BỨC TRANH KHOẢ THÂN
Lãnh Ngưng
Vũ Công Hoan dịch
Trọng Dị là tiến sĩ mỹ học. Khi giảng bài trên bục, bài nào
anh cũng thao thao bất tuyệt, thể hiện một cách hết sức sinh động phong độ học
giả phi thường.
Nữ sinh ngấm ngầm liếc mắt đưa tình và gửi thư tình cho tiến
sĩ Trọng Dị nhiều không biết bao nhiêu mà
kể. Nhưng được biết, trong số rất đông người cạnh tranh, từ lâu Trọng Dị chỉ lọt
mắt Tư Nhu, một nữ nghiên cứu sinh của khoa nghệ thuật. Cảm nhận của mọi người
tương đối giống nhau, ai cũng không thể không thán phục hai người. Bởi vì họ biết,
xét về sắc đẹp và khí chất, không ai sánh nỏi Tư Nhu, mà vẻ đẹp mê hồn của Tư
Nhu chỉ có Trọng Dị mới xứng đáng.
Sau khi cưới hai người sống vô cùng hạnh phúc, Tư Nhu bỏ học,
dưới sự quan tâm yêu mến của Trọng Dị, chị vẫn giữ vẻ khiêm nhường thầm lặng
“phu xướng phụ tuỳ”.Nhưng Trọng Dị tuyệt đối không cấm cố vợ yêu quí trong phạm
vi gia đình nhỏ hẹp. Là tiến sĩ mỹ học, đương nhiên anh biết tăng thêm niềm vui
nghệ thuật trong cuộc sống đạm bạc đời thường. Cứ cách một thời gian anh lại dẫn
vợ yêu đi thưởng thức âm nhạc, chơi bóng bolinh, hoặc đi du lịch…
Nhà văn Vũ Công Hoan
Một lần, Trọng Dị và Tư Nhu đi xem triển lãm tranh, những
nhân vật phong cảnh bị cố định trong khung tranh, qua bình luận của tiến sĩ Trọng
Dị, hình như mỗi bức tranh đều gợi lại sức hấp dẫn nghệ thuật thần kỳ hơn. Tư
Nhu chìm đắm vào trong đó, bỗng nẩy sinh cảm giác như tắm trong mưa giữa đại hạn.
Trước bức tranh khoả thân, Trọng Dị chợt ngừng giảng giải.
Người đàn bà khoả thân đứng cao vời vợi trước tầm nhìn của đám
đông. Có lẽ xuất phát từ nhu cầu nào đó, đã xử lý hơi mờ mờ khuôn mặt, nhưng cơ
thể nây nây mịn màng trắng như ngọc như ngà cùng với bóng tối phơn phớt hồng, càng
có thể khiến người ta cảm nhận sự rạo rực ấm nóng chân thực.
Xin ngài nhận xét lại bức tranh này.
Có người nôn nóng đã sốt sắng đề nghị .
Trọng Dị lắc đầu, cố tình ra vẻ do dự, nói một tiếng:
- Đẹp quá, không nói được gì hơn. Anh ngắm nhìn bức tranh,
lại liếc nhìn vợ yêu, lùi mấy bước nói một cách nghi hoặc:
- Lạ quá nhỉ! Tại sao mình cảm thấy người trong tranh này rất
quen?
Tư Nhu bước tới ghé vào tai chồng khẽ nói:
-
Anh nói đúng, người trong tranh chính là em.
Trọng Dị ngạc nhiên hít một hơi, hai mắt chằm chằm nhìn bức
tranh, cái yết hầu ở cổ cứ lên lên xuống xuống liên tục. Anh lẩm bẩm nói một mình:
-
Thật là … không thể tưởng tượng.
Chuyện này được Trọng Dị đem từ triển lãm tranh về nhà. Bằng
giọng điệu vui thú, anh nói với vợ yêu:
- Em rất biết giữ bí mật, không ngờ em còn đi làm người mẫu
cho người khác.
Tư Nhu trả lời rất thông thoáng:
- Có gì đâu, anh đừng quên em trước kia đã từng là sinh viên
của khoa nghệ thuật.
Trọng Dị suy nghĩ rồi bảo:
- Anh quen hoạ sĩ vẽ tranh cho em, con người này bia miệng
không hay. Nhưng bức tranh ấy đúng là tinh phẩm, đẹp vô cùng. Anh sẽ tìm cách
mua nó về.
Tư Nhu không để tâm lắm việc này, còn Trọng Dị thì đích thân
đi tìm vị họa sĩ kia. Vốn cứ tưởng thông qua trao đổi hữu hảo sẽ giải quyết thuận
lợi. Không ngờ vị hoạ sĩ nói bức tranh ấy còn phải tham dự triển lãm lưu động ở
nơi khác, rất khó xác định bao giờ bán lại. Vì sợ giữa đường có người mua mất bức
tranh này, Trọng Dị đã phải rong ruổi đi cùng hoạ sĩ đến mấy thành phố từ nam đến
bắc. Chờ đến cuối năm, kết thúc triển lãm, vị hoạ sĩ kia trả lời dứt khoát mình
phải cất giữ bức tranh này, không định bán nữa.
Lặn lội vất vả già nửa năm, kết quả trở về tay không, Trọng
Dị đã ăn không ngon ngủ không yên vì việc này.
Thấy chồng cố chấp như vậy, Tư Nhu nghĩ ra một cách triết
trung:
- Anh đã thích như thế, được cái hình thể em vẫn chưa thay đổi,
hay là mời người lại vẽ một bức?
- Không! - Trọng Dị gân cổ nói:
- Có một bức ấy đủ rồi! Em là người anh yêu nhất, tuyệt đối
không thể lại…
Trọng Dị không giải thích thêm nữa, trái lại chằm chằm nhìn
Tư Nhu, lẩm bẩm nói một cách si mê:
- Thật là quá đẹp…
Tư Nhu vừa cảm thấy được sủng ái đâm ra lo sợ, lại bị ánh mắt
“xuyên thấu “của chồng nhìn như đóng đinh có vẻ hoảng hốt.
Để có được bức tranh, tiến sĩ Trọng Dị dốc hết tâm tư đi gặp
nhân vật quan trọng của chính quyền, nhờ vả cả danh nhân xã hội đi giúp mình
thuyết phục vị hoạ sĩ kia, thậm chí không tiếc bỏ ra hai tranh chữ và một chiếc
nghiên cổ cất giữ trong nhà, lại cộng thêm một khoản tiền mặt khiến ai cũng phải
chà chà tặc lưỡi xuýt xoa. Cuối cùng đã khiến vị họa sĩ động lòng và rút cuộc đã
mua về bức tranh đó.
Thấy chồng hết sức cung kính quì lạy bức tranh, Tư Nhu đề
nghị nên ăn khao chúc mừng. Chị chủ động đi mua sắm. Sau ba mươi phút, Tư Nhu mở
cửa nhà, một đám khói đặc khịt xộc thẳng vào mũi. Chị vội vàng đi vào bếp, bất
chợt hết sức ngạc nhiên: Chỉ thấy Trọng Dị đứng trước bếp lò khói lửa mù mịt, đang
đốt dải vải tranh màu sắc cuối cùng, lại nhìn bức tranh kia - chỉ còn mỗi chiếc khung trơ trọi!
- Anh…anh làm gì thế?
- Ha ha, bây giờ ổn rồi, tất cả đều kết thúc!
Tiến sĩ mỹ học quay mặt bám đầy ố bẩn, nói với vợ bằng giọng
đời thường khản đặc:
- Còn không hiểu hay sao? Em là vợ anh! Tại sao anh lại để
kẻ khác tuỳ tiện ngắm nhìn thân thể loã lồ của em?
Chiếc làn đồ ăn trong tay Tư Nhu bỗng rơi bịch xuống đất. Các
loại thức ăn vung vãi tứ phía. Từ trong một chai rượu vỡ tan, rượu đỏ như máu tươi
từ từ chảy loang ra nền nhà …
Vũ Công Hoan dịch
(Theo “ Tiểu
tiểu thuyết năm 2005” Nhà xuất bản Ly Giang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét