Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

THƠ LỤC BÁT CỦA NGUYỄN NGỌC SAN






THƠ LỤC BÁT CỦA NGUYỄN NGỌC SAN

Nguyễn Thị Lan
Sau hai tập thơ “Quả chín bên sông” và “Sắc đỏ chiều thu”, “Lục bát sông Bầu” là tập thơ thứ ba của Nguyễn Ngọc San. Có thể nói đến “Lục bát sông Bầu”, thơ lục bát đã là sở trường của Nguyễn Ngọc San. Nếu trong thơ tự do Nguyễn Ngọc San còn có những bài nhàm nhạt, khô cứng thì về với thơ lục bát anh như cá gặp nước, như cánh chim trời gặp gió mây, nhìn chung lời thơ, ý thơ đẹp, câu thơ nhuần nhụy, nhẹ nhàng, tự nhiên, ít bị trở lực níu giữ.
Đọc thơ lục bát của Nguyễn Ngọc San thấy gợi một nỗi buồn man mác: nỗi buồn về thời gian đã mất. Nhân vật trữ tình trong thơ anh hay đi tìm “thời gian đã mất”, “tôi về tìm lại tuổi thơ”. Trong chiều thời gian quá khứ đó cảnh cũ, người xưa hiện lên. Cảnh cũ trong thơ anh là dòng sông, con đò, là phiên chợ quê, giếng làng; là mái chùa; là một chiều hoàng hôn… của quê hương. Trong cảnh cũ đó là những người xưa: họ là bà, là cha, là mẹ, là dì, là em, là đồng đội… Đó là những người thân thiết của đời anh, của thơ anh. Như tất cả những con người thủy chung, tình nghĩa, anh viết về họ như để thỏa lòng mong nhớ, để trả món nợ tâm hồn.
Kỷ niệm xưa trong anh thường Đẹp và Buồn. Đẹp vì nó là máu thịt của đời anh. Đẹp vì nó được tắm trong nỗi nhớ. Đẹp vì giữa người viết và cảnh cũ người xưa có một khoảng cách về không gian và thời gian, mà “khoảng cách tạo ra cái Đẹp”. Kỷ niệm xưa trong anh thường Buồn vì đời anh buồn.

Viết về dĩ vãng đã trở thành hoài niệm, Ngọc San như “con tằm rút ruột”. Anh thổ lộ, giãi bày hết tâm can mình. Thơ anh ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ đầy nước mắt. Nguyễn Ngọc San đã có một tuổi thơ ấu thiếu tuổi thơ. Cha mất sớm, mẹ tái giá, ở với dượng chú bé San mới thấy bát cơm của người cay đắng, khó nuốt như thế nào. Nhớ về những ngày xưa ấy, lời thơ anh chan hòa nước mắt:
“Người dưng ở với người dưng
Lưng trâu nước mắt, đẫm thừng chiều hôm
Sụt sùi bưng lấy bát cơm
Cáy còng đi học, nhặt rơm cuối mùa”
(Sông Bầu tầm tã)
Những ai đã được làm cha, làm mẹ hẳn sẽ xót xa lòng trước tình cảnh đứa trẻ mồ côi, vất vưởng, bê tha trong thơ anh. Ở với dượng cay đắng quá, chú bé San mong “cho con về với bà thôi” để được “ấp đôi vú bà” mặc dầu người bà nghèo “váy thâm, áo đụp”.
Phải chăng tuổi thơ đau buồn của chú bé San ngày xưa đã tạo nên tính cách của nhà thơ Nguyễn Ngọc San bây giờ: đa cảm, hay buồn, trầm tư, lặng lẽ?
Kỷ niệm về cha trong thơ Nguyễn Ngọc San cũng là một kỷ niệm buồn. Bao năm qua rồi, nhớ về cái chết của cha, lời thơ anh vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn:
“Cha không sống được nữa rồi
Cây lim đổ giữa khoảng trời bão dông”
(Mẹ)
Ca dao xưa có câu:
“Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết, gót con như bùn”
Cha chết - đó là nỗi bất hạnh lớn đầu tiên trong cuộc đời chú bé San, phủ một màu xám xịt lên cuộc đời chú bé và là một tổn thương tinh thần không gì bù đắp nổi.
Nguyễn Ngọc San viết nhiều về phụ nữ. Phải chăng tâm hồn dịu dàng, đa cảm của anh hay nhạy cảm trước nỗi đau của “phái yếu”. Anh viết thơ về bà, về mẹ, về dì, về vợ, về người yêu, về con gái với tất cả tình thương mến của mình. Nhưng người phụ nữ in dấu đậm nét nhất trong thơ anh là người mẹ. Người mẹ của anh là người mẹ chốn thôn quê, chồng chết, con côi thơ dại, gánh nặng gia đình chồng chất lên vai bà.
Có khi mẹ hiện ra bằng cả một cuộc đời vất vả, tảo tần:
“Mảnh vườn hẹp, tháng năm dài
Tháng mười củ ấu, tháng hai quả cà”
Có lúc mẹ hiện ra bằng cả cuộc đời gian truân, khó nhọc:
“Con thuyền nước xiết giữa dòng
Phao dầu đốt cạn, đêm đông mẹ chèo”
(Mẹ)
Người mẹ đó là người mẹ riêng của nhà thơ nhưng cũng mang những phẩm chất chung của người mẹ Việt Nam. Hình tượng mẹ lấp lánh sáng mà bình dị, thân thiết với mỗi tâm hồn người Việt. Những câu thơ về mẹ của Nguyễn Ngọc San là những câu thơ vào loại hay nhất trong đời thơ của anh.
Có lẽ Nguyễn Ngọc San nằm trong số ít những cây bút viết về dì ruột của mình. “Dì Hiền” là một bài thơ xúc động. Trong hình tượng “Dì Hiền” có ít nhiều hư cấu nghệ thuật mà qua đó Nguyễn Ngọc San gửi gắm lòng thương nhớ của mình với một người dì ruột lấy chồng chốn tha hương. Bài thơ mở đầu bằng câu thơ như một nỗi nhớ vắt dài qua năm tháng dằng dặc, qua không gian mênh mông:
“Mười lăm năm ấy vắng dì
Biển cồn xa lắc, cát thì mênh mông”
Người phụ nữ đó đã bỏ nhà đi tu. Mười lăm năm, biết bao “núi nghiêng, đá đổ, cát vùi” nhưng hình ảnh dì Hiền vẫn hiện ra trong niềm thương,  nỗi nhớ với người sống “xóm ngoài người ấy vẫn ngong ngóng dì” và của cả người chết. Câu thơ:
“Đá bia xanh mộ vẫn trông bóng dì”
Có sức lay động tâm can người đọc, bởi nó nói lên một điều trên thế gian có những cảnh khổ não lòng đến nỗi người dưới mộ cũng phải mở mắt ra mà nhìn.
Nguyễn Ngọc San cũng làm thơ tình yêu. Tình yêu trong thơ anh là tình yêu trong quá khứ. Thơ tình của Nguyễn Ngọc San là thơ tình của người lớn tuổi “lỡ làng”: nhiều kỷ niệm, hoài niệm, lắm bâng khuâng và phảng phất buồn. Trong giây phút hờn giận hai người đã để mất nhau, giờ đây vô tình họ gặp lại nhau trên bên đò xưa:
“Tôi là tôi của ngày xưa”
Còn em thì: “Em buồn đau đớn bây giờ của ai”
Họ “gần nhau trong tấc gang. Mà biển trời cách mặt”
Bởi vì mỗi người rẽ một ngả đường. Họ đã vĩnh viễn mất nhau. “Nhớ đò” là một bài thơ chứa đầy niềm thương, nỗi nhớ với “cố nhân”.
Sau “Quả chín bên sông” và “Sắc đỏ chiều thu” đến “Lục bát sông Bầu” biên độ hồn thơ Nguyễn Ngọc San rộng mở hơn. Kẻ “ăn mày dĩ vãng” đó không chỉ làm thơ về mình:
“Tôi về tìm lại tuổi thơ
Me chua, sung chát bây giờ còn không”
(Tôi về)
Về người thân: cha, mẹ, em, bạn bè… mà người lính năm xưa ấy còn viết về đồng đội:
“Người về nằm dưới tượng đài
Còn bao người gửi xác ngoài ngàn lau”
….“Thắp hương châm nến vào chùa
Giật mình sư bác ngày xưa vá đường”
(Và tôi…)
Hoặc
“Tôi chôn đồng đội của tôi
Những người mười tám đôi mươi đã già
Tôi chôn người phía bên kia
Hai mươi, mười tám đã lìa mẹ cha”
(Mưa Tam Đảo nhớ mưa mùa Trường Sơn)
Đây là những câu thơ “ghê gớm” làm buốt lạnh trái tim người đọc. Cái “nỗi buồn chiến tranh” đó sau này ta còn thấy nó “đi về” nhiều trong thơ của Nguyễn Ngọc San.
Bất cứ một nhà văn, nhà thơ nào cũng có một vùng đất để “thâm canh”, một vùng quê để sáng tác. Đấy là nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp. Còn nói theo lô gíc tình cảm của con người thì bất cứ ai cũng có vùng đất để mình nhớ về, mơ về, thậm chí muốn được nằm xuống đó khi mình ra đi. Với Nguyễn Ngọc San vùng đất đó là quê hương, Quê hương đã trở thành tâm điểm nghệ thuật trong thơ anh. Đó là “vầng trăng, bến nước thấm đầy nỗi quê”, là “Cỏ đê sương sớm, chiều hôm cánh buồm”; là “ngô đồng đỏ lá”; là “con đò như một lá diều”, “con đò chao chác lá buồm ngẩn ngơ”; là chùa làng với “đại già đứng lại làm bia. Rùa xanh đã vỡ…”
Giữa bao cảnh vật quê hương dòng sông Bầu đã bao lần làm ướt đẫm thơ anh: một dòng “sông Bầu tầm tã” ngày mẹ chú bé San tái giá; một sông Bầu “nước nghe êm” gắn với hình ảnh cố nhân; một dòng sông Bầu “nước xiết” gợi nghĩ đến nghĩa tình của mẹ. Không phải ngẫu nhiên dòng sông đó có tên trong tập thơ mới nhất của anh: “Lục bát sông Bầu”.
Như trên đã nói Nguyễn Ngọc San đặc biệt thành công trong những bài thơ lục bát - một thể thơ mang hồn cốt dân tộc, thuần Việt, sản phẩm của cư dân nông nghiệp. Thơ lục bát ra đời có hơn 500 năm, nhịp chậm đều đặn, duy cảm, giàu vần điệu, nhạc tính. Phải chăng anh là con người của “nhà quê”? Dấu vết “nhà quê” in đậm trong thơ Nguyễn Ngọc San. Từ cảnh sắc đến điệu cảm, điệu nghĩ, thơ Nguyễn Ngọc San đậm hương vị thôn quê. Anh đã đưa vào thơ lục bát của mình những hình ảnh mang hồn quê đó là: con đò, bến nước, cánh buồm, mảnh vườn, chùa làng, củ ấu, quả cà, cỏ may, sương sớm, nắng chiều, ngô đồng, ngọn lúa, dậu mồng tơi… Con người trong thơ anh là con người của làng quê Việt Nam ngày xưa nghèo lam lũ với váy thâm, áo đụp, với đồng xu, bị gạo, với những gánh, những gồng.
Những hình ảnh ấy được Nguyễn Ngọc San trình bày với một cách phô diễn mượt mà, duyên dáng của ca dao, dân ca.
Cách khai thác vốn văn hóa dân gian của Nguyễn Ngọc San cũng đặc biệt. Anh không lấy nguyên những gì đã có mà bao giờ cũng tái tạo, cũng cải biên và đem vào đó cái phần riêng – dấu ấn của cá nhân mình. Ta sẽ gặp nhiều câu thơ “lấp lánh” bóng ca dao nhưng không phải ca dao trong thơ Nguyễn Ngọc San.
Ngày mẹ đi bước nữa, ca dao xưa có câu:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng…”
Trong thơ Nguyễn Ngọc San, ngày mẹ đi lấy chồng cũng là một ngày mưa:
“Sông Bầu tầm tã mưa rơi
Mẹ tôi tái giá…”
Nhưng trong cao dao là lòng mẹ thương con
“… con ở với ai”
Còn trong thơ Nguyễn Ngọc San là tình con thương mẹ:
“….về nơi phương nào”
Tục ngữ có câu “Sểnh cha còn chú, sểnh mẹ ấp vú dì”
“Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đây”
Câu thơ của Nguyễn Ngọc San xót xa hơn nhiều:
“Cho con về với bà thôi
Ruồi bâu máu chảy ấp đôi vú bà”
Nghe như một tiếng kêu đứt ruột
Nếu cần phải xác định nét riêng biệt của hồn thơ Nguyễn Ngọc San thì phải chăng đó là một hồn thơ nhà quê chân thành hồn hậu, đằm thắm, đượm buồn. Chất duy cảm, âm tính nhẹ nhàng làm cho thơ anh gần gũi với những tâm hồn thuần Việt. Nguyễn Ngọc San là nhà thơ của kỷ niệm - kỷ niệm buồn. Khi nào viết về những đề tài đó thơ anh trở nên xúc động và đẹp. Phải chăng đó là cái “tạng” của thơ anh, cái “giọng điệu” riêng của Nguyễn Ngọc San làm cho thơ anh không lẫn với thơ người khác?
Có người nói: thơ Nguyễn Ngọc San nhiều bài buồn. Biết làm sao được khi “thơ là dấu vết của cuộc đời để lại trên trái tim” (Vũ Quần Phương) mà cuộc đời của Nguyễn Ngọc San như anh nói: “Buồn nhiều hơn vui”. Vả lại xưa nay “Thơ gần với máu hơn mực” (G.Lôca), “Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười” (Nguyễn Trọng Tạo)
Công bằng mà nói thơ lục bát của Nguyễn Ngọc San không phải bài nào, câu nào cũng hay. Anh còn có những bài trung bình. Đâu đó trong thơ anh ta như thấy anh lặp lại chính mình: một từ ngữ, một ý thơ. Thơ anh đôi lúc còn có những câu chữ non lép mà người đời khó tính có thể bắt bẻ. Đọc một vài bài thơ anh đôi khi người ta có cảm giác: “Nhàn nhạt ngàn xa buồn cô liêu”
Hạn chế đó trước hết thuộc về tác giả sau đó nằm ngay trong “sở đoản” của thể thơ lục bát và của thơ hệ chống Mỹ cứu nước.
Hình thức nhịp nhàng hít vào thở ra khoan thai, đều đặn của thơ lục bát có những hạn chế trong việc diễn tả cách cảm, cách nghĩ của thời đại bùng nổ thông tin nhịp gấp, lắm bất trắc, bươn trải, cạnh tranh. Thơ lục bát của Nguyễn Ngọc San cũng vậy, có những bài gợi cảm giác nhàn nhạt, đều đều, xưa cũ.
Cũng như những nhà thơ thế hệ chống Mỹ, thơ Nguyễn Ngọc San mạnh về tình nghĩa, lôi cuốn người đọc hướng về những tình cảm cao đẹp, đậm giá trị nhân văn nhưng chưa mạnh về sức khám phá tư tưởng, đề xuất những tiêu chí mới cho cuộc sống. Đọc thơ anh cảm động nhưng còn ít kinh nghiệm tư duy, kiểu tư duy. Nói cách khác thơ Nguyễn Ngọc San mạnh duy cảm, còn yếu và thiếu duy lý, chưa coi trọng phẩm chất tư tưởng như đã từng coi trọng phẩm chất tình cảm. Lớp nhà thơ trẻ sẽ mạnh hơn ở phẩm chất này.
Những bài thơ gần đây hình như Nguyễn Ngọc San đã cố gắng bù lấp khoảng trống vắng đó.
Để khép lại bài viết tôi muốn nói rằng: mỗi lần nghĩ đến Nguyễn Ngọc San tôi lại nhớ đến câu thơ của anh: “Tôi là tôi của ngày xưa”. Nguyễn Ngọc San đã làm một cuộc hành trình rất xa đi tìm những kỷ niệm xưa, đi tìm “thời gian đã mất”. Và từ cái hiện thực bên trong đó, anh đã có những bài thơ lục bát vào loại hay và đẹp của thơ ca Hải Dương đương đại
Hải Dương, đầu Thu 2004






2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Vũ Nho đã chia sẻ. Em có theo dõi một số bài viết của Nguyễn Thị Lan,một cây bút khá nhậy cảm. Riêng về tập thơ lục bát của Nguyễn Ngọc San, rất tiếc không được đọc bài nào hoàn chỉnh. Nhưng nghe lời bình, có tính chất truyền thông, chia sẻ, thì có lẽ tập lục bát này khá. Tuy thế, đã là tập thứ ba rồi mà nhà thơ vẫn ngậm ngùi với nỗi niềm thân phận, chưa bứt phá, chưa bay hoà với cuộc đời là cớ làm sao. Bác Vũ Nho, đây chỉ là vài cảm nhận bột phát của em thôi. Có gì xin bác và mọi người lượng thứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã chia sẻ! Bài viết naỳ của tập "Văn Thơ Hải Dương đương đại" của Nguyễn Thị Lan, giải B, liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta cần tôn trọng ý kiến, dù là bột phát!

      Xóa