Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

NGUYỄN PHAN HÁCH VÀ TÔI, CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ




NGUYỄN PHAN HÁCH VÀ TÔI, CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ



Năm 1999, quá chán ông lãnh đạo mới của Trường viết văn Nguyễn Du, tôi quyết định ra đi. Sau khi lượn lờ một vài chỗ, có chỗ tưởng đã nhận đến nơi nhưng lại từ chối ở phút chót, cuối cùng tôi xin về NXB Hội nhà văn do gợi ý của chị Lê Minh Khuê.
Lúc ấy anh Nguyễn Phan Hách còn là phó giám đốc và biết chắc sẽ làm giám đốc. Nghe phong thanh tôi xin về, anh rất lo lắng. Anh nói với một vài người (sau này họ nói lại) rằng, chớ có đồng ý nhận TDA, không quản được nó đâu. Không chỉ anh Hách, khá nhiều người của Hội nhà văn, chả hiểu nghe kể về tôi thế nào, đều nhất loạt ra mặt chống lại việc tôi về NXB (tôi đã viết những chuyện này trong một cuốn hồi kí). Có ông nhảy lên giữa hội nghị cảnh báo lãnh đạo Hội, đem cả cơ quan An ninh và Ban tư tưởng Văn hóa ra dọa, rằng chính “trên” không muốn TDA về làm biên tập. (Có đại diện của hai cơ quan ngồi họp, một tên Kh. một tên M. và họ xác nhận như vậy).
Nhưng cuối cùng, vào cuối nặm 2000, qua một phiên họp của BCH mới, có biểu quyết (người ghi biên bản là nhà văn Tô Đức Chiêu), tôi được nhận về NXB khi chỉ hơn bên phủ quyết đúng một phiếu. (Sau này tôi biết, lá phiếu đó của nhà văn Nguyễn Trí Huân).
Tình thế không thể đảo ngược, lại đúng vào thời gian anh Hách làm quyền giám đốc NXB, chúng tôi buộc phải tìm cách hợp tác với nhau. Nhưng anh Hách vẫn rất cảnh giác tôi. Những cuốn sách tôi biên tập, luôn phải do anh trực tiếp đọc lại. Chỉ đến khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường từ báo Văn Nghệ về phụ trách phần nội dung, anh Hách mới “nhẹ cả người”-như lời anh kể sau này-khi “bàn giao” tôi cho Nguyễn Khắc Trường. Sự phối hợp giữa anh Nguyễn Khắc Trường và tôi trong việc xuất bản và tái bản một loạt cuốn sách thuộc loại “có vấn đề”, đã được tôi viết trong bài “Ông anh Nguyễn Khắc Trường” nên xin không kể lại. Suốt thời gian đó, hễ cứ gặp nhau là anh Hách lại cười cười bảo: “Vừa vừa thôi các bố nhé, bọn trên nó rình kĩ lắm đấy”. Trong khi Nguyễn Khắc Trường chỉ vuốt đùi cười hề hề, thì tôi to miệng hơn: “Mình làm theo luật, chả việc gì phải sợ anh ạ”. “Mày không sợ nhưng tao sợ”-Anh Hách nói vậy và cười toáng lên.

Rồi xảy ra sự cố cuốn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật bị cấm phát hành. Lúc đầu ai đó muốn làm rất to chuyện, thậm chí đã bàn đến việc bắt bớ (Xin chờ đọc Hồi kí đã dẫn của tôi). Nhưng rồi mọi chuyện đổi ngược lại ở phút chót, sau phát biểu ngắn của một người mà tôi chưa tiện nêu tên (dù ông đã về hưu và tưởng tôi không biết, chính ông cũng kể lại cho tôi chuyện đó), cấp trên yêu cầu Hội nhà văn tiếp cận tôi, cố gắng đừng để các thế lực thù địch lôi kéo tôi vào quỹ đạo của họ! Nguyễn Phan Hách được mời dự cuộc họp đó và là thành phần chính. Khi về, anh mời tôi vào phòng, kể qua loa về nội dung cuộc họp, coi như đã truyền đạt tinh thần của cấp trên. Anh bảo, trong hội nghị có người nghi tôi tổ chức in lậu cuốn sách để bán kiếm lợi, anh bèn cười phá lên bảo lại: “Thằng TDA nó có quan tâm đến tiền đâu! Nó chỉ được 100 cuốn sách coi như nhuận bút. Các vị tin tôi đi”. Và sự thực đúng là như vậy.
Có lẽ để “triển khai” tinh thần của Hội nghị, anh Hách kéo chị LMK vào, tìm cách động viên tôi vào đảng. Một hôm, (thời điểm cách đây hơn 15 năm) nhân đi dự đám cưới của một cán bộ cơ quan, anh Hách chủ động bảo tôi và chị LMK nán lại để cùng đi xe với ông. Lái xe cũng là một đảng viên kì cựu, nên vừa đi được một đoạn, anh Hách vào đề luôn:
-TDA ạ, mày vào đảng đi.
Tôi hỏi:
-Để làm gì?
-Để sau này mày làm quản lý cái NXB này. Uy tín văn chương mày có, tuổi mày còn trẻ (lúc ấy tôi khoảng 43 tuổi), chỉ thiếu mỗi cái thẻ đảng nữa thôi-quay sang chị LMK, anh bảo: K. thấy tớ nói thế có đúng không?
Chị K. chỉ tủm tỉm cười. Đang hăng, anh Hách bèn lấy tình anh em mắng tôi:
-Mày là thằng thông minh, nhưng nhiều lúc tao thấy mày ngu lắm TDA ạ. Mày có biết sáng nay tao bắt tay ai không? Tao bắt tay tổng bí thư nhé. Mày không vào đảng, chả ai cho mày làm lãnh đạo, còn lâu mày mới được dự họp như tao vừa dự sáng nay. K. thấy tớ có chân tình với nó không?
Chị K. lại chỉ tủm tỉm cười.
Thấy tôi ngồi im, anh Hách tưởng tôi đang suy nghĩ lời anh nói, bèn để tuột ra luôn:
-Tao chẳng giấu mày nữa, tao được phân công cùng với cô K. đây theo dõi giúp đỡ mày, mày chớ có phụ công bọn tao. Nói thật, lúc đầu tao sợ mày lắm, nhưng tao phải công nhận mày là thằng đàng hoàng, tử tế với bạn bè-anh cao giọng nhưng nghe rất thân tình-Tôi nói cho anh biết, tôi phải quý anh thế nào mới đứng ra bảo lãnh cho anh, chứ tên anh nguy hiểm bỏ mẹ.
Anh nói xong lại cười váng, tiếng cười sảng khoái quen thuộc của anh. Tôi bèn nhỏ nhẹ bảo với anh:
-Em mà là bác, thì đêm nay về em sẽ chặt cái cánh tay ấy đi.
Tất cả xe im lặng. Dường như quá sốc, nên phải một lúc sau anh Hách mới lên tiếng:
-Thôi K. nhé, đéo động viên thằng này nữa. Chấm dứt ở đây.
Cũng may vừa lúc đến đám cưới. Tôi tưởng anh Hách sẽ giận tôi vì cuộc chuyện đó. Nhưng chỉ hôm sau anh đã lại rủ tôi vào phòng uống trà, nói đủ thứ chuyện về nhân tình thế thái. Anh và tôi có hàng vài trăm buổi trà đàm kiểu ấy, có hôm hết nửa buổi sáng. Tiếp xúc lâu với anh, tôi phát hiện ở anh hai điều. Thứ nhất anh không nhát như chính anh luôn nói ra miệng và như nhiều người nghĩ. Chẳng qua anh quá biết thời cuộc, coi khinh thời cuộc và không thèm dây với những thứ chỉ làm mất thì giờ. Hãy cứ đọc tác phẩm của anh sẽ thấy. Và thứ hai, anh là người tinh tế vào loại bậc nhất trong thẩm định văn học. Tôi đã từng viết, tác phẩm nào Nguyễn Khắc Trường khen, thì hoàn toàn yên tâm là nó hay, nhưng tác phẩm nào bị Nguyễn Khắc Trường chê, chưa chắc nó đã dở. Với Nguyễn Phan Hách thì không có chuyện đó. Anh biết cái hay, cái tinh tế, cái sâu xa về tư tưởng của một tác phẩm văn học. Gu thẩm mĩ, phông văn hóa của anh rất rộng, vì thế khi anh đã khen hay chê, thường là đều chính xác. Tôi cũng ít thấy nhà văn nào phân tích về thời cuộc thấu đáo và am tường đến từng ngõ ngách như anh. Chỉ có điều anh không nói ra hoặc không tìm thấy người “đáng mặt” để nói ra, cũng như anh rất ít nói về tác phẩm của mình.
Khi biết anh bị trọng bệnh, tôi vào thăm anh ở bệnh viện Vinmec. Khác với hình dung về một người luôn sợ sệt, anh bình thản như chuyện chả có gì. Đó cũng là lúc tôi nhận ra ở anh một bản lĩnh rất lớn. Đối mặt với tử thần, anh không hề tỏ ra sợ hãi. Anh quyết định chiến đấu đến cùng với định mệnh. Vẫn bằng thứ giọng oang oang, anh nói về những dự định mà anh muốn làm tiếp. Trước khi chia tay, anh bảo tôi:
-Giờ thì tớ thấy cậu đúng TDA ạ. Làm thằng nhà văn là cứ phải ngang nhiên mà sống. Tác phẩm sẽ nói lên tất cả, còn mọi thứ khác là rác hết, chả có ý nghĩa mẹ gì. Nhiều người cũng biết thế, nhưng chỉ vài người làm được điều đó, trong số ấy, tớ ấn tượng nhất là cậu-ông kéo tay tôi lại-Này, thật sự thì cậu không sợ gì à?
Rồi lại cười váng. Tiếng cười ấy khiến tôi muốn nói rằng, chính anh mới là người không sợ gì hết, bởi ngay cả thần chết anh còn coi thường.
Ngày mai, dù chưa khỏi ốm, tôi vẫn sẽ đưa anh về nơi an nghỉ. Để thêm một lần nữa tôi bày tỏ tình cảm yêu mến và kính trọng với anh, một con người tài hoa, hấp dẫn và không kém phần bí ẩn.





1 nhận xét: