Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

MẸ ỐM VỚI LỜI BÌNH

 

MẸ ỐM

       TRẦN ĐĂNG KHOA



(Đăng Tuần san Đời sống gia đình số 34 ngày 03/9/2020)

 

Mọi hôm mẹ thích vui chơi

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

Lá trầu khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

 

Cánh màn khép lỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan

 

Khắp người đau buốt, nóng ran

Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

Người cho trứng, người cho cam

Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào


Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

 

Mẹ vui, con có quản gì

Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con sắm cả ba vai chèo

 

Vì con mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khoẻ dần dần

Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

 

Rồi ra đọc sách, cấy cày

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…


 


LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN



 

“MẸ LÀ ĐẤT NƯỚC, THÁNG NGÀY CỦA CON”



Chủ đề người mẹ đã và luôn là dòng chảy cảm hứng bất tận của thơ ca, nghệ thuật. Trong đó, tôi rất thích bài thơ “Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa bởi nhan đề và nội dung thật độc đáo, không giãi bày cảm xúc với mẹ nói chung như nhiều thi  sỹ khác mà viết về mẹ bị ốm. Mặt khác bài thơ được sáng tác bởi một tác giả mới lên 10 tuổi nên toàn bộ cảm xúc, hình ảnh của  bài  thơ  đều  rất hồn nhiên.

Mở đầu là một câu kể của một em bé nói về mẹ rất ngây thơ: “Mọi hôm mẹ thích vui chơi / Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu”. Khác biệt giữa mọi hôm mẹ khỏe bình thường và hôm nay mẹ ốm mệt, đứa con đã cảm nhận bằng trực giác. Cách nói “mẹ thích vui chơi” đúng là cái nhìn của trẻ thơ khi thấy trước đó, hễ có thời gian ở nhà là mẹ vui đùa chơi cùng con - còn khi mẹ làm lụng ngoài đồng con đâu thấy được? Những câu thơ tiếp tưởng như vẫn cảm nhận về mẹ qua những gì con thấy: “Lá trầu khô giữa cơi trầu / Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay” nhưng thực chất, câu thơ đã nói rõ hơn những việc yêu thích của mẹ thường ngày. Mẹ ăn trầu cũng là thói quen duy trì một phong tục từ lâu đời của người Việt. Mẹ rất thích đọc Truyện Kiều bởi mẹ thuộc nằm lòng. Mẹ kể Kiều, ngâm Kiều cho các con nghe, dùng thơ Kiều hát ru con ngủ... (Chúng ta rất cảm ơn mẹ bởi nhờ có mẹ với tâm hồn yêu thơ ca dân tộc như thế nên làng thơ Việt mới có thi sĩ ưu tú Trần Nhuận Minh và thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa). Tuy nhỏ tuổi, tác giả đã biết nghĩ đến những vất vả của mẹ: “Nắng mưa từ những ngày xưa / Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”. Hình ảnh ẩn dụ ở đây thật gợi cảm, nhấn mạnh   tính cần cù ở mẹ. Mẹ ốm mệt có lẽ vì quá vất vả chăm lo cho gia đình: thường ngày mẹ vẫn “cày cuốc” làm ruộng, chăm vườn từ sớm tới trưa bất kể mưa nắng. Là thiếu nhi nhưng tác giả đã sớm ý thức được những hy sinh thầm lặng đó của mẹ khiến mẹ và tất cả những ai đã đọc bài thơ đều cảm động. Phần thơ tiếp cho thấy sự quan tâm thăm hỏi của cô bác qua những hình ảnh rất giản  dị,  mộc  mạc: “... Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm / Người cho trứng, người cho cam / Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào”. Điều này cho thấy thường ngày mẹ sống rất nghĩa tình, giờ mẹ được nhận lại tình cảm ấm áp và  sự quan tâm của xóm làng  là  xứng  đáng.  Nhờ  người thân chăm sóc và xóm làng  sẻ  chia  mẹ  lui dần bệnh tật. Sự gượng dậy của  mẹ được  đứa  con  tái hiện sinh động và hồn nhiên làm sao: “Cả đời đi gió đi sương / Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Với mong ước mẹ vui và khoẻ lại, chủ thể trữ tình đã     cố gắng hết mình, làm trò vui, diễn  xuất  đủ  mọi hình thức: ngâm thơ, kể chuyện, múa ca, diễn chèo: “Mẹ vui, con có quản gì / Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca / Rồi con diễn kịch giữa nhà / Một mình con sắm cả ba vai chèo”. Không chủ đích phản ánh nhưng các hoạt động cố gắng làm mẹ vui tỏ rõ người con có  khả năng văn hóa, văn nghệ và bộc lộ rõ nhất tình yêu, lòng biết ơn đối với mẹ rất chân thành: “Vì con mẹ khổ đủ điều / Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn / Con mong mẹ khoẻ dần dần / Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say”. Khép lại bài thơ là những câu từ dung dị nhưng có tầm khái quát lớn “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...”. Cho dù tác giả còn rất nhỏ nhưng với câu thơ này, tình yêu dành cho mẹ không chỉ hướng tới một cá nhân nữa mà đã mở ra không gian, thời gian cao xa, rộng lớn đã nâng giá trị bài thơ rất nhiều. Tình yêu mẹ cha gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét