Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

NGƯỜI TƯỚI RƯỢU CHO VĂN CHƯƠNG SAY

 


NGƯỜI TƯỚI RƯỢU CHO VĂN CHƯƠNG SAY

Nguyễn Đức Hạnh
Đến ngã ba sông ở Việt Trì, hỏi thăm về nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, ba con sông trả lời khác nhau, biết tin con sông nào bây giờ?
Sông Lô bảo: Người văn ấy tinh tế và cầu kì, người sao thì văn ấy, những câu văn của anh ta có hương vị rất riêng…
Sông Hồng bảo: Một trường văn hóa giàu có, liên tưởng rộng và sâu chỉ có nghệ sĩ tầm vóc mới viết được như thế…
Sông Đà bảo: Viết câu ngắn trong truyện ngắn, câu dài ở tùy bút và một sự tùy hứng không đoán định phụ thuộc vào trường cảm xúc văn cảnh. Như lá khẽ khàng rơi xuống hồ lạnh cuối thu, như sỏi trắng buông mình xuống giếng cổ đêm trăng, âm vang ấy vang lên làn sương sớm giật mình tan thành thơ…
Mỗi con sông thầm thì một cách, chẳng biết và nghe sông nào? Đành phải giờ hai tập tùy bút và du kí của ông ra đọc: - Dặm ngàn hương cốm mẹ, Đợi mới chị về tưới rượu bến sông, đọc xong mới nhìn thấy một gương mặt văn nhân thấp thoáng sau ngàn lá cọ vùng đất cổ Phong Châu, có lúc như Hoa Bưởi trắng muốt bến Đoan Hùng, có lúc lại như đá ong ngủ thiu thiu dưới trầm tích văn hóa vùng Bạch Hạc. Hai tập sách ấy là gương soi cho chân dung văn học của nhà văn, với ai không biết, với Nguyễn Tham Thiện Kế thì câu thơ sau của Hàn Mạc Tử vận vào hoàn toàn chính xác “Người thơ phong vận như thơ ấy”.
Không nghe lời ba con sông kia nói nữa, nghe hai tập sách thì thầm kể bao điều về những vùng văn hóa giàu có, mà từ đó “Cây văn chương” của nhà văn mọc lên, vời một vẻ đẹp riêng, một dấu ấn phong cách nghệ thuật tài hoa, phóng khoáng mà cầu kì tinh xảo, vừa phiêu lãng vừa tỉ mỉ, chân xác. Có thể nói, những sắc màu thẩm mĩ tưởng chừng tương phản mà lại hòa kết lạ lùng trong những trang viết kén người đọc vô cùng của nhà văn.
1. Những “Giọt rượu” văn hóa Phong Châu thơm cay mùi vị hoài niệm, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp trước nữa, nên nó có vị ngọt của hạnh phúc, đắng của chia xa, mặn của nỗi đau, và thơm nồng nàn của yêu thương trong níu kéo. Đây là nghệ thuật của ẩm thực Việt tụ lại trong “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm”.
“Nước dừa, đường mía lau với tinh bột sắn dây pha loãng đun chậm lửa trong nồi đồng thau, rùng rùng thấu như thạch anh rồi thả hạt sen tươi màu ngọc trai hầm đủ độ tơi bở nở chúm chím lửng lơ như nụ hoa ngọc lan. Quấy đều chuyên ra bát sứ trắng mem lam. Gần như nín thở. Mẹ rắc cốm ngọc bích đậu lên mặt thạch anh đầy tràn ánh sáng…”
Vẫn chỉ là cốm từ nếp cái hoa vàng mà có nhạc, có họa có lãng đãng thơ cùng trầm tư văn xuôi, rồi dậy hương trong một bát cốm vừa thực, vừa ảo.
Còn đây nữa nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với kỉ niệm vừa ngọt ngào vừa đắng chát về người dì thơm thảo - Chao ôi phận tằm là phận người. Dâu xanh bạt ngàn triền sông giờ không còn nữa. Câu “Bãi bể nương dâu” bỗng trở về, mặn mòi dưới đáy sâu ngôn từ “Nói vui thuận miệng, dì kể rằng khi xưa công chúa Thiền Hoa gọi”. Bướm Tằm là ngài, gọi thứ vải dệt từ tơ tằm là lụa. Là con gái Vua Hùng hiền thục, nhưng Nàng không chịu lấy chồng. Công chúa biết tiếng chim và bướm (…) Một ngàn dâu đã chẳng vị một cây dâu và một nong tằm cũng xảy sa vài ba chiếc kén…”
(Ngàn dâu chẳng vị một cây)
Văn hóa Phong Châu giầu có vô cùng, đó là “nguyên liệu” tuyệt vời để nhà văn lấy trái tim mê đắm của mình làm một “nồi nấu rượu”, để chưng cất thành những giọt tùy bút mang hương vị riêng của mình. Không trực tiếp ca ngợi văn hóa Phong Châu! Việc đó là của cái nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn chỉ tìm kiếm, nâng niu một số “Hạt vàng mười” văn hóa vùng đất cổ, mà phải là những tinh hóa văn hóa, đặt vào tùy bút những kỉ niệm máu thịt của mình, rồi nghe trầm tích văn hóa hát, khóc, thở dài và nhắn nhủ bao điều. Chỉ cần đọc qua nhan đề của một số tùy bút, chúng ta đã nghe gió hoài niệm thổi trầm buồn, mưa thương nhớ cứ lây phây gõ vào từng câu chữ. - Cọ ngàn xưa thổi động, tháng tư sắp kết hoa vàng;Niệm khúc giếng làng, Trong bóng ngôi nhà cổ đã mất, Dặm ngàn xanh cố hương…
Những “giọt rượu” văn hóa của Nguyễn Tham Thiện Kế lại được “Hạ thổ” rất lâu trong tình yêu đẫm xót xa của nhà văn.
Trong văn chương, đối tượng thẩm mĩ thường không mới, các nhà văn có tài năng ghi dấu ấn phong cách nghệ thuật độc đáo của mình ở hai phương diện.Có một cách khám phá mới, có một hình thức biểu đạt mới. Cả hai cái mới ấy kết hợp nhuần nhuyễn thì tạo ra một cái nhìn nghệ thuật đặc sắc. Nếu không có được cái nhìn nghệ thuật mới này, người viết sẽ bị hòa tan khi đứng trong “Dàn đồng ca” có chung một giọng diệu, không thể đơn ca được. Nguyễn Tham Thiện Kế dù lặng thầm sống và viết, dù không tham gia các cuộc thi để mong đạt giải thưởng, nhưng đã kiến tạo được phong cách nghệ thuật độc đáo: - Nhìn và miêu tả thế giới với cái nhìn duy mĩ đến mức cực đoan, ngôn từ và giọng điệu nghệ thuật cũng được thơ hóa, lí tưởng hóa để trở thành bút pháp nghệ thuật vẽ lên bức tranh hiện thực theo cách của riêng ông.
Cứ như thế, có lúc nhà văn như một nhà khảo cổ học văn hóa, tìm kiếm cất giữ và lưu kí ức những báu vật văn hóa mà mình yêu quý, có lúc lại như người làm muối từ nước biển mà làm ra “hạt muối” văn chương, Nguyễn Tham Thiện Kế đã tìm ra một hình thức nghệ thuật đặc sắc, để nói về những đối tượng thẩm mĩ không mới. Đã bao người viết về những rừng cọ bạt ngàn xanh Phú Thọ, nhưng không ai viết về Cọ như nhà văn này:
“Cảm giác Sông Thao trong tôi chính là nỗi sương khói nhớ Sông Thao mà tôi có. Bóng Cọ hom tàn chon von đơn lẻ nghiêng nghiêng bên sườn dốc đỏ như lòng son ngoằn nghèo nổi chói trên nền cỏ tế xanh dại; dáng Cọ hom tàn như người con gái nơi chân núi lỡ thì đợi chờ vu vơ cho lời thề nào đấy. Cả rừng Cọ cuồng nhiệt hươ lên gươm giáo rực những không khí đấu tranh, xòe lớp lớp bàn tay vẫy nồng nàn…”
Cách viết của nhà văn gợi nhớ đến của Nguyễn An - người Việt bị bắt sang Trung Quốc thời nhà Minh, trở thành Tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành. Một lần bị tội chết vào trong ngục tối, Nguyễn An xin quản ngục 1 nắm gạo nếp, rồi chọn những hạt gạo to nhất, cắn móng tay làm dao sắc. Mấy ngày sau, viên quản ngục dùng 10 ngón tay nâng 10 con voi tí hon tạc bằng 10 hạt gạo nếp, dâng cho Hoàng Đế nhà Minh… Sao cách tạc gạo nếp thành voi của Nguyễn An cứ phảng phất gợi liên tưởng về bút pháp và cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tham Thiện Kế ?
2. Thành gió trầm tư trong Du kí văn hóa với “Đợi chị về tưới rượu bến sông”
Nguyễn Tham Thiện Kế là một người văn phiêu lãng, mê xê dịch. Mái tóc để dài của anh nếm gió muôn phương nhiều quá, cứ run rẩy rồi như múa trong vũ khúc phương xa xứ lạ. Đi để hiểu văn hóa của người, rồi yêu hơn và đôi khi xót xa hơn khi ngắm chính mình, đọc tập sách “Đợi chị về tưới rượu bến sông” chỉ điểm qua một vài cái tên, chúng ta đã biết trái tim nghệ sĩ kia đã thảng thốt, suy ngẫm, chiêm nghiệm những gì:
“Người ta bảo rằng, có thể thấu tỏ về một người khi nghe người ấy nói về những bông hoa (…) Dường như ở Dijon, tôi không ngủ. Đêm Dijon thổn thức giao tình cùng tôi bằng hương thơm mê dịu bằng những cơn gió thì thào ngoài khung cửa áp mái, bằng ánh sáng đèn trong khu vườn ánh ướt sương, bằng cả trằn trọc đẫm mồ hôi, bằng cả trời sao kim cương nhấp nháy, tò mò, đồng lõa” ( La Victorine - thiên đường nhỏ xứ Dijon).
Âm nhạc chảy trong câu văn hay câu văn đang tự hát không biết nữa! Chỉ biết khi gặp gỡ đôi vợ chồng chủ nhân khu vườn ấy, tình yêu dành cho hoa cỏ của họ làm ta nhớ đến những cỏ hoa ta từng không trân trọng.
Thái độ với thiên nhiên là thước đo cho văn hóa của mỗi cộng đồng, của mỗi con người. Soi vào tâm hồn trong vắt của họ, trở về ta giật mình đi qua những khu rừng bị tàn phá. Tác phẩm này như một bản nhạc, mà chủ đề của nó đâu cần phải nói rành mạch bằng lời.?!
Trong tác phẩm “Và cơn mưa bất chợt xuống Lausanne” nhân vật tôi đã gặp một gia đình người Việt nơi xứ người, còn đây là cuộc đối thoại của họ - một cuộc đối thoại đắng chát, còn kéo dài trong ngậm ngùi
“Bé gái Mếu: - Má ơi! Tiếng Việt sao bỗng nghẹn ngào (…) Tôi chủ động lên tiếng: - Nếu tôi không lầm, thì anh chị cũng là người Việt. Người chồng nhếch môi - Non.Ref. Nons Canada! (…) Lạc đại ngàn, bơ vơ giữa hoang mạc, tôi không thấy hoang mang như lúc này đứng trước huyết thống Việt của mình. Đồng bào tôi đã lạc loài hay tôi và chị lạc loài?”
Một chi tiết nhỏ hàm chứa bao dâu bể của lịch sử, của văn hóa? Tác giả không bình luận gì thêm, nhưng cuộc đối thoại kể trên như một mũi kim nhỏ cứ xoáy mãi vào trái tim người đọc.
Với tập Du kí này, theo đặc trưng thể loại của nó, nhân vật trần thuật liên tục di chuyển trong một hành trình: Đi - Cảm nhận - Chiêm nghiệm - Sáng tạo. Nhưng đó mới chỉ là khung lí thuyết, còn trong tập sách này, Nguyễn Tham Thiện Kế đi bằng “Trữ lượng văn hóa”giàu có của mình, sau bao quan sát miêu tả tinh tế, sắc sảo là những “Nụ hôn văn hóa”, dành cho bao vùng đất lạ có cả ngọt ngào và cay đắng. Vẻ đẹp ngôn từ trong nhiều bài du kí thật lạ lùng, nó giống như tiếng Dương cầm vang lên trong Biệt thự cổ vào lúc nữa đêm, có nến thắp sáng, rượu nho Pháp thật lạnh, nhưng hình như không thấy người chơi đàn, chỉ có gió ôm kỉ niệm thành ngón tay vô hình, gõ vào hồi ức, cả quá khứ và hiện tại, chảy thành giọt âm thanh đa sắc, qua năm giác quan mà vào làm tổ trong trái tim độc giả:
“Cơn say nửa tiếng, cơn say một ngày, cơn say ngân nga một đời. Ai cũng sợ say, như mấy ai cưỡng lại được sự ma mị của rượu. Mỗi vùng đất, mỗi người đều có thứ rượu riêng như một giá trị tinh thần (…) Tôi đứng dậy, nhưng sao đường phố và hoa và người ở Beaune bỗng nhiên lộn ngược. Lảo đảo Chị ơi! Chai chưa cạn, sao tôi say, chỉ nhị? Đàn ông lúc nào cũng tỉnh liệu có là đàn ông tốt? Đàn ông lúc nào cũng say có phải đàn ông hay? Ừ, nếu có thể sau này tôi chết, chị nhớ về tưới rượu xuống đất đã là vui…” (Đợi chị về tưới rượu bến sông).
Một buổi chiều ngồi bên Sông Lô, sương khói thành người tình ôm ấp sóng run rẩy, nhìn Nguyễn Tham Thiện Kế nghiêng bình rượu rót mời sông tôi hỏi:
- Văn chương Việt hôm nay có gì mới và hay?
- Có nhiều chứ. Nhưng còn ít người nói thật hay về nó…
- Nói thế nào mới là hay?
- Như sông kia, ta mới nhìn thấy sóng trên sông, còn sóng dưới đáy sâu và bao thứ nữa đang thở dài…
- Tôi thấy tập tùy bút và Du kí của anh rất hay, nhưng sao còn ít người biết tới?
- Như bình rượu hạ thổ 10 năm này, người biết uống thì khen ngon và ngược lại.
Mới uống có đôi chén thôi, thấy Hoa Bưởi Đoan Hùng rụng trắng mặt sông, hương ướp thơm cả cánh cò đang chở hoàng hôn về phía Thăng Long. Người im lặng nghe sông nói thầm. Rồi nhà văn của tôi hình như cũng hóa thành một con cò màu lửa, đôi cánh là Tùy bút và Du kí, âm thầm ngược sông bay về phía Non Tản, chắc định làm tổ trong mây trắng bơ vơ.
1. Nguyễn Tham Thiện Kế, Dặm ngàn hương cốm mẹ, NXB Phụ nữ, 2011.
2. Nguyễn Tham Thiện Kế, Đợi chị về tưới rượu bến sông, NXB Hội nhà văn, 2017.
Tháng 12 năm 2022.
N.Đ.H
 anh_chuan_5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét