Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

VÂN TRUNG: XIN ĐỪNG TÉ NƯỚC VÀO EM

 

VÂN TRUNG: XIN ĐỪNG TÉ NƯỚC VÀO EM

PGS.TS. LÊ THỊ BÍCH HỒNG

VÂN TRUNG ( TRÁI) VÀ TÁC GIẢ BÍCH HỒNG

Tôi nghe tên tuổi chị Trần Thị Việt Trung (bút danh Vân Trung) cách đây hơn 20 năm. Đó là thời điểm tôi về Hà Nội học cao học tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi chuyển công tác và định cư ở thủ đô từ đó. Được nghe thầy cô, bạn đồng môn nhắc đến chị nhiều, nhưng phải gần 15 năm sau, tôi mới thực sự gặp chị. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại Lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị em tôi tay mắt mặt mừng trên sân khấu hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ai cũng rạng ngời niềm vui nhận Quyết định là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh trao tặng. Dường như đã có sự “lập trình” cho cuộc gặp gỡ này. Trước đó, ngày 29/3/1993, tôi và chị cùng dự Ngày Thơ Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long – nơi tôi sinh ra và lớn lên – và đi lướt qua nhau để đúng 15 năm sau mới “hợp duyên”, chị em tôi cùng chung niềm hạnh phúc bước chân vào “Ngôi đền văn chương” cùng một ngày, cùng một sân lý luận phê bình…
Nhanh nhẹn, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề… là nhận xét của đồng nghiệp dành cho PGS. TS Trần Thị Việt Trung – Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên. Nhưng với tôi, ấn tượng về chị, không dừng ở đó. Chị Việt Trung là một người đàn bà đẹp. Một vẻ đẹp mặn mòi, trí tuệ. Nét xuân sắc, dấu hương xưa còn ngời ngợi, bền bỉ trên gương mặt người đàn bà không chịu khuất phục quy luật thời gian. Mặc dù đã ngoài tuổi sáu mươi, nhưng khó ai đoán đúng tuổi chị. Đây là một quyền năng tối thượng, một nguyện ước của bất kỳ người phụ nữ nào. Sinh năm Thân, nhưng có lẽ chào đời vào giờ Dần chăng mà chị được ông Trời thương đắp vun cho đầy đặn đến thế? Việt Trung hội tụ tất cả: SẮC ĐẸP – TÀI NĂNG – NHÂN HẬU – HẠNH PHÚC. Đàn bà chúng tôi chả dám mong ước gì hơn thế.
Trong con người Việt Trung hội tụ nhiều phẩm chất, tài năng. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ giới hạn “Hai trong một”: Một giảng viên đại học đam mê nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số Việt Nam và một người đàn bà thơ tạo nên một phong cách, bởi chọn được lối đi riêng giữa YÊU và THƠ khắc khoải những nhịp đập tình yêu dịu dàng, khắc khoải, đắm say…
Niềm đam mê nghiên cứu
Con đường sự nghiệp và khoa học của Việt Trung khá hanh thông, nếu như không nói là luôn rộng mở, thênh thang. Năm 1973, cô gái học giỏi văn trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, quê Đồng Hỷ (Thái Nguyên) xinh đẹp rạng ngời niềm hạnh phúc bước chân vào Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên). Bốn năm sau (năm 1977), tốt nghiệp loại ưu, Việt Trung được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy môn văn học Việt Nam hiện đại. Chị nhận thức được trọng trách của một giảng viên dạy đại học cần phải đáp ứng được chức năng nhiệm vụ của Trường là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Tự hiểu “cái ta biết mới chỉ như một giọt nước”, tuổi hai mươi tràn trề niềm đam mê được “ra biển lớn” tiếp nhận tri thức mới, Việt Trung khăn gói về trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tiếp cao học và nghiên cứu sinh, chuyên ngành Văn học Việt Nam. Con đường tôi đi cũng được lập trình khá giống chị. Chỉ có điều chị trước, em sau, nên tôi hiểu đến tận cùng những nỗi vất vả, cô độc khó gọi thành tên khi người phụ nữ làm khoa học. Năm 1979, Việt Trung nhận Bằng Thạc sĩ; năm 1994, nhận học vị Tiến sĩ và 11 năm sau (năm 2005), nhận học hàm Phó giáo sư. Chuyển đổi nhiều vị trí công tác khác, nhưng giảng đường vẫn là nơi chị yêu, chị gắn bó bền chặt như “ước mơ xanh” thao thiết ngày nào. Ngoài thời gian lên lớp, Việt Trung hướng dẫn hơn 20 luận văn cao học, 3 luận án nghiên cứu sinh và công bố hơn 40 bài báo, báo cáo khoa học…
Với uy tín chuyên môn, lại là người chỉn chu, trách nhiệm, Việt Trung từng đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt nhiều vị trí công tác tại trường Đại học Thái Nguyên, như: Phó Trưởng ban Ban Đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trưởng ban Quản lý khoa học và quan hệ quốc tế, Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên; chuyên gia giáo dục tại trường Đại học Tổng hợp Phnômpênh Campuchia (1985-1987).
Ngoài ra, Việt Trung còn đảm nhiệm nhiều công tác đoàn thể, Hội nghề nghiệp: Chi hội Trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thái Nguyên;
Chi hội Trưởng Chi hội Lý luận phê bình văn học Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Hội Nữ tri thức Việt Nam; hội viên 03 Hội Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam), Hội địa phương (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên). Và hiện nay, dù đã hết tuổi quản lý, chị vẫn giữ trọng trách biên tập Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên.
Đã mang lấy nghiệp vào thân, Việt Trung say mê nghiên cứu khoa học. Chị dày công rất nghiêm túc và trách nhiệm với các công trình khoa học mà mình hằng ấp ủ. Là một giảng viên đại học, Việt Trung tích cực tham gia chủ biên, biên soạn các cuốn sách, giáo trình phục vụ giảng dạy và học tập. Năm 1995, chị tham gia viết Giáo trình Văn học Việt Nam 1930 – 1945 (lưu hành nội bộ trong trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên). Năm 2016, Việt Trung tham gia cùng Tổ Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn bộ sách Văn học Việt Nam (2 tập, hơn 1000 trang, khổ 16 x 24 cm). Đây là bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam đồ sộ đã kế thừa những thành tựu từ các bộ văn học sử trước đó, đồng thời điều chỉnh bổ sung những nguồn tư liệu và những kiến giải mới về văn học Việt Nam hiện đại.
Ngoài cuốn sách viết độc lập “Lịch sử phê bình Văn học Việt Nam - giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945” (2002), Việt Trung là chủ biên nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam nói chung, như: “Hình tượng nhân vật phụ nữ trong Văn xuôi Việt Nam hiện đại” (2008); tham gia biên soạn sách “Nghĩ tiếp về Nam Cao” (1992), “Thiếu Sơn toàn tập” (2003), “Nam Cao về tác giả và tác phẩm” (2004).
Nhưng điều tôi muốn nói là đóng góp của chị cho việc có nhiều xuất bản phẩm về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Hơn ai, là nhà giáo, cán bộ nghiên cứu, chị hiểu chức năng nhiệm vụ của Trường Đại học Thái Nguyên. Sống và lớn lên giữa Việt Bắc, Việt Trung nhận thấy một nền văn học mang bản sắc dân tộc các độc đáo đã tạo nên một sức hút không thể cưỡng lại bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoang sơ, bởi làn hương đặc biệt mang đậm phong vị núi rừng; bởi những chủ thể sáng tạo ra nó - các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lí luận phê bình người dân tộc thiểu số đã tích cực và tâm huyết trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu… tác phẩm (từ dân gian đến hiện đại), nhằm khẳng định những giá trị nhiều mặt của bộ phận văn học mang đậm bản sắc dân tộc này . Nhưng thực sự còn thưa vắng nghiên cứu từ phía các nhà giáo, các lý luận phê bình ở địa trận này. Trước thực trạng đó, với lòng đam mê nền văn học giàu bản sắc, tự thấy trách nhiệm của nàng dâu Tày (chồng chị là NGƯT Ngô Đình Thành –nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (2001 – 2013), hiện là Giám đốc Nhà hát Dân gian Việt Bắc, dân tộc Tày Lạng Sơn). Xuất phát từ tinh thần đó, chị và đồng nghiệp đã hướng nghiên cứu đến “mảnh đất màu mỡ” và chị đã dành sự ưu tiên cho khu vực này. Điều đó đã thể hiện ở việc chọn đề tài nghiên cứu. Việt Trung đã chủ trì 03 đề tài nghiên cứu cấp Bộ về dân tộc thiểu số Việt Nam: “Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (khu vực phía Bắc) (B2007-TN01-05)”; “Nghiên cứu đặc điểm thơ ca Mông, từ dân gian đến hiện đại” (B2010-TN03-04); “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại – dưới góc độ thể loại” (2015)...
Thơ Vân Trung – Khát vọng thách thức với thời gian
Ở lĩnh vực thơ, tôi thích gọi chị bằng bút danh Vân Trung. Không biết bút danh của chị có liên quan gì đến bài thơ “Vân trung quân - 雲中君” (Thần mây) của Khuất Nguyên mà tôi thích không?
Nhân chuyến công tác Thái Nguyên, biết tôi bước vào làng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số, chị tặng tôi những cuốn sách nghiên cứu do chị chủ biên, hoặc đồng chủ biên do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành. Trong đó, tôi thực sự ngỡ ngàng với tập thơ “Hoa bất tử”. Gọi chị khái niệm nào đây: Nhà thơ viết phê bình, hay nhà phê bình làm thơ? Chắc đúng với cả hai. Đâu chỉ có tập thơ này, Vân Trung còn là tác giả của năm tập thơ bên cạnh những công trình khoa học. Ngoài tập thơ “Sao đôi - xa xăm” (viết chung với Hà Đức Toàn, 1991) là bốn tập thơ của riêng chị: “Xin đừng té nước vào em” (1989), “Khoảng cách cuối cùng (1999), “Hoa Bất Tử (2011), “Xin đừng té nước…” (tái bản có bổ sung sửa chữa, 2012).
Tôi thích và mải miết đọc tập thơ “Hoa bất tử” ngay trong đêm.
Không gian tập thơ không khép kín mà rộng từ nhà ra đường; từ căn phòng nhỏ đến biển mênh mông; từ quê chè Thái đến Hạ Long biển biếc đối thoại với thi sĩ Lê Thánh Tông, ngược non nước Cao Bằng, sang xứ Lạng, lên Tam Đảo, vô Huế ngắm Phá Tam Giang…; từ Việt Bắc mở lòng qua biên giới sang đất nước Ăng Co…
Người xưa nói “Thơ là người”. Đây là một định nghĩa quen thuộc, là nguyên lý có tính phổ quát, bởi thơ là sản phẩm tinh thần của chính nhà thơ . Cái Tôi đích thực, xuất hiện như một giá trị văn hoá, đậm tính nhân văn. Tiếng nói riêng tư đó, dẫu biểu hiện dưới dạng thức nào đi nữa vẫn “cộng hưởng dư âm của tất cả những gì thuộc về nhân loại”, thuộc về thời đại, dân tộc. Trong văn học, cái Đẹp không thuộc về cái Tôi khép kín, lạc lõng như một ốc đảo, hay cái Tôi cá nhân cực đoan cự tuyệt giá trị cao quí mà “cái Ta” thừa nhận. Phạm trù “cái Tôi” thuyết minh cho sự tiến bộ, đồng thời xác định cá tính sáng tạo trong văn học .
Sáng tạo ra cái mới là một nhu cầu thẩm mỹ của người cầm bút. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà văn đều muốn được dấn thân cho nghệ thuật. Phu chữ nào cũng tự để cho “ngôn ngữ đày đọa”. Hành trình tìm cái mới vô cùng gian nan. Cái tôi của người sáng tạo giúp nhà văn tự định hình để thể nghiệm, tìm đường…
Thơ là tiếng lòng của chị. Có lẽ chị là người đàn bà chọn thơ là nơi vịn bám, nâng đỡ, sẻ chia…Thơ làm cho tâm hồn cao xanh thăng hoa với gió núi trăng ngàn và cũng là nơi giấu giữ cho những nỗi lòng, tâm tư, buồn thương, hay vô vàn những ẩn ức… Với chị, thơ là bạn - Người bạn thủy chung, kiên nhẫn lắng nghe tiếng lòng chị với mọi âm thanh cuộc sống vui buồn dội về. Thơ xòe đôi cánh chở che, an ủi. Thơ làm làn gió mát thổi mãi cho vơi những nực nộ, buồn buốt, xót xa. Thơ thổi mãi những bản tình ca thăng hoa tình yêu, thăng hoa tâm hồn vươn tới cao xanh niềm yêu tin đến tương lai dẫu cho đời thường có bao dâu bể.
Đọc thơ Vân Trung mới thấy một phẩm chất thơ nữa trong chị là sự chân thành, bung mở những khao khát yêu thương; những buồn đau xa xót; những hoang hoải đầy dự cảm…không một chút kiêng dè, giấu giữ. Thơ chị toang cánh cửa lòng để thấy một trái tim phụ nữ đôn hậu, rộng mở tha thiết giai cảm với mọi người. Từ độc thoại nội tâm chị mở lòng ùa ập đến muôn nơi, giao hòa với cuộc sống và con người. Cái tôi trong thơ chị là cái “tôi” phi hư cấu. Chính khoảng cách thu hẹp giữa hư cấu và tự truyện làm nên sự độc đáo trong thơ Vân Trung. Không khó nhận ra, nhân vật trong thơ trước hết là “cái tôi” thi nhân nói chung và trong đó có cái tôi chính mình trong vô vàn các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp; người thân trong gia đình: cha mẹ, chồng con, cháu…
Cái tôi phi hư cấu trong thơ khẳng định cái tôi cá nhân đồng nghĩa với lời tự hát về mình. Thơ chị hiện hữu một người đàn bà làm thơ nhan sắc và trí tuệ; kiêu hãnh và cô đơn: “Có một người đàn bà sang trọng” với niềm “Kiêu hãnh”, nỗi “Cô đơn”, trạng thái “Mòn mỏi/ Im lìm” nhưng:
Đôi mắt người đàn bà xanh mơ như vạt núi sang Thu
Đôi mắt thẳm sâu như hang đá chiều Đông lạnh
Đôi mắt trống hoang như khu vườn sau cơn bão ướt
Đôi mắt người đàn bà như có lửa ở bên trong
(Sẽ có một ngày…)
Vườn em thơm hoa cỏ…cả ngàn ngày
(Vườn em)
Em mãi là mây trẵng nõn nà
(Mây trắng)
Nếu em thành cô Tấm
Thị vàng anh hái không?
(Chiều nhớ)
Thơ chị đằm thắm và nữ tính là thế, nhưng trong đó cũng không ít bài thơ “bướng bỉnh” và “nổi loạn”. Thật bất ngờ, bài thơ “Gửi chàng thi sĩ Thánh Tông”, cái tôi nhà thơ trực diện “đối thoại” với Lê Thánh Tông ở Vương quốc thơ và còn gọi ông là “chàng thi sĩ”. Nhưng cuộc đối thoại không phải với vị thế Hoàng đế Lê Thánh Tông mà là với tư cách thi nhân chủ soái nhóm “Tao đàn nhị thập bát tú” đã đề thơ vào vách núi Truyền Đăng năm 1468:
Nét chữ thảo hào hoa như sóng múa
Phút xuất thần thi tứ dạt dào tuôn
Tranh thủy mặc ngàn đời thiên nhiên tạo
Chàng đề thơ - biển núi mới có hồn
Thời gian thay đổi. Các vương triều nối tiếp. “Mọi ngai vàng đều sụp đổ, và tên nhiều vị vua không ai nhớ nữa, nhưng vì là nhà thơ nên vua Lê Thánh Tông trở nên bất tử” : “Thời gian phủ bao niềm vinh quang cũ/ Riêng Người Thơ – trẻ mãi tận bây giờ!”.
Bài thơ “Chuốc rượu cho mình” viết năm 1990 khi nhà thơ đã ngoài 30. Ở độ tuổi ấy, người phụ nữ đã qua giai đoạn khó khăn, dần ổn định sự nghiệp, hôn nhân, kinh tế gia đình…; có độ chín của những trải nghiệm; đã nếm trải những ngọt ngào, cay đắng, buồn vui, va vấp... Người đàn bà trong thơ trong trạng thái say tỉnh, tỉnh say qua 4 lần chuốc rượu cho mình ngổn ngang tâm trạng. Một người đàn bà can đảm đối diện với thực tại, tìm rượu giải tỏa:
-Một ly này em uống cho em/ Uống nỗi buồn đắng ngắt
-Một ly này em lại rót cho em…Có lẽ nào khô khát – chỉ mình em?
-Một ly này, một ly nữa mà thôi
Ai đã thắp cho em ngọn lửa
Ai mang đi còn lại đống tro tàn
-Còn rượu nữa không? Một ly nữa đầy tràn
Phố ồn ã, dửng dưng không tiếng gọi
Mây trắng giữa trời…
Chao đảo…
Ngả nghiêng say!
Nhưng đôi khi trái tim đa lại cảm quá nhạy cảm trước mọi biến động của cuộc sống vốn nhiều dâu bể, trái ngang. Đốt lòng câu hỏi “Em có là gánh nặng của anh không?” (Em có là gánh nặng?) vừa có chút dỗi hờn, vừa có sự chua chát. Bài thơ trở đi trở lại câu thơ đầy tâm trạng buồn, nhưng không bi lụy, tự ti mà trái lại chính là sự tự khẳng định mình bằng sự tỉnh táo, khôn ngoan để cảm nhận. Các nhà thơ thường hay chìm đắm chìm trong cảm xúc phiêu thơ mơ thơ. Nhưng riêng chị với những bài thơ “Em có là gánh nặng?”, hay “Em không thể phân thân”, “Dứt bỏ”… lại là thơ lúc người đàn bà tỉnh táo nhất với thái độ cứng cỏi, ngang tàng, đầy nam tính như muốn “Ví đây đổi phận làm trai được” (Hồ Xuân Hương). Kiên quyết bỏ đi hào quang giả tạo, dẫu không thôi vật vã, đau đớn: “Em vật vã mình dứt bỏ nữ trang”; như dám thách thức với một sự thật dẫu phũ phàng “Em sẽ không còn là em nữa/ Nếu anh…chỉ muốn biết một điều”…
Tôi thích những vần thơ chị dành cho mẹ. Thơ tặng mẹ của chị ấm áp với cảm xúc đặc biệt. Tôi tin bất cứ người con nào cũng nhớ ơn đức sinh thành như thế. Nhưng không phải ai cũng thể hiện được tình yêu ấy bằng ngôn ngữ thơ như chị. Chị được hưởng lộc trời, được ban cho một suối nguồn thơ ca. Người mẹ hiện lên với vẻ đẹp giản dị:
Thắt lại chiếc khăn hình mỏ quạ
Nồng miếng trầu cay thắm miệng người
(Mẹ ơi)
Mẹ mặc bộ bà ba cũ
Đi đôi guốc mộc đã mòn
Đã quen nân sồng giản dị
(Chiếc áo bà ba)
Như bất kỳ người mẹ Việt Nam nào khác, thơ chị viết về mẹ với phẩm hạnh nội bật là tảo tần, đảm đang, giàu đức hy sinh cho chồng, cho con cháu mà không cần đòi hỏi:
-Dáng vội vã chân đi không bén gót
-Gạo chưa hết tháng đã trơ thùng
Một mình mẹ chạy ngang, chạy dọc
-Thương con – mẹ toàn dành cơm hớt
Ăn miếng cháy đen tận đáy nồi
(Mẹ ơi)
Mẹ đi hôi cá ao làng
Chân ngập trong bùn buốt giá
(Chiều Đông năm ấy)
Lên rừng – sắn măng qua bữa
Gót sen rạn nứt vẹt mòn
Người mẹ hiện lên trong dáng chiều lầm lũi; trong nỗi trống trơ, vắng lặng khi cha “đi trước” khiến “cành lìa, cánh gãy” mẹ “lắt lay như ngòn đèn trước gió”:
Trầu vàng - mẹ không hái
Cau già – mẹ chẳng giục trèo
Cây vỏ đỏ - cháu mua trên chợ ngược
Cũng bình vôi – lăn lóc góc nhà
Còn đâu miếng trầu cánh phượng
(Từ lúc cha đi xa)
Nhói lòng, xa xót chạm đến những vần thơ thương khóc cha mẹ:
Nay chúng con nhà cao, cửa rộng
Đau đớn thay cha mẹ lại không còn
(Mẹ ơi!)
Đặc biệt chị dành nhiều bài thơ tặng người có cái tên bắt đầu bằng phụ âm đầu: “Th”: Ngày ấy…quen nhau, Căn phòng kỷ niệm, Em đọc thơ tình, Tiếng còi tàu, Điều không muốn biết, Anh đi thi, Có nữ xa, Trong mơ…Cánh Buồm, Phôn reo, Một mình. Bạn đọc chưa biết chị chắc sẽ không thôi nghĩ cái người “Th” được nhắc hơn 10 lần ấy chắc phải rất đặc biệt với chị. Bạn bè của chị chắc chắn nghĩ đến hơn 100% “Th” là người đàn ông của đời chị. Nếu “Th” trong bài thơ đề tặng lại là một “Th” nào khác ngoài ý nghĩ của tôi thì cũng xin chị “lượng thứ” (!). Cái người có cái tên “Th” hiện hữu trong gần hết tập thơ:
Chỉ có một lần thôi
Con tàu chậm cho chúng mình gặp gỡ
(Ngày ấy quen nhau)
Đôi mắt em thiết tha
Đôi môi anh nồng cháy
(Căn phòng kỷ niệm)
Em thường đọc thơ tình
Trong những đêm mất ngủ
Trong những ngày xa anh
Lòng cồn lên nỗi nhớ
(Em đọc thơ tình)
Mỗi lần anh đi thi
Lòng chợt se thắt lại
(Anh đi thi)
Đã bao lần em định viết về anh
Về sự thật giữa lòng ta hai đứa
Nhưng kỷ niệm xưa, khiến em chẳng nỡ
Viết cái điều em nghĩ về anh
(Điều không muốn viết)
Người đàn ông trong thơ chị đẹp. Nếu không đẹp sao có thể lọt vào đôi mắt người đàn bà làm thơ có óc thẩm mỹ tinh tế như vậy. Tình yêu ví với mùa xuân và “anh” cũng là mùa xuân:
Anh như cơn mưa chợt đến
Thấm dần…ướt đẫm hồn rm
Tan đi bao nhiêu bụi bặm
Trao đi bao nhiêu ưu phiền
(Mưa xuân)
Những gì thuộc về anh đều đẹp đến nao lòng “Những ngôi sao trên không trung/ Gần trong mắt anh lấp lánh” (Ngày ấy…quen nhau), “Đôi môi anh nồng cháy” (Căn phòng kỷ niệm), “Cứ muốn nép mình dưới vòm ngực nở/ Trong cánh tay anh khỏe, ấm nồng nàn…Gương mặt anh thân yêu mỗi đêm mỗi khác/ Khi buồn – hao gầy ngơ ngác/ Lúc vui – rạng rỡ, sáng ngời” (Có lỡ xa), “Tiếng anh thân thương ấm áp” (Phôn reo), “Anh như vẫn còn đâu đó/ Hơi thở vẫn đang nồng nàn” (Một mình)…
Thói quen đọc sách của tôi từ nhỏ là tiếp cận tác phẩm trước, sau mới tham khảo thêm Lời giới thiệu, hoặc Tựa, hay nhận xét của bạn bè. Không hẹn mà tôi đã gặp những nhận xét của nhà thơ Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Hạnh, Võ Sa Hà, Vũ Nho, Anh Ngọc, Hà Đức Toàn, Điền Nam về tập thơ “Hoa bất tử” của người đàn bà thơ. Mượn ý của Xuân Diệu, Nguyễn Đức Hạnh đã khám phá ra một điều thú vị chị đã soạn xong một “Từ điển tình yêu” bằng thơ: Khát quả yêu (Tình yêu), “Nụ hôn hư không”, “Một trời yêu tha thiết gọi anh” (Có một nàng xuân), “Một mặt trời yêu” (Xa xăm), “Sợi đây yêu”, “Tình yêu phiêu lạc” (Nỗi buồn…), “Tên tình yêu cắm ngập trái tim anh” (Khúc ru kỷ niệm)…
Thơ Vân Trung “Khát khao mà kín đáo, mãnh liệt mà dịu dàng, khổ đau mà lạc quan. Tất cả những cái đó song song đi cùng nhau, hòa trộn vào nhau để tạo ra một chất men vừa đắng, vừa ngọt, chất men Vân Trung” . Chất “men tình yêu” trong thơ chị tăng theo cấp số nhân. Từ “Bâng khuâng”, nhắc nhớ kỷ niệm “Tuổi mười sáu”, “Ngày ấy quen nhau”, “Khúc ru kỷ niệm”, “Nụ hôn hư không”, “Căn phòng kỷ niệm”, “Trong mơ”, “Chiều nhớ”, “Chờ đợi”, “Anh ở đâu”, “Ngày xa anh”, “Nỗi buồn”, “Trong mơ em đã khóc”, “Một mình”, “Em không thể phân thân”, “Có thể không thể”…
Thơ chị dâng trào ngồn ngộn khát vọng yêu và được yêu:
Hơn một lần cung tình yêu bật lẫy
Tên tình yêu cắm ngập trái tim anh
(Khúc ru kỷ niệm)
Anh xa mang đi hết
Trăng…giờ thành mồ côi
(Trăng mồ côi)
Trong xa cách – hương thơm như vực thẳm
Xoáy vào anh nụ hôn hư không
(Nụ hôn hư không)
Cháy lòng người những kẻ khát tình nhau
Chẳng có bao giờ)
Tình yêu là bạn đồng hành của nỗi nhớ. Phạm Nguyễn Du đã viết đề tựa “Tập thơ nỗi nhớ buồn đằng đẵng” của Nguyễn Kỳ Trai: “Ở trời đất là Thu Đông, ở con người là buồn nhớ. Thu Đông là buồn nhớ của đất trời, buồn nhớ là Thu Đông của nhân loại. Nói chung... có âm ắt có dương, có còn ắt có mất, có Xuân hạ ắt có Thu Đông, có vui mừng ắt có buồn nhớ” . Nhưng thơ Vân Trung thì lại dằng dặc những nỗi nhớ không mùa. Nỗi nhớ chia xa không gian được Vân Trung nhắc trong thơ rất nhiều. Xa người yêu không có gì hành hạ ghê gớm hơn.
Bài thơ “Xa” như diễn tả tăng cấp nỗi nhớ bằng các tính từ Thăm thẳm, Hun hút gợi sâu mong nhớ:
Khi xa anh
Lòng em hang đá lạnh
Thăm thẳm đợi chờ
Hun hút nhớ mong
Nỗi nhớ có thể đốt thành lửa trong “Hoa phượng tháng năm”. Nỗi nhớ được đền bù, dịu đi khi gặp lại. Tình yêu chứa bao nhiêu dự cảm xa xót khi “Lòng ta như sóng gọi/ Nỗi nhớ như sóng đuổi/ Chẳng bao giờ gặp nhau” (Sóng gọi gì nhau); Người ơi sẽ không gặp lại/ Em nghe buồn dâng tê tái…/ Khi người vừa bước chân đi…!” (Xa)...
Vân Trung nặng về cảm xúc yêu thương. Thi thoảng chị cũng có một vài bài thơ ngầm chứa những suy tư, triết luận. Chị định nghĩa về “Tri kỷ”:
Dẫu sinh chẳng cùng thời
May gặp hồn tri kỷ
Dẫu có “lìa ngõ ý”
Tơ vương mãi còn giăng
Khái niệm “quen” và “lạ” trong thơ có tính triết lý, trải nghiệm từ những mặt đối lập:
Khi mà bước chân quen
Quen đi vào lối lạ
Cũng là bước chân đã
Lạ đi vào lối quen
Hay hạnh phúc là khái niệm ai cũng muốn hướng tới, nhưng không phải cứ mong là đến “Hạnh phúc gần nhưng không thể hái/ Để suốt đời khát mãi…quả yêu” (Tình yêu). Thơ tràn trào cảm xúc, trái tim đàn bà quá nhạy cảm trước mọi biến động của cuộc sống và đặc biệt những điều dự cảm về tương lai. “Những câu thơ nghe tiếng tim còn đập… Tiếng tim của nhà thơ đập dịu dàng và xót xa, thắm thiết và bâng khuâng, đắm say và khắc khoải… trong nhiều câu thơ như thế”.




...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét