Y Mùi bền trí lực đi suốt đường văn
Sáng 5/4, tại Hà Nội, nhà văn Y Mùi và những người bạn văn đã cùng ngồi lại đàm đạo về tác phẩm Vụn vặt chuyện nhà. Cuộc tọa đàm gần gũi, ấm áp với sự có mặt của nhiều cái tên có phần thân thuộc với giới văn chương như Chử Thu Hằng, Vũ Nho, Trần Đức Tĩnh, Nguyễn Hồng Minh, Trần Mạnh Hảo, Hồng Nguyên, Phan Mai Hương…
Công tác trong ngành y tế, nhưng với tình yêu văn chương từ nhỏ nên sau khi nghỉ hưu, nhà văn Y Mùi (tên thật là Đào Thị Mùi) thấy tiếc những gì mà mình đã trải nghiệm trong cuộc sống và muốn dùng phương tiện văn chương lưu lại một đôi điều gì đó cho đời. Chính vì khao khát đó, chị đã theo học liên tục 4 khóa bồi dưỡng viết văn do Trung tâm đào tạo viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thường niên. Vừa học vừa sáng tác. Tác phẩm của chị đã được độc giả đón nhận và giới văn chương tôn vinh.
Mới đây, tập truyện ngắn Vụn vặt chuyện nhà của nhà văn Y Mùi đã được NXB Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành. Đây có thể coi là một sự khẳng định tài năng và giá trị tác phẩm văn học của nhà văn Y Mùi.
Nhà văn Y Mùi (bên trái) cùng người bạn thân thiết - nhà thơ Chử Thu Hằng tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách Vụn vặt chuyện nhà
Y Mùi - “người văn của sự giản dị"
Tuổi đã ngoài 80, nhà lý luận phê bình Nguyễn Xuân Dương vẫn lặn lội từ Kinh Bắc ra Hà Nội để có mặt cùng người bạn văn Y Mùi trong buổi tọa đàm này. Ông đã dày công nghiền ngẫm và chuẩn bị một bài cảm nhận công phu về Vụn vặt chuyện nhà.
Nhận mình là người rất đam mê bình luận thi ca mà ít khi bình luận những tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng khi đọc Vụn vặt chuyện nhà và một số truyện ngắn của nhà văn Y Mùi đăng rải rác trên các báo, trên các trang mạng xã hội, nhà phê bình Nguyễn Xuân Dương chia sẻ ông đã bị truyện ngắn của Y Mùi chinh phục cảm xúc.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Xuân Dương chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm Vụn vặt chuyện nhà của nhà văn Y Mùi
“Có rất nhiều truyện ngắn đã thực sự làm cho trái tim già nua của tôi phải run rẩy và nhiều khi tôi đã không kìm được những giọt lệ sẻ chia đồng cảm với các nhân vật là đàn bà trong truyện ngắn của Y Mùi. Chị đã lấy những nguyên mẫu của cuộc đời thực tạo dựng nên thế giới văn chương của mình. Đọc truyện ngắn của nhà văn Y Mùi tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh: “Mỗi người một số phận/Đi mang mang trong đời”. Thế giới văn chương của nhà văn Y Mùi là một thế giới văn chương mênh mông lòng nhân ái đồng vọng và sẻ chia”, nhà lý luận phê bình Nguyễn Xuân Dương xúc động nói.
Gọi nhà văn Y Mùi là “người văn của sự giản dị”, nhà văn Phan Mai Hương cho rằng, Vụn vặt chuyện nhà sẽ cuốn hút người đọc bởi lối kể chuyện mộc mạc giản dị và “có cảm giác như Y Mùi không cần bỏ công chau chuốt câu chữ hay hình ảnh”.
Nhà văn Phan Mai Hương chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm Vụn vặt chuyện nhà của nhà văn Y Mùi
“Chị không làm điệu trong văn, chị không chau chuốt cầu kỳ trong hình ảnh. Văn của chị là sự giản dị đến mức chị cũng gần như không lựa chọn câu văn, mà để cho văn tự đến với ngòi bút trong cảm xúc tuôn chảy. Vì thế, ta gặp một Y Mùi hồn nhiên, chất phác, và phơi phới tự tin”, nhà văn Phan Mai Hương cảm nhận.
Bền trí lực đi suốt đường văn
Nhận xét về tình huống truyện trong Vụn vặt chuyện nhà, nhà lý luận phê bình, PGS.TS Vũ Nho cho rằng, hầu như nhà văn Y Mùi không dùng truyện không có cốt truyện, không dùng truyện kiểu văn xuôi giàu chất thơ. Mỗi truyện đều có tình huống. Ấu thơ một thời, Người quê, Vụ vặt chuyện nhà, Có một tuổi thơ, Nước mắt có còn không, Phận đàn bà đều là các truyện có tình huống. Các nhân vật làm cho người đọc phải hồi hộp theo dõi họ đã vượt lên số phận, vượt qua hoàn cảnh như thế nào. Tất cả đều được kết thúc một cách bất ngờ mà hợp lí.
Nhà lý luận phê bình, PGS.TS Vũ Nho chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm Vụn vặt chuyện nhà của nhà văn Y Mùi
Về nhân vật trong trong Vụn vặt chuyện nhà, theo PGS.TS Vũ Nho, nhà văn Y Mùi đã xây dựng được các nhân vật có ấn tượng. Dù là một lát cắt thời gian, nhưng nhân vật có số phận, có tính cách rõ rệt. Chị hàng trầu vỏ (Những nẻo đường tu); cô Hoa (Liệu có thể khác đi); cô Gấm (Cô Gấm); cụ Cội (Cụ Cội và con dế hồng), bà Thiện (Nước mắt có còn không), người mẹ thằng Quang (Phận đàn bà)... Đó là những nhân vật đời thường ở quanh ta nhưng với khả năng quan sát và miêu tả của Y Mùi, họ hiện lên khá sinh động.
“Nhân vật truyện ngắn là nơi thử thách khả năng của nhà văn. Các nhân vật Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao; anh Tràng, bà cụ Tứ, ông Hai của Kim Lân; Mị, A Phủ của Tô Hoài; lão Khúng của Nguyễn Minh Châu... là minh chứng điều này. Nhân vật của Y Mùi chưa đạt đến độ sâu như các nhà văn kể trên, nhưng cũng là những nhân vật thành công”, PGS.TS Vũ Nho nói.
Nhiều bạn văn thân thiết của nhà văn Y Mùi đã có mặt tại buổi tọa đàm
PGS.TS Vũ Nho cũng nhận xét, mặc dù tác giả Y Mùi từng du học nước ngoài, từng lấy bằng tiến sĩ ngành Y, từng sống nhiều năm ở thành phố nhưng mặt mạnh của tác giả là viết về những người quê. Một số truyện của Y Mùi có dấu ấn của yếu tố tự truyện. Chính tuổi thơ của người viết gắn bó với làng quê miền trung du đã để lại ấn tượng sâu sắc. Những trang nói về người quê, cảnh quê cũng là nét độc đáo của nhà văn Y Mùi, làm tăng sự thú vị. Đây là một thành công mới, khẳng định vị trí của cây bút truyện ngắn Y Mùi trên văn đàn.
Nhà văn Y Mùi tặng cuốn sách Vụn vặt chuyện nhà cho những người bạn văn tham dự tọa đàm
Sau Vụn vặt chuyện nhà, liệu nhà văn Y Mùi sẽ đưa chúng ta tới những trải nghiệm cảm xúc nào nữa? Chúng ta có quyền tin rằng ngòi bút của nhà văn Y Mùi bền trí lực đi suốt đường văn, và gặt hái cho mình những trải nghiệm cảm xúc đáng giá. Người đọc hy vọng sẽ được tiếp tục đồng hành cùng nhà văn Y Mùi trên mọi nẻo đường văn chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét