VƯỜN MẸ
Vũ Minh Tuấn
Mẹ già nua sống dưới mái
nhà xưa
Yếu ớt nắng chiều hắt lên
cành khế
Cây ổi khẳng khiu quả non
chát thế!
Vườn mẹ mùa này nhiều lá
khô rơi...
Trên sân nhà bề bộn rơm
phơi
Tay mẹ run run nhặt từng chẽ lúa
Nỗi mừng gặp con chẳng còn rạng rỡ
Tuổi xế chiều héo hắt cả niềm vui
Mảnh vườn này xưa cây lá xanh tươi
Có chim mẹ tha mồi cho chim non trong tổ
Có buổi chợ tan con ngẩn ngơ đầu ngõ
Có sớm mai con thanh thản học bài
Có vết khắc chiều cao từ thuở mười hai
Khi xay lúa con thường đo lên cột
Con chim bay đi mang theo tiếng hót
Để mẹ ta trong vườn cũ đơn côi!
Con lớn lên khao khát những chân trời
Tổ quốc gọi con đến nơi có giặc
Uống nước Nậm U
Ăn cam Nậm Bạc
Nỗi nhớ quê nhà vẫn cháy khát khôn nguôi
Nay dưới vườn xưa lưng mẹ còng rồi
Mưa nắng- thời gian- mái nhà rêu phủ
Con ước mong mẹ mãi là cổ thụ
Để con về nương bóng mẹ, mẹ ơi!.
Hoàng
Xá 1991
Lời bình của Nguyễn Thị Lan
1. Ai sinh
ra chẳng có một miền quê, một góc quê -
một góc thương nhớ, để rồi dù có đi xa, thì đó là nơi mỗi người con tha hương
sẽ nhớ, quay về.
Bài thơ “Vườn mẹ” của nhà thơ Vũ
Minh Tuấn, Hội viên Hội VHNT Hải Dương là một lần hoài nhớ, một lần quay về ấy.
Thi phẩm gồm 6 khổ với 25 câu thơ,
mỗi câu chủ yếu 8 tiếng. Bài thơ là những ký ức, kỷ niệm, tình cảm của tác giả
với mẹ, với mảnh vườn của mẹ - hình ảnh tiêu biểu của quê hương.
Theo lôgích của tình cảm, bài thơ có
kết cấu: hai khổ thơ đầu viết về “Vườn mẹ”trong hiện tại; 3 khổ tiếp theo là
“Vườn mẹ”trong ký ức, hoài niệm và khổ cuối viết về ước vọng của người con.
2. Mở đầu bài thơ, nhà thơ đưa ta
cùng trở về “Vườn mẹ”:
“Mẹ già nua sống dưới mái nhà xưa
Yếu ớt nắng chiều hắt lên cành khế
Cây ổi khẳng khiu quả non chát thế!
Vườn mẹ mùa này nhiều lá khô rơi...”
Không gian
khu vườn hiện ra với nắng “yếu ớt”
với cây ổi “khẳng khiu”, với “lá khô rơi” đầy. Trong khung cảnh đó mẹ
hiện ra “già nua” “dưới mái nhà xưa”.
Dưới cái nhìn của người con đi xa trở về từ thiên nhiên đến con người tất cả
đang bị cũ kỹ, đang bị lụi tàn...Tất cả đang chịu sự tàn phá của thời gian.
Thời gian làm cảnh vật và con người thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Đó là quy
luật bất biến có “sinh” có “trưởng” có “diệt”của vũ trụ.
Cảnh và
người ấy lại được đặt trong khung cảnh của “buổi chiều”: buổi chiều của ngày,
buổi chiều của năm (mùa thu), buổi chiều của đời người (tuổi già xế bóng), mà
“buổi chiều” trong thi ca thường gợi sầu, gợi nhớ.
Ở khổ thơ
thứ hai:
“Trên sân nhà bề bộn rơm phơi
Tay mẹ run run nhặt từng chẽ lúa
Nỗi mừng gặp con chẳng còn rạng rỡ
Tuổi xế chiều héo hắt cả niềm vui”
Hình ảnh mẹ già choán đầy cả bức
tranh thơ.
Cũng chính thời gian làm cho tay mẹ
giờ đây “run run”, nỗi mừng gặp con
của mẹ chẳng còn “rạng rỡ” mà trở nên “héo hắt”.
Có một hình ảnh làm xúc động lòng người “Tay
mẹ run run nhặt từng chẽ lúa” giữa đống rơm phơi. Hình ảnh ấy “nói lên”
tuổi già của mẹ “nói lên” sự tần tảo, chắt chiu của mẹ với hạt thóc một nắng
hai sương và cũng vừa cho thấy mẹ còn nghèo...
Âm hưởng hai khổ thơ đầu buồn đến se
lòng. Nỗi buồn ấy xuất phát trước hết từ không gian “vườn mẹ”. Nó càng buồn hơn
khi gắn với cảm thụ của người con về không gian ấy, lòng người vốn đã không vui
nên nỗi buồn bao phủ cảnh vật, chính vì vậy trong rất nhiều hình ảnh của khu
vườn, nhà thơ đã “lựa chọn” những hình ảnh thể hiện một cách sinh động trạng
thái của thiên nhiên, trạng thái của tâm hồn người con, một trạng thái bất an
khi về thăm mẹ và cái góc quê xưa.
3. Từ “vườn mẹ” trong hiện tại,
người con nhớ về “vườn mẹ” ngày xưa (gồm 3 khổ thơ tiếp theo). Trong tổng thể
cả bài thơ “Vườn mẹ” được nhà thơ dành nhiều câu thơ nhất khi nó ở “thì” quá
khứ. Từ đây những kỷ niệm trong ký ức ùa về. Nhà thơ kể về mảnh vườn quê thời
thơ ấu thật đẹp, cái đẹp tự nhiên, bình yên, thuần khiết, trong lành. Nhà thơ
còn kể về những trải nghiệm hạnh phúc trong quãng đời niên thiếu. Tất cả như
trong cổ tích.
Đoạn thơ đầy ắp nỗi nhớ ấy bắt đầu
bằng câu:
“Mảnh vườn này xưa cây lá xanh tươi”
Một
lần nữa từ “xưa” được lặp lại đã cho
ta thấy sự luyến tiếc của nhà thơ khi nhớ lại thời quá vãng. “Xưa” nơi đây thực sự là một thiên đường
với mầu xanh của lá, với cảnh “Chim mẹ
tha mồi cho chim non trong tổ” (một hình ảnh ấm áp của tình mẫu tử). Người
con đã có một tuổi thơ thật êm đềm, hồn nhiên, vô tư với những “sớm” những trưa:
“Có buổi chợ tan con ngẩn ngơ đầu ngõ
Có sớm mai con thanh thản học bài”
Một kỷ niệm tuổi trẻ được nhà thơ
rất trân trọng là: “Có vết khắc chiều cao
từ thuở mười hai” trên cột nhà. Những kỷ niệm đó người con mang theo suốt
đời khi nhớ về “vườn mẹ”.
Sau này, xa “vườn mẹ”, ra đi chiến
đấu ở những nơi xa xôi (Nậm U, Nậm Bạc thuộc
Luông Frabăng ở Thượng Lào). Khoảng cách xa xôi về không gian và thời
gian ấy chỉ làm “cháy” thêm “nỗi nhớ quê nhà” của con.
“Vườn mẹ” trong cõi nhớ của con đúng
là một thiên đường.
4. Nhưng thiên đường đó đã mất.
Ở khổ thơ thứ sáu (khổ cuối cùng)
nhà thơ trở về hiện tại. Bài thơ tiếp tục cứa sâu hơn nỗi buồn man mác khi mô
tả “vườn mẹ”. Giờ đây ngọn gió thời gian vô tình đã cuốn đi tất cả, để lại dấu
ấn không phai mờ: trên mái nhà là “rêu phủ”
trên thân mẹ là tấm là “lưng còng”.
Có cái gì tê tái , bâng khuâng trước dấu vết của thời gian.
Nhưng
trong ước mong của anh “mẹ mãi là cổ thụ”
để người con của mẹ về “nương bóng”.
Trước mẹ, anh luôn bé bỏng. Mẹ mãi mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc của đời
con.
Dẫu không muốn bộc lộ sự yếu lòng,
nhưng hình như câu thơ “mách” ta rằng: lòng người con không bình yên. Có lẽ sau
những tìm kiếm gạn lọc, sau những va đập của cuộc đời, anh muốn “trở về” để
nương náu trong lòng mẹ, để xoa dịu những vết thương đau, bởi “nơi ẩn náu yên
ổn nhất là lòng mẹ” (Florian). Và như một nhà văn Trung Quốc đã nói “đi khắp
gầm trời mẹ là tốt nhất”. Có ai thương ta bằng mẹ ta?
Câu thơ cuối cùng của thi phẩm đột
ngột toả sáng:
“Để con về nương bóng mẹ, mẹ ơi !”
Viết về “vườn mẹ” nhưng mở đầu bài
thơ là lời kể về “Mẹ già nua”, kết
thúc bài thơ bằng tiếng gọi “Mẹ ơi” vỡ
oà trong cảm xúc. Hoá ra người con đó nói về “vườn mẹ” là để nói về mẹ. Mẹ như
ngọn lửa nhỏ làm ấm áp cả bài thơ, sưởi ấm lòng con. Mẹ là “cội nguồn” là “nguyên
nhân”, để tuổi thơ con êm đềm, hồn nhiên vô tư để lòng con thanh thản, bình
yên.
Bài thơ đầy ắp những kỷ niệm ngọt
ngào cùng niềm thương, nỗi nhớ da diết đằm thắm của người con- nhà thơ. Nó cứ
ngân vang sự thương nhớ, cứ day dứt một nỗi lòng, cứ dịu dàng khao khát một
niềm yêu thương. Nó man mác buồn, xa vắng biết bao, thao thức biết bao.
5. Để diễn tả được những cung bậc
cảm xúc đó, phải nói đến sự thành công
về hình thức nghệ thuật của thi phẩm. Vẻ đẹp duy cảm của bài thơ, trước
hết từ giọng điệu trữ tình thiết tha của người viết và với âm điệu
nhịp nhàng, cân đối hài hoà để hợp với những rung chuyển của tâm tình.
Hình ảnh trong bài thơ giản dị mà
lay thức. Không cần đến những hình ảnh lớn lao, xa lạ, chỉ bình dị với “cây ổi
khẳng khiu”, “sân nhà bề bộn rơm phơi” với mảnh vườn đầy lá rụng, nhà thơ đã gợi lên sự thân thuộc của
quê hương trong mỗi chúng ta.
Đặc
biệt thành công là hình tượng “vườn mẹ” (hình tượng này làm nên cái “tứ” của bài
thơ, một tứ thơ đẹp và buồn). “Vườn mẹ” không chỉ được miêu tả với màu xanh của
tán cây, với bầy chim nhỏ, với ánh nắng chiều. Trong cái nhìn của người con, hình tượng “vườn mẹ” đã được nâng
tầm ý nghĩa thẩm mỹ. “Vườn” là biểu tượng của thiên nhiên, một thiên nhiên
trong trẻo, đơn giản và bình yên. “Vườn” là biểu tượng của sự an tĩnh tâm hồn,
đem lại cho con người một sức mạnh nội tâm kỳ diệu. “Vườn” còn là biểu tượng
của tình yêu: tình yêu mẹ, tình yêu quê hương, tình yêu với những kỷ niệm của
tuổi ấu thơ, một tình yêu lặng lẽ, vững bền qua năm tháng đời người.
Từ một khu vườn cụ thể, một hình ảnh
vật chất cụ thể dưới ngòi bút của Vũ Minh Tuấn nó đã chuyển hoá thành một khu
vườn tượng trưng, khu vườn tinh thần, với những giá trị tinh thần nâng đỡ con
người trong cuộc sống và chính điều đó mang lại tầng sâu ý nghĩa cho bài thơ.
6. Con người ta luôn có ý thức tìm
về ký ức, tìm về tuổi thơ, tìm về những ngày đã mất. Cái ý thức “tìm về” ấy
thường trực trong mỗi chúng ta, giúp ta cần bằng trong cuộc sống, giúp ta hướng
thiện, neo giữ bản ngã trong cái xô bồ hiện tại.
“Vườn mẹ” - Một góc hồn quê của nhà
thơ Vũ Minh Tuấn là một lần “tìm về” ấy. Bài thơ ngân vang trong lòng người
đọc, bởi nó tạo nên sự đồng cảm với trái tim người đọc, với những ai có mẹ, có
vườn xưa, có quê hương của thời thơ ấu.
Hải
Dương, mùa Hè 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét