Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

RỒNG LỬA TRONG LỄ HỘI ĐỐNG ĐA, HÀ NỘI

 

RỒNG LỬA TRONG LỄ HỘI ĐỐNG ĐA, HÀ NỘI

Thứ sáu - 19/01/2024 07:03
Lễ hội Đống Đa – Hà Nội
Lễ hội Đống Đa – Hà Nội

   Văn Hậu
    Nhân dân vùng Mọc, nay là phường Nhân Chính, quận thanh Xuân, có câu ca:

Nguyễn đi thì Nguyễn lại về
Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan!

     Sư Cụ Chùa Bồ Đề hồi còn sống năm (1989) cho tôi biết: - Tam bảo nhà chùa đã được Đô Đốc Long, tướng của nghĩa quân Tây Sơn ngủ trọ trước khi hội quân đánh vào đồn Khương Thượng. “Nguyễn đi, Nguyễn về” là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ “giặc đến giặc tan” là quân Mãn Thanh, triều vua Càn Long, Thanh Cao Tông. Mùa xuấn Kỷ Dậu (1789), cánh quân cùa Đô đốc Long cùng cánh quân Đô đốc Bảo, Đô đốc Tuyết, Đô đốc Lộc... dưới sự chỉ đạo của Quang Trung đã từ Tam Điệp tiến quân ra Bắc theo đường biển và đường bộ. Cánh quân của Đô đốc Long (tên thật là Đặng Tiến Đông) luồn sâu vào vùng địch hậu ở Nhân Mục, Phùng Khoang, Mễ Trì... nhân dân ngoại thành sôi nổi ủng hộ che chở nghĩa quân, ở đất Mọc, có hai chị em đi theo để đàn hát, cơm nước. Tại Quan Nhân ông thợ mộc hiến kế bện rơm bùi nhùi, dáng ngoằn nghèo như con rồng, đốt lên theo kế hỏa công để uy hiếp giặc trong đêm tấn công đồn Ngọc Hồi - Khương Thượng. Trước đó vào 27 Tết Kỷ Dậu (1789), lính của Sầm Nghi Đống chủ quan vẫn tràn ra chợ Mọc vơ vét rượu thịt. Chúng không ngờ cả tốp lính bị đánh úp, bắt gọn. Sau đó quân ta mặc quần áo của chúng để thám sát cho trận đánh hôm sau. Đêm mồng 4 rạng mộng 5 Tết, tướng Sầm ở đồn Khương Thượng thấy tiếng reo hò khắp trời, cổng đồn tự mở toang. Lửa cả vùng tổng Mọc từ các cánh đồng ngùn ngụt bốc lửa. Bầu trời đêm, như có con rồng khổng lồ đương bay lượn. Phối hợp với đại quân Quang Trung ở Ngọc Hồi, quân ta thần tốc đánh tan đồn Đống Đa, Khương Thượng rồi tiến thẳng ra cửa ô Tây Long (khu vực Nhà hát lón Hà Nội). Sầm Nghi Đống thắt cổ trên núi Loa Sơn (sau Chùa Bộc). Ngô Ngọc Du (biệt hiệu Đào Khê) trong bài “Long Thành Quang Phục Kỷ Thực” (ghi sự thực về việc thu hồi thành Thăng Long đầy quang vinh) miêu tả:

Một trận rồng lửa giặc tan tành .
Bỏ trại cướp đò trốn cho nhanh
Ba quân hàng ngữ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.

                                          (Bản dịch)

Rút kinh nghiệm thất bại của quân Nguyên ở thế kỷ XIII, đại bộ phận quân Thanh đóng trại, nấu bếp ở 2 bên bờ Sông Nhị Hà nay một phần thuộc huyện Đông Anh, Q. Long Biên, Q. Tây Hồ, Q. Hoàn Kiếm và Q. Hai Bà Trưng. Ta không những đánh du kích trận 27 Tết tại cầu Mọc mà còn thực hiện vườn không nhà trống ở nhiều làng xã. Năm 1789 đi vào lịch sử với sự thất bại của 29 vạn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị hoảng loạn không kịp mặc áo giáp, ngựa không yên, cuống cuồng ra lệnh cắt cầu phao qua sông Nhị (hồi đó chưa có cầu sắt Long Biên). Bộ phận quân sĩ theo sau nháo nhác, hàng vạn tên xô nhau chạy rồi lao xuôhg dòng nước xoáy sông Nhị. Mẹ con vua Lê Chiêu Thống và lũ cận thần tất cả chạy ngược lên Nghi Tàm, Tứ Liên cướp thuyền của dân chài lưới vượt sang bờ bắc mạn Xuân Canh (Đông Anh) rồi chạy về Trung Quốc. Hàng vạn cái trại của giặc bỏ không, nghi ngút bốc khói. Đồn lũy như tổ mối loang lổ. Đầu xuân Ât Sửu (1790) Đoàn Nguyên Tuấn, anh vợ đại thi hào Nguyễn Du được cử đi sứ tiếp vua Thanh Càn Long để nối lại mối bang giao. Chính nhờ nhân vật Hòa Thân (sử nước ta gọi là Hòa Khôn) mà hai nước giữ gìn hòa bình không tiếp tục chiến tranh. “Qua Sông Nhị ngắm trại quân Thanh” của thi sĩ họ Đoàn là lời khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt và lời tuyên cáo về sự thất bại không tránh khỏi của kẻ thù xâm lược, của kẻ bán nước lưu vong.

Giặc qua Ngũ Lĩnh, tim còn đập

Kìa bến Chương Dương, sóng một thời.

 “Cứu Lê”... nghĩ thẹn cùng sông núi

Thơ ngợi Tây Sơn rộn rã vui!

(Bản dịch)

Hồi đó nước Việt ta có 6 triệu dân còn nước Trung Hoa có 100 triệu dân. Ông cha ta vẫn ví họ như cái áo, ta như cái dải, có thắng trận rồi vẫn vui vẻ rải chiếu hoa mời sang để gìn giữ thái bình cho trăm họ để phúc ấm cho muôn nhà!

Mặc cho triều Nguyễn Gia Long một thời kỳ sau Tây Sơn có trả thù kể cả xóa dấu tích Tây Sơn ở mọi miền đất nước, trong đó có nội, ngoại thành Hà Nội, người dân kín đáo vẫn hướng về người anh hùng áo vải qua lễ hội dân gian ở vùng Đống Đa (Đình Khương Thượng và Chùa Bộc). Từ sáng sớm mổng 5 Tết, đình Khương rộng mở, khói hương nghi ngút. Cờ đại, cỡ ngũ hành phần phật bay trước gió. Chiêng trống dóng dả. Hội qui định Tết thần 6 tuần rượu, cuối giờ Thìn (gần 12 giờ) phải hoàn tất đám rước thần. Sau đó đoàn kiệu quá Ngọ rưó’c từ đình tới gò Đống Đa với cờ, biểu, tàn, tán, lọng. Lệnh ra quân hiệu bằng hồi trống, hồi tù và dồn dập. Đi sau đám rước là “Con Rồng Lửa” của trai làng Khương Thượng và Đồng Quang, bện nùi rơm, mo nang và giấy bồi trang trí nhiều màu, họ vừa đi vừa múa theo nhịp sênh tiền. Tốp thanh niên đi theo mặc võ phục quanh “Rồng lửa” biểu diễn côn quyền. Như tái hiện hình ảnh cuộc ra quân thần tốc năm nào. Trong lúc đó tại chùa Đồng Quang có lễ cầu kinh, cúng cháo thí cho cô hồn quân chiến bại, rồi lễ cầu siêu cho anh linh nghĩa quân. Còn ở Chùa Bộc (Sùng Phúc), khách thập phương dâng hương hoa tưởng niệm trước pho tượng Quang Trung hóa Phật.

Đôi câu đối ca ngợi vị anh hùng, danh nhân của nước Việt ở thế kỷ XVIII có thể so sánh với Napônêông của nước Pháp cùng thời. Bản dịch:

- Cửa động không bụi trần, sông núi còn lưu rường cột
Trong sáng hóa nên Phật, cõi đời mãi động gió mây”.

Văn Hậu
Hội VNDG Hà Nội
 

Tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét