Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

ÁNH TUYẾT - NGƯỜI BẠN GÁI LÀM THƠ DỄ THƯƠNG

 

ÁNH TUYT - NGƯỜI BN GÁI LÀM THƠ D THƯƠNG

 

(Thân yêu tặng nhà giáo, nhà thơ Ánh Tuyết nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2020)

                               Phạm Ngọc Tâm Dung

 

         Có một lần, tôi được người bạn thân trao cho  tập thơ của một người lạ có cái tên thật sáng của thứ đặc sản chỉ có ở những nơi lạnh giá: Tuyết! Không phải đơn giản là Tuyết, mà là Ánh Tuyết. Ánh sáng Tuyết, ánh long lanh của Tuyết trắng ngần!

Tôi vô tình mở một trang và bắt gặp bài thơ "Lời rau răm" có đoạn thế này:

"Cứ như cái túi đựng buồn

Bao nhiêu oan trái đều dồn vào tôi

Tôi mãi lở để người bồi

Cho đầy nhận khuyết một đời đắng cay

Bão giông bầm dập thân gầy

Muốn yêu chả được một ngày yên thân

Chợ đời mỏi gánh chồn chân

Vẫn long đong vẫn lênh đênh phận mình..."

       Bài thơ nói về nỗi niềm của người đàn bà, đọc lên làm cho ta muốn khóc.

Thế là tôi quên cả người bạn đang ngồi kế bên,  quay mặt đi chỗ khác và đọc một lèo hết tập thơ.

Thì ra, những nỗi khổ đau đã kéo những người đàn bà lại gần nhau. Và tôi đã tìm Ánh Tuyết, kết thân với em từ khi đó.

Với Ánh Tuyết, thật sự, tôi không mấy quan tâm em là "nhà gì", bởi bao năm nay, em hiện hữu trong tôi như một người  phụ nữ cùng cảnh ngộ, một người em, một người bạn vong niên mà khi vui, tôi gọi điện ba hoa, khoe toáng lên, khi buồn tôi chỉ muốn bắt xe về ngay Thái Bình, ôm lấy em mà khóc.

Nói như thế, không có nghĩa là "hai đứa" có vẻ...giống nhau!

 

                                                                   Tâm Dung

Ánh Tuyết là một phụ nữ xinh đẹp theo lối khỏe khoắn, tươi giòn, bởi hai má lúc nào cũng rực  hồng, căng mọng, cặp mắt "lá răm" hút hồn và nụ cười "không chê vào đâu được". Em chính là hình bóng   trong câu ca dao “Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Cộng với sự thông minh, nhanh nhạy, nghĩa tình, đã nói là làm, đã làm là thành công.

         Chúng tôi, tuy cùng quê, nhưng sống và làm việc ở hai địa bàn khác nhau, nên những buổi sinh hoạt cùng nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật" Hà Nội, hàng chục năm nay, một năm mấy bận, cùng các văn nghệ sĩ đàn anh: Vũ Nho, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đình Bắc, Hoàng Kim Bảo,  và em Hồng Ngát (hầu như ai cũng có tác phẩm giới thiệu thơ Ánh Tuyết, đăng tải trên các tờ báo lớn, chính thống).

Đặc biệt, những chuyến đi du lịch xa cùng nhóm bạn bè, là cơ hội vàng để tôi hiểu thêm nhiều về em.

Tôi hoàn cảnh khó khăn, đông con đông cháu, công việc nội trợ của người đàn bà thật khó dứt ra chút nhàn rỗi cho mình, nhưng những chuyến đi có Ánh Tuyết là không thể không có tôi.

Còn nhớ, hồi đầu những năm 2010- 2015, chúng tôi thật hăng hái. Một năm ít ra cũng giành vài ba chuyến đi cho cả nhóm.

Trưởng đoàn của chúng tôi là Đại Tá Lê Như Hải.  Hải rất điển trai, thông minh, năng động, vui tính và tốt bụng, người gốc Bắc, là chính ủy bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Nhà báo Đức Viên kiêm chân tài xế xuất sắc, nhiếp ảnh gia... đi nhiều, biết rộng, hoạt bát và luôn là " trưởng ban xung kích" của đoàn.

Rồi nhà báo Phi Hải, bác sĩ Minh Thuận và cả con trai của tôi, cháu Phạm Hải Triều cũng hay theo tháp tùng đoàn.

Trên các nẻo đường từ Bắc vào Nam, ra biển đảo, xuống đồng bằng sông Cửu Long, ra Miền Tây, Cà Mau, Tây Nguyên, rồi vòng lên Tây Bắc... Ánh Tuyết luôn giữ vai trò " trung tâm vũ trụ" , em không chỉ gắn kết giữa chúng tôi -  những người trong đoàn và cả những người bạn mới quen bằng... thơ.

Chúng tôi còn bày ra cái trò "bình thơ xuyên tạc" của các "nhà thô bỉ học" tự phong. Nghĩa là "chọn" những câu thơ xuất sắc của nhà thơ Ánh Tuyết, rồi..."dân gian hóa" nó đi, thi nhau "bình". Tất cả đứng về một "phe" và đẩy Ánh Tuyết ra riêng một "phe". "Sức mạnh của tập thể" chúng tôi, nhiều khi làm cho " khổ chủ" dở cười...dở mếu, và chúng tôi thì ...vỡ cả bụng.

Rồi chúng tôi mở cuộc "thi" sáng tác ứng khẩu, nhưng khoản này thì dù cả nhóm ba bốn người "canh ty" cũng không địch nổi Ánh Tuyết bởi nàng ứng khẩu nhanh ... như gió!

Trước mỗi chuyến đi xa, ngoài những chuẩn bị tư trang cá nhân, bao giờ nàng thơ cũng mang theo một hộp carton to những sách là sách.

Những nơi đoàn ghé qua, phần lớn là các đơn vị biên phòng và món quà của chúng tôi là chè Thái Nguyên hảo hạng của Đức Viên và tác phẩm thơ và trình bày của Ánh Tuyết.

Khỏi phải nói, bạn đọc cũng tưởng tượng ra. Bài thơ "Mùa xuân người lính" đã được trình đọc ở các đồn biên phòng: Đất Mũi Cà Mau, đảo Bình Ba thuộc  Khánh Hoà trong tiếng sóng biển, ở đồn biên phòng Tùng Vài, Lũng Cú Hà Giang...trong màn tuyết rơi trắng xoá. Có chiến sĩ rưng rưng nước mắt như thế nào, khi nghe Ánh Tuyết đọc thơ.

Chúng tôi xin trích ra đây bài thơ đặc biệt nghĩa tình này:

 

MÙA XUÂN NGƯỜI LÍNH

Anh hẹn mang mùa xuân cho em

Năm nay em về quê ăn tết

Em đã ngóng trông từ đầu tháng Chạp

Cành bích đào sốt ruột...bật mầm lên

Cả vầng trăng cũng mòn mỏi sáng mỗi đêm

Em làm tóc ,mua giày chọn áo

Sắm cho anh bộ cánh thật tưom!

Đào đã trổ bông trăng đã qua rằm

Những cặp tình nhân chở nhau đi sắm tết

Mùa xuân đã về...còn anh lỡ hẹn...

Những bản làng xa cần đón tết bình yên...

Em hiểu rồi.em không trách dẫu rất buồn

Khi đã đem lòng yêu thương người lính.

Em ...biết đợi chờ biết quen với cô đơn...

Em gửi mùa xuân cho anh...ơi người lính biên cương.

 

Lần khác, trên đảo Bình Ba, cả hội trường im phăng phắc, rồi tiếng pháo tay nổ như sấm, lính ta nhào lên công kênh, làm cho nữ thi sĩ mướt mồ hôi và nghẹt thở. Nàng thơ mỏi tay lưu chữ ký, lưu số điện thoại, trả lời các câu hỏi...

Thậm chí, khi ra về gần đến phòng nghỉ, vẫn có một chàng lính trẻ bẽn lẽn, nói thật nhỏ vào tai nhà thơ. Sau mới biết, người cha trẻ tuổi ấy muốn nhà thơ "cho" một bài thơ tình tặng vợ, mới sinh thằng cu.

Mỗi lần như thế, nét mặt Đại tá trưởng đoàn Lê Như Hải lại dãn ra. Hẳn anh rất tự hào về người bạn của mình.

Ngoài những phút giây ồn ào, náo nhiệt kẻ trao tặng, người đón nhận chốn "ba quân", trên đường đi hàng mấy chục ngày dài, trên những trạm nghỉ chân, những đêm xa nhà, ngồi bên tách trà ấm, cạnh nhau, mỗi người đều có thật nhiều tâm trạng... Và khi đó, những câu chuyện về đời thật, những sâu thẳm riêng tư bị tích tụ từ lâu, cháy âm ỉ, đôi khi tưởng đã nguội tắt, nay bỗng bùng lên.

Đàn bà đẹp mà tài hoa, thường hay như thế!

Ai bảo ông giời sinh em !

Ai bảo ông giời bắt em làm thơ!

Ai bảo những vần thơ của em xuyên thấu trái tim người ta, để người ta ngày nhớ đêm thương!

Mà em thì trốn chạy để cố giữ cho mình, cho con, cho tất cả...!

Ai bảo em nhân hậu cho lắm vào, khi viết cả những vần thơ bi hài tặng cho..." Người tình của chồng" cơ!

Và ai bảo rằng, nếu cuộc đời không đen bạc, thì em chỉ cố làm cho dược cái phận sự của người nội tướng trong gia đình!

Ôi! Những vần thơ từ trái tim của người đàn bà đa đoan nơi Ánh Tuyết!

Có lần, nhìn thấy những đốm hoa gạo bừng cháy bên sông, nàng thơ đọc những câu thơ tâm trạng không phải chỉ viết riêng cho loài hoa gạo:

“Hoa gạo ơi! Đừng kiêu hãnh đỏ bời bời như thế

Cả gan châm lửa đốt trời

Trời ở cao xa lắm

Lại rơi cháy mình đấy thôi"

Có một cái gì đó, kiêu hãnh mà xa xót!

Trong tình yêu, dẫu không hồng phúc thì con người cũng phải luôn giữ lấy lòng tin, để biết mình tồn tại trong sự cân bằng tâm lý.

Có ở đâu, bắt gặp một " nụ cười" chua xót thế này không!

"Duyên em đổi lấy nụ cười

Là em nhường để làm người thứ ba"

( Người thứ ba)

Khi trái tim đã trao đi rồi, một lúc nào đó chợt ngộ ra, biết là mình đã trao nhầm thì cũng đành vậy thôi!

Đành sống thật với mình và không hề hận thù ai  cả:

" Sao người trốn chạy tình yêu

Bỏ nhau lại giữa bao nhiêu phũ phàng

Đã từng nguyện ước đá vàng

Bỗng dưng người nỡ cắt ngang lời thề"

( Sông khát)

Trong đoàn chúng tôi, ai cũng thích được chia sẻ nỗi buồn trong thơ Ánh Tuyết.

Buồn mà không vật vã, bi lụy, vẫn làm chủ được mình. Buồn để mà thêm yêu cuộc sống, để mà thấy được giá trị của tình yêu.

Có lẽ điều chúng tôi thú vị nhất là mảng  thơ này.

Và phải nói ngay rằng: Ánh Tuyết là người biết yêu và  đắm đuối vì yêu.

Từ tình yêu với người mẹ hiền từ, nhân hậu, người cha vắng bóng khi em còn hoài thai đến tình yêu quê hương, cánh đồng làng, chùm hoa Phượng, hình ảnh mẹ, bà mẹ Việt Nam, anh chiến sĩ, người con gái quê và mối tình đẹp, người đàn bà đơn côi, người đàn ông đầu đời... Và cả người đàn ông không mấy thủy chung:

 

"Vô cùng thương mến tháng ba ơi

Đồng làng mỡ màng non tơ quá

Lúa dậy thì bầng bầng hớn hở

Ngọn thài lài mơn mởn sức xuân"

                      (Tháng ba thương mến)

 

"Bảy lăm gió trở về chiều

Thình lình mẹ ốm quạnh hiu một mình"

                      (Gửi về nguồn)

 

"Đêm ở quê, đàn bà yêu chồng nồng nàn hơn người thành phố"

                           ( Đêm ngủ ở làng)

 

" Tủi vì duyên thẹn với lòng

Tình đem bỏ chợ còn hòng chi nhau

 

Yêu chẳng được, cho thì đau

Để ra cơ sự Thị Mầu trái ngang"

                      (Thị Mầu)

 

" Người ngoan ở với người gian

Dẫu hiền như bụt cũng tan nát lòng"

                  ( Lời của Tấm)

 

" Người hèn nói mấy cũng hèn

Người ngoan chịu muộn chịu phiền vẫn ngoan"

                 ( Chuyện cùng em gái)

 

" Thoang thoảng thôi, đừng thêm nữa hương nồng

Giữ yên mặt hồ cho trăng tròn đáy nước

Ngỡ là dưng, chẳng thể nào dưng được

Nghiêng phía nào cũng nhoi nhói ...một niềm dưng!"

                             ( Gửi người dưng)

 

          Không biết lấy đâu ra thời gian và nghị lực để người phụ nữ phụ trách Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Hội trưởng Hội Kiều học Thái Bình viết và xuất bản hơn mười đầu sách gồm 7 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 tập truyện thiếu nhi, Chủ biên  tuyển tập thơ về đề tài  liệt sĩ,  về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Nguyễn Du với Truyện Kiều ở Thái Bình. Các nhà nghiên cứu phê bình đã viết về thơ Ánh Tuyết là Vũ Nho, Hoàng Kim Bảo,  Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Đình Bắc,… 

             Chúng tôi  tin là thơ văn của Ánh Tuyết, cuộc đời sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của em sẽ còn được các nhà phê bình, các bạn văn chương nhắc đến trên văn đàn. Với  tư cách những người bạn gần gũi thân thiết, những độc giả, yêu mến người bạn gái làm thơ dễ thương cùng những vần thơ của nàng mà hầu hết anh chị em trong nhóm du lịch "Ta ba lô" đã thuộc lòng như...ca dao, chúng tôi  muốn góp bài viết nhỏ này để những người yêu mến Anh Tuyết có thêm một tư liệu, một góc nhìn!

                                                                                     1/11/2020

                                                                                                TD

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét