Vài lời về
DỊ NHÂN VĂN THÙY
Nguyễn Bàng
*
Có vô số bài viết về Văn Thùy dị nhân, Lục
bát Văn Thùy… Mà hầu hết các bài viết đó đã phong cấp bậc cho nhà thơ này cùng
lục bát của ông ấy; rất hiếm thấy tác giả nào có đôi dòng viết về cái dở trong
lục bát Văn Thùy. Chính vì vậy, đọc bài viết của tác giả Đặng Xuân Xuyến, tuy
rất kiệm lời nhưng đã có cách đánh giá công bằng và tỉnh táo, nhất là ở mấy câu
cuối bài:
“Trong gia tài thơ ca của ông, có nhiều câu
thơ đặc sắc, thể hiện nét tài hoa đặc biệt của ông, nhưng thật tiếc, sự lặp lại về tứ, về ý đến
gần như sao y bản chính của không ít câu thơ: “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi /
Kể là chín vía chột mười cũng xong.” - “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể
là chín ngón hỏng mười cũng xong.”, hay: “Con xuôi ngược nửa kiếp người
/ Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh.” - “Con đi dọc nửa kiếp người
/ Vẫn quanh lọn tóc rối thời mái gianh”..., thậm chí sự tương đối giống
nhau của cả những bài thơ (Xin Em - Xin Em Đừng Mặc Áo Dày) đã
làm thơ ông xuất hiện sự nhàm chán, nhạt đi và bớt duyên, khiến những người yêu
thơ, yêu sự sáng tạo, chỉn chu sẽ khó chịu, cho rằng ông lười sáng tạo nên mới
xào sáo, làm giảm sức hấp dẫn với chính thơ của mình.” (01)
Nhưng công bằng mà nói, nhà thơ Nguyễn Khôi
đã viết khá thật và khá rõ từ năm 2013 về Văn Thùy dị nhân và thơ của ông ta,
khi tác giả gọi đó là Thơ
bụi quê
mùa thấp hơn hẳn thơ Bùi Giáng:
“Văn Thùy (1941) quê gốc Hà Nội, vốn là người
có học, chữ đẹp, tài hoa, thông minh tinh tướng, sau hậu chiến, do hoàn cảnh
"X"... anh ôm cô vợ đẹp phú lỉnh xuống Thị trấn Ân Thi (Hưng Yên) mở
Hiệu ảnh; nhưng rồi cơm chẳng lành -canh chẳng ngọt: cô vợ bỏ anh
"bay" vào thanh phố Hồ Chí Minh ở với con (chồng trước), rồi với cái
xe máy cà tàng anh bỏ phố, bỏ làng "đi hoang" - bụi .. tuy ở cái tuổi
"hàng lão", anh đốc chứng truyền bệnh "nghiện vần lục bát"
cho các cô - bà nàng mê thơ (gặp thời phong trào thơ các Câu Lạc Bộ thơ phường
xã phát triển như nấm gặp mưa rào - thời mở cửa - kinh tế thị trường tự do...).
Đó là những vần lục bát khá tinh luyện - hiện đại (định làm Bùi Giáng khinh đời
"đ..."- nhưng thấp hơn ở mức quê mùa). Thơ Văn Thùy nổi trội là lối
là thơ "tán gái nịnh đầm" rất tương tri với loại gái nạ dòng
"phá rào" mới xuất hiện ở các vùng đang đô thị hóa... với "hồn
Rơm" - tình vùi giữa đống rơm: em
phô chuyện chán tìm chồng / xóm giềng mách: có đàn ông trong nhà / Sau hơn chục
cuộc điều tra / đứa trong nhà ấy té ra là...mình”. (02)
Tác giả Nguyễn Bàng
Một người nữa không rõ tên nhưng là một thành
viên đã từng học lớp Chuyên Toán Hải Hưng, cấp 3 Hưng Yên 1972-1975 thì nhận
xét về thư pháp của Văn Thùy khá chính xác:
“Nhưng tôi muốn bình cái cách viết cái gọi là
"thư pháp" của ông Văn Thùy. Và nói chung, không riêng gì ông Thùy mà
nhiều người khác cũng có kiểu vẽ viết nghuệch ngoạc mà vỗ ngực là "thư
pháp". Cái ảnh thứ nhất, vẽ rồng vẽ phượng, viết chữ loằng ngoằng gớm
chết. Tôi không hiểu mỹ cảm của người khen kiểu viết kia mà gọi là đẹp thì đó
là thứ mỹ cảm gì? Lạ lùng là trong Tết, Ngày Thơ ở Văn Miếu, cũng có ông viết
chữ giun dế, bóp chữ để gọi là "thư pháp" mà cũng bán được tiền. Có
lẽ các nhà báo cũng có khá nhiều người mù mịt, không biết mình ca ngợi cái gì.
Hiện nay, một hiện tượng lệch chuẩn rất phổ biến và đáng báo động. Ví dụ, một
tảng đá viết nhăng cuội bùa chú đặt ngay tại đền Hùng, mà nguyên nhân từ những
ông vỗ ngực là Tiến sĩ, đại tá, đến khi truy nguyên ra, dư luận mới biết là sự
nhố nhăng. Những thứ liên quan đến quốc thể, quốc thống còn thế, thì chuyện vẽ
vớ vẩn lòe thiên hạ là thường. Tôi cho rằng, những anh viết chữ loằng ngoằng tự
vỗ ngực là "thư pháp" cũng là nhố nhăng,bắt chước thư pháp Tàu một
cách vô lối. Các nhà báo không biết rằng, chân lý không thể theo đám đông, không
thể mang ra bỏ phiếu. Không thể nói rằng, có nhiều người mua cái tờ thư pháp
như của ông Thùy mà bảo rằng nó đẹp hay là nghệ thuật (NXH)”
Tôi, Nguyễn Bàng thì nghĩ, những ai yêu thích
kiểu viết thư pháp Quốc ngữ này mà khuyên con cháu mình học theo, chắc khi các
cháu làm bài tập, chỉ cần múa vài chữ vào trong bài thôi, chắc sẽ bị các thày
cô cho điểm kém và mắng là chữ gà bới.
Đúng là ông Văn Thùy có biệt tài về làm một
kiểu thơ lục bát và có nhiều dị tính khác người. Nhưng ở Việt Nam ta ngày nay,
không chỉ có Văn Thùy dị nhân mà còn có rất nhiều kiểu dị nhân trứ danh nữa,
nào là: Dị nhân nói chuyện được với cụ rùa Hồ Gươm, dị nhân cứ hát là trời đổ
mưa, dị nhân biết hô mưa hoán vũ; thậm chí có cả dị nhân dị nhân 30 năm không
cắt móng tay, dị nhân tóc búi hình rồng, rắn…
Và điều đáng nói là trong dân chúng nhiều đám
đông cứ thấy dị nhân là hè nhau xem nghe và cổ vũ cho họ làm mất đi tính trung
thực về người, về việc làm và về tài năng thực của họ. Chẳng hạn như câu lục
bát Văn Thùy này:
“Có gì mạnh đến lạ thường
Yêu suông đã bốn chân giường còn hai”…
Đã không hay lại còn sai về logic chứ đâu
được như câu lục bát ca dao:
Một rằng thương hai rằng thương
Có bốn chân giường gẫy một còn ba
Hay như câu này, sao lại gọi là tâm trạng e
ngại, kìm nén những xúc cảm yêu đương:
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi
Nếu thế thì không e ngại, không kìm nén những
xúc cảm yêu thương, không yêu chay mà “yêu mặn” thì sẽ sờ cái gì?
Việt Nam có nhiều nhà thơ tài lục bát, không
kể các vị đã khuất như Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, một nhà thơ còn
đang sống cùng chúng ta là Nguyễn Duy, tất cả họ đều nổi danh lục bát với một
phong cách riêng, một bản sắc riêng chứ họ đâu cần phải phong tước dị
nhân?
*
Sài Gòn, 28/12/2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
|
|||||
|
|||||
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét