NÉT ĐẸP NHÂN VĂN NGƯỜI THƠ MIỄN CỔ TÍCH
CHUYỆN VUI XƯA - NGÀY CÁ THÁNG TƯ
Sáng nay, mở mạng mới thấy dân tình ta xôn xao chia sẻ với nhau về sự... nói dối.
Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay, bùi ngùi nhớ lại một kỷ niệm vui của ngày này.
Năm ấy, có dễ vào tầm năm 2012- hay 2013 gì đó. Khi ấy, nhóm bạn chơi "thuốc lào, điếu cày" của chúng tôi ( Sau này, cánh bạn bè Hà Nội đặt cho một cái tên rất chi là hay ho: " Thi sĩ đồng quê" ) còn khá sung mãn: Xuân Đam, Thường Dân, Quốc Anh, Xuân Nhuận, Tô Diệp, Trần Thiệu Bá, Trần Hùng, Trần Quốc Thái, Trần Quốc Anh...
Trong cả một tiểu đội mày... rất râu, mỗi tôi được tặng danh hiệu "Đ... không qua ngọn cỏ". Nhưng bù lại, tôi được cưng chiều...thôi rồi!
Tôi vốn làm ăn ở Hà Nội, lại đông con, nhiều cháu, nên dứt ra được cái tổ kén bù xù đó, về được quê, ngồi trên thuyền, uống rượu với sung xanh, luyên thuyên thơ phú với các...ông anh văn chương, cũng thật khó khăn lắm! Cho nên, một năm đôi ba bận, nhiều lắm là bốn năm bận, gặp được nhau là quý lắm rồi! Tính tôi, không hay nói trước điều gì, nên cứ lên ô tô Dương Sim, về đến Phà Tân Đệ, mới gọi điện báo cho một ai đó trong nhóm. Và tin tôi đã về, được truyền đi rất nhanh. Các "Thuốc Lào Viên" nhoáng nhoàng, tập hợp khá đông đủ tại "Thuyền Thơ".
Anh Nguyễn Xuân Nhuận phóng xe máy từ Thanh Nê, trên giỏ xe kiểu gì cũng có vài thức nhắm. Khi thì miếng thịt trâu tươi, lúc lại khoanh giò thủ hay cân lạc tươi để luộc. Quốc Anh chân thật, chân giả, tập tễnh, nhồi vào giỏ xe bọc bánh cuốn "Làng Bùi Loe" cùng gói thuốc lào.Tô Diệp người mỏng như chiếc lá cuối thu, bươn bả đạp xe từ Chợ Lụ, lần nào cũng mang theo một mớ sách ốc cùng mấy bông tầm xuân hay hoa cúc nhí. Và Xuân Đam điệu đà kẹp nách chai rượu nút lá chuối, thủng thẳng đi bộ ra, dương cặp kính cận lơ ngơ, cứ như vừa mới rơi từ... Sao Hoả xuống không bằng!
Chúng tôi hồ hởi, gặp nhau. Thường Dân bao giờ cũng có trà thật ngon, nước vối thật thanh, rượu tăm Bà Đô loại một, rau lang thật tươi và đệ nhất là món lạc rang thật khéo, để thết bạn hiền. Có những hôm, chẳng chuẩn bị được gì làm mồi nhắm, Thường Dân lôi âu dưa muối, Quốc Anh vặt tạm chùm sung xanh với muối ớt.Thế mà ngon, mà bổ béo cho cái bao tử và cho... thơ nữa!
Rượu vào, tất có lời ra!
Chuyện có lúc tuôn ra ùng ục như thóc đổ cối xay, có lúc lại im như thóc đổ bồ. Thôi thì đủ các loại phiếm; Chuyện đời, chuyện thơ; Chuyện ngày xửa ngày xưa; Chuyện hồi nảo hồi nào: "Tớ mấy lần định tán... đằng ấy, nhưng lại... thôi"! Có khi không gian vỡ oà, bởi những câu thơ hay bất chợt, hoạc bị chọc cười đến vỡ cả bụng, nhưng cũng có khi, không gian như chìm vào tận cùng của... thế giới. Ây là lúc, Xuân Đam say, anh đọc thơ về mẹ, về những nỗi đau... rồi... khóc! Ấy là lúc, Thường Dân bẻ bẻ ngón tay, mắt lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Bên ngoài kia, trên mặt làn nước biếc xanh của dòng sông Sứ, một mảng lục bình lặng lẽ trôi... Đâu đây, bên bờ sông, trên không gian, vài con chim di chú lạc bầy, thất thanh gọi bạn não nề. Một cơn gió nhẹ, làm mạn thuyền hơi chao đảo lắc lư.
Buồn!
Không ai nói gì và cũng không ai đọc thơ nữa. Mắt cứ trân trân nhìn nhau, tay nắm tay nói với nhau bằng những cái siết chặt...
Và có những đêm trăng thơ, những đêm trăng hát chèo, những đêm trăng rủ nhau ra ngồi ở mũi thuyền ngắm những hàng cây si cổ thụ xoã tóc. Cây cổ thụ ở bến sông này, hệt như những người đàn bà duyên thầm, phải khám phá vào ban đêm, nhất là những đêm trăng mới thấy đẹp, thấy thú, mới có đủ cơ duyên để mà "giao lưu", mà phát hiện ra sự huyền bí và cốt hồn của..."Người Đẹp Miền Cổ Tích"!
Trong số chúng tôi, "Người Thơ đích thực" Quốc Anh là người dành thật nhiều vần thơ đắm say nhất, cho những "Nàng Thơ" của miền sông nước này.
Chuyện về Thuyền Thơ thì nhiều, bài viết ngắn này, chưa đủ lượng.
Lại trở về chuyện tháng tư năm ấy. Đã mấy tháng ròng mà tôi chưa được về thăm quê, thăm bạn.
Việc nhà, việc cơ quan, việc bán buôn, đông đặc như đêm ba mươi tết. Mùng một tháng Tư năm ấy, mở mắt đã thấy Xuân Đam lách nhánh nhắn khoe thơ. Gã thấy tôi chưa trả lời thì gọi điện. Nhà hàng xóm đang sửa nhà, tiếng ồn vọng sang, gã gắt:
- Bà ở đâu mà ồn thế?
Chợt nhớ, hôm nay là ngày cá, tôi hét vào máy:
- Đang trên...ô tô!
- Lại xớn đi đâu thế?
- Về quê chứ đi đâu!
- Với ai?
- Với đoàn Hà Nội!
- Về đến đâu rồi?
- Tân Đệ!
Tôi nghe gã dập máy cái rụp. Rồi tôi cũng tiếp tục tay năm, tay mười: đi chợ, nấu cơm, trông cháu lại cả bán hàng nữa và quên béng đi sự đùa cợt tôm cá vừa rồi với Xuân Đam.
Tầm trưa, cơm nước cho cả nhà xong xuôi, tôi mới mò đến điện thoại vứt ở cửa hàng, thì giật mình, tá hoả, không biết bao nhiêu cuộc gọi nhỡ, nhắn tin. Cụ thể như sau: Ánh Tuyết được Xuân Nhuận thông tin, chả biết ất giáp gì, cũng bố trí người trực thay ở Hội văn học nghệ thuật tỉnh (hồi đó Nàng Thơ đang là quyền chủ tịch), xăng xái thuê xe... về Thuyền!
Thường Dân cũng chả thèm hỏi chị xem "đoàn khách" gồm những ai, về bao nhiêu người, có ăn cơm hay không, cứ vô tư hô hào bà con nhóm " Thuốc Lào Điếu Cày" dọn thuyền, nấu cơm rượu...chờ khách.
Tô Diệp, Quốc Anh lẩy bẩy đạp xe tới cùng chuẩn bị và dài cổ chờ...ô tô!
Sau khi sắm sửa "cỗ bàn" xong xuôi, các "Con nhà giời" ngồi tào lao, hút thuốc lào... vã để...chờ cơm!
Vụ này, sau tôi bị phạt thật nặng, nhưng cũng là cái cớ cho nhiều bài thơ hóm hỉnh, đánh dấu cho tình bạn vô tư, hồn nhiên nhưng chứa chan vàng ngọc của những người bạn tri kỷ, trị âm trong nhóm "Thi Sĩ Đồng Quê" vô vàn dễ thương của tôi.
Tôi xin trích một bài về "vụ" đó, được Nhà thơ Nguyễn Xuân Nhuận gửi in trong mục " Nụ cười Miền Cổ Tích" trang 508 "Thi Nhân Miền Cổ Tích 1"
TÔN "NÓ" LÀM VUA
( Cho Tâm Dung)
Ma ranh nhất mực trên đời
Xưa nay "nó" vẫn mười mươi bạn bè
Ánh Tuyết sắp sửa thuê xe
Nhuận ra đứng chán vỉa hè đợi trông
Thường Dân chuẩn bị thuyền sông
Diệp đạp vội vã để cùng lo toan
Nó bảo nó đang dẫn đoàn
Thi Nhân Hà Nội về làng Dưỡng Thông
Đợi hoài, thắt ruột ngóng trông
Cổ dài mắt mỏi mà không thấy gì
Hai tiếng sau hiểu ra thì
Tháng tư mùng một lịch ghi rõ ràng
Ngày nói dối của thế gian
Thế là "nó" đúng, cả làng... chịu thua!
Nói dối được tôn làm vua
Chính hiệu ngang với Sác Lô kém gì."
2024
XN
Ôi các bạn tôi!
Trên đời này, mấy ai yêu quý bạn như các bạn tôi không?
Xuân Đam, Xuân Nhuận, Tô Diệp!
Ngày cá tháng tư này, các anh ở đâu?
Hà Nội ngày 1-4-2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét