Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Ba lần đến ĐỊNH HÓA





BA LẦN ĐẾN  ĐỊNH HÓA THÁI NGUYÊN

                      Ghi chép của Vũ Nho

Năm 1972 tôi đã lên Định Hóa, nhưng không hề có khái niệm về An toàn khu (ATK), mà cũng không hề biết những địa danh nổi tiếng như đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, nơi Bác Hồ viết bài thơ kháng chiến nổi tiếng năm 1947 “Tiếng suối trong như tiếng hát xa…”, rồi Tỉn Keo, Khuôn Tát  thuộc xã Phú Đình dưới chân Đèo De, nơi Bác đã cùng  Bộ chính trị  quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn giản bởi vì khi ấy, một bộ phận khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Việt Bắc chúng tôi lên Định Hóa thực hiện sơ tán triệt để khỏi  làng Lân, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Các bạn khóa 4 lúc này đang học năm cuối cùng. Vừa  mới chân ướt chân ráo lên  xã  Trung Hội, Trung Lương của Định Hóa thì máy bay Mĩ ném bom xuống nơi chúng tôi sơ tán. Chỉ có cháu nhỏ trong bản bị thương phần mềm ở tay, phải bó nẹp, và một số cá trong ao của đồng bào chết nổi lên. Kho thóc lớn ở Quán Vuông bị trúng rốc két cháy nghi ngút. Đêm ấy,  một số cán bộ và sinh viên chúng tôi được lệnh tham gia cứu kho thóc cùng dân quân địa phương. Đèn đuốc sáng rực. Đã có bộ phận cảnh giới trên núi bắn súng và đánh kẻng báo động nếu máy bay tới. Chúng tôi dập lửa đang ngún vào thóc, xúc thóc không bị cháy lên xe chở đến nơi an toàn. Tôi và anh Trần Quang Vinh, dạy văn học Nga cùng làm với một số anh chị em sinh viên khóa 4. Mãi đến nửa đêm, công việc mới tạm xong. Mỗi chúng tôi được phát một gói xôi nếp và một miếng thịt lợn luộc để “bồi dưỡng”. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên vị nếp thơm hôm ấy như câu thơ Chế Lan Viên “Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”.

Thế rồi Mĩ thua buộc phải kí Hiệp định Pa ri tháng 1 năm 1973. Chúng tôi cũng rút khỏi Định Hóa về lại Phú Lương và mùa Hè năm 1973, chúng tôi rời khu sơ tán, về lại thành phố Thái Nguyên.

Và cũng không có dịp nào để quay lại  Định Hóa.

Mãi năm học 2000 – 2001, khi sở Giáo dục Đào tạo Thái Nguyên tổ chức thi giáo viên giỏi, tôi được mời làm Giám khảo. Và sở đã tổ chức cho các giám khảo chúng tôi thăm Tỉn Keo, bấy giờ tôi mới được  “mục sở thị”  lần đầu tiên những địa danh lịch sử của Định Hóa.




Ngày ấy, trong kí ức của tôi, khu tưởng niệm Bác Hồ và khu Tỉn Keo nhìn chung vẫn còn đơn  sơ, giản dị chứ không được hoành tráng đàng hoàng như bây giờ. Và nhất là các trương Tiểu học và Trung học cơ sở thì khá đơn sơ, có thể nói là tuềnh toàng. Các vị giám khảo không khỏi ngậm ngùi khi thấy sau bao nhiêu năm  Cách mạng và kháng chiến thành công mà con em những đồng bào đã đùm bọc cưu mang các đồng chí lãnh đạo Trung ương vẫn vô cùng gian khổ trong chuyện học hành. Với tôi, Tỉn Keo, Phú Đình của Định Hóa vẫn là một nơi nhiều  thiệt thòi, hạn chế.


Lần này khi  đoàn nhà văn kết thúc công việc ở Đại Từ, chúng tôi sang Định Hóa. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với  anh Thái Văn Cương,Trưởng phòng giáo dục, vốn là Cựu chiến binh, chúng tôi được bạn Hoàng Đức Trường, cán bộ của phòng phụ trách môn tiếng Anh đưa lên thăm lại Tỉn Keo. Quả thật là một sự thay đổi lớn lao. Trước hết là nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu nhà rộng, khang trang, có phòng để đăng kí dâng hương. Tôi cùng đoàn nhà văn và  các hiệu trường, hiệu phó trường Mầm non, Tiểu học, THCS xã Phú Đình được cán bộ  phụ trách hướng dẫn thực hiện nghi lễ. Sau khi cô lễ tân giới thiệu đoàn, tôi được hướng dẫn thỉnh chuông; nhà văn Vũ Bình Lục thỉnh khánh. Mỗi người thỉnh đủ 9 tiếng. Sau đó cả đoàn vào dâng hương và chụp ảnh lưu niệm. Rồi chúng tôi thăm khu di tích Tỉn Keo. Trong nhà lưu niệm khu di tích, có góc bày những tác phẩm viết về Định Hóa. Tôi thấy cuốn sách của thầy Vũ Châu Quán và PGS TS Nguyễn Huy Quát viết chung “Thơ  ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ( Nhà xuất bản Thanh Niên). Nhà thơ Ma Trường Nguyên, quê ở xóm Đồng Chẩn, xã Phú Đình mới in cuốn “Ông ké thượng cấp” viết về Bác. Chắc là chưa kịp gửi vào đây. Bia của khu di tích ghi rõ sự kiện lịch sử Bác và Bộ chính trị quyết định  mở chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 18/12/1953. Những ngôi nhà xưa được phục  dựng đứng kín đáo trầm lặng dưới tán cây. Vì còn phải thăm các trường học nên chúng tôi không đi vào thác Khuôn Tát hay lên  xem căn nhà  xưa lịch sử.

Trường Mầm Non  của xã mới được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Khu trường cho 365 học sinh có mặt bằng rộng hơn 6000 m2.  Cây cảnh, bãi tập sân chơi đẹp long lanh. Chúng tôi nói đùa với cô Hiệu trưởng Cao Thị Hằng rằng cơ sở vật chất như thế này thì nhiều trường ở Thủ đô cũng phải mơ ước. Cạnh trường Mầm Non là trường Tiểu học. Theo thông tin của thầy Phạm Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng thì trường đã đạt chuẩn quốc gia. Có 20 lớp với tổng số 520 học sinh. Điểm trường Khuôn Tát có 5 lớp  với tổng số 74 học sinh. 39 giáo viên của trường đều đạt chuẩn 100%. Cơ sở vật chất của trường như thế là tốt. Với trường THCS thì có khó khăn hơn vì khuôn viên chật, không đủ chỗ xây dựng. Hiện  tại, trường có 11 lớp với 335 học sinh và 29 giáo viên, trong đó có 2 giáo viên tiếng Anh. Trường đã được đầu tư để xây dựng ở địa điểm mới, sẽ đạt chuẩn quốc gia như Mầm Non và Tiểu Học. Một sự bất ngờ là tôi gặp cô giáo Ma Thị Hợp môn Văn. Khi giới thiệu tôi, cô giáo nhận ra ngay. Còn tôi thì quá bất ngờ. Số là năm 2009 trong chuyến công tác Hà Giang, tôi gặp cô Hợp khi đó dạy Văn ở trường THCS Cán Chu Phìn của huyện Mèo Vạc. Tôi tặng cô giáo hai cuốn sách chuyên môn. Chỉ có thế,  nên không thể nhận ra cô khi gặp  lại ở đất Định Hóa sau đúng 10 năm.

Quả thật, thăm ba trường ở Phú Đình,  chúng tôi rất vui vì cơ sở vật chất đã tốt lên rất nhiều. Giáo viên, học sinh và phụ huynh đều phấn khởi.

Hôm sau chúng tôi cũng thăm ba trường của một xã vùng xa của huyện là Linh Thông. Linh Thông thuộc diện chương trình 135.  Xã có 470 hộ và 3000 dân. Số hộ nghèo và cận nghèo là 35%. Nhưng cơ sở vật chất của trường Mầm Non khá đầy đủ. Theo cô  Phan Thị Lưu,  Phó hiệu trưởng, thì trường sắp chuyển về cơ sở mới, sẽ là trường đạt chuẩn quốc gia. Trường  Tiểu Học Linh Thông đang được xây dựng phòng học mới. Theo cô Nguyễn Thị Huế, hiệu trưởng thì trường cũng mới chỉ đủ phòng học. Các phòng chuyên môn thiết bị, thư viện sinh hoạt Đội chưa đủ. Cũng thiếu nhà công vụ cho giáo viên ở xa. Một tủ sách do báo Tiền Phong tặng là quá ít so với nhu cầu đọc của thầy cô và học sinh. Sẽ là thiệt thòi cho giáo viên, học sinh khi mà Mầm Non, THCS đạt chuẩn mà Tiểu Học thì chưa biết đến khi nào. Chúng tôi ghi nhận trăn trở của cô Huế.

Ở trường THCS, chúng tôi gặp thầy Ma Đình Công, sinh viên khoa Lịch Sử khóa 27 của ĐHSP Thái Nguyên. Theo báo cáo của thầy, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2015. Việc dạy và học của nhà trường khá nề nếp. là trường của xã khó khăn, nhưng trường có 3 học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa Lí và Lịch sử. Đặc biệt, em Phan Thanh Nam là một học sinh nữ tiêu biểu vượt khó, học giỏi.

Trên đường về  huyện, chúng tôi ghé qua trường THCS Quy Kì, trường đã đạt chuẩn quốc gia năm 2010 và năm 2019 đạt chuẩn mức độ 2. Nhìn khuôn viên nhà trường gọn ghẽ, sạch sẽ, đoàn chúng tôi rất cảm tình.  Cô hiệu trưởng Đàm Thị Nhâm báo cao sơ bộ về nhà trường.Thầy Trường, cán bộ phòng GD trước đây từng dạy tiếng Anh ở trường này. Nhà trường có 38 học sinh thi học sinh giỏi cấp huyện và 9 học sinh thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có môn Tiếng Anh.

 Khó khăn riêng của các  trường  ở Linh Thông, Quy Kì là không có nhà công vụ. Giáo viên khi ở lại buổi trưa không có chỗ nghỉ, mà  ngả lưng tạm ở phòng Họp. Sinh hoạt bữa trưa bằng bánh mì, hoặc mì tôm.

Khó khăn chung của tất cả các trường chúng tôi đến thăm ở Định Hóa chính là sự quan tâm của cha mẹ học sinh đến việc học của con em.  Có đến một nửa hoặc  hai phần ba gia đình cha mẹ đi làm ở khu công nghiệp, để con lại cho ông bà trông nom. Các ông bà chỉ biết giúp đưa, đón chứ không thể giúp về chuyên môn hay chăm sóc cụ thể. Lại có những trường hợp khi làm ở khu công nghiệp nảy sinh tỉnh cảm mới, dẫn đến gia đình tan vỡ. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chuyện học hành của con em.

Như đã nói, anh Thái Văn Cương vốn là một Cựu chiến binh,  lại là cùng môn Văn với chúng tôi. Đoàn chúng tôi có nhà văn Vũ Bình Lục, từng là bộ đội đặc công, từng được phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ cấp ưu tú. Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thắng ( Hội văn nghệ Thái Nguyên) từng tham gia bộ đội rồi mới về đi học khoa Vật Lí khóa 13, cũng đã từng  thay mặt đồng hương Nghệ An lên Định Hóa dự cưới một người bạn. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng có chồng là nhà văn quân đội Triệu Bôn.  Tôi cũng đã từng cứu kho thóc Quán Vuông, chịu bom ở Trung Lương. Vì vậy mà anh Cương trao đổi công việc rất thoải mái với tinh thần người lính và  người đồng môn.

Theo  câu chuyện của anh Cương và báo cáo  năm học 2017 – 2018, chúng tôi được biết những nét phát triển của giáo dục Định Hóa, một trong các huyện khó khăn, có lẽ chỉ sau Võ Nhai.

Định Hóa có 24 đơn vị xã thì mỗi xã có một trường Mầm non, một trường Tiểu học và có 23 trường THCS. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 54/71 (76,5%), trong đó có  18 trường Mầm non, 23 trường Tiểu học và 13 trường THCS.

Trẻ em trong độ tuổi huy động ra lớp Mẫu giáo là 5316/5694 đạt 93,4%.

Số học sinh Tiểu học là 7149 em, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là  1571/1571 đạt 100%.

Tất cả các trường Tiểu học , học sinh đều được học 2 buổi/ ngày. Có 21/24 trường Tiểu học tổ chức dạy công nghệ thông tin cho học sinh lớp 3, 4, 5.

Huy động học sinh hết Tiểu học vào lớp 6  là 1204/1211 đạt 99,8%.

Duy trì sĩ số cấp THCS đạt 99,77%.

100% giáo viên THCS biết sử dụng trang mạng trường học kết nối trong hoạt động chuyên môn.

Từng là cán bộ phụ trách phổ cập giáo dục THCS ở Vụ Giáo dục Trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi hiểu rằng những con số thống kê đó hết sức ý nghĩa, phản ánh  cố gắng của toàn ngành giáo dục của một đơn vị miền núi còn nhiều khó khăn.

Định Hóa còn thiếu 30 biên chế giáo viên nhưng không tuyển được vì đang trên lộ trình giảm 10% biên chế đến năm 2021.

 Bậc Mầm non còn thiếu 28 phòng học, 62 phòng chức năng, 10 nhà vệ sinh.

Bậc Tiểu học : có 129 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng đã xuống cấp. Số phòng học, bộ môn, chức năng cần sửa chữa, xây mới là 228 phòng. Công trình vệ sinh, tường rào, sân bê tông còn thiếu 73.

Bậc THCS:  Thiếu 67 phòng bộ môn, thiếu 63 phòng chức năng, thiếu 16 công trình vệ sinh, tường rào, sân bê tông.

Những khó khăn đó không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai vì đòi hỏi một số vốn rất lớn, trong khi Định Hóa là một huyện nghèo của Thái Nguyên. Rất cần sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương, của các nhà doanh nghiệp để Định Hóa phát triền xứng đáng với tầm vóc Lịch sử của mảnh đất ATK của đất nước.

Dù sao, tạm biệt Định Hóa lần này  chúng tôi cũng vui hơn, an tâm hơn trước sự đổi mới và phát triển của  giáo dục Định Hóa sau gần 20 năm gặp lại.

                                  Hà Nội, 8/4/2019
                    Báo Nhân Dân 23/4/2019  biên tập và in.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét