Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

CHIỀU XUÂN với lời bình Nguyễn Thị Lan





CHIỀU XUÂN
                                                            Trần Tiến Toản
Bảng lảng chiều xuân khói tỏa mờ
Bên hồ rặng liễu lá non tơ
Gió chiều lướt nhẹ làn mây ấm
Ai hiểu lòng ta nặng ý thơ.
                                                  2007

Lời bình của  Nguyễn Thị Lan
            
 "Chiều xuân" là một bức tranh "đầy xuân sắc".
            Thời gian và không gian nghệ thuật của bài thơ đã được xác định từ câu 1 đến câu 3, đó là: một buổi chiều xuân bên hồ nước đầy.
            Những buổi chiều thường hay gợi nhớ, gợi thương trong ta và dễ làm nảy sinh những nồi buồn man mác, bâng khuâng, không hẳn là da diết nhưng cũng không dễ gì dứt bỏ.
            Còn buổi chiều trong thi phẩm của Trần Tiến Toản là một buổi chiều xuân, khói tỏa mờ trên mặt hồ (có lẽ là mưa bay như khói). Đó là cái "mưa bay như khói qua chiều" trong bài thơ "Mưa xuân" của Trần Đăng Khoa. Khói mưa "tỏa mờ", khói "bảng lảng" bao phủ cảnh vật.
            Chọn một chiều mưa bụi, Trần Tiến Toản đã nói được cái đặc trưng của thời tiết xứ Bắc Bộ. Trong buổi chiều xuân này cảnh vật ấm áp đầy sức sống: có rặng liễu non tơ, có gió xuân ấm áp. (Chắc là gió đông nam ấm, ẩm chứ không phải cái gió bấc lạnh, khô của mùa đông). Gió xuân làm ấm cả trời mây.
            Với ba nét vẽ đơn sơ mà rất tiêu biểu, Trần Tiến Toản đã vẽ nên bức tranh xuân với mưa xuân, sắc xuân và khí xuân.
            Mùa xuân vốn trẻ trung, đầy sinh khí nhưng con mắt của người nhìn bức tranh đó cũng trẻ trung nồng ấm nên cảnh xuân càng dào dạt sức xuân.

            Nếu ba câu đầu của bài thơ tả cảnh thì câu thứ tư tả tình, nó vẽ lên chân dung tâm hồn của nhà thơ - nhân vật trữ tình. Câu thơ: "Ai hiểu lòng ta nặng ý thơ" mách bảo người đọc: Đây là một thi sĩ tâm hồn đang tràn ngập thi hứng. Mùa xuân về đem lại sự sống cho vạn vật và mùa xuân cũng khêu gợi cảm hứng cho thi nhân, đem lại sức xuân cho tâm hồn ông. Trần Tiến Toản làm bài thơ này khi ông đã qua tuổi "thất thập" nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn còn rất trẻ.
            Bài "Chiều xuân" mang cái âm vang thoáng nhẹ của thơ Đường: trong cách cảm nhận: đó là sự thống nhất, sự giao cảm giữa con người và thiên nhiên; trong cách cấu tứ: cái "tôi" trữ tình của tác giả hòa lẫn trong thiên nhiên, ngoại cảnh; trong cách biểu hiện: hai yếu tố "thi" "họa" quấn quyện làm một; về cấu trúc: "Chiều xuân" là một bài tứ tuyệt gọn nhẹ, cô đúc, gợi nghĩ tới một bài thơ Đường.
            Và sau hết, "Chiều xuân" được người đọc yêu mến có lẽ ở khả năng quan sát và ở tình cảm của nhà thơ Trần Tiến Toản với thơ, với mùa xuân của quê hương, đất nước.
Hải Dương, Rằm tháng Giêng,
năm Đinh Hợi (2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét