Hai lần ăn Tết xa nhà
Nguyễn Hoàng Sơn
Đúng ra phải gọi là hai lần
ăn Tết xa…vợ thì chính xác hơn! Bởi vì từ khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc
dân rồi về nhận công tác tút mút mãi tận tỉnh miền núi Hòa Bình- chỉ cách trung tâm Hà Nội 76 km, nhưng bấy giờ (những
năm Bảy mươi của thế kỷ trước) là xa lắm, xa “tít mù tắp”- rồi lấy vợ, sinh
con, tôi đã có vô khối cái Tết xa bố mẹ, xa quê hương…Năm 1976, đang là cán bộ
Sở Xây dựng của tỉnh mới Hà Sơn Bình
(Hà Đông- Sơn Tây- Hòa Bình hợp nhất) tôi được nhận về làm phóng viên
Tiền phong…
1/ Khoảng cuối năm 1978, tôi
nhận lệnh vào Thành phố Hồ Chí Minh thường trú. Cũng là lần đầu tiên “vô nam”
nên không tránh khỏi hồi hộp, pha chút lo lắng.Nhưng lệnh là lệnh, tết nhất đến
nơi rồi vẫn cứ phải đi! Nấn ná mãi rồi cũng đành khăn gói lên đường, may có nhà
báo Đăng Trung cùng lên tàu nên cũng đỡ buồn. Hồi ấy hình như chưa có tàu tốc
hành, chỉ có một loại tàu gọi là “tàu chợ”, chạy Hà Nội- Sài Gòn cũng mất tới 3
ngày 3 đêm, ê ẩm, chật chội, nhưng mua được vé cũng phải đủ thứ giấy tờ này nọ,
tất nhiên chỉ là vé ngồi, đúng “tiêu
chuẩn” phóng viên! Khoảng 8h tối, ra ga Hàng Cỏ, lên tàu trong ánh điện tù mù
và rất đông hành khách đủ loại với quang gánh, thúng mủng, dưới cái nhìn vô
cảm, soi mói nhưng hờ hững của nhân viên nhà ga. Sân ga tối tăm, ơi ới tiếng
gọi nhau, tiếng la hét, cả tiếng chửi tục nữa, với những đoàn tàu im lìm, dài,
dài như vô tận, bất chợt thét lên một tiếng còi khiến khách đang tìm đường lên
toa phải giật mình! Tìm được toa xe ghi trong số vé, len lỏi giữa những bao đồ
lỉnh kỉnh, qua những ánh mắt lạnh lùng nhưng đầy cảnh giác, đến được ghế ngồi
của mình, chúng tôi mới thở phào. Ơn giời! Thế rồi suốt 3 ngày 3 đêm khi gà
gật, khi ngóng ra ngoài cửa sổ nhìn phong cảnh giật lùi, có lúc đột nhiên trong
toa tối om , lâu sau mới biết tàu đang chui qua đường hầm…Không hiểu sao tôi vẫn
nhớ như in cảnh tàu qua ga Quảng Ngãi, dừng lại rất lâu lúc trời đang có mưa
to. Có phải vì Quảng Ngãi là quê anh rể tôi, chị tôi đã theo chồng về đấy dạy
học ngay khi đất nước thống nhất? Trời mù mịt, những người đàn bà mặc áo mưa
xăm xắn mang cơm, mang gà luộc cả con còn bốc khói đến từng toa, “phục vụ” rất
tận tình. Quảng Ngãi nổi tiếng được khách đổi tên là “ga Gà” trên tuyến đường
sắt Bắc Nam.
Nhưng tôi không dám mua ăn.Tôi sợ. Sợ gì? Sợ mất vệ sinh, sợ…bị đầu độc, qua
vùng mới giải phóng, biết đâu ấy…! Tôi đành bằng lòng với xuất cơm sơ sài trên
tàu với chút đậu đũa luộc, vài miếng thịt mỡ. Mà gà thì không đắt lắm, hình như
chỉ 1 đồng ( tiền bấy giờ) một con, không phải không thể mua được! Vậy mà tôi
chỉ nuốt thầm nước bọt, nhìn trộm nhà báo Đăng Trung to béo đang khoái chá thưởng thức nửa con gà
luộc bằng hàm răng chắc khỏe của mình…
Sài Gòn hồi ấy dường như đang
thu mình lại cho giống với người anh em Hà Nội , chỉ phô bày ra những gì nhếch
nhác thời hậu chiến? Có lẽ vì thế chúng tôi không mặc cảm lắm khi đi hội họp,
công tác và hòa hợp khá nhanh với cảnh và người trong ấy. Tôi ghi lại cảm nghĩ
của mình trong một bài thơ: Dòng nước đen
ngòm xói bóng nhà tôn trên mặt rạch/ Phiên chợ ồn ào kẻ bán người mua/ Thì thầm
những tin đáng lo/ Giá gạo tăng…/ Giá dầu…/ Giá củi…/ Bọn cướp cưỡi mô-tô giật
đồng hồ…/Những tâm hồn tối đen khấp khởi/ Thành phố có gì thay đổi/ Hai năm hòa
bình đi qua?/ Bớt tiếng hon- đa/ Những ngả đường tên mới chồng lên tên cũ/
Những biệt thự trở thành công sở/ Sách/ Báo/ Cửa hàng…/Nhưng còn gì nữa?/ Tôi
đi ngang một câu lạc bộ/ Bồi hồi nghe tiếng hát cất lên/ Những thiếu nữ mắt
đen/ Cổ quàng khăn đỏ/ Em múa hết mình, em hát hết mình/ Mắt không một thoáng
buồn quá khứ/ Tôi biết các em/ Còn ở nhà tôn/ Còn làm nghề cũ/ Đêm còn nghe
tiếng má thở dài/ Ca cẩm giá hàng mắc mỏ…/ Nhưng những bài hát như có lửa/ Khơi
dậy tâm hồn các em/ Những ngả đường Trường Sơn/ Những bản làng cheo leo/Những
vùng rừng xa xôi…/ Trong đời em không thể nào thiếu nữa// Không chỉ màu khăn
đỏ/ Tôi tin ánh mắt em nhìn thơ ngây ( Thành
phố trẻ-1978)…Gần một năm trời thường trú ở cái thành phố lớn và đông
đúc nhất nước ấy, tôi còn nhớ được gì? Nói chung là nhạt nhòa. Hơn ba mươi năm,
vắt qua hai thế kỉ rồi, còn gì! Thế mà vẫn nhớ một lần đón anh Thái (mới mất
năm ngoái, chồng chị Bích Hậu) vào chơi, cùng ngồi uống rượu chân cầu Nguyễn
Văn Trỗi ( cầu Công Lý cũ) nghe anh kể chuyện nhà chuyện cửa…Nhớ anh Nguyễn
Đình Thiềm, ủy viên BBT, vào công tác rồi “chiêu đãi” mấy anh em phóng viên mỗi
người một chai bia 33 vỉa hè. Nhớ phóng viên Phạm Yên bữa ấy, mượn hơi bia, đỏ
mặt tía tai đòi ra Bắc vì nhớ…vợ, tôi cũng hùa theo, ai ngờ được anh Thiềm gật
đầu!...Nhớ khi chuẩn bị bay ra Hà Nôi, tôi rủ phóng viên Ngọc Báu cùng đi, tìm
mua một cái quạt Nhật(cũ) xách theo . Chủ quán đòi 130 đồng, giá cả hồi ấy( mới
đổi tiền) là rất đắt, khiến tôi ngần ngừ. Ngọc Báu ra vẻ thành thạo, thò tay trái
nắm núm quạt rút ra rút vào rồi gật gù: quạt tốt đấy, thế là trả đúng giá rồi
xách quạt về…Nhớ buổi tối giáp tết được anh Đăng Trung đèo xe hon đa (cơ quan
đại diện có một cái xe công, tôi nhớ hình như là xe nam?) đi chơi chợ Tân Định.
Đường phố đông đúc và nhếch nhác, tôi chỉ nhớ anh Trung điều khiển xe rất thành
thạo và tự tin, vừa đi vừa chỉ trỏ giới thiệu này nọ , tôi chỉ nghe và vâng dạ
đầy thán phục. Chỉ đi chơi suông một vòng rồi về, anh Đăng Trung vào nhà tắm xì
sục, tôi thì vào phòng ngủ tầng hai nằm cò queo, nhớ miền Bắc, nhớ vợ. Bữa cơm
chiều giáp tết (tập thể) do chi Hằng nấu với món “trứ danh” quen thuộc là cùi
dừa kho đen đen, sạm sạm chan canh suông, đã hết veo từ lúc nào…Nên nhớ bấy giờ
là năm 1978, còn cách rất xa thời Đổi Mới mười năm sau, với rất nhiều thăng
trầm đang còn ở phía trước…
2/ Năm 1988, sau rất nhiều
hồi hộp, chờ đợi, tôi nhận được quyết định cử đi học trường Đoàn tại CHDC Đức
(cũ) 10 tháng, do đích thân TBT Dương Xuân Nam trao tay. Hình như đó là một
ngày cuối tháng Tám Dương lịch thì phải? Còn nhớ khi tôi đến cơ quan từ biệt
mọi người để ra sân bay thì nghe tin vơ chồng nhà thơ- nhà viết kịch Lưu Quang
Vũ- Xuân Quỳnh vừa tử nạn trên đường từ Hải Dương về Hà Nội? Nhà ga sân bay Nội
Bài khi đó chưa mở rộng, chật chội, ồn ào, đại khái cũng na ná… ga xe lửa Hàng
Cỏ vậy. Thoát qua cửa kiểm soát hộ chiếu, vé máy bay, tôi một mình đối diện với
cuộc kiểm tra hành lý mang theo. Tất cả gói bọc to nhỏ buộc chằng rất kĩ từ ở
nhà đều phải mở ra, những áo phông cành
mai, cá sấu, những quần bò vừa dài vừa rộng, hàng đùm giây đeo chìa khóa hình con tôm, con
bướm xanh đỏ đủ kiểu vợ tôi mua từ phố Hàng Khay…đều lạnh lùng phơi bày trước
cặp mắt soi mói của nhân viên hải quan và người chủ hàng là tôi với đôi tai đỏ dừ!
Bỗng tôi nghe tiếng hỏi khá nhẹ nhàng :” Anh ở báo Tiền Phong? “ Tôi vâng và
ngạc nhiên nhìn người nhân viên hải quan trẻ trung trong bộ đồng phục lịch sự. “Em
là…, em anh Đình Trung ở báo Thiếu niên Tiền phong. Thôi anh gói lại hàng hóa
và đi được rồi!” Tôi bàng hoàng như trong mơ, cảm ơn anh rối rít, vứt tuốt tuột
mớ hàng hóa “hầm bà làng” vào trong thùng giấy và buộc lại, bước vào phòng đợi
lên máy bay…Đến sân bay Vơ-nu-cô-vơ ( Nga-bấy giờ còn là Liên Xô) transit từ máy bay Bô-ing sang loại máy bay nhỏ hơn để
đến Đức, chúng tôi còn phải trải qua một lần kiểm tra nữa. Những cô nàng hải
quan Nga, mắt xanh mỏ đỏ, móng tay nhuộm tím thẫm, điềm nhiên và kênh kiệu,
khinh khỉnh nhấc từng bó… phụ tùng mới cứng trong thùng hành lý của chị em, vứt
sang bên cạnh! Nguy hơn nữa là không tìm đâu ra …chỗ để “giải quyết nỗi buồn”,
khiến chúng tôi, nhất là ba thành viên nữ trong đoàn , gắng gượng đến bạc
mặt…May- lại may!- lúc đó trưởng đoàn chúng tôi là Trần Viết Hơn (cán bộ Phòng
Tổng hợp, TƯ Đoàn) tình cờ gặp được một người bạn đang học tại Mát , ra sân bay
đón ai đó. Anh này tốt bụng và thạo
tiếng Nga, nói liến láu một tràng với mấy cô hải quan Nga. Sau một hồi trao đi
đổi lại, các “người đẹp” gật đầu , đài các cho phép gói ghém lại tất cả những
thứ vừa phải mở ra tênh hênh…Thoát! Khoảng hai hoặc ba tiếng sau, chúng tôi đã
có mặt ở sân bay Béc- lin. Sân bay buổi chiều, đương giờ vắng khách. Chúng tôi
lại gặp phiền phức vì tính nguyên tắc ,
quan liêu nổi tiếng của người Đức, cùng với đống hàng hóa rẻ tiền nhưng công
phu tha lôi từ Hà Nội qua…Đương vơ vẩn không biết làm sao thì có một gương mặt
phụ nữ Việt ngó vào tìm kiếm dáo dác. Ai đó gọi :” Hòa! Hòa!”, người phụ nữ bật
reo, lao vào trong phòng. Đó là Hòa (cháu ngoại nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân),
phiên dịch viên tiếng Đức, được nhà trường cử đi đón chúng tôi. Hòa trao đổi
một lúc với các cán bộ mẫn cán người Đức thì chúng tôi và đống hàng hóa được ra
ô tô với cam kết để nguyên “chúng” cho
nhân viên hải quan sẽ đến làm thủ tục kiểm tra tại trường vào đầu tuần sau.
Thôi kệ, đến đâu hay đến đấy! Tôi trút hết mọi lo lắng, ngó qua cửa ô tô nhìn
ngắm mây trời nhởn nhơ và những cánh rừng thưa hai bên đường đương ngược chiều
xe chạy. Người ta bảo: CHDC Đức có khí hậu khá ấm áp ở châu Âu, mùa đông thi
thoảng tuyết rơi nhưng không lạnh lắm ? Có lẽ chúng tôi đương được sống những
ngày thời tiết đẹp nhất ở đây…
Trường chúng tôi đến học là
Trường cao cấp của Đoàn thanh niên Tự do Đức (FDJ)
Đào tạo cán bộ không chỉ cho nước Đức ( cả Đông và
Tây) mà gần như cho phần lớn thế giới bấy giờ ( châu Âu : Liên Xô, Phần Lan,
Đan Mạch, Thụy Điển…; châu Á: Việt Nam, Mông Cổ, Lào, Cam-pu-chia, hình như có
cả Triều Tiên…; Trung Đông có Ê-ti-ô-pi…; Châu Phi có Nam Phi …;châu Mỹ có Chi lê,
Hoa kỳ…). Đoàn Việt Nam
ở tầng hai, cùng tầng và gần gũi với đoàn Lào, đoàn Cam-pu-chia. Những ngày đầu
thật ấm áp, quấn quýt. Nên nhớ là dù đã có 3-4 khóa gì đó có sinh viên Việt Nam
tại trường nhưng đây là lần đầu tiên có nữ sinh viên, 3 nữ cán bộ Đoàn tham gia
học tập, thật thân mật, an ủi cho 7 anh chàng “đực rựa” theo cùng. Nhưng tình
cảm cũng rất dễ thiên vị: Bích Ngọc có thiện cảm với Tiến Thành; Thoa và Đông (
không nhớ họ) thì cùng săn sóc A Dân, cán bộ dân tộc huyện đoàn Sa Thày ( Kông
Tum?) có lẽ vì cùng là cán bộ phía Nam xa nhà? Nhìn cảnh họ gần gũi, ân cần với
nhau trong đợt đi thực tế thu hoạch khoai tây nông trường gần đó, vừa cảm động,
vừa có chút gì đó…bùi ngùi cho 5 anh
chàng Hơn, Sơn, Tâm, Chiến, Chung còn lại! Nhưng cũng khá nhanh, hình như các
“nàng” đều nhận thấy thân thiết với các chàng người Việt cùng đoàn, vui thì vui
thật, nhưng cũng rất dễ “thiệt thòi”? Các “chàng” đều hồn nhiên, sẵn sàng “vui
chơi hết mình” nhưng rất cẩn thận với “hầu bao” , với sức khỏe của họ. A Dân
thì cứ điềm nhiên nhận sự “săn sóc” của hai bạn nữ mà chẳng có gì đáp lại cả!
Thế là âm thầm, không một lời to tiếng (mà to tiếng vì cái gì chứ?), các “nàng”
dường như xa dần các “ chàng” người Việt và
mở rộng tình cảm ra cả “bán đảo Đông Dương”? Tình đoàn kết quốc tế mà.
Bích Ngọc kết bạn thân thiết với Vi-nun-chàng sinh viên người Lào giỏi tiếng
Anh, cán bộ ISK ( Hội đồng sinh viên Quốc tế- một tổ chức của nhà trường). Đông
thì có Bun Chôm, sinh viên Lào giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Việt, đôi khi đùa
bạn :” Bun Chôm có biết “chôm” tiếng Việt nghĩa là gì không? Là xoáy đồ đấy!”,
người bạn Lào vừa “thế hả, thế hả” vừa cười rất thoải mái, hồn nhiên. Thoa thì
khác hai bạn cùng phòng, gần gũi với Đa-
ra, chàng sinh viên người Cam-Pu-Chia, to cao, hình như biết rất ít tiếng Việt?
Nhưng đó là chuyện dài dài, chuyện “vặt”cả khóa học, hãy nói chuyện tết nhất đã
. Sau khi nghỉ Giáng Sinh khá buồn (vì chỉ có sinh viên quốc tế thôi, sinh viên
Đức- cả Đông và Tây- đều về nhà hoặc đi du lịch đến sau Tết Dương lịch cả mấy
ngày), thì cái Tết Nguyên đán đã lấp ló. Hinh như đã có lệ từ mấy khóa trước
nên Ban lãnh đạo nhà trường đều có nhắc nhở, năm nay Việt Nam lại có sinh viên
nữ nên Đoàn trưởng Trần Viết Hơn quyết tâm tổ chức cái Tết thật ra trò. Tập
múa, tập hát và đúng đêm giao thừa thì làm nem rán đãi những ai may mắn. Tôi đã
chứng kiến cảnh mấy cô nữ sinh viên Đức lúng túng gắp nem mãi không được liền
quẳng tuốt đũa đi, dùng tay bốc nem ăn ngon lành! Không nhớ thành công của món
nem “Sài-gòn” là của cả ba cô gái hay của riêng ai, chỉ không thấy ai chê trách
hoặc xích mích gì…Trước khi thưởng thức món nem, sinh viên quốc tế còn
được dạo Hội chợ hàng Việt Nam với khá
nhiều món hàng được trường đoàn Hơn lo chuẩn bị và tha lôi từ trong nước-nón
lá, túi xách, áo dài…Thêm những đùm dây đeo chìa khóa hình con tôm, con bướm của các
thành viên “tự nguyện đóng góp” sau buổi làm việc có hiệu quả của phiên
dịch Hòa với cán bộ Hải quan theo đến
tận trường. Tôi nhớ buổi vui Tết Nguyên đán ấy có cả Hòa, Dũng ( chồng Hòa,
cũng là phiên dịch) và hai con trai của vợ chồng họ- một đã học phổ thông, một
đương đi mẫu giáo nhưng nói tiếng Đức lau láu…
Thấm thoắt thế mà đã hăm sáu,
hăm bảy năm rồi, thời gian đi thật nhanh! Tôi về hưu đã tròn 6 năm. Hình như
Trần Viết Hơn (đã chuyển sang Mặt trận Tổ Quốc VN) cũng đủ tuổi về hưu? Chung có thời làm Giám đốc Sở Văn hóa & Thể
thao &Du lịch Thanh Hóa, nay hình như đảm đương Vụ phó một vụ gì đó ở Bộ? Thành
, cách đây lâu lâu là thường vụ tỉnh ủy Lai Châu (hay Sơn La)?. Bích Ngọc tiến
bộ nhất, từng là Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, mới được bầu là Phó Bí thư Thành
ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố , trên ti-vi
vẫn tươi tắn nhưng thêm phần đĩnh đạc.
Chiến, chỉ nghe tin là phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Kiên Giang? Còn Tâm, A Dân,
Đông, Thoa thì bặt tăm! Đất nước mình thật dài, dân số thì cận kề trăm triệu
rồi …Nước Đức đã thống nhất, thế giới cũng bao nhiêu đổi thay, không hiểu cái
cây bạch dương mà tôi đã vơ vẫn khắc tên lên đó, nay có còn không? Khắc tên lên gốc bạch dương/ Cái cây lặng lẽ
bên đường mình đi/ Tháng Năm vòm lá xanh rì/ Thân phong lụa trắng đợi đề câu
thơ// Ba trăm ngày tựa giấc mơ/ Ba trăm ngày sống thờ ơ mấy ngày?/ Phụ lòng với
nước với mây/ Phụ lòng với gió với cây quanh mình// Khắc tên với cả lòng thành/
Mượn dao nói hộ chút tình với nhau!/ Vỏ mềm, nhựa ứa, cây đau?/ Cây ơi có mối
tình nào dịu êm?//Người về xin gửi lại tên/ Và cây vẫn lớn vượt trên tháng
ngày/ Mắt nhìn sẽ hiểu lời cây/ Rằng ai từng đến nơi này, từng yêu…( Bogensee,
5/1989-Khắc tên lên gốc bạch dương)
. Đó là bài thơ cuối cùng tôi viết trên đất Đức, trước khi ra sân bay…
12/2015
N. H.S
Ảnh: 1/ Trên chuyến xe ngựa rong
chơi, có mặt cả 10 học sinh Việt Nam
2/ Trên sân trường, từ trái
qua: Chung, Tâm, Sơn, Thoa, A Dân.
3/ Trong bữa tiệc sinh nhật
tác giả ( 5/2/1989), Xtêpan ( sinh viên Đức)
đương làm …hề, chụp ảnh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét