Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

THANH HÀ, MIỀN QUÊ XANH THẲM





THANH HÀ, MIỀN QUÊ XANH THẲM
( Bút ký)

                                     NGUYỄN THỊ LAN
"Đã là con mẹ con cha
Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông"
                                          (Câu hát dân gian)
          Miền quê ấy có màu xanh của trời, màu xanh của đất, và màu xanh của các dòng sông. Miền quê ấy là "đất Thanh Hà xứ Đông" quê tôi.
          Tôi được biết về miền quê ấy từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Lúc đó tôi mới 5,7 tuổi. Mẹ tôi sinh thời làm nghề hàng xáo. Hàng ngày, người phụ nữ quê ở tận Ước Lễ, Hà Đông ấy (Hà Nội bây giờ), vẫn ngày ngày đi bộ qua cầu Phú Lương sang đất Thanh Hà đi chợ. Bàn chân bà len lỏi khắp chợ cùng quê Thanh Hà: những chợ Gọp, chợ Vàng,...Những món hàng bà mua được có khi là nắm gạo, mớ cám, mớ đỗ, con gà, con ngan,...Bà thường kể cho chị em chúng tôi nghe về miền quê trù phú ấy. Cái gì của Thanh Hà cũng ngon từ hạt gạo, mớ rau, quả chanh, quả quất, quả vải đến con ruốc, con rươi, con cáy, con cá, con tôm,... nhiều thứ ngon "không nơi nào sánh được". Với chúng tôi, Thanh Hà lúc đó là "miền cổ tích". Sau này lớn lên, khi đã tự mình bước lên cái cầu Phú Lương dài dằng dặc để sang đất Thanh Hà và qua sách vở... lũ trẻ chúng tôi còn biết về Thanh Hà - một miền quê trù phú và văn hiến - nhiều hơn thế.
          Miền đất bốn bề sông nước, miệt vườn
          Hành trình đến Thanh Hà là hành trình đến với sông nước, miệt vườn và môi trường sinh thái.
          Nằm trên vùng đất sa bồi đã qua hàng nghìn năm hội tụ, Thanh Hà cùng là quê hương hàng ngàn năm của người Việt cổ.
          Trên bản đồ vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Thanh Hà ngày nay như một dải lụa xanh: phía Tây giáp thành phố Hải Dương và huyện Tứ Kỳ qua sông Thái Bình, phía Đông giáp Kim Thành qua sông Rạng, phía Nam giáp Vĩnh Bảo, Tiên Lãng (Hải Phòng) qua sông Văn Úc.

                                                            Tác giả Nguyễn Thị Lan

          Là vùng đất thấp với cốt đất trung bình chỉ cao 0,6 mét so với mực nước biển, khi xưa mỗi con nước thủy triều dâng, diện tích mặt nước mở rộng tối đa trên 80% gồm sông ngòi, triều bãi và cả vườn cây, đường đi lối lại. Vào mùa mưa lũ, con nước thủy triều dâng cao rồi rút nhanh, cả Thanh Hà là một bãi phù sa khổng lồ. Trên mặt địa bàn, sông ngòi chằng chịt như rễ cây. Sông lớn và dài nhất là sông Hương hay Hương giang (phụ lưu sông Thái Bình) dài gần 20km, qua 16 làng rồi đổ ra cửa biển Hải Phòng. Dòng "sông Thơm", dòng sông huyền thoại - ngoài việc cung cấp phù sa, nước tưới tiêu cho cả lưu vực các làng hai bên sông, sông Hương còn là đường giao thông thủy hết sức quan trọng. Thanh Hà có nhiều diện tích là triều bãi, nhiều vùng trước đây là đầm hồ, bãi trũng, quanh năm chỉ có cỏ lau lác, sú vẹt, mọc um tùm song đó là môi trường tốt cho các loài thủy sinh quý, có giá trị dinh dưỡng cao như: tôm, cá, cua, cáy, rươi, ruốc,...
          Nhưng Thanh Hà không chỉ đẹp đằm thắm, dịu dàng với những dòng sông, ao đầm thơ mộng mà Thanh Hà còn có những vườn trái cây xanh mướt. Ngồi trên thuyền, lướt nhẹ lênh đênh trên dòng sông Hương du khách sẽ choáng ngợp thấy hai bên bờ xanh mướt những vườn vải, ổi, bưởi, chanh, quất, chuối,... có giá trị kinh tế cao. Nơi đây là xứ sở của trái cây Hải Dương. Trên thuyền, tận hưởng khung cảnh thanh bình yên ả, không khí mát mẻ, gió sông lồng lộng thổi, hương đồng gió nội từ đôi bờ... du khách sẽ thấy những lo lắng đời thường chợt tan biến, một cảm giác thư thái, bình yên tràn ngập cõi lòng.
          Miền đất có bề dày văn hóa
          Thanh Hà là quê hương hàng nghìn năm của người Việt cổ. Người Thanh Hà có mặt trên vùng đất này rất sớm, ít nhất từ 2000 năm trước. Các nhà khoa học đã căn cứ vào những di chỉ khảo cổ: mộ táng, di vật cổ, bia ký, thư tịch cổ ở các làng xã, những sự tích Thành hoàng,... để xác định Thanh Hà là một trong những cái nôi của người Việt cổ, định cư từ thuở xa xưa.
          Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hà mang những đặc trưng của văn hóa vùng, văn hóa tỉnh Đông đó là nền văn hóa lúa nước. Nhưng văn hóa Thanh Hà cũng mang đặc trưng riêng đó là văn hóa vùng sông nước. Khi xưa, Thanh Hà vốn nhiều sông ngòi, đường lầy lội và phải qua nhiều cầu đò nên giao thông thủy thuận lợi và chủ yếu.
          Ảnh hưởng sâu sắc văn hóa tỉnh Đông, Thanh Hà là một miền quê hiếu học. Thanh Hà còn là vùng đất bách nghệ và nghề nào cũng đạt đến độ tinh thông như: nghề nông, nghề chế biến lương thực, nghề chăn nuôi và chế biến thực phẩm, nghề thủ công, đặc biệt là các nghề đánh bắt và chế biến hải sản, nghề chở đò.
          Cũng như các làng quê ở vùng châu thổ sông Hồng, Thanh Hà có nhiều làng nghề cổ truyền như: làng nghề trồng và chế biến vải thiều Thúy Lâm, làng nghề dệt vải vuông Hoàng Xá, làng nghề ấp vịt Đông Phan, làng nghề chiếu cói Tiên Kiều, làng nghề đóng thuyền vận tải đường sông Cam Lộ và các làng chài...
          Nét đẹp văn hóa của người Thanh Hà còn thể hiện trong học hành khoa cử, trong kiến thiết xóm làng, trong tâm linh, trong các các thuần phong mỹ tục, trong văn học nghệ thuật (với thơ, ca dao, ca hát dân gian, câu đối, điếu văn, vè... và đặc biệt truyện thơ nôm "Phạm Tải - Ngọc Hoa").
          Miền đất giàu tiềm năng du lịch
          Thanh Hà là miền đất rất giàu về tiềm năng du lịch tâm linh và nhân văn, du lịch sinh thái đặc biệt du lịch miệt vườn.
          Thanh Hà có bề dày về các truyền thuyết lịch sử và có đến 111 đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ,...gắn với truyền thuyết lịch sử địa phương. Trên mảnh đất này, hàng năm có đến 30 lễ hội lớn như: lễ hội chùa Minh Khánh, lễ hội đình Mè, lễ hội đình Xuân Áng; rồi các điểm du lịch như chùa Đồng Ngọ, chùa Bạch Hào, làng múa rối nước Thanh Hải,...thu hút khách du lịch rất cao.
          Đặc biệt loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, văn hóa nhân văn của Thanh Hà có tiềm năng lớn. Thanh Hà là một miền quê trù phú với những rừng cây ăn quả giữa đồng bằng sông Hồng. Du khách có thể đến thăm vườn vải ở Thúy Lâm, Thanh Sơn, thăm cây vải tổ ở Thanh Sơn, thăm 6 xã đảo với vườn cây ăn trái xum xuê. Các xã đảo không có nhiều cảnh đẹp lung linh mà hấp dẫn du khách chủ yếu là cuộc sống nông dân chất phác, thanh bình. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị với những người muốn xa rời phố thị, đi tìm sự yên bình dân dã.
          Trong tương lai gần, tuyến du lịch dọc sông Hương sẽ mời gọi rất nhiều nhà đầu tư. Sông Hương - một dòng sông huyền thoại, có cả một truyền thuyết đẹp về dòng sông này. Dòng sông nước trong, ít phù sa, nước ngọt, rất thuận lợi cho việc tưới bón cây trồng đôi bờ, đồng thời thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với các hội như bắt vịt, câu cá, đua thuyền. Dọc sông Hương là những vườn vải. Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng là ngon. Ngoài ra, các miệt vườn cây trái khác xanh mướt đôi bờ sẽ làm mát mắt du khách.
          Tôi đã được xem bản (định hướng) "Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương Thanh Hà" mà một bên đơn vị tư vấn quy hoạch là "Công ty tư vấn kiến trúc và xây dựng ý tưởng", một bên chủ đầu tư là "Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương". Tôi đã tưởng tượng ra cả một viễn cảnh đẹp đẽ, rộng mở với tuyến du lịch sinh thái dọc 10 km trên sông Hương. Đây thực sự là một tuyến du lịch đường sông hấp dẫn với thời lượng lên bến, xuống thuyền và ngắm cảnh tham quan vui chơi đủ trong ngày. Khu du lịch sinh thái sông Hương bao gồm: khu trung tâm; khu dịch vụ và vui chơi giải trí; khu nghỉ dưỡng; khu du lịch sinh thái sông nước, vùng trải nghiệm. Tất cả nằm trong quy hoạch quy mô lượng du khách dự kiến năm 2020 phục vụ khoảng 500.000 du khách/ năm; năm 2030 khoảng 1.000.000 du khách/năm. Tương lai gần đang vẫy gọi du lịch sinh thái sông Hương - dòng sông Thơm.
          Khi tôi đang viết đầy hào hứng những dòng cuối cùng này, như một mối "lương duyên", cô sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hải Dương năm nào đột nhiên đến thăm cô giáo. Em quê ở Cẩm Chế, Thanh Hà, đang dạy học môn Văn ở trường THCS Thanh Xuân. Em mang biếu cô giáo những món quà quê: vải khô, mắm cáy, ổi,...Em hồ hởi mời tôi về quê em chơi. Em bảo: "Vào tháng 5, tháng 6, khắp vùng đất Thanh Hà vải sắc đỏ rực lẫn trong những tán lá xanh biếc. Len lỏi vào các khu vườn, cô sẽ tận hưởng không khí trong lành, thích thú khi được tận tay hái những chùm vải chín lúc lỉu, cảm nhận hương thơm và vị ngọt mát quyến luyến nơi đầu lưỡi... Hoặc đến tháng 3 cô xuống quê em bắt cáy. Lúc ấy cáy chắc và mẩy. Cáy thập thò ở các cửa lỗ bên bờ sông, bờ ngòi, bờ rãnh. Cáy bò ở các soi, các vườn cau; có cáy xồm màu đất, lông chân xù xì; có cáy hồng màu ớt chín,...Câu cáy thì cần câu bằng cây trúc, cành tre nhỏ ngọn không cần mềm...Rồi tháng 9, tháng 10 cả làng, già trẻ, gái trai, trẻ con nô nức gọi nhau đi bắt rươi ở đất bãi...Rất vui..."
          Nghe em nói mà tôi như được nghe một chuyện cổ tích. Tôi ở thành phố, đã bao giờ biết đánh bắt cáy, bắt rươi. Tôi mơ màng như trôi trong tiếng ru và hứa với em (và cũng tự hứa với lòng mình): "Nhất định có ngày tôi lại về vùng đất như miền cổ tích ấy". Thanh Hà ơi, nhất định tôi sẽ về!
Hải Dương, đầu Đông năm 2015



Trong cuốn " Cây trong phố", nxb Hội nhà văn, 2019







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét