Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

THUYỀN THƠ & TÂM TÌNH CỦA TÁC GIẢ

 THUYỀN THƠ & TÂM TÌNH CỦA TÁC GIẢ

“HỒN NHIÊN NỐI ĐẤT VỚI TRỜI MÀ CHƠI!”

 

                                                                   Nhà thơ Lê Đức Nghinh

 le_duc_nghinh

          Phạm Thường Dân mới chỉ nghe tên anh thôi đã thấy rất gần gũi, gắn bó với quê lắm rồi. 

Tôi và anh chưa có duyên gặp nhau bao giờ dù là đồng hương cùng huyện. Anh ở Phía Bắc, tôi Nhía Nam huyện Kiến Xương. Từ xã Thượng Hiền về Bình Định quê tôi cũng chỉ mấy km. Đã hàng chục năm nay qua bạn bè tôi được biết dưới tán cây si già cổ thụ bên con Sông Sứ, thôn Dưỡng Thông, xã Thượng Hiền có cột một con thuyền nhỏ đủ chỗ cho khoảng 25-30 người ngồi. 

Có một thi nhân tên là Thường Dân thường tụ họp các bạn thơ trong huyện và các tỉnh lân cận lên thuyền du ngoạn trên sông nước để giao lưu thơ ca.

Dân trong vùng thường gọi là:

 “Thuyền Thơ của bác Thường Dân”. 

Chính từ gốc sy già cổ kính, hình ảnh những con thuyền gỗ quen thuộc xưa, giờ cũng không còn thấy bóng dáng trên sông nước nữa. Con thuyền buộc bên gốc si già ven sông đã như một bức tranh hoài cổ hằn sâu trong ký ức nhiều người không dễ gì lãng quên được nên cái tên. “Miền Cổ Tích” chắc từ đó cũng ra đời để cho các thi nhân, mặc khách, các nhà thơ, nhà văn, các nhà phê bình văn học, bạn yêu văn chương lui tới, quy tụ về đây như một trào lưu đa phong cách, của nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật hôm nay.

Sau đại dịch Covid tôi được chị Phạm Ngọc Tâm Dung người chị họ của nhà thơ mời tôi tham gia cùng “Miền Cổ Tích”.

Mấy ngày gần đây lại nhận được thông tin từ chị là tác phẩm “Thuyền Thơ” của tác giả Thường Dân vừa in xong chuẩn bị ra mắt bạn đọc và phát hành… Gọi cho tôi, anh có muốn đọc sớm và xem viết được gì cho tập thơ này không thì qua gia đình nhà thơ Nguyễn Đình Bắc phó “Miền Cổ Tích” để nhận nhé. 

Ngay trong ngày tôi đến tư gia anh Đình Bắc đã nhận được tác phẩm “Thuyền Thơ” của tác giả. Mang sách về ngồi ngắm nghía, tôi thử một quẻ bói sách mở ra trang bất kỳ trong tập thơ để đọc, để cảm nhận. Mở được trang 111 toàn số một như một sự khởi đầu hanh thông của tác giả. Đọc bài “Chọi trâu” (trang 111) chỉ bốn câu thôi, nhưng khi đọc xong tôi không khỏi ám ảnh từ cách nhìn rất nhân văn, văn hoá của nhà thơ. Thương cho thân phận những con vật vô tội trong cuộc chọi trâu mua vui cho con người. Khi trâu thắng, thua đã không được người ta ban cho bổng lộc, hay cuộc sống an nhàn, giữ được mạng cho kiếp trâu ngựa của mình. Lại được chính con người ban cho cái chết thật thê thảm.

Phải chăng đây là sự ngu muội, tôi đồng cảm từ ý tưởng cách đặt vấn đề cùng tác giả qua thơ của anh. Có lẽ từ nhỏ tôi đã gắn bó với con trâu, với ruộng đồng, trâu như người bạn đồng hành trong công việc nhà nông, thương cho kiếp trâu ngựa, ghét sự độc ác của con người vì lẽ đó nhiều lần bạn bè rủ đi xem chọi trâu, nhưng tôi đều lấy lý do từ chối không bao giờ đến lễ hội này. 

Tác giả viết “Không thù oán, quyết diệt nhau /Thắng, thua xả thịt đời trâu - xong rồi / Đem thân hiến một cuộc cười / Trâu ngu hay bởi nhiều người…mê ngu!” 

Từ bài thơ ám ảnh này thôi thúc tôi đọc hết cả tập “Thuyền thơ”dày dặn gồm 184 trang và 105 bài thơ với nhiều thể loại, nhiều nội dung. Trong thể loại nào cũng có những bài, những câu thơ hay, có nội dung tư tưởng rõ ràng.

Đọc bài “Độc lập” của anh mà liên tưởng ở thế hệ chúng ta nhiều người chứng kiến. Đất nước trải qua bao thăng trầm biến thiên của của lịch sử. Những cuộc xâm lược từ Phương Bắc, thực dân đế quốc từ Phương Tây. Một Dân tộc đứng lên trong lầm than đen tối giành lại độc lập tự do từ những năm 1930 mỗi hình ảnh được tác giả tái hiện lại thật sống động. “…Đảng bí mật nhen từng ngọn lửa/ Thắp niềm tin kháng chiến trường kỳ/ Những người nông dân củ mỉ cù mì/ Chiều Mả Bụt rũ bùn đen đứng dậy…./  Hay: dưới ách đô hộ của Phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay đưa nhân dân đến cuộc sống bần cùng, chết đói la liệt mấy triệu người mà Thái Bình vẫn còn rất nhiều nhân chứng trong giai đoạn lịch sử bi thương này.  Tác giả đã viết lên những câu thơ từ gan ruột mình…Tháng Ất Dậu một chấm than/ Hoa gạo đỏ trời nhà nhà không hạt gạo/ Nấm mồ chôn chung người đói cơm rách áo/ Lũ lượt bỏ làng phiêu bạt lang thang…”.

Đọc bài “Thống nhất” Những câu thơ lại hào sảng, khí phách của một thời chống chiến tranh phá hoại của Đế Quốc Mỹ. Hậu phương vững chắc là Miền Bắc XHCN. Với khẩu hiệu “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt” tác giả đưa ta về lại thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dựng tương lai”

Ai cũng tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến chính nghĩa, lớp lớp người sẵn sàng xả thân vì nước thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân đúng như nội dung thơ anh. …..“Quân không thiếu một người, thóc không thiếu một cân/ Góp lửa hậu phương chống chiến tranh phá hoại/ Những thần sấm, con ma, B52… cháy rụi/ Lát đường xe tăng nghiền nát Phủ Đầu rồng”.

Hay bài “Hội nhập” lại toát lên sự lạc quan tin tưởng, nhất là thành tựu khoa học đã được lớp trẻ hôm nay tiếp cận. Tin tưởng vào thành công của đổi mới, nước sẽ giàu, dân sẽ mạnh dựa vào tinh thần sáng tạo thông minh của thế hệ giỏi giang này: … “Những trai tân gái lịch hôm nay/ Giỏi vi tính, chơi geme, chít chát/ Toán quốc tế vẫn dành giải nhất/ Bia tiến sỹ chưa xây danh sách đã nối dài…”.

          Về gia đình, bạn bè người thân, quê hương. Nhà thơ cũng để lại những dấu ấn sâu sắc qua các bài như: “Gửi vợ”: “Tôi từ trở lại với quê/ Thị thành bỏ mặc bộn bề cho em/ Quạnh nhà vắng tiếng rồi quen/ Đệm êm chăn ấm cũng quên nguôi dần…” Những câu anh dặn vợ dẫu biết là quy luật của tạo hoá không ai tránh khỏi nhưng đọc xong nghe thấy lạnh người.

Thân xác giờ mới chôn thôi chứ tâm hồn thì đã chết từ ngày về quê rồi … “Tôi rồi không trước thì sau/ Trở về cát bụi xanh màu cỏ cây/ Xin em hãy khóc câu này/ Giờ chôn, chết đã từ ngày… về quê…!

Hay kỷ niệm về tuổi thơ qua bài “Thả diều”: Một thời thiếu sách, thiếu thông tin, trò chơi của con trẻ là: đánh chuyền, đánh đáo, chơi khăng, tha diều… Suốt ngày bêu nắng ngoài đồng tóc cháy khét mùi của nắng gió. Biết nhưng không phải nhà thơ nào cũng viết ra bằng tác phẩm có hồn cốt để bạn đọc chấp nhận được. Những câu thơ xuất thần, gần gũi với đời thường nhưng mang đủ màu sắc, hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật, ẩn dụ trong thơ. Thiết nghĩ có những cặp câu trong bài có thể đưa vào tập hợp 1000 câu thơ tài hoa của cố nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Trong đó có câu thơ thuyết phục. Tôi đã xin lấy làm tiêu đề cho bài viết này: 

“Chạy rông khắp mọi xứ đồng/ Tuổi thơ đâm cái mênh mông lên trời/ Tre ăn nhả gió ra lời/ Réo ra…Réo rắt…cho người xa nghe/… Và: Rát tay níu gió, giữ chiều/ Lửng lơ một mảnh trăng treo giữa ngày…/. Hay: Trên đồng mê mẩn một người/ Hồn nhiên nối đất với trời… mà chơi…!”.

Viết về “Làng”: nếp làng đã ăn sâu vào ký ức, gốc rễ thành nghĩa tình bền chắc, tối lửa tắt đèn có nhau, trước sau như nhất. Người quê trọng nhau từ lời ăn tiếng nói, chân chất thủy chung nhu mỳ như củ sắn củ khoai, cây lúa quê nhà. Anh đã lột tả lên chất quê của người quê không lẫn vào đâu được…  “Tình làng không kể sang hèn/ Những khi tắt lửa tối đèn có nhau/ Nếp làng vẫn giữ từ lâu/ Mâm cao không trọng, trọng câu chào mời…”.

          Khi bạn quan ghé chơi với ý tứ thật khiêm nhường các cụ xưa có câu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” thơ anh vẫn giữ được sự thuần khiết của kẻ sỹ. Vẫn ngạo nghễ, vẫn nghèo khó trong sự tử tế như bạn quan của anh nhận thấy… Trong bài “Bạn ghé chơi”: “Ngại ngùng không dám bắt tay/ Mỉm cười mày chẳng đổi thay chút nào/ Nhà mái chảy, cổng chà rào/ Vẫn thơ thẩn… vẫn “làm cao” vẫn nghèo!”

Những câu thơ dí dỏm thâm thuý từ sự quan tâm, không đúng lúc, không đo đếm được sự thật lòng của ông bạn quan kia lâu ngày mới gặp. Hai câu kết của bài thơ đã gói ghém kết luận đầy ẩn ý từ những khói bụi nhơ nhớp giữa chợ đời, xô bồ. Những kẻ tham quan như bạn, thì đủ mọi mưu mô thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ nhau mà ngoi ngóc lên mà làm giàu qua hình ảnh từ chiếc xe sang trọng khói, bụi phả vào mặt mình.… “Đi còn dặn với quan tâm/ Riêng mày có việc gì cần lên tao/ Giơ tay chưa kịp vẫy chào/ Bao nhiêu khói bụi phả vào mặt tôi”.

Những mối tình đầu bao giờ cũng mang theo nhiều kỷ niệm, nhưng mối tình của anh chắc rằng phải thật sâu nặng, trắc trở đặc biệt lắm nên vẫn còn ám ảnh đến tận hôm nay. Để cho người thơ yêu ai cũng cứ ngờ là em qua bài: “Tình đầu” 

 “Tinh đầu chết tự lâu rồi 

 Hồn không siêu thoát nổi trôi vật vờ 

 Ám tôi đến tận bao giờ 

 Để yêu ai cũng cứ ngờ là em!”. 

Đọc bài “Chị tôi” tác giả viết về người chị họ. Nhớ lại một thời khó khăn thiếu thốn đói cơm, rách áo, rau cháo qua ngày, 12-13 tuổi đã phải phụ giúp gia đình, chăn trâu, kiếm củi, xay lúa, giã gạo, ẵm em. Thái Bình lúc đó lo xây dựng thành tích, biết dân đói nhưng cơ chế ràng buộc không lo được cho dân. Nên trong dân có câu truyền miệng… “Thái Bình 5 tấn/ Bụng dấn khoai lang/ Sớm dậy đi làm/ Trưa ăn lưng bát/ Tối về hát ngao”. Thời ấy là vậy như thể hiện của tác giả qua 2 câu thơ thôi đã nêu bật lên hiện thực xã hội lúc đó.… “Tuổi thơ nghĩ lại mà kinh/ Gian nan đến chẳng biết mình trẻ con…”

 *Tuy nhiên in một tập thơ còn những khiếm khuyết là khó tránh khỏi. Nhưng nếu là nguyên bản thì thật đáng tiếc, có thể do biên tập hay lỗi đánh máy trong bài thơ lục bát truyền thống thuần Việt viết về “Bóng” của mình (trang 67) rất hay nhưng câu 3-4 ngay khổ đầu lỗi vần cần đính chính lại. 

Tôi đã nghe có nhà thơ trao đổi, tranh luận về thơ chuyên nghiệp và thơ không chuyên. Tôi không đồng tình với quan điểm này của họ thiết nghĩ đối tượng của VHNT phải được bạn đọc và đông đảo công chúng ghi nhận chỉ có thơ hay và thơ chưa hay không phải cứ chuyên nghiệp là viết hay hơn. Có người cả đời chỉ cần viết một vài bài nhưng trở thành tên tuổi, có người cho mình là người viết chuyên nghiệp ngày nào cũng viết có cả một kho tác phẩm đồ sộ hàng chục, hàng trăm tập sách dày dặn ra đời. Nhưng không ai biết đến tên tuổi, bạn đọc không nhớ được 1 câu trong tác phẩm của mình thì viết nhiều để làm gì.

Tôi đọc “Thuyền thơ” của nhà thơ Thường Dân thấy anh như một cư sỹ ẩn dật, trong thơ anh đã khắc họa lên vẻ đẹp của thơ ca, đã thấy có những viên ngọc lấp lánh tỏa sáng, cần gì phải là chuyên nghiệp thơ mới hay được.

Tôi chỉ như người khám phá, tìm kiếm cái đẹp, ý tưởng, nội dung tư tưởng trong tác phẩm “Thuyền thơ” của nhà thơ Thường Dân theo quan điểm, cảm nhận và cách nhìn của riêng mình. Chỉ như người vãng cảnh, xem hoa chưa nói được gì nhiều trong hàng trăm bài viết công phu, tâm huyết của anh. Phần chưa nói được rất cần đến bạn đọc và bạn bè văn chương đánh giá.

Chúc nhà thơ luôn vui khoẻ nội lực dồi dào, bút lực mãi thăng hoa tiếp tục đồng hành cùng MIỀN CỔ TÍCH.

Cảm ơn các quý vị đại biểu và các bạn đã ưu ái lắng nghe. 

9-8-201819-579901461-w680-6002-1533808400

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét