Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

TÔI NÂNG NIU MỘT TẤM LÒNG THI NHÂN





TÔI NÂNG NIU MỘT TẤM LÒNG THI NHÂN

  Cảm nhận đọc tập thơ “Hương nắng”, nhà xuất bản Văn Học, 2016

                                  Vũ Nho


Hương nắng” là tập thơ tuyển của 19 cựu sĩ quan công an  thuộc Câu lạc bộ sĩ quan công an hưu trí, Công an thành phố Hà Nội. Một tập thơ kỉ niệm 5 năm Thi đàn Hương nắng và chào mừng những sự kiện của ngành, của đất nước năm 2016. Thật là thú vị khi thấy các chiến sĩ Công an, ngoài nhiệm vụ vẻ vang của mình giữ gìn sự bình yên của thủ đô, của đất nước, còn tham gia làm thơ để làm cho cuộc đời thêm sắc, tình người thêm hương.

          Mười chín tác giả với những miền quê khác nhau, cấp bậc và chức vụ khác nhau,  tuổi tác khác nhau, nhưng đều có chung niềm say mê thơ. Có những tác giả đã in riêng nhiều tập như Khang Sao Sáng, Chử Thu Hằng,  Trịnh Chu Sách, Nguyễn Thanh Phương, Việt Khoa, Trang Nam Anh…Có tác giả đã trở thành Hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Mỗi người góp vào tập những bài thơ riêng của mình, tạo nên một “Hương nắng” đa thanh, đa sắc.

          Nhan đề của bài viết này chính là câu thơ kết trong bài “Biển chiều vẫn nắng” của tác giả Việt Khoa. Đúng vậy. Tôi đã đọc tập thơ với niềm cảm mến, trân trọng nâng niu tấm lòng thi nhân của những chiến sĩ Công an. Các anh chị bằng tấm lòng thi nhân đã cho thấy cuộc sống tình cảm phong phú, giản dị của người chiến sĩ, cũng là người công dân trong cuộc sống đa dạng, muôn mặt đời thường. Dù khoác quân phục, nhưng các anh chị vẫn là những người bình thường. Và vẫn như những người bình thường. Nghĩa là vẫn yêu, vẫn ghen, vẫn dày vò vì những nỗi nhớ, những “nợ” tình.

Có thể rất dũng cảm, mưu trí khi đối mặt với kẻ thù. Nhưng lại rất rụt rè, nhút nhát khi đối diện với người bạn gái. Để rồi cơ hội chẳng còn. Để rồi bây giờ âm thầm:

Bây giờ em đã có chồng

Cho tôi được gánh được gồng nỗi đau

                   Nghiêm Mạnh Thắng - Kỉ niệm xưa
                                                     Hai tác giả kiêm ca sĩ


Tác giả Khang Sao Sáng đã thật tinh tế khi phát hiện ra “mắt xuân” khiến có người chết chìm. Tất nhiên, đây không phải là nhờ nghiệp vụ điều tra “ hình sự”, mà bằng sự tinh tế, nhạy cảm của người làm thơ:

Lễ chùa nón thúng trước sau

Đánh rơi câu ví để nhau đi tìm

Bên này có kẻ chết chìm mắt ai

                Mắt xuân

Lục bát khuyết câu sáu này chứng tỏ tay nghề của người viết. Chúng ta cũng không thể không mỉm cười khi nhà thơ đã phát hiện cái ghen khiến hai đối tượng  bạn và chồng trở nên đặc biệt ở quán bia:

Anh ngồi

như đá

        trong nhà

Chồng em

        cũng lặng

                      như là đất nung

                        Khang Sao Sáng – Ghen

Tình yêu đầu đời luôn là kỉ niệm đẹp trong tâm hồn mỗi người. Bởi vì cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…đâu dễ quên. Tác giả Lê Thị Ngọc Bích đã diễn tả sự “quên” ấy thật là biện chứng:

          Quên là năm tháng phôi phai

          Nhưng bao kỉ niệm với ai vẫn về

          Tình đầu vụng dại say mê

           Cố quên càng nhớ lời thề miền Trung

                               Quên

Trong khi đó Võ Thanh Vang lại  mời gọi bạn tình cùng trở lại “Biển lòng” với những kỉ niệm buồn vui của “một thời nông nổi”:

          Anh và em, tìm lại, nắm tay cầm

          Tìm lại nhớ, lại thương, tìm lại hờn , lại tủi

          Tìm lại những buồn vui của một thời nông nổi

          Biển lòng mình sâu nặng lắm em ơi

                                Võ Thanh Vang - Biển lòng

  Tác giả Trung Du thì mượn chiếc nón Chuông để ca ngợi quê hương, ca ngợi người thương. Giọng điệu gần gũi với  những bài ca dao tình cảm:

Tay cầm chiếc nón nghiêng nghiêng

Mắt em lúng liếng, cười duyên má hồng

Nón che bóng mát trên đồng

Cho da em trắng, cho lòng anh thương

               Nón Chuông

Chắc chắn cuộc sống của người chiến sĩ công an với quân phong, quân kỉ chặt chẽ không cho phép những xưng hô thân mật, suồng sã. Vì thế mà bài thơ 

“ Gợi xưa” của Phan Đình Giám có những nét thú vị riệng:

Mấy chục năm “đàng hoàng”

Chữ tao – mày giấu kĩ

Nay tao – mày về nghỉ

Kỉ niệm xưa lôi ra

Tao - mày sẽ không già

          Gợi xưa

Và niềm vui nho nhỏ gọi là “ Khoái” của Nguyễn Quang Hòa cũng làm cho bạn đọc vui lây:

Hóa ra mình đã cao niên

Cháu con vui gọi ông tiên trong nhà

Bạn bè đậm nhạt ấm trà

Bình thơ sảng khoái mấy bà nguýt yêu

Người đọc sẽ bắt gặp  tình chị em ( Tìm em – Kim Dung, Khóc chị - Việt Khoa), tình mẹ con ( Mồ côi – Trang Nam Anh,  Xa quê – Vũ Thúy Hoan,  Mẹ già và gánh hàng hoa – Võ Thanh Vang), tình đồng chí, đồng đội (Áo xanh – Lê Thị Ngọc Bích, Đi tìm nỗi nhớ - Đào Đức Ninh) , tình quê hương, tình đất nước ( Tình quê - Trang Nam Anh, Nhớ Hà Giang – Hà Thị Châm,  Tây Hồ, Sa Pa, Lán Nà Lưa - Nguyễn Mạnh Dưỡng, Lên vùng cao - Nguyễn Quang Hòa, Sen chè Hồ Tây - Việt Khoa, Tre làng - Nguyễn Phương, Cõng chữ lên cao nguyên, Hồ Than thở - Trịnh Chu Sách,…). Ngoài ra, có thể bắt gặp những trải nghiệm, suy ngẫm có  màu sắc triết lí về cuộc đời ( Vị tình, Hoa lan - Trần Sơn Bảo An,  Tách cốc, Phận miếng trầu – Phan Đình Giám, Bên cây dã hương ngàn tuổi - Chử Thu Hằng).

Tôi muốn dừng lại những vần thơ của tác giả Chử Thu Hằng. Đây là tác giả có nhiều tập thơ in. Năm bài trong tập này khá   chắc tay và đa dạng.  Những câu thơ của chị cũng là tình cảm chung của chúng ta với đất nước, nhân dân:

          Tổ quốc tôi nhiều bão táp phong ba

          Nên đất mẹ cũng oằn mình khó nhọc

          Con cá mớ rau, hòn than, hạt thóc

          Chắt chiu mỗi ngày từ nước mắt, mồ hôi

          Từng câu thơ cứ trăn trở đầy vơi

                      Đêm thơ dưới mái đình Trà Cổ

Tác giả  “Viết ở phố Hàng Buồm” đã có những khái quát khá ấn tượng:

           Từ bụi lầm, từ cuộc sống cần lao

          Thơ căng buồm bay lên bời bời khát vọng

          Vỉa hè chật nhưng bầu trời thật rộng

          Xuân đang về trên những búp bàng xanh

Những bài thơ của tập “ Hương nắng” minh chứng cho cuộc đời vẫn đẹp, vẫn thơ,  vẫn đáng yêu thương, trân trọng; dù còn có  bao nhiêu khó khăn và trắc trở.

                                            Hà Nội, 24 tháng 8 năm 2016

In trên Văn Nghệ Công An, số... tháng 9/2016



         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét