TRẦN ĐĂNG THAO - MỘT HỒN THƠ ĐANG ĐỘ CHÍN
PGS.TS. Nhà văn Trần Thị Trâm
TS TRẦN ĐĂNG THAO
Nhà báo Trần Đăng Thao (nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục & thời đại) làm rất nhiều thơ và cũng đã xuất bản 8 tập thơ tiếng Việt,1 tập thơ chữ Hán “Cố Nhân” (Nxb Thanh Niên, 1999).
Ông còn là dịch giả Hoa ngữ và Nga ngữ, là người đã dịch tới 25 đầu sách. Trong đó, bộ “Thông sử thế giới vạn năm” của Trung hoa, 10 tập, tổng số tới 12.000 trang (Nxb KHXH, H, 2004) do ông cùng 2 cô con gái Trần Việt Hoa và Trần Ngọc Hoan chuyển dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt.
Nhưng có thể nói, báo là nghề còn thơ là nghiệp, thơ mới là lĩnh vực đam mê và bộc lộ rõ sở trường của ông.
Đọc thơ Trần Đăng Thao, ta có cảm giác, hình như trời sinh ra ông là để làm thi sỹ. Bởi là người đa tình, thơ ông rất giàu cảm xúc mà phần lớn là những chân cảm, chân ái nên cứ ngỡ là bồng bột mà vô cùng sâu sắc. Chất thơ dường như không nằm ở thi liệu mà ở cảm xúc về thi liệu, vẻ đẹp ngôn từ nhiều khi đã nhường bước cho chiều sâu tâm tưởng:
- Gấp sách tiếng ngân không dứt
Ngỡ ngàng như một trẻ thơ
Vũ trụ triệu năm đốn ngộ
Không ngoài hai chữ HỮU – VÔ
(Đạo đức kinh)
- Vũ trụ trong vòng tịch diệt
Luân hồi vô thủy vô chung
Nếu hiểu diệu cơ sinh tử
Thì đâu vướng bận cõi lòng
- Anh qua trăm biển ngàn hồ
Chiều nay chết đuối bên bờ sông yêu
(Ơi người phố Hiến)
Mà theo Hữu Thỉnh, “cảm là nhận thức vượt khung của thi sỹ” 1, vì thế, ông viết rất tốc độ, rất thời sự. Ở tuổi thất thập nhưng hầu như ngày nào Đăng Thao Trần (nick name) cũng có thơ đăng trên facebook với không ít câu thơ tài hoa:
- Đoạt hết đất trời, tinh túy hương
Thong dong tạo hóa giữa vô thường
Nụ hoa chúm chím giai nhân tiếu
Đã thấy xuân về giữa tuyết sương
(Chợ hoa ngày áp Tết)
- Một trái thiên tài chưa kịp chín
Đã hoàng hôn trắng trước hừng đông”
(Bên mộ Hàn Mạc Tử)
- Câu thơ lướt khướt
Ngày theo tháng
Một khối tình con
Vấn vít hoài”
(Thăm mộ Tản Đà)
- Những bản Thái
Mây mù lở tở
Những bản Mông
Bám vách đá lên trời”
(Nghĩa Lộ)
- Thầy giáo trẻ bơi trong huyền thoại
Sông Đà nghiêng, một nét trăng thanh
(Nhớ bác Trần Lê Văn)
Quả thật, ở tuổi 70 hồn thơ của ông đang độ chín: bút lực thi nhân đang rất dồi dào, bút hồn luôn tươi mới, thi hứng vẫn nồng nàn, thi cảm thật mãnh liệt. Có tuổi rồi mà mắt yêu vẫn không ngừng lấp lánh:
- Bảy mươi vẫn còn khỏe
Thi tứ vẫn dồi dào
Mắt yêu còn lấp lánh
(Bạn cũ)
Với linh giác của một nghệ sỹ có trái tim mẫn cảm, ông nhanh chóng phát hiện chất thơ trong cuộc sống và thơ hóa nó một cách dễ dàng. Dường như ông bước chân tới đâu là ở đó có thơ:
- Xao xác canh dài lắng tiếng ve
Hút sau ngõ vắng lối em về
Trăng đêm Phủ Lý chừng viên mãn
Rời rợi vàng gieo theo miệt đê
(Đêm trăng Phủ Lý)
- Lắc thắc lúa đương vào cữ mẩy
Trời vừa se lạnh chớm Đông về
Sông Diêm thập thững bò ra biển
Một vệt xanh mờ phía Cồn Đen
(Nhớ anh Vũ Bão)
- Ba Vì Bất Bạt xanh ngô lúa
Đủng đỉnh bò đi trăng vàng ngân
(Bên mộ Tản Đà)
- Chưa ở đâu gió đa tình đến thế
Chiều Hậu Giang xanh đến vô cùng
Chưa ở đâu đất hào phóng thế
Như mắt xoài ăm ắp nhớ nhung
(Chiều Hậu Giang)
Trong ông luôn có hai con người: một nhà báo luôn trăn trở về trách nhiệm xã hội của người cầm bút và một thi sỹ tài tử thường trực ở trạng thái thăng hoa:
Một ngàn năm
Một vạn năm
Ai thương ngọn bút
Cho bằng thi nhân
(Nguyên tiêu)
Có lẽ vì thế, thơ Trần Đăng Thao rất phong phú về nội dung, đa thanh trong giọng điệu. Cảm hứng sử thi rất nổi trội mà cảm hứng thế sự cũng không kém đậm đà. Bên cạnh giọng khẳng định ngợi ca là thái độ phẫn nộ trước cái xấu, cái ác. Bên cạnh nỗi buồn nhân thế là giọng hài hước giễu nhại, tự trào. Ở đó, có hào khí của những áng văn yêu nước đầy nhiệt huyết, có sự cao sang của Đường thi, có cái chân quê của Nguyễn Bính và cả cái ngông của Tú Xương, Tản Đà…
Dĩ nhiên, bao trùm trong thơ ông là tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc, là tình yêu con người, là niềm tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử oai hùng của dân tộc và khát vọng cháy bỏng về một thế giới hòa bình, một đất nước phồn vinh, ấm no hạnh phúc. Đúng như ông đã bày tỏ ở Lời thưa đầu sách tập thơ “Mùa chim lạc bay về” (Nxb HNV, 2020): “Tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp: Niềm tin sắt đá vào tương lai tươi sáng và sự phồn vinh của giống nòi Lạc Việt”. Quả thật, dấu ấn sử thi in đậm trong những bài thơ chính luận của ông:
- Ơi chim Lạc
Ơi hồn thiêng đất Việt
Nghe dòng chảy 4000 năm thao thiết
Trong mạch ngầm nhân loại hôm nay
(Ngã ba Hạc)
- Ngàn vạn người Theo cô Ba Định
Mỏ Cày ơi! Chết cũng vùng lên!
Theo những chiếc khăn rằn đẫm máu
Giành tự do khí thế xung thiên
(Thăm nhà lưu niệm cô Ba Định)
Điều thú vị là, những vấn đề sử thi (và cả những vấn đề thế sự) thường được nhà thơ thể hiện một cách rất trữ tình, trong những câu thơ mềm như lụa vừa làm rung động trái tim vừa hàm ngậm những triết lý sâu sắc:
- Lửng lơ
Mây quấn đầu non
Ta về thăm
Thuở trời tròn đất vuông
Thung mờ cổ tích, sương buông
Cây đời,
Hiểu lẽ vô thường mà xanh
(Tháng ba lên đền Hùng)
- Hỡi dòng sông sinh tử
Chảy về nẻo luân hồi
Xót lòng ngày vĩnh biệt
Biết bao giờ cho nguôi?”
(Tăng ơi)
( còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét