CÓ MỘT DÒNG SÔNG KHAO KHÁT
(Đọc thơ tình của Đặng Bảo Thạch trong hai tập thơ “Sóng dâng - Chợt nhớ” - Nxb Văn hoá Dân tộc, 2000; “Cánh
buồm trái tim” - Nxb Hội Nhà văn, 2004)
Nguyễn Thị Lan
“Như
dòng sông khao khát chảy về em”. Đó là câu thơ trong bài “Nỗi nhớ” của Đặng Bảo Thạch. Hình như “khao
khát” là nguồn mạch không bao giờ
vơi cạn trong thơ tình của Đặng Bảo Thạch. Nguồn mạch đó tưới mát thơ anh; nó
đồng thời vừa là đối tượng của thi ca, vừa là nguồn năng lượng thắp sáng thơ của
thi sĩ.
Suốt cuộc đời mình, Đặng Bảo Thạch
đã gặp không chỉ một người phụ nữ. Và những người phụ nữ đi qua cuộc đời anh ấy
đã để lại cho anh những ấn tượng khó quên. Khi trái tim yêu thì thơ cũng cất
lên tiếng hát.
Xưa nay, về vẻ đẹp của thơ ca trong
từng bài, người ta thường thấy mỗi bài đẹp một vẻ: có bài đẹp
ở tứ, có bài đẹp ở tình, có bài đẹp ở câu, có bài đẹp ở lời, có bài đẹp ở giọng
điệu, có bài như viên ngọc bích đẹp tất cả. Các bài thơ của Đặng Bảo Thạch
thường đẹp ở tình.
Thơ tình yêu là nơi dễ bộc lộ tâm
hồn, tính cách của người viết. Bằng vào thơ tình yêu, người đọc có thể cảm nhận
ra tầm vóc tâm hồn của từng người. Với Đặng Bảo Thạch, yêu và thơ yêu luôn luôn
đồng nhất. Anh là người làm thơ tình, viết thơ tình bằng chính cuộc đời riêng
của mình. Và dù ở bất cứ trạng thái tình cảm nào: hoặc niềm hoan lạc, hoặc nỗi
khổ đau thơ anh cũng làm người đọc cảm động bởi sự chân thành, nồng nàn, tha thiết.
Thơ tình yêu của Đặng Bảo Thạch như
một cuốn sử biên niên ghi chép “lịch sử” của một trái tim yêu với những sắc
thái cung bậc của nó cả hạnh phúc và khổ đau với yêu thương, nhớ nhung, hờn
giận... Đậm hơn cả trong thơ anh là nỗi nhớ. Đã yêu thì phải nhớ. Thơ ca xưa
nay đã nói nhiều về nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ như thiêu đốt, như cháy bỏng không cho
người ta có thể bình thường, yên ổn trong ca dao:
“Nhớ ai bổi hổi, bồi
hồi
Như đứng đống lửa,
như ngồi đống than”
Đó là nỗi nhớ bao
trùm cả thời gian dằng dặc, cả không gian mênh mông trong thơ Nguyễn Đình Thi:
“Anh nhớ em mỗi bước
đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi
miếng anh ăn”
(Nhớ)
Đặng Bảo Thạch đã khiêm nhường góp
thêm một tiếng nói vào nỗi nhớ ấy. Nguyên nhân của nỗi nhớ ấy là sự cách trở về
không gian:
“Cách nhau những núi, những đèo
Những sông, những suối, những chiều nắng mưa”
(Xa cách)
Câu thơ lục bát 14 chữ mà có đến 5
chữ “những” như chồng chất thêm khoảng cách xa xôi.
Cái nỗi nhớ ấy nó không chịu lặn vào
tận đáy thời gian, nó không tan biến vào hư ảo không gian. Vì vậy người nhớ có
những giấc mộng trong đời thực:
“Em ơi anh cũng chẳng ngờ
Hình như anh thấy em vừa đâu đây”
(Xa cách)
Nỗi nhớ ấy làm người
nhớ ngủ chẳng yên:
“Chập chờn giấc ngủ trong đêm
Dế kêu cric cric...
... ngỡ em điện về”
(Chập chờn)
Nhớ không gặp được nhau thì sinh
tương tư với bao vấn vương khao khát:
“Để rồi lại những đêm trường
Với bao khao khát vấn vương những ngày”
Nỗi nhớ trong thơ Đặng Bảo Thạch là
nỗi nhớ của thời gian bồi lấp, của không gian xê dịch. Nỗi nhớ bất chợt đến với
anh ở một “Chiều Cửa Lò”. Lòng người
nhớ nên cảnh vật cũng hiu quạnh, hoang vắng, đơn côi:
“Một cánh buồm ai nơi xa khơi
Hải âu lẻ bạn chốn xa vời
Đảo buồn một bóng chìm trong nước”
...
Trong con mắt người nhớ cái gì
cũng “lẻ”
cũng “một” cũng “xa”.
Đắm chìm vào nỗi nhớ anh thảng thốt tự hỏi:
“Ta ở nơi đây, Người ở đâu
Nao lòng với nỗi nhớ về nhau
Mơ màng một dáng ai thân thiết
Chợt tỉnh nhìn ra bóng cuối chiều”
Đặng Bảo Thạch ưa cách biểu hiện
lặng im của tình yêu. Ở bài “Trốn”
anh cũng từng viết: “Tình yêu thì trốn ở
trong đợi chờ”. “Đợi chờ” tạo ra
khoảng cách để mong chờ, khao khát. Chính khoảng cách đó tạo ra cái đẹp.
Đã yêu thì phải ghen.
Hờn giận, trách móc đấy cũng chính là tín hiệu của tình yêu, là phản ứng tự bảo
vệ của những người đang yêu. Trong thơ Đặng Bảo Thạch cũng có những thoáng lo
âu khi người yêu đi xa “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may”. Anh hỏi mà như trách
người yêu:
“Em đi xứ lạ chỉ dăm ngày
Sao mải vui nhiều để đến say?
Liệu đến khi về còn “lướt khướt”
Áo em có lẽ “cỏ găm dày”?
(Hỏi em)
Tình yêu luôn luôn là sự hoà hợp
giữa hai tâm hồn, sự gần gũi của hai trái tim cùng chung một nhịp. Vì vậy tình
yêu đúng nghĩa là sự đồng cảm, san sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Với Đặng
Bảo Thạch cũng vậy. Và cao hơn nữa với anh tình yêu đó có khả năng tái sinh:
“Tình em như thể mưa xuân ấy
Xanh lại đời anh buổi hoàng hôn”
(Diệu kỳ)
Những câu thơ ấy Đặng Bảo Thạch viết
khi anh đã bước sang tuổi thu, con người đã qua cái dốc bên kia của cuộc đời
với bao vui, buồn, sướng, khổ. Biết mấy trân trọng, nâng niu tình yêu và cả
niềm biết ơn người đàn bà đã đem hạnh phúc đến cho mình.
Hạnh phúc mà người yêu mang đến cho
anh thật lớn lao nhưng trong anh bao giờ cô cũng hiện ra bé nhỏ, thân thương để
anh thương mến, nâng niu, che chở. Đây là hình ảnh người yêu trong một lần đưa
tiễn anh:
“Em bé nhỏ, một mình trên bến vắng”
Em càng bé nhỏ, càng cô đơn, càng
đáng thương hơn khi buổi chiều hôm đó “gió
lạnh về”. Không phải ngẫu nhiên trong thơ mình Đặng Bảo Thạch hay thích
dùng những hình ảnh so sánh đối lập khi nói về “em”, “anh”:
“Anh là đá, em là hoa”
“Em mặt trăng, anh mặt trời”
“Em là đêm, anh là ngày”
“Anh” và “em” đó là sự hoà hợp của
hai thái cực đối lập: “âm” (hoa, mặt
trăng, đêm) và “dương” (đá, mặt trời, ngày). Người đàn ông mang
biểu hiện rất “dương tính” ấy sẽ mãi mãi là nơi che chở đáng tin cậy của người
yêu.
Thơ tình của Đặng Bảo
Thạch có những bài buồn, những câu buồn nhưng tình yêu trong thơ anh không phải
là tình yêu bi kịch bởi nó được cảm thông, chia sẻ, đó là tình yêu từ hai phía.
Tình yêu ấy là sự thăng hoa từ hai tâm hồn, là mối liên hệ thần kinh giữa hai
người nhưng nó cũng không phải là thứ tình yêu “thành công” viên mãn vì nó bị
ngăn cách bởi những khoảng cách vô hình. Do đó nó vẫn nuôi trong mình những
khát vọng hướng tới cái thiện, cái mỹ. Chính vì vậy tình cảm trong thơ tình của
Đặng Bảo Thạch không bị nghèo đi bởi sự thoả mãn. Khi anh tự bộc lộ mình:
“Như dòng sông khao khát chảy về em”
Ta hiểu rằng “dòng sông”
tình yêu trong tâm hồn người làm thơ đó không bao giờ bất động đứng yên.
Nếu chiều cao của tâm hồn đo bằng
khát vọng, chiều cao của tình yêu được đo bằng lòng khao khát thì tình yêu
trong thơ Đặng Bảo Thạch lôi cuốn người đọc bằng ngọn lửa khao khát đó.
Như trên đã nói: thơ tình yêu của
Đặng Bảo Thạch mạnh ở tình. Ưu điểm đó đã hạn chế một số “sở đoản” của anh.
Đặng Bảo Thạch ít có những tứ thơ mới lạ. Thơ anh không nghiêng về sáng tạo từ
ngữ, hình ảnh. Đôi khi người đọc gặp những từ sáo mòn, đôi câu chữ còn thô
nhám, non lép chưa được dụng công sửa sang, trau chuốt. Có tham quá không khi
đọc thơ anh tôi cứ ao ước: giá thơ anh có thêm một chút đau buồn, một chút cô
đơn, một chút tinh tế, mong manh...
Viết những dòng kết thúc vài cảm
nhận của mình về thơ tình của Đặng Bảo Thạch tôi chợt nhớ tới câu nói của văn
hào Nga Ra-xun Gam-da-top: “Cũng như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài
năng bắt nguồn từ tình cảm mạnh mẽ của con người”. Đặng Bảo Thạch đã có cái
“bắt nguồn” đó. Mong rằng những người yêu thơ sẽ được đọc những bài thơ tình
hay của anh trong tương lai.
Hải Dương,
ngày.. tháng….năm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét