Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

VỀ LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỚI BÀI THƠ QUÊ TRONG PHỐ




VỀ LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VỚI BÀI THƠ QUÊ TRONG PHỐ
*
Thân gửi Đặng Xuân Xuyến. 
1.
 Mình đã đọc bài bình của Xuyến về bài thơ “Quê Trong Phố” và thấy bài bình này đã đăng tải không chỉ trên trang nhà Đặng Xuân Xuyến hay trang bạn Văn nghệ Quảng Tr mà còn thấy trên nhiều trang mạng khác. Một bài bình rất gọn nhưng đầy đủ những điều cần nói về bài thơ “Quê Trong Phố” (xem: l tại đây l) của Nguyễn Xuân Môn.
Nhà thơ kiêm luật sư Nguyễn Xuân Môn là một người làm thơ khá đều tay và đã đăng tải bài viết trên nhiều trang mạng, thật đáng nể.
Tuy nhiên, không chỉ vì bài thơ đưa lên Face book, “chỉ sau vài ngày “xuất xưởng” đã nhận được lời tán thưởng và chia sẻ của nhiều bạn đọc trên facebook: 892 lượt thích, 166 bình luận (hầu hết là lời ngợi khen) và 8 lượt chia sẻ” mà khẳng định đó là một bài thơ hay thì e sẽ có sự nhầm lẫn. Bởi cái sự "like" trên face book được mặc định coi là những cái like vô hại. Có một faceboooker đã viết về những cái like đó như sau:
Like giao lưu, like trả nợ, like lấy lòng, like nhạt nhẽo thờ ơ không thèm đọc nội dung cốt chỉ để phủ sóng, like vì rách việc tay buồn không biết làm gì, like cân đo đong đếm nhẩm tính đối tượng thế nào với mình, like chần chừ ngạị ngần để ý trước sau, like lưỡng lự lo sợ vừa bấm vừa run, vừa like vừa ướt quần, like khôn ngoan tính toán, like nhắc nhở có nhau, hy vọng ấm chút lòng người viết,…”
Trong số like ấy:  “có những cái like dũng cảm biết sau cái like có thể là phiền phức…những người đằng sau những cái like ấy là hay nhất, người nhất, biết rung động và có trách nhiệm với xã hội nhất.”
Riêng mình, đọc bài Quê trong phố không có mấy cảm hứng, trước hết đó là bài thơ lục bát mà lục bát là điệu hồn dân tộc Việt nhưng lục bát ở Quê trong phố không có câu nào có được cái tinh tế, cái thần của thơ lục bát. Điều đó cũng đúng thôi, vì Tuyển tập thơ lục bát từ Nguyễn Du đến các tác giả vào cuối năm 1993 cũng chỉ được 145 tác giả với 166 bài lục bát hay. Xem ra những nhà tuyển tập đã đã phải trải qua một sự lựa chọn khó khăn và dũng cảm.
Đọc bài bình của Đặng Xuân Xuyến mình cũng có cảm giác Xuyến đã phải suy nghĩ khó khăn và dũng cảm để nói thật cảm nhận của mình về bài thơ của Nguyễn Xuân Môn làm cho bài viết được cân đối giữa lời khen và lời phê.
Tuy nhiên, vẫn thấy lời khen của Đặng Xuân Xuyến nhiều chỗ tựa như những cái like để giao lưu, like để hy vọng ấm chút lòng người viết.




Chẳng hạn khi Đặng Xuân Xuyến khen “văng”, tiếng gà gáy làm “vỡ toác đêm thu tàn: rằng: nhà thơ đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh “độc đáo” và táo bạo, không nền nã như "tạng" của thể thơ lục bát.
Như vậy là không đúng với ý nghĩa của từ văng và từ toác. Văng là thình lình bị bật ra khỏi vị trí và di chuyển nhanh đến một chỗ nào đó, do phải chịu một tác động mạnh và đột ngột. Toác là nứt, vỡ thành đường, thành mảng lớn.
Tiếng gà gáy là âm thanh chứ đâu phải là vật thể mà bị văng ra khỏi cổ của con gà? Lại nữa, văng dẫu mạnh đến đâu cũng không chuyển đi quá xa như ta làm văng một cái chén thì nó cũng chỉ rơi bật ra đâu đó quanh quẩn bên chỗ ta mà thôi. Lại nữa nơi bị tiếng gà gáy văng đến là thời gian một đêm thu tàn, và là một không gian rộng lớn, một cái cái đêm mùa Thu đã đi vào thơ và nhạc:
Đêm lắng buồn
Tiếng Thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ
Và mọi mái nhà trong không gian ấy thường là Mái im triền miên. Vậy mà chỉ một tiếng gà gáy nhà bên “văng” sang nhà của nhà thơ đã làm cho cái đêm thu tàn trong khắp thành phố vỡ toác ra tức là bị nứt, vỡ thành đường, thành mảng lớn. Chỉ có viên đại bác bắn vào thành phố giữa đêm thu tàn mới có thể có công năng như vậy. Thế mà Đặng Xuân Xuyến buông lời bình tán: Một sự “thưởng ngoạn” tiếng “gà gáy sáng” rất khác lạ. Thì kể cũng lạ.
Rồi Đặng Xuân Xuyến đặt câu hỏi: “Thế nhưng tiêu đề bài thơ là "Quê Trong Phố" thì đích thị "tiếng gà gáy" ở trong thành phố. Có lẽ là ở vùng giáp ngoại ô? Sở dĩ tôi nêu những thắc mắc như vậy là vì mấy chục năm sống ở thành phố Hà Nội, tôi không hề nghe được "tiếng gà gáy sáng". Thiếu gì nhà thành phố nuôi gà, đủ các loại gà trong đó gà cảnh và gà đá chiếm số đông, nếu có thua về số lượng thì thì chỉ thua số lượng chó nuôi trong thành phố.
Phải chăng Đặng Xuân Xuyến đặt ra câu hỏi trên là để khẳng định cho lời bình này: “Mà đã là "tiếng gà gáy" sáng ở thành phố thì "tia sáng nằm ngang" có thể chấp nhận vì tính hợp lý: ánh sáng được khúc xạ bởi những ngôi nhà cao tầng.”?
Đặng Xuân Xuyến khen mấy câu thơ:
Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của lá úa rời cành đau
Bằng những từ tìm tòi, sáng tạo, gợi cảm, trau chuốt. Nhưng đọc kỹ ta sẽ thấy không hợp lý: con đường đã bị rách tả tơi thì dòng chảy lưu thông liệu có còn không? Mà âm lượng còi xe khủng khiếp như thế liệu có thể còn nghe thấy tiếng chim rơi, tiếng kêu của lá úa?
Tiếng chim buổi sáng thanh bình trong vườn hoa thì cũng phải nghiêng tai mới nghe rõ như trong câu thơ Định Hải viết:
Mà vườn hoa cũng lạ lùng
Nghiêng tai nghe đến không cùng tiếng chim
Tiếng kêu của lá úa thì trong đêm Côn Sơn chỉ có tiếng chim nhỏ nơi vách núi, tiếng rì rầm của suối mà một chiếc lá đa rụng thì như Trần Đăng Khoa nghe rất tinh mới thấy: Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
Vậy thì tiếng chim rơi, tiếng kêu của lá úa trong thơ Nguyễn Xuân Môn to hay nhỏ, là bao nhiêu decibel để nhà thơ nghe được trong cái âm thanh còi xe xé rách đường tả tơi?
Phần phê bình cách sử dụng từ ngữ cẩu thả, thiếu cân nhắc, việc chọn lựa hình ảnh cũng hời hợt, tùy tiện,...cùng những câu thơ nhạt nhẽo, thô kệch trong bài thơ Quê trong phố, mình thấy Xuyến viết rất thẳng thắn, bạo tay và rất đạt.
Đúng là mấy câu thơ:
Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!
Thì đúng là kết cấu lỏng lẻo, ý tứ nhạt nhẽo, nhất khi ông cố dụng tâm “chơi chữ.
Mà như các cụ đã nói: Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.
Nếu muốn nói bằng thơ thì cố học theo Nguyễn Bính:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Bằng không thì nói văn xuôi như Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi sinh ra ở nông thôn. Bố mẹ tôi là nông dân...”. Chơi chữ mà làm gì?
2.
Về trao đổi riêng với Đặng Xuân Xuyến sau khi đọc bài bình thơ Nguyễn Thanh Lâm của Xuyến, nghĩ là trao đổi riêng hai người thôi, giờ bác Phú Đoàn đã đưa lên trang Văn Nghệ Quảng Trị và Đặng Xuân Xuyến sẽ đưa lên trang nhà. Không biết là mưa hay nắng đây?
*
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét