số tác giả thơ sinh
hoạt trong Câu lạc bộ thơ Đường. Làm sống lại loại thơ này với các nội
dung phản ánh cuộc sống đương đại. Tuy vậy
chưa thấy có tác giả thơ Đường luật nổi trội.
Nhà thơ Trần Quang Quý sáng tạo ra loại thơ riêng là thơ 5 câu ( nam cau). Thực chất đây có thể coi là 4 câu cộng một. Độ dài ngắn các câu khác nhau. Nó không quá ngắn để “vón cục”, thiếu đất cho những rung động được ngân lên. Cũng không quá dài để phù hợp với tốc độ xã hội công nghiệp và thông tin đương đại. Và, nó hợp với khí thơ chiêm nghiệm, triết lý, diễn ngôn mà anh vẫn theo đuổi lâu nay ( Giới thiệu trên Vanvn.net). Thử nghiệm này cũng là một tìm tòi. Thái Bá Tân trước đó đã thử nghiệm 6 câu kiểu xit giô của nước ngoài. Như vậy là về hình thức chúng ta có đủ các loại từ 1 đến 6 câu, chưa có ai chú ý thơ 7 câu. Thơ 8 câu thì ngày xưa đã có thất ngôn bát cú. Đó là xét về cấu trúc số câu trong một bài. Về phương diện câu thơ, nhà thơ Vương Trọng thử nghiệm và mời mọi người viết thơ “đa thanh”. Mỗi câu thơ có đủ sáu thanh điệu của tiếng Việt. Tuy nhiên, chỉ có nhà thơ làm được những bài thơ kiểu này, vì đây là một “luật” chặt chẳng khác thơ Đường. Chính tác giả viết “Như vậy làm thơ đa thanh khó hơn rất nhiều so với các loại thơ quen biết, thậm chí còn khó hơn cả thơ Đường luật”. (Có loại thơ đa thanh như thế Vương Trọng – Báo Đại biểu Nhân dân điện tử, ngày 6/2/2014). Không có nhiều nhà thơ hưởng ứng và thành công với thơ “đa thanh”, họ chỉ coi đây là “thú chơi tao nhã”.
Quay trở về đồng dao có
Nguyễn Trọng Tạo, Trần Lan Vinh. Đặc biệt, Trần Lan Vinh thành công với Gọi mưa (2002) và Lục bát đồng dao (2015).
Xu hướng
thơ trào phúng
Thơ trào phúng là một vũ khí sắc bén để phê phán, đả
kích những thói hư, tật xấu của xã hội,
đả kích kẻ thù nội xâm là nạn
tham nhũng, hối lộ, chạy chức quyền, lợi ích nhóm. Tiếp bước những Thợ Rèn,
Xích Điểu, Đồ Phồn, Tú Mỡ có các tác giả sinh hoạt ở CLB thơ trào phúng Hà Nội.
Tuy nhiên, chưa có người thành danh nổi bật. Chúng tôi muốn Ban Chấp hành và Hội
đồng thơ của Hội Nhà Văn Hà Nội cần quan
tâm hơn nữa đến xu hướng thơ giàu tính
chiến đấu này.
Xu hướng thơ mạng
Đây chỉ là nói đến các
tác giả coi mạng xã hội là nơi công bố sáng tác chính của mình. Một số nhà thơ,
nhà văn cũng lập các trang riêng của cá nhân hoặc nhóm. Hoặc là có đăng kí bản
quyền trang Web, hoặc là dạng Blog, hoặc Facebook (FB). Chúng tôi không tính các
nhà văn, nhà thơ đó vào đây. Ví dụ nhà thơ Thái Bá Tân công bố rất nhiều thơ 5
chữ trên trang cá nhân, rồi quảng bá việc bán thơ; nhà thơ Trần Nhương, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng
Khoa… cũng dùng mạng để công bố thơ và nhiều bài viết khác. Chúng tôi chỉ kể một
số tác giả công bố thơ mạng như Mạc Mạc, Hạt Cát Diệu Sinh, Chử Thu Hằng, Nguyễn Thị
Ngọc Mai, Nguyễn Lâm Cẩn… Không thể kể hết danh tính của họ. Nhưng thơ trên mạng,
rồi họ in thành tập thơ bình thường. Một
số bài được cộng đồng mạng tán thưởng và khi in bình thường cũng được chú ý.
Phải kể đến thơ mạng của
Câu lạc bộ thơ Facebook Việt Nam. Câu lạc bộ này kết hợp các CLB thơ FB của các địa phương tổ chức giao lưu và
xuất bản thơ. Các Câu lạc bộ văn chương của Thủ đô như Tháp Bút, Hồ Gươm, Tràng An,
Thiên Đức, Thanh Xuân, Ba Đình, Thi đàn
thứ bảy, Bắc Từ Liêm,… sinh hoạt đều đặn, công bố thơ trên mạng và sau
đó in những tập thơ trên giấy đẹp và chất lượng. Đây là phong
trào thơ ca quần chúng, từ đó một số nhà thơ nổi trội sẽ gia nhập Hội nhà Văn Hà Nội và Hội
Nhà văn Việt Nam.
Xu hướng độc lập
Tạm phân chia ra các xu
hướng như thế để chúng ta dễ dàng hình dung. Còn có một xu hướng khác không
theo hẳn xu hướng nào bên trên, xin được
gọi là
xu hướng độc lập. Các nhà thơ không tuyên bố, không tuyên ngôn, không sốt
sắng theo một xu hướng nào. Họ lặng lẽ đổi mới thơ mình, trước hết là đổi cách
nhìn đời, đổi cách cảm xúc, đổi cách trình
bày hình ảnh, đổi cách diễn đạt câu chữ.
Sự đổi mới đó lặng lẽ và âm thầm, chầm chậm , ít một nhưng chắc chắn, hiệu
quả. Họ là số đông các nhà thơ mà tên tuổi đã quen thuộc với công chúng. Danh sách
quá dài nên xin phép không thống kê.
Chúng tôi ghi nhận tất cả những cố
gắng của các nhà thơ đã thành danh và chưa thành danh, các nhà thơ đã có vị trí
không thể thay thế trên thi đàn và những nhà thơ đang lặng lẽ phấn đấu để có được
sự đóng góp xứng đáng. Dù là đổi mới theo cách nào, cuối cùng vẫn là tạo ra được
những bài thơ hay. Cái đích cuối cùng của sự đổi mới là thơ hay, chứ không phải
đổi mới chỉ để nhằm đổi mới.
Dường như sau khi hội thảo khá ồn
ào xung quanh hiện tượng Nguyễn Quang Thiều, các nhà phê bình cũng như các nhà
thơ đã bình tĩnh lại. Bây giờ ít thấy những “tuyên ngôn” có vẻ to tát. Có một người cực đoan đã nói công
khai rằng: “Mặc dù yêu chuộng mọi kiếm tìm, tôi đôi lúc lại chỉ muốn xướng to lên
(với tôi là một thói không thật hay): chống-cách tân, anti-cách tân, ngừng cách
tân, thà như một kẻ bảo thủ tuyệt đối, một con ếch khư khư sung sướng với bầu
trời miệng giếng của mình. Bởi tôi nghe thấy nhiều tiếng còi báo động giả về
cách tân trong văn học Việt”.(
Nguồn : http://anlacminh.blogspot.com.
Xứ Đoài mây trắng bay, Chống cách tân,
ngày 25 tháng 1 năm 2018).
Vâng! Cách tân là một công việc khó, đòi hỏi thời gian và cả các tài năng, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ. Không vì thiếu vắng những tập thơ thật hay, không vì một
vài tập thơ được giải thưởng mất hút “không
một tiếng vang” trong đời sống văn học mà nghĩ rằng cách tân đã thất bại hoặc
cần chống cách tân. Cuộc cách tân thơ ca lần này của Hà Nội diễn ra trên sự tìm tòi nhiều
hướng, nhiều phương diện. Nó có lúc ồn ào, có lúc âm thầm. Nhưng chắc chắn phải
khẳng định rằng nó đã đúng hướng. Và nhất định sẽ có những tác phẩm xứng đáng
với sự chờ đợi của bạn đọc.
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm
2019
Bài in trên báo NGƯỜI HÀ NỘI, số 40 +41 ra ngày 4/10/2019.
Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét