Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

“LỜI THỀ LÁ SEN” TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT




                                                                                    Nhà văn Phan Trang Hy
“LỜI THỀ LÁ SEN” TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT

                                                   Phan Trang Hy



       Thơ ca Việt Nam đương đại xuất hiện nhiều loại, nhiều kiểu, nhiều tên gọi khác nhau. Nào là “thơ tự do”, “tân hiện đại”, “hậu tân hiện đại”, “tân hình thức” v. v… ảnh hưởng sự giao thoa của văn học thế giới đương đại. Người đọc, khi thưởng thức một bài thơ, dù đó là kiểu loại gì thì họ chẳng quan tâm; chủ yếu họ quan tâm chất lượng của bài thơ. Điều vui nhất cho từng nhà thơ là bài thơ có chất lượng ấy đọng lại những gì trong lòng người đọc. Với tôi, “Lời thề lá Sen” của Nguyễn Đăng Luận cũng thế, gây được thiện cảm của giới yêu thơ.

          “Lá Sen chưa kịp đi tu

          Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng

          Yêu em mua cốm làng Vòng

          Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen

          Lời thề hôm ấy của em

          Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa

          Không ngờ anh thật không ngờ

          Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?”
                                                                        Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận

 Trước tiên, hình ảnh thơ “Sen”, “cốm” gợi bao điều suy ngẫm. Từng cặp câu lục bát đều có “Sen” và 3 cặp thơ còn lại có “cốm” như lặp đi lặp lại cái tình ý gắn bó, thủy chung. Chính cái tình ý ấy đã tạo nên tiêu đề bài thơ - “Lời thề lá Sen”. Nói đến lời thề của con người là nói đến những gì cao đẹp, thiêng liêng, nâng tâm hồn người đến chỗ chân, thiện, mỹ. Chính lời thề là ngọn lửa, là con đường, là niềm tin để con người hoàn thiện phẩm hạnh “Người” của mình. Và, “Lời thề lá Sen” chính là lời thề để chủ thể trữ tình làm thanh sạch tâm hồn trong chốn thơ ca.
       Bên cạnh đó, thời gian, không gian nghệ thuật cũng là điều đáng bàn. Những “chưa kịp đi tu”, “đã nhuộm thu óng vàng”, “lời thề hôm ấy”, “hương Sen giữa mùa”, “bây giờ thơm đâu?”, “cốm làng Vòng”, “trong lòng lá Sen” góp phần làm cho ý thơ như trải dài, như lời thề xuyên suốt cả thời gian, không gian đẹp và thơm như sen trong ca dao Việt: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”.

       Trong một bài thơ, người thích câu này, người thích đoạn nọ. Và riêng tôi, 4 câu giữa của bài thơ đối với tôi sao mà đẹp thế!

          “Yêu em mua cốm làng Vòng

           Nâng niu anh gói trong lòng lá Sen

           Lời thề hôm ấy của em

           Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa”.

       Tôi thích đoạn thơ trên vì cái tính dại gái của những đàn ông, của nhà thơ và cả tôi nữa. Dại đến nỗi “nâng niu” lời thề của em trong lòng lá, bởi lời thề của em “thơm như cốm ướp hương Sen”, thơm cả trời thu quê Việt.

       Đặc biệt, bài thơ được nhạc sĩ Dân Huyền phổ nhạc và trở thành bài ca đi vào lòng người với âm điệu da diết, hòa quyện giữa thơ và nhạc, thể hiện được tâm tình thương nhớ, bởi mối tình đẹp, bởi lời thề cứ mãi thơm hương. Và chính vì thế bài ca “Lời thề lá Sen” được nghệ sĩ ưu tú Minh Quang trình bày trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

       Đọc thơ phải đọc bằng tâm tưởng, bằng cái tình của người thưởng thức. Đọc “Lời thề lá Sen”, trong lòng tôi lại liên tưởng đến bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” cùng bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà. Tôi như thấy phẩm chất đẹp của lời thề tình yêu, của lời thốt tiếng yêu tự cõi lòng của những kẻ yêu nhau từ muôn kiếp.

       Mỗi bài thơ đều có giá trị riêng của nó tùy từng người cảm nhận. Và theo tôi, bài thơ “Lời thề lá Sen” đã thể hiện được giá trị của nó trong dòng chảy thơ ca Việt.

Đà Nẵng, tháng 9/ 2016

Phan Trang Hy




2 nhận xét:

  1. Xin cảm ơn thầy Vũ Nho đã đăng bài viết trên trang VŨ NHO NINH BÌNH.
    Chúc thầy luôn mạnh khỏe, đồng hành cùng bạn đọc, bạn viết.
    Phan Trang Hy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn nhà văn đã gửi bài cộng tác!
      Chúc anh khỏe và vui!

      Xóa