Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP TẢN VĂN “HOA LOA KÈN” CỦA NGUYỄN THỊ VIỆT NGA



              Tác giả Nguyễn Thị Lan
VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP TẢN VĂN

“HOA LOA KÈN” CỦA NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Nguyễn Thị Lan



 Nguyễn Thị Việt Nga (NTVN) là cây bút đa năng, cô viết nhiều thể loại: truyện thiếu nhi, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút ký, tản văn, bình luận văn chương ... Dù viết ở thể loại nào, cây bút dồi dào năng lượng này cũng để lại dấu ấn đẹp trong lòng người đọc.

            Tập tản văn “Hoa loa kèn” là tập sách đầu tiên của tác giả về thể loại này. Sách in khổ 12x19cm, dày 184 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014.

            “Hoa loa kèn” gồm 28 bài, viết trên dưới chục năm trở lại đây. Có thể đến giai đoạn đó tác giả đã đủ độ “chín” về nhận thức và cảm xúc, có nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm, có khoảng cách về không gian và thời gian để nhìn ngoảnh lại những ngày đã qua, nghĩ về những gì sắp tới ...

            Về thể loại: Tập tản văn khá phong phú, có kể chuyện tự sự, có trữ tình, có tả cảnh, có triết lý. Tuy nhiên những bài có tính triết lý không nhiều. Có lẽ cái “tạng” của NTVN là vậy.

            Đề tài của tập tản văn cũng khá đa dạng. Những bài tản văn dù là kể chuyện, tả cảnh hay trữ tình đều là những khúc tâm tình của người viết về quê hương, gia đình, người thân; về bạn bè, thầy cô giáo, đồng nghiệp; về mái trường tuổi thơ; về năm tháng qua đi và biết bao chuyện đời thường đã khêu gợi cảm xúc suy nghĩ ở tác giả.
Những điểm nổi bật ở tập tản văn “Hoa loa kèn”
1. “Hoa loa kèn” đậm yếu tố cá nhân, tự truyện

Đặc điểm này có lẽ xuất phát từ động cơ viết tản văn của NTVN; viết để giãi bày.

            Nguyễn Ngọc Tư, một nhà văn trẻ của đất mũi Cà Mau cho rằng: “Nếu người cô đơn, trầm tính không thích bộc lộ mình bằng lời thì viết tản văn như một kiểu nhật ký để người viết gửi gắm những điều mình nghĩ, gửi gắm những thông điệp, giải tỏa những cảm xúc ứ đầy trong lòng ...”, và “tản văn gần với người viết nhất, bộc lộ tâm tư tình cảm của ngươi viết nhiều nhất”.

            Cũng như làm thơ, NTVN viết tản văn như một sự giãi bày. Có thể thấy, đằng sau tập “Hoa loa kèn” là một cá nhân NTVN, cá nhân đó không thể (và cả không muốn) che giấu bản thân bởi tác phẩm của mình. Tập tản văn như là hiện thân của chính người viết.

            Trước hết là chuyện quê hương (quê nội, quê ngoại), đặc biệt quê ngoại được NTVN kể nhiều. Đó là một vùng trung du trập trùng rừng cọ đồi chè, nơi lưu giữ rất nhiều tuổi thơ của tác giả.

            Rồi chuyện gia đình, ông bà, bố mẹ, các em gái, chồng con, cô dì chú bác. Rồi chuyện bạn bè (bạn thuở ấu thơ, bạn thời cắp sách), chuyện thầy cô, chuyện mái trường tuổi thơ. Rồi chuyện nhà cửa, chuyện hàng xóm, hàng phố, chuyện cơ quan, chuyện thiên nhiên, chuyện xã hội ...

            Rất nhiều những tên đất, tên người cụ thể đã đi vào những trang viết của NTVN đầy nhớ thương. Hải Dương, Phú Thọ, Trường phổ thông năng khiếu tỉnh Hải Hưng; rồi em Thảo, bác Vân, thầy Chẩn, thầy Văn, thầy Tấn, thầy Thân ...

            Có thể nói, mỗi bài tản văn như một “tự truyện” rất thật của NTVN, như những trang nhật ký ghi lại vài lát cắt trong cuộc sống của tác giả.

            Từ những “mảnh ghép” cuộc đời như rơi ra đó, tác giả đã hoàn chỉnh bức tiểu họa về cuộc đời mình bằng chính tâm hồn và sự yêu thương chia sẻ của mình. Người đọc thấy sau những trang viết là bức chân dung tự họa tâm hồn của một con người nhạy cảm và cô đơn trong văn chương. Độc giả không thể không rung động trước những cảm xúc chân thật mà giản dị của tác giả.

2. “Hoa loa kèn” giàu thiên nhiên

Một tâm hồn nhạy cảm và khao khát cái đẹp, chắc chắn sẽ tìm đến thiên nhiên như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Vốn yêu thiên nhiên, lại may mắn có quê ngoại, một miền sơn cước “đẹp như mơ”, nơi đó là một thế giới trong lành và phóng khoáng mà NTVN đã sống nhiều năm tuổi thơ ở đó. Cái thiên nhiên đầy màu sắc, âm thanh và hương vị ấy đã đi vào tản văn của cô như một “nhân vật”.

            Tập tản văn có nhiều bài, nhiều đoạn tả thiên nhiên. Tác giả đã viết về “nhân vật” của mình với một tình yêu say đắm, một sự ca ngợi nhiệt thành. Đã bao lần người viết phải thốt lên: “quê ngoại thần tiên”, “quê ngoại đẹp như mơ”. Bởi quê ngoại có “trập trùng rừng cọ, đồi chè, có những con suối trong vắt uốn lượn dưới chân đồi, những vạt đồi tím hoa sim”. Rồi bạt ngàn hoa và quả. Rồi những cánh rừng xa bí ẩn ...

            Rất nhiều cây, hoa, quả đi vào những trang tản văn của NTVN: cây xà cừ, cổ thụ, hoa xoan, hoa tóc tiên, hoa loa kèn và hàng trăm thứ hoa không tên. Những cây và hoa ấy đều Đẹp và Buồn, chứa đầy kỷ niệm. Đâu đó, có những loài gợi nhớ đến phẩm chất của con người.

            NTVN cũng thường viết về bốn mùa và mỗi mùa có một vẻ đẹp.

 Đó là mùa xuân trong bài “Sông quê mùa xuân”, “con sông hiền hòa chảy suốt dọc thời thơ ấu” của người viết đẹp như “miền cổ tích xa xưa ấy”. Hai bên bãi sông bạt ngàn hoa cải với bướm vàng, bướm trắng, bướm nâu. Rồi gió xuân “phơi phới”, dịu dàng. Đó là mùa hạ trong bài “Mưa mùa hạ”, “Mùa hè quê ngoại” với những “cơn mưa ào ào không báo trước”, với mảnh sân trắng thuyền giấy bập bềnh, với những tán ô xòe rực rỡ trong mưa, với dòng sông lững lờ trôi trong chiều vắng.

            Đó là mùa thu với vẻ đẹp của “Vầng trăng cổ tích”.

            Đó là mùa đông với “Cánh đồng chiều đông” mênh mông, với “Bếp củi mùa đông” ấm áp và đầy kỷ niệm”.

            Tất cả đã đi vào tản văn của NTVN như một vẻ đẹp không thể bỏ qua trong cuộc sống.

             Nhưng NTVN tìm đến với thiên nhiên không chỉ vì nó đẹp mà còn tìm đến để được nhớ, được suy tư, được buồn bã, vì trong nó chưa chất bao kỷ niệm, bao dấu vết của năm tháng đời người, vì cô học được từ thiên nhiên những bài học nhân sinh: về tình yêu và lẽ sống, cái còn và cái mất, cái hữu hạn và cái vĩnh hằng …

            Hay nghe NTVN tâm tình:

            “Không gì buồn bằng chiều đông đi qua cánh đồng mênh mông. Bao nhiêu người thân yêu giờ đã nằm ngoài đồng. Cánh đồng không chỉ là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm ấu thơ, mà con lưu giữ cả những người thân không còn nữa. Tôi vẫn thích đi qua cánh đồng chiều đông, nghe gió, nghe đất, nghe từng vạt khói đốt đồng … Kể những câu chuyện miên man không đầu không cuối về thời gian vĩnh cửu, về nỗi ngắn ngủi của kiếp người , về sự vĩnh hằng của những linh hồn đã trở về với đất. Để thấy rằng điểm đến cuối cùng của mỗi con người là đây, là chốn mênh mông vô thủy vô chung. Để thấy những thói thường bon chen, giành giật, tị hiềm đã có lúc chen vào đầu óc thật vô nghĩa biết bao. Để yêu thương hơn những ấm áp, sum vầy mình đang có. Để tự như mình đừng bỏ phí giây phút nào trong quỹ thời gian có hạn của cuộc đời …

3. “Hoa loa kèn” dồi dào ký ức, kỷ niệm, hoài niệm

            Nếu cảm hứng hoài cổ thường thấy ở tản văn truyền thống thì ta cũng gặp nhiều trong tập “Hoa loa kèn”.

            Những bài tản văn của NTVN thường bắt đầu từ “nỗi nhớ”. Từ “nhớ” xuất hiện với tần số cao trong những bài viết. Ở đây “nỗi nhớ” gợi về những “ngày xưa”. Nỗi nhớ khêu gợi dòng cảm xúc, khơi nguồn mạch văn chương.

            Này đây: “gió mùa đông bắc tê tái, bỗng thèm ngồi bên bếp lửa. Từ lâu lắm rồi, bếp củi vắng bóng trong cuộc sống nhà mình. Nhớ làm sao những tối mùa đông …” (Bếp củi mùa đông).

            Này đây: “Trước cửa khách sạn có mấy cụm tóc tiên được trồng làm cảnh. Nhìn thấy chúng cứ như được gặp cố nhân giữa mội nơi xa lạ. Và nhớ” … (Hoa tóc tiên).

            Rồi “Ngày xưa nhà ông bà nội cũng trồng một khóm đỗ ván” (Những quả đỗ ván). “Ngày xưa, ở quê nhà nào cũng có mấy cây xoan” (Hoa xoan).

            NTVN thường nhớ cảnh, nhớ người.

            Cảnh trong tản văn của cô thường mang vóc dáng và tâm hồn con người. Mỗi bài tản văn như những mảnh nhỏ của cảm xúc suy tư, như tiếng thì thầm đưa người viết về quá khứ. Ở đó man mác nỗi nhớ về thời gian, về không gian, về những điều nằm trong ký ức, hoài niệm. Mỗi câu trong trang sách là một giọt hoài niệm chắt chiu từ trái tim thương nhớ và đầy luyến tiếc.

            Trong khung trời của quá khứ, những cảnh cũ hiện lên: có khi là một cánh đồng chiều đông, một bếp củi mùa đông, rồi những ngày áp tết, rồi trường xưa trong ký ức, rồi mùa hè thần tiên ở quê ngoại …

            Trong cảnh cũ đó là những người xưa, có những người đã thành “muôn năm cũ”. Tuổi thơ của NTVN gắn bó với một miền quê. Bám riết trong tâm trí người viết là những người thân thuộc. Đó là những số phận bình dị, hiền lành, nhân hậu, những thân phận nhỏ nhoi và những vui buồn nhỏ nhoi, tha thiết.

            Cảnh cũ, người xưa với NTVN hiện ra bao giờ cũng đẹp. Có lẽ với tác giả: “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Đã bao lần người viết xuýt xoa về cái đẹp mãi mãi rời xa, không bao giờ trở lại: “quê ngoại thật thần tiên” … Và một câu hỏi đầy luyến tiếc “biết bao giờ?” nhiều lần vang lên: “biết bao giờ được trở lại ấu thơ …”, để lại “có bà, có bạn bè, có tiếng chim trong vắt, có những đóa hoa đủ sắc màu, có những cánh rừng xa xưa đầy bí mật”. Ở đây có chút hoài cổ, man mác bâng khuâng.

            Hơn bất cứ một áng văn chương nào của NTVN, người đọc thấy ở tản văn của cô sự hấp dẫn của ký ức. Mà “Ký ức là một sức mạnh sáng tạo”, nhà văn Pháp M.Prux, tác giả cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” đã khẳng định như vậy

            4. “Hoa loa kèn” nhiều chất trữ tình

            Chất trữ tình đó trước hết xuất phát từ điểm nhìn của tác giả - điểm nhìn trữ tình: Một cái nhìn dịu dàng, âu yếm, nâng niu về cảnh cũ, người xưa.

            Chất trữ tình có được khi tập tản văn thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên, một thiên nhiên đẹp, khoáng đạt, đầy sức sống. Chính thiên nhiên làm cho ngòi bút của con người đa cảm đó trở nên mềm mại hơn, uyển chuyển hơn.

            Và trên hết là trái tim buồn, đầy nhớ thương của người viết đã làm nên những trang viết đầy ắp yêu thương, hoài nhớ. Viết về những kỷ niệm xưa, NTVN đã nhỏ những giọt nước mắt … cô giành tình thường sâu kín cho gia đình, người thân, quê hương, bạn bè. Ở cô có khát vọng yêu thương, đây là nhu cầu nhân tính cao nhất của con người.

            Để thể hiện cảm xúc của mình, NTVN có rất nhiều đoạn “trữ tình ngoại đề”. Có cảm tưởng tác giả phải viết những đoạn đó mới bộc lô thật “đã” những cái gì đang chất chứa, ứ đầy trong trái tim. Cô không ngại bộc lộ cảm xúc của mình khi để những giọt nước mắt rơi trên trang giấy …

            Đây là những trích đoạn tạo nên sự “cộng cảm” của độc giả. “Thấy thèm mùi khoai nướng và một bếp củi rực rỡ những tàn lửa pháo hoa. Thèm nắm tay bố, tay mẹ, tay em để thấy hơi ấm tỏa, không từ bếp lửa mà những từ những tiếng cười, để thấy ánh lửa trong mắt bố, mắt mẹ, lung linh … Không có bếp củi, không có ai phồng má thổi lửa mà sao mắt cay đến thế?” (Bếp củi mùa đông). “Biết bao giờ được trở lại ấu thơ, để tôi về với mùa hè quê ngoại? Mùa hè bé thơ trong trẻo, biết bao giờ?” (Mùa hè quê ngoại).

            “Không gì buồn bằng chiều đi qua một cánh đồng mênh mông”… “Sau này lớn lên, mỗi khi đi qua cánh đồng chiều đông là tôi lại thấy buồn khôn tả” (Cánh đồng chiều đông).

            Có thể “nhặt” ra ở tập “Hoa loa kèn” rất nhiều đoạn văn như thế.

            5.”Hoa loa kèn” man mác chất thơ

            Những bài: Cánh đồng chiều đông, Bếp củi mùa đông, Mưa mùa hạ, Hoa xoan, Hoa tóc tiên, Vầng trăng cổ tích … như những bài thơ bằng văn xuôi.

            Có lần, tôi đã làm một việc là đặt đoạn tản văn của NTVN trong “Cánh đồng chiều đông” và đoạn thơ của Dương Kiều Minh cùng viết về một đề tài để so sánh hiệu ứng cảm xúc của chúng. Đoạn thơ của Dương Kiều Minh như sau:

“Nhiều khi buồn nức nở

Ngóng cánh đồng bên sông Hồng cuộn đỏ

Có nấm mồ cha

Nấm mồ của mẹ

Đấy cố hương

Và đây là cố hương”

                                                                 (Cố hương)

            Hình ảnh cánh đồng quê với cái rộng, cái xa vắng, mênh mông, cái buồn ở đoạn văn của NTVN và đoạn thơ sao giống nhau đến vậy. Những dòng ký ức, vọng niệm về cố hương ấy buồn và đẹp biết bao.

Chất thơ trong tản văn của NTVN có từ trong nhiều yếu tố. Chất thơ ấy trước hết được cất lên từ nhan đề của các bài viết, NTVN thường lấy các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên làm nhan đề cho bài viết của mình, những cái tên mềm mại, giàu sức gợi. Thiên nhiên đã làm nên những trang viết đầy chất thơ của tập tán văn.

Một yêu tố quan trọng nữa là phương diện tổ chức ngôn ngữ. Là người làm thơ khá thành công, NTVN tỏ ra rất lợi thế khi viết tản văn, lợi thế ở thói quen đưa câu chữ, có khi cả dấu chấm dấu phẩy lên cân tiểu ly để sàng lọc, chọn lựa, lợi thế ở biểu cảm cái tôi trữ tình coi trọng cảm xúc. Những câu văn mềm mại, những đoạn miêu tả thiên nhiên, nội tâm nhân vật, và một hệ thống ngôn ngữ giàu chất thơ, có nhịp điệu, có tiết tấu, giàu hình tượng và có giá trị biểu cảm … đã làm tăng rất nhiều chất thơ của tác phẩm.

            Và trên hết tất cả, làm nên chất thơ của “Hoa loa kèn” là văn phong của tác giả, một giọng văn trữ tình khá lôi cuốn: lúc hồn nhiên, trong sáng, vui tươi, lúc man mác buồn, lúc trầm lắng suy tư. NTVN đã tạo cho mình một văn phong không trộn lẫn, đây cũng là một thành công của tác phẩm.

            Tập tản văn “Hoa loa kèn” ghi nhận một thành công nữa trên bước đường sáng tác của cây bút trẻ Nguyễn Thị Việt Nga.

                                                Hải Dương, tháng Năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét