"THUYỀN THƠ" CỦA PHẠM THƯỜNG DÂN
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Trong nhóm thi sĩ đồng quê gồm Xuân Đam, Tô Diệp, Phạm Tâm Dung, Nguyễn Xuân Nhuận, Phạm Thường Dân… hầu như ai cũng đã có tập thơ, tập truyện riêng. Có người ba bốn tập, có người nhiều hơn như cố thi sĩ Xuân Đam…
Không phải Phạm Thường Dân viết ít hơn bạn bè, cũng không phải tác giả không đủ tiền để in,… Có lẽ cái chính là do quan niệm và ý thích cá nhân. Là chủ con thuyền thơ độc đáo có một không hai của tỉnh Thái Bình (mà có lẽ cũng là cả nước Việt Nam), Phạm Thường Dân đón bạn thơ cả tỉnh và rộng ra là cả Miền Bắc, có vài thi nhân tận Sài Gòn đến giao lưu thơ phú. Dĩ nhiên, ông chủ thuyền cũng sẽ đọc thơ mình trong các cuộc sinh hoạt thơ ca đó. Con số các bài thơ được viết ra đủ để in vài ba tập. Nhưng ông chủ thuyền không in, lại cũng không nghĩ chuyện vào Hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình… Có lẽ đây là cội nguồn của việc tác giả không muốn in thơ để thành “nhà thơ” chăng? Chúng ta hãy xem một số câu trong bài “Nhà thơ - Thơ nhà” :
Lương bổng nhà nước quanh năm
Ngồi phòng lạnh viết câu răn dạy đời
Đưa đi in ấn khắp nơi
Rõ ràng có ý mỉa mai, châm chích nhẹ nhàng thái độ háo danh của một số ít người trong thiên hạ. Còn THƠ NHÀ, ngược với NHÀ THƠ thì sao?
“Không chuyên” nhãn mác thơ nhà
Chẳng bao giờ tự nhận là NHÀ THƠ”
Tác giả thuộc về phe “thơ nhà”, phe thơ “không chuyên”, phe những người không có lương, phe “cái cò cái vạc”, nhưng đâu có thể xem thường:
“Miếng ăn chạy toát mồ hôi
Gửi câu chữ nói thay lời tự than
Thắp niềm tin lúc gian nan
Trong tủi cực vẫn râm ran tiếng cười
Câu thơ là lộc của trời
Trời cho ai ắt mọi người nhận ra”
Dù không in riêng thành tập, nhưng Phạm Thường Dân đã in trên một số báo chí địa phương và Trung ương, in trong ba tập “Thi nhân Miền Cổ Tích” và đăng trên trang FB cá nhân. Những bài trong tập này đủ nói lên một giọng thơ khỏe khoắn, độc đáo, với những niềm riêng khó lẫn.
Tác giả mua một con thuyền khá lớn. Trong thuyền có đủ chỗ cho cuộc tụ tập khoảng hơn hai chục người. Con thuyền đó được gọi tên là thuyền thơ. Nơi giao lưu của các khách thơ. Con thuyền nổi tiếng đó neo trên dòng sông Sứ, bên gốc si già được gọi là “con thuyền mộng, dòng sông mộng”.
Nhà thơ họ Phạm viết về con thuyền đó:
“Thuyền thơ neo bến sông đời
Bốn bề sóng vỗ hát lời nhân gian
Thơ theo gió chở quá giang
Đem lòng mình bắc cầu sang lòng người”
Bạn thơ Nguyễn Đình Bắc thăm con thuyền, cảm khái:
“Lặng thầm một chiếc thuyền con
Mà sao chở nặng nguồn cơn cõi Người”…
Thơ của ông chủ thuyền bỏ phố về làng “hát lời nhân gian”, cũng như con thuyền “chở nặng nguồn cơn cõi Người”.
Vốn sinh ra nơi nhà quê, lăn lộn, bươn trải thành người phố thị. Do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình đành bỏ phố thị về lại nhà quê. Quê trong quan niệm của người con dân trở về thật thiêng liêng:
“Nhà quê đâu chỉ là nhà
Mồ hôi nước mắt, ông bà tổ tiên
Khoảng trời riêng, chốn bình yên”
(Nhà quê)
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết “Trường ca nhỏ về làng”, “Tri ân đức Thủy tổ”, “Trường ca Xóm Đáy” với tất cả sự xúc động, nâng niu, trìu mến, tự hào. Đó là quê nhà…
Với một số nhà thơ, nỗi “buồn” như là một đặc sản tâm hồn. Vì buồn mà viết được những câu thơ chạm đến trái tim nhiều bạn đọc. Chủ thuyền thơ có nỗi buồn không? Chắc là có. Nhưng nét riêng ấy là sự cô đơn. Cô đơn như con thuyền, cô đơn như cây Quỳnh không Giao. Niềm cô đơn ấy thể hiện trong “Độc tửu”:
“Mỗi khi gặp chuyện không vui
Một mình một chén ta ngồi với ta […]
Bạn bè khắp cả gần xa
Tri âm chỉ một người mà…lại không!”
Đấy là nói quá lên trong thơ! Thực tế vẫn có người tri âm tận đầu nguồn thả những “giọt buồn” đồng cảm:
Tôi vẫn cuối sông, em ngọn nguồn
Mối tình vằng vặc , sáng trăng suông
Hai đầu thương nhớ lên vời vợi
Bởi đã hòa chung một giọt buồn
(Giọt buồn)
Thực tế vẫn có người cùng tác giả dạo trên con đường trăng. Nhưng đó có lẽ chỉ là một kỉ niệm xa xôi trong hồi ức:
“Đan tay anh dẫn em vào mộng
Đi giữa đường trăng thấm đẫm hương”
(Đường trăng)
Vẫn có người làm cho nhà thơ mắc nợ vì những lo toan đời thường:
“Anh chong đèn ngồi mơ
Em xắn quần chạy chợ
Vì đời, anh làm thơ
Vì anh, em trả nợ”
(Nợ)
Có thể nói khao khát được cảm thông, được sẻ chia là có thực của một tâm hồn cô đơn thi sĩ:
Về quê mà vẫn nhớ nhà
Rau, tương, cà đấy… biết là cùng ai?
(Thèm)
Thức quen chẳng thấy đêm dài
Ta ru ta thức …biết ai thức cùng?
(Ru thức)
Có lẽ vì khao khát được đồng cảm, được sẻ chia, nên trước biển, người viết nhìn sóng bạc đầu với con mắt, tâm trạng người đơn côi:
“Đơn côi đứng trước biển
Chẳng thể vỗ vào nhau
Nên trùng trùng con sóng
Trào lên đến bạc đầu!”
(Trước biển)
Bạn đọc sẽ gặp nhiều bất ngờ thú vị. Chẳng hạn mùa gặt:
Gặt xong rỗng cả mùa hè
Chang chang nắng đốt tiếng ve sôi trời
(Gặt chiêm)
Chẳng hạn trên sông Trà Lý:
Thảnh thơi nằm trên mui
Thuốc rít liền mấy hơi
Mắt đong đầy trăng sáng
Ngực uống no gió trời
(Đêm ngược thuyền trên sông Trà Lý)
Hay về một cánh diều ở làng quê:
Lững lở một mảnh trăng treo giữa ngày
Hồn làng quê cất cánh bay
Khúc thanh bình dạo khi đầy khi vơi
(Thả diều)
Chân dung một người bạn có nét giống ông chủ thuyền:
Gia tài xanh rớt mồng tơi
Vẫn luôn được tiếng là người cao sang
Tình đằm thắm, tính ngang gàn
Nói đây mà để trên ngàn chết cây
(Bạn tôi)
Hay đây nữa về phiên chợ “bản rủi mua may”:
Người bán đồ rủi cả cười
Người mua hỉ hả hết lời: thật may!
Ngẫm xem tạo hóa vần xoay
May người nọ, rủi người này mà nên
Rủ nhau vào chợ đua chen
Chợ đời cũng thể một phiên Chợ Viềng
(Chợ Viềng)
***
Vì không chú trọng làm nhà thơ, nên chủ “thuyền thơ” viết thơ một cách tự nhiên. Tự nhiên nhưng không hề dễ dãi vì lẽ tự nhiên đã được suy ngẫm, thận trọng và ấp ủ chín muồi. Tự nhiên trên tinh thần đã nghĩ kĩ về thơ và nghệ thuật. Đúng như quan niệm của người chị họ cũng là nhà thơ, hội viên Hội nhà văn Hà Nội:
Thơ là tình người viết
Càng giản dị càng hay
Như rượu quê nút lá
Mới nhấp chén đã say
(Phạm Tâm Dung - Giản dị)
Chúc mừng tập thơ đầu của người viết thơ cần mẫn, kiêu hãnh không mong thành nhà thơ!
Hà Nội, 30/11/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét