Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Vũ Nho viết về tập TRUNG KHÚC





                                                  Tác giả Huyền Thanh Thanh

NỖI NIỀM CỦA MỘT TẤM LÒNG KHÁT YÊU
                Đọc “Trung khúc” tập thơ của Huyền Thanh Thanh, Nxb Hội Nhà Văn, 2019
                                                          Vũ Nho
Không rõ tác giả Huyền Thanh Thanh say mê “Truyện Kiều” đến mức nào mà chọn hai từ “Trung khúc” để đặt tên cho tập thơ mới của mình.  Không phải đơn giản “Trung khúc” là khúc giữa, hay khúc miền Trung như  một số người lầm tưởng. Trung khúc ở đây là từ trong câu Kiều số 423: “Đủ điều trung khúc ân cần/ Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng”. Đó là khi lần đầu tiên, Thúy Kiều sang phòng Kim Trọng, rồi sau khi đề thơ  lên bức tranh Tùng chàng vẽ, hai người  bị tiếng sét ái tình ở buổi thanh minh có dịp trò chuyện  và tất nhiên có uống rượu ngà ngà say. Mà cái say là say tình nhiều hơn say rượu, hoặc là cả hai. “Trung khúc” được học giả Đào Duy Anh chú giải : Điều quanh co kín đáo ở trong lòng. Trung khúc chính là nỗi niềm sâu kín trong lòng của một người phụ nữ  trẻ đang yêu, yêu mạnh mẽ như là  một sự khát khao cuồng nhiệt.
Tập thơ gồm 44 khúc nhạc lòng, khúc thơ,  khúc tâm trạng của tác giả, cùng với 8 bài thơ viết khi 16, 17 tuổi, 2 bài thơ dịch và 3 bản nhạc. Những bài thơ viết và dịch, những bản nhạc phổ thơ Huyền Thanh Thanh như là những phụ bản, những phụ lục để người đọc có thể cảm, hiểu 44 khúc  hay 44 “trung khúc” với  một khát  khao sâu thẳm, khát vọng duy nhất “Khát vọng về một Tình Yêu thiêng liêng và bất diệt”.
Với tinh thần như thế, tất nhiên “Trung khúc  sẽ là những khúc nhạc lòng vừa quen vừa lạ trong cõi yêu, cõi tình. Quen bởi khi yêu, người ta Khát, Đắm đuối, Nhớ, Thương, Giận, đôi khi Diễn, rồi  Một mình, Cô đơn, Uống rượu, Say, Lang thang, Mỏi mệt (Tên các bài thơ). Lạ vì cái cách yêu, cách thể hiện tình yêu chẳng giống ai. Đúng như tác giả tỉnh táo tự bộc bạch “Những xúc cảm được vẽ ra trong những con chữ theo một cách riêng nào đó mãnh liệt, hoang dã, bụi bặm, nguyên sơ, không chải chuốt, không tô điểm, đôi khi là sự mờ ảo, đôi khi trần trụi”.
 Không ít lần người đọc bắt gặp sự “Khát”,  trong  “Khát”, “Thảng bảy khát”,  với những “khát yêu” (tr.11),  Nỗi  nhớ  khát  hồn  chết  một  mùa  thu” (15), “Giọt nước nào ngăn nổi khát khao?” (17),  khát ban mai” (33), “khát mãi giọt đông rơi” (74), “say ơi! khát, khát mãi” (77), “Trong giấc mơ khát khao con chữ” (82).




Kèm với “Khát” là “ Muốn”.  Những ước muốn mạnh mẽ “Muốn vò sắc đỏ cạn hanh hao/ Muốn tiêu dao tình ai oán/ Muốn loạng choạng giấc say […] Muốn gục môi mềm/ Muốn đêm trắng/  Muốn tràn lao xao/ Muốn cồn cào nhớ/ Muốn thở nơi nhau…”. Khi yêu đương mà phải xa cách thì người ta thường nhớ. Người xưa đã từng ví nỗi nhớ như đứng đống lửa, ngồi đống than để nói về độ mãnh liệt, sự thiêu đốt của nỗi nhớ. Với Huyền Thanh Thanh thì nỗi nhớ là một “cơn”  như “cơn bão, cơn giông” hay “cơn tỉnh, cơn mê” trong Truyện Kiều:
          Nỗi nhớ lên cơn
          giày xéo trái tim bé bỏng
                       (Xúc cảm)
Có thể nói những  cung bậc tình cảm luôn luôn mãnh liệt ở mức cực đại, hết tầm:
          Buồn/ nhuộm tím góc mây
          Vui/ quên mở cửa/ kéo mành sang thu
          Cười/ nghiêng đổ chén phù du
          Khóc/ say điên đảo/ mộng thường tan hoang
                                 (Một mình)
Đã “Thương” là phải “Thương lắm” : “Thương lắm/ vết chân […]  Thương lắm/ đôi cánh  […] Thương lắm/ khúc hát […]  Thương lắm/ trái tim (Thương). Đã “Thương yêu” thì thương yêu hết mực : “Thương yêu/ Khờ/ Thương yêu / Dại/ Thương yêu/ Tím tái/” (Nhớ). Còn khi cô đơn thì chỉ thấy một mình “Góc trời/ Em” và “Em/Góc trời” như một điệp khúc trong bài “Tháng bảy khát” và nỗi cô đơn ấy tràn sang cả thiên nhiên “Người xa người/ Hoa rũ hoa/ Trăng héo trăng/ Đêm khóc đêm” (Cô đơn).
Tình yêu và cõi tình không phải toàn hoa thơm, trái ngọt, mà còn có cả những đắng cay, chua xót. Đã từng gặp trong tập “Trên từng vết chân hoang” : “vỡ òa/ Nước mắt/đằm/áo ngực/ thời gian” (Đêm thu) và “Chết lặng/ giấc mơ/ đêm tím tái” (Bơ vơ). Còn  trong “Trung khúc”, đó là những khoảnh khắc trống trải : “Ly café / Trống rỗng/ Lòng người/ Trống rỗng  (Rơi). Là sự lang thang “Chiều nhớ chiều / không nắng/ Mây buồn/ mây giăng giăng/ Lòng thương/ lòng trĩu nặng/  Người khóc người/ lang thang” (Lang thang). Là những mệt mỏi   khi triền  miên “Mỏi mệt/ ngày/ Mỏi mệt tháng/ Mỏi mệt /năm/ loanh quanh những chốn xoay vần dại khôn” (Mỏi mệt). Là sự “diễn hề” trên sân khấu đời “Chớp mắt thôi đã vỡ tan chuyện tình” (Diễn). Và những nỗi nhức nhối, tơi tả “Tơi tả  hình hài/ Đỏ ngày khờ dại/ Ngọt nhạt tàn phai” (Sợi). Nỗi đau thấm đẫm cả giấc mơ “Cơn mơ chiều nhức nhối/ Tơi tả nắng cô liêu/ Vẹo/ Xiêu/ Nghiêng/ Ngả/ Mưa/ Đời/ Tầm tã” (Vàng).
Hầu như rất ít những hình ảnh của cuộc sống thực như trong tập “Trên từng vết chân hoang”. Ở đây, nếu có thì hình ảnh ít ỏi đó cũng nhuốm đẫm màu tâm trạng. Chẳng hạn :
Ba giờ chiều
Xe cộ múa ba lê đường Hà Nội
                (Nỗi nhớ)
Tây Hồ bảng lảng vương sương khói
Tình nhân mơ mộng uống trăng đôi
                     (Bảng lảng Tây Hồ)
Hà Nội
hạ
Giọt lạnh lưng gầy
Bờ vai ai đuổi lá vàng xao xác
                      (Giọt đông)
Như đã nói, “Trung khúc” là khúc nhạc lòng, là những nỗi niềm của một người phụ nữ trẻ đang yêu. Người phụ nữ ấy “chỉ muốn xúc cảm thật nhất và được tự do bay như những gì mà nó muốn có”. Bởi ước muốn như vậy nên cảm xúc được buông thả hết mức nhiều khi tác giả  không  thể và cũng không muốn  kiểm soát. Dĩ nhiên, sự chừng mực, sự tỉnh táo của lí trí sẽ giúp cho những  bài thơ, những khúc nhạc ấy gọn gàng hơn, chắt lọc hơn, du dương hơn, đằm thắm hơn.  Nhưng người viết đã không muốn như thế. Và chúng ta tôn trọng sự lựa chọn đó.
Nếu so sánh hai tập thơ thì trong tập này, người viết thiên về hướng nội, thiên về cuộc sống tình cảm kín đáo của một cá thể, một người khát vọng về một tình yêu thiêng liêng và bất diệt. Tác giả đã khẳng định giọng điệu của  riêng mình trong cõi yêu. Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn đối với bạn đọc bởi vì “Dẫu là anh, dẫu là tôi/ Dẫu ai thì cũng là người đang yêu (Ngô Quân Miện – Nghe khúc hát Trương Chi).
                                               Hà Nội, 19 tháng Ba năm 2019

In báo Người Hà Nội, số  17 ngày 19/4/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét