PHẠM THƯỜNG DÂN - nhà thơ với bút pháp dân giã
PGS - TS NGUYỄN NGỌC THIỆN
NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC THIỆN
Tôi được biết cây bút thơ Phạm Thường Dân từ giữa những năm 20 của thế kỷ XXI này, nhân chuyến đi cùng các bạn Văn nhóm “Chúng tôi yêu nghệ thuật” về thăm Thuyền thơ của anh neo đậu trên dòng sông Sử quê hương Kiến Xương, Thái Bình.
Sau lần đó, do mến mộ con người thơ này, tôi đã tìm cách quảng bá các thi phẩm của anh trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam cùng các ảnh chụp kỷ niệm cuộc gặp gỡ, giao lưu nói trên.
Thấm thoát đã ngót 10 năm trời! Nay có dịp đọc Tuyển tập thơ với hơn 100 bài thơ có lẻ của anh do nhóm bạn “Thi nhân Miền Cổ tích” biên soạn và in ấn bởi một nhà xuất bản của Hội nghề nghiệp Trung ương, tôi vô cùng trân trọng đọc kỹ tập thơ và nhận ra một điều thuộc về cá tính nghệ thuật của anh.
Ở anh, đó là một lối viết thơ dân giã, nhằm hướng tới đại chúng, bởi cách thể hiện bộc trực, giản dị, một lối thơ không kiểu cách, cầu kỳ, mà như lời nói thường ngày, đậm đà, có duyên. Anh có lối trữ tình tự sự dân gian với những nét hóm hỉnh, tự trào, điểm xuyết những suy nghĩ triết lý về nhân tình thế thái, đạo làm người, chí làm trai…
Anh viết dễ dàng, tùy hứng, phóng túng theo nhiều thể thơ: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, hợp thể, lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi, không bị gò bó bởi những quy định khắt khe, chặt chẽ về niêm luật. Với lối viết tự nhiên như nói, xuất khẩu thành thơ, anh thuật lại, kể lại với giọng điệu khi thì đậm đà, khi thì tưng tửng một câu chuyện dưới góc nhìn của một người quan sát chăm chú. Anh chú mục vào những chi tiết mà theo anh đó là những nét đặc sắc cho thấy cái thần của sự vật, của con người, nó gợi lên, đánh thức sự liên tưởng của người đọc, buộc họ không thể không suy nghĩ cùng người viết.
Lối thơ tự sự này thuộc về dân gian, dân giã, đã có tự bao đời! Ngày nay, dưới góc độ khoa học nghiên cứu văn chương, người ta gọi đó là lối diễn ngôn của dân gian - một cách tư duy nghệ thuật thật thà, tự nhiên, hóm hỉnh, hồn hậu nhưng ẩn chứa bao nỗi niềm tâm sự riêng tư cùng thăng hoa của người viết, nhấn vào từng câu, từng chữ nhặt lên từ giao tiếp của đời thường.
Chẳng hạn, anh viết về kỷ niệm sinh nhật ngoài 70 của mình:
Trên facebook bạn mừng sinh nhật
Giật mình, mới đó đã bảy ba
Lông bông quên cả ngày, năm, tháng
Đến đẻ mình cũng chẳng nhớ ra.
Vậy thì chất thơ của các bài cùng loại nói trên là ở đâu? Phải chăng điều đó khởi phát từ cách chọn các đề tài ngẫu hứng nảy sinh trong đời sống gia đình, trong sự nếm trải kinh lịch của bản thân trên các chặng đường đời trôi nổi, trước các hiện tượng thuộc đời sống thế sự nơi quê hương, phố thị… từ đó làm nảy sinh ra các tứ thơ, các thi ảnh qua góc nhìn riêng anh chợt nhận ra, phát hiện ra, rồi diễn đạt chúng một cách dung dị, như là chảy ra, tuôn trào ra từ nguồn thơ lai láng, tâm cảm thơ tinh nhạy của mình? Và rồi, khi đó, anh chỉ còn để tâm đến việc ngắt dòng cảm xúc của mình sao cho mỗi chữ, mỗi dòng thơ, mỗi khổ thơ đáp ứng về mặt hình thức mà thể tài đòi hỏi một cách đơn giản nhất: sao cho có sự hiệp vần tối thiểu, chẳng hạn chữ cuối của 2 dòng thơ trong một khổ thơ 4 dòng bất kỳ, chỉ cần hiệp vần với nhau là đủ; hoặc sao cho những chữ giữa các dòng ăn nhịp với nhau là đủ?
Bút pháp thơ như trên của Phạm Thường Dân là cách nói thơ dân gian có vần, ít nhiều để người đọc dễ nhớ, bị cuốn theo, để thơ ngân nga trong sự tiếp nhận của người đọc.
Cái đọng lại, gây ấn tượng trong thơ anh là ở sự bộc bạch chân tình, nói thật những suy nghĩ, cảm nhận của mình về các đối tượng sự vật, con người, câu chuyện mà anh đề cập tới. Kết thúc mỗi bài thơ, bao giờ anh cũng dụng công rút ra một vài nhận xét có ý nghĩa triết lý nông sâu về lẽ đời, tình người. Rằng: trên đời này không phải lúc nào trắng/đen cũng rõ ràng, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, mà nhiều khi ngược lại, có những điều trớ trêu, nghịch lý, trái khoáy, ngang trái thật đau lòng, xót xa, bất như ý, thậm chí không tránh khỏi hài hước nữa…
Như thế mới chính là cuộc sống và tất cả những sự đa đoan, thất thường, không thể lường hết trước được… của nó chứ!
Trở lại bài Sinh nhật nói trên, anh kết thúc với khổ thơ trình bày suy nghĩ trải nghiệm của mình khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên, sững sờ:
Không sinh nhật có lẽ là hay nhất
Cứ coi như đời chưa có ta
Để được sống như chưa từng sống
Mặc kệ đời! Mặc kệ tháng năm qua.
Tức là ở đây, chủ thể trữ tình điềm nhiên cho thấy mình là người bất cần, đề cao triết lý hư vô, thoát tục, một quan niệm “vô thủy, vô chung” về sự vật, hiện tượng, tức không có điểm mở đầu cũng không có chốn kết thúc. Nhà thơ hàm ý: con người nhiều khi cần vượt lên, không câu nệ theo thói thường, cần “siêu nhiên” để mình thực sự là chính mình với bản ngã đích thực của mình, không nên bị ràng buộc bởi những lề thói tầm thường do con người bày đặt ra - có vậy mới là con người thực hiện được sự tự do nhất?
Theo thiển ý của tôi, thơ Phạm Thường Dân, ở một khía cạnh nhất định có sự gần gũi với thơ của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính… về kiểu thơ trữ tình - tự sự phác thực, tuyến tính bắt nguồn gốc rễ sâu xa từ thơ tự sự dân gian người Việt có tự bao đời, nay đeo đẳng, gắn bó, nhập nhiễm vào bút pháp của anh một cách tự nhiên như không vậy!
Hà Nội, tháng Giêng năm 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét