Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

NHÂN MÙA LỄ HỘI THÀNH TUYÊN





Triệu Lam Châu

NHÂN MÙA LỄ HỘI THÀNH TUYÊN
XIN CÓ TÂM SỰ RIÊNG…

(Trân trọng mời Quý vị và bạn bè cùng nghe bài hát Anh chưa đến Tuyên Quang, theo đường dẫn sau đây:
http://youtu.be/XeMV-Qahjfk  (Anh chưa đến Tuyên Quang – Video nhạc Triệu Lam Châu))

Lễ hội thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh từ năm 2014, vào dịp trung thu hàng năm, nhằm giới thiệu các giá trị văn hoá, lịch sử, đất nước và con người Tuyên Quang với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Trong Giấy mời dự Hội thảo khoa học quốc tế về Văn hoá và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á,  vừa qua tại Tuyên Quang (Gửi Triệu Lam Châu) có ghi thêm: Mời quý vị đại biểu tham dự Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang từ ngày 09 đến 12/9/2016.

Vậy là sau khi Hội thảo xong ngày 9/9/2016, các đại biểu sẽ có dịp tham gia chương trình du lịch lý thú ấy. Bản thân tôi ở Tuy Hoà, không có điều kiện đi Tuyên Quang kỳ này, cũng cảm thấy háo hức… Ừ thì đành tham dự gián tiếp qua Internet vậy.
Từ lâu tôi đã nghe cụm từ mà các thi sĩ rỉ tai nhau “Tuyên Quang là miền gái đẹp”. Tôi chưa có dịp đi thực tế sâu vào hiện thực Tuyên Quang, nên cũng chỉ công nhận vậy thôi.
Song là dân Tày chính gốc Cao Bằng, tôi cũng chạnh lòng và thầm ghen với Tuyên Quang. Bởi vì con gái Cao Bằng cũng đẹp không kém gì Tuyên Quang đâu nhé. Nhưng Cao Bằng sao vẫn chưa được bạn bè gọi là miền gái đẹp.

Anh trai tôi, Triệu Tường Duy, kỹ sư điện (Đã mất năm 2006) hồi xưa những năm 1970, đã từng tâm sự: Bại gần Trùng Khánh lẻ đo dủa á…(Những người Trùng Khánh thì đủ Dủa đó). Từ Dủa trong tiếng Tày  thật đa nghĩa, nó bao hàm là Đẳng cấp, là tầm vóc về chất lượng tâm hồn bên trong và vè đẹp ngoại hình của con người.
Bây giờ ngẫm sâu lại, tôi thấy: Anh trai mình chắc cũng quan sát và suy ngẫm nhiều về vẻ đẹp gái trai miền đông Cao Bằng, mới phát biểu như vậy chứ! Tôi thấy đúng lắm.

Triệu Lam Châu tôi sống xa quê Nà Pẳng (Đức Long, Hoà An, Cao Bằng) từ năm 1970 tới giờ. Mỗi lần về thăm quê lúc nào cũng vội vàng trả phép, nên nhiều khi không nắm hết những sự kiện tưởng chừng như nhỏ nhoi đã từng xảy ra ở cố hương. Năm 1990 trong một lần về thăm bản nhỏ Nà Pẳng của mình, tôi được biết ba cháu gái dòng họ Triệu của tôi, là Triệu Thị Danh, Triệu Thị Vịnh và Triệu Thị Thời đã đi làm dâu ở Tuyên Quang. Hồi ấy tôi cảm thấy thật bình thường. Nào có gì đặc biệt đâu? Song sau này khi nghe bạn bè truyền tụng: Tuyên Quang là Miền gái đẹp – Tôi mới suy ngẫm:  Ba đứa cháu gái họ Triệu mình được trai Tuyên Quang chọn làm vợ và đã nhập thành cư dân của Miền gái đẹp ấy – Kể ra cũng đáng vui và tự hào lắm thay!

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ tới bài hát rất nổi tiếng Nổi trống lên, rừng núi ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật). Nhạc phẩm này nói về vùng cao Việt Bắc quê tôi đó.
Ngay câu mở đầu của bài ca, Hoàng Vân đã viết: “Ngày  mai em vừa tròn hai mươi tuổi - Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng…”  Theo nhận định của Triệu Lam Châu thì Nổi trống lên, rừng núi ơi và Quảng Bình quê ta ơi, của Hoàng Vân – Là hai kiệt tác của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam!

Rồi tôi lại nhớ đến bài hát Nhớ về Pác Bó của nhạc sĩ Phan Nhân (Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Tác giả ca khúc nổi tiếng Hà Nội niềm tin và hy vọng). Ngay câu mở đầu bài hát Nhớ về Pác Bó đã gặp ngay hình tượng cô gái Tày đẹp xinh dẫn ta vào hồn núi rừng Cao Bằng hùng vĩ giàu truyền thống cách mạng:

Anh nhớ mãi ngày gặp em
Cô gái Tày đẹp xinh, với sắc áo chàm đẹp xinh
Mà giọng hát nghe sao thiết tha dịu êm
Nghe sao ngọt ngào như nước suối
Trong veo như nước suối giữa rừng sớm mai.

Em đưa anh về sông Bằng
Ngày xuân phong lan xanh mộ Kim Đồng
Về Pác Bó nghe Khuổi Nậm hát ca (á a).
Ôi mênh mông trời Cao Bằng
Rừng sâu non cao in hình bóng Người…

Cô gái Tày đẹp xinh trong nhạc phẩm Nhớ về Pác Bó, rõ ràng là người Cao Bằng quê tôi đấy. Và trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011, cô gái Cao Bằng Triệu Thị Hà đã đăng quang ở ngôi vị cao nhất, với một sự trả lời bột phát, thông minh sáng láng và đầy bất ngờ - làm ngỡ ngàng tất cả mọi người. Thay vì trả lời câu hỏi: Bạn hãy kể đôi nét về văn hoá quê mình – Triệu Thị Hà đã cất lên một câu hát lượn Nàng ới (Điệu dân ca đặc sắc của Cao Bằng), và nói – đấy là điệu dân ca trữ tình quê em, rồi mời mọi người hãy lên thăm Cao Bằng, quê hương cách mạng, giàu lòng mến khách…Cả Hội trường hôm ấy đã hoan nghênh nhiệt liệt sự trả lời hết sức độc đáo của Triệu Thị Hà. Và cô đã thành Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011.

Vậy thì những người con gái Cao Bằng đẹp cũng không kém gì gái Tuyên Quang đâu nhé. Thế mà, không hiểu sao Cao Bằng vẫn chưa bao giờ được gọi là Miền gái đẹp..?.
Những ai yêu quê hương Cao Bằng của mình, cũng cảm thấy một chút gì đó như là buồn tủi… và như thể phảng phất một chút ghen mờ hồ nào đấy… Không hiểu vì sao nữa cơ…Đọc đến đây, hẳn có người sẽ chép miệng rằng: Anh chàng Triệu Lam Châu này sao mà lắm chuyện thế?
Đúng vậy. Nếu vì yêu quê hương mà có ý nghĩ  “Lắm chuyện như thế” – thì cũng có sao đâu cơ chứ?

Tâm sự vui vậy thôi.
Thực ra có được Lễ hội Thành Tuyên hoành tráng như mấy năm nay là niềm tự hào lớn của Tuyên Quang và cả chiến khu xưa Việt Bắc hào hùng của chúng ta. Văn hoá Tày – Nùng càng được dịp lan toả vào tâm hồn đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Chúng ta thành tâm chúc Lễ hội Thành Tuyên ngày càng hoành tráng và thành công tốt đẹp!
Tuy Hoà, sáng 11/9/2016
Triệu Lam Châu

(Tôi dùng ảnh cháu Nông Thanh Liễu, cô gái Tày ở Nà Rị, Nam Tuấn, Hoà An, Cao Bằng  minh hoạ cho bài viết này. Cháu Liễu gọi chị Nông Thị Vạn là bà ngoại.  Chị Vạn là chị họ hàng bên ngoại của Triệu Lam Châu)
                         

Vào 13:50 Ngày 15 tháng 08 năm 2016, Vu Nho <vunho121@gmail.com> đã viết:
...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét