BÓNG TỐI-NỖI ÁM ẢNH VÀ...
(Đọc truyện
ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam).
Trần Trung
Nét đặc sắc trong
truyện ngắn của Thạch Lam là sức gợi của những câu chuyện dường như không dụng
công về “cốt”; Mà, vẫn tỏa lan sự dịu nhẹ-dịu nhẹ mà thấm thía về thân phận con
người. Dòng chảy tâm tình của Thạch Lam qua những truyện ngắn đặc sắc của ông,
thường hướng tới hai đối tượng đáng yêu và cũng đáng thương trong xã hội cũ :
phụ nữ và trẻ thơ. “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn đặc sắc (trong tập truyện
“Nắng trong vườn”-1938) của Thạch Lam.
Là một truyện không
có chuyện.Bởi, sự việc được tự sự (kể chuyện, kể việc) trong “Hai đứa trẻ”
dường như không có gì đáng nói; một buổi chiều chuyển dần về đêm ở một phố
huyện hẻo lánh, đìu hiu...hai chị em, hai đứa trẻ (Liên và An) lặng lẽ bên
chõng hàng ế ẩm. Lặng lẽ thức.Lặng lẽ đợi chuyến tàu đêm từ Hà Nội chạy loáng
qua. Ánh sáng nhoáng nhoàng, vội vã. Rồi bóng tối trùm phủ-nuốt chửng và ngự
trị cái phố huyện nghèo nàn, xác xơ. Chỉ thế thôi, mà sao số phận quẩn quanh trong
tù đọng và đơn điệu của những kiếp người cứ ám ảnh ta mãi.Vương vấn ta hoài.
Và, hình ảnh bóng tối bủa giăng khắp không gian phố huyện như một nỗi ám ảnh
đáng sợ về thân kiếp con người.
Thạch Lam đã miêu tả
sự tồn tại của “Hai đứa trẻ”-hai chị em Liên như là nạn nhân;Lại đồng thời như
những chứng nhân trong môi trường tồn tại ngợp-đầy-bóng-tối. Hẳn là không phải
ngẫu nhiên, trong thiên truyện ngắn này, tác giả đã hàng chục lần trở đi trở
lại hình ảnh bóng tối.
-Trong bước đi
lặng lẽ mà gấp gáp của thời gian, nếu như âm thanh đều đều của tiếng trống “thu
không” thả “từng tiếng một vang xa” gợi cho ta cảm giác buồn xa vắng của buổi
chiều tà, thì sắc chiều chuyển nhanh vào bóng tối lại cho ta cảm giác về sự tàn
lụi, ngợp buồn. Bởi “phương tây đỏ rực như lửa cháy. Và, những đám mây ánh hồng
như hòn than sắp tàn.Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền
trời”.
-Nếu như tác phẩm
của Thạch Lam đã khơi mở bằng bước đi vội vã của ánh ngày, nhường bước cho
hoàng hôn sa sập thì, bóng tối như một định mệnh khắc nghiệt của con người lại
lan tỏa rồi trùm lợp và để rồi ngự trị khắp thiên truyện.
Ấy là bóng tối ban
đầu lúc chạng vạng khi “trời nhá nhem tối”...
Ấy là bóng tối đầy
dần lên vây bọc, quấn riết lấy cuộc sống của những con người nhỏ bé khốn
khổ-“Đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối...Đêm tối vẫn bao bọc chung
quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mông và yên lặng...”
-Từ trong lòng của
bóng tối, cuộc sống của những con người nghèo khổ phải vật lộn trong cuộc mưu
sinh, mới đáng thương làm sao!
Hình ảnh ngọn đèn
dầu leo lét trên chõng hàng của chị Tí (chị hàng nước) mà Thạch Lam gọi là
“quầng sáng thân mật”-Thương thay “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ” là một hình
ảnh vừa tả thực lại vừa mang tính biểu tượng. Bởi, nhờ “quầng sáng thân mật”
đó, những kiếp người khốn khổ tụ lại đây, tựa vào nhau mà sống, mà đối đầu
tuyệt vọng với bóng tối-Bóng tối của đất trời hay cũng chính là Bóng-Tối-Định-Mệnh!?
Bởi, từ đây, ngày
lại ngày, chị em Liên lặng lẽ và âm thầm bên chõng hàng “tạp hóa nhỏ xíu”;Để
rồi thật đơn điệu và buồn tẻ “đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm các
bánh xà phòng còn lại..”.Cuộc sống của hai chị em, hai đứa trẻ như trở nên u ám
thêm, khi ngày qua ngày “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy” theo bóng chiều tà về
tối. Bởi cũng từ đây, thỉnh thoảng (mà cũng thành lệ!) lại vang lên tiếng cười
rợn buồn của bà cụ Thi điên “đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ
dần..”.Và, cũng bởi từ đây, trong cái lặng yên quạnh vắng của phố huyện nghèo,
một đêm (mà cũng gợi ra hàng đêm) lại chợt rung lên “mấy tiếng đàn bầu bần bật”
ngỡ như tiếng khóc của vợ chồng bác sẩm, bên là thằng con nhỏ “bò ra đất”.
Trong vùng tối bao
phủ (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), một vài cảnh người, cũng là cảnh đời
thấp thoáng, chợt hiện đủ day dứt trong lòng người đọc về cuộc sống, về nhịp
sống mòn mỏi, lắt lay và đơn điệu; Đủ ám ảnh trong ta nỗi buồn triền miên cùng
sự bế tắc của những thân phận người trong bóng đêm nô lệ.
Truyện “Hai đứa trẻ”
cho ta một cảm giác đượm buồn khó dứt chính bởi “mảng tối”, bóng tối-hiện hữu
như một nhân vật đặc biệt của tác phẩm.Mặt khác, cũng nhờ đó mà người đọc lại
cảm nhận được “mảng sáng” ấm áp, dịu hiền từ tâm hồn Thạch Lam- “Chừng ấy người
trong bóng tối, mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày
của họ”.
Thì ra, trong gam
màu u tối triền miên, gợi nỗi buồn trùm khắp thiên truyện, vẫn lóa lên khát
vọng sống, cũng là khát vọng sáng của những con người khốn khổ..Ấy là những
phút giây chị em Liên trở về Hà Nội trong hoài niệm.Đấy là nơi hai đứa trẻ nhớ
lại “những cốc nước lạnh xanh đỏ”; là nơi “sáng rực lấp lánh”.Chính
Vùng-Sáng-Mát của Hà Nội trong tâm tưởng đó, là lí do để chị em Liên An cố thức
đợi tầu-chuyến tầu từ Hà Nội loáng qua vội vã để rồi mất hút vào bóng tối thăm
thẳm...
Tấm lòng “êm mát và
sâu kín của Thạch Lam (theo cách nói của Nguyễn Tuân) đối với con người và quê
hương được khơi gợi từ thiên truyện bàng bạc chất thơ này.
Nam Định
1985-Hà Nội 7/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét