Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

MẤY CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ "LẠC GIỮA MÙA SAY"

 

MẤY CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ "LẠC GIỮA MÙA SAY"

"Lạc giữa mùa say" của Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nxb Hội nhà văn 2020

                                Vũ Nho

Người thơ  vốn  được xem là lơ ngơ bị lạc, lại lạc giữa mùa say thì có lẽ tối ngày cũng chả tìm thấy lối ra. Mùa say là mùa nào trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông? Không rõ. Có thể giống như các bạn thơ Yên Bái khẳng định trong tên một tập thơ “Yên Bái bốn mùa yêu”. Mùa say của thi nhân Ngọc Mai phải chăng cũng  thế? Bốn mùa là cả bốn MÙA SAY!

          Bạn sẽ gặp rất nhiều từ “say” (xốn xang say,  mùa say,  trao say, cơn say, cuồng say, giấc say, say khát vọng, ta say say lắm, Lời yêu say mãi…) :

-         Có những lúc ta khát cháy xuân chiều

Rực đêm với cuồng say vần vũ

-         Có những lúc ta chỉ muốn ngất ngây

Say cùng biển, say cùng miền hoang lạ

                        (Tình yêu không tuổi)

          Có thể thấy nữ thi nhân là người sôi nổi. Sôi nổi ở ngoài đời thì không rõ lắm. Nhưng trong thơ thì sôi nổi quá. Hình thư  lúc nào tâm hồn nhạy cảm, đa cảm cũng rộn ràng, náo nức. Đặc biệt là rất “xôn xao”! Hình như “xôn xao”  là trạng huống tinh thần đặc trưng của tác giả chăng?

          Này nhé:

-         Bỗng dưng chiều vọng xôn xao (Bỗng dưng)

-         Gửi vào tiết hạ thoa lòng xôn xao (Vay)

-         Anh về xôn xao Hà Nội (Bên anh nắng hồng)

-         Xôn xao kí ức vang ngân (Hương đời lấp lánh)

-         Xôn xao gửi giấc mơ ngày (Qua nhau)

-         Để chung chinh ánh mắt hường xôn xao ( Bắt đền)

Còn có thể tìm thấy “xôn xao” ở các trang 52, 55, 61,124. Nhiều “xôn xao” quá chắc là hơi bị nhàm, hơi bị ồn ào và rất dễ dẫn đến cảm giác sáo!

          Sẽ gặp khá nhiều thề, hẹn thề, thề ước trong một số bài. Bởi quá say, quá yêu, toàn nói chuyện yêu nên “hẹn thề” được nhắc đến và được lạm dùng. Tình cũng vậy. Đành rằng là thơ tình thì phải nhắc đến tình, đến yêu. Những  Tình yêu không tuổi,  Hãy yêu thật nhé anh ơi, Hương tình vườn ổi, Tình vô thức, Chẳng mòn chữ yêu, Giọt tình em thả vào anh, Nắng tình, Vời vợi lời yêu, Tình yêu không lời, Về miền tình tím cùng anh, Yêu, Khi em yêu anh, Sóng sánh lời yêu, Lệ tình chiều đau, Mơ mãi một tình yêu, Người đàn bà thất tình, Bức tình thư, Neo đậu cuộc tình, Tình xa, Lời tỏ tình mùa hạ, Thơ tình viết trong mưa khiến người đọc ngột ngạt vì tình chồng tình, yêu chồng yêu, quanh quẩn vẫn là dâng hiến, hẹn thề, trách móc, dỗi hờn.

          Kèm theo đó là trạng thái mơ. Rất nhiều mơ kèm với mộng. “Mơ mãi một tình yêu” là tinh thần quán xuyến. Nào là “giấc mơ xuân xanh trinh nguyên”(Muốn) , “Em sẽ là giấc mơ” (Em sẽ là…), “Trái tình tròn trong mơ” (Giấu), “lữ khách dáng mộng mơ”,  “Vẫn ngần ngận thương bến trăng mơ” (Vẫn), “Để em đau đắng tình mơ” (Biết rằng…),.. Chả ai cấm giấc mơ và mơ ước. Nhưng mơ nhiều quá cũng là một cách  lánh cuộc đời thực trốn cuộc đời thực. Mà đời thực thì cũng đủ các cung bậc  ái, ố, hỉ, nộ, sân, si cho người viết thơ tình.

          Một số từ ngữ không  chuẩn chỉnh, dù rẳng thi nhân có quyền tạo ra từ mới. Ví dụ “chao nao” (Ta tìm nhau giữa chao nao), “lúng lính” ( Mắt huyền lúng lính xôn xao),  “nát tan” (Bên thềm nhung nhớ nụ cười nát tan), “vông vênh” (Chẳng vông vênh bước chân trần), “buông lơn” ( Tại sao anh lại buông lơn), “chung chinh” (Để chung chinh ánh mắt hường xôn xao),  “trễ trãi” (Chỉ thấy trăng cười trễ trãi thôi), “bung lung” (Nhớ trăng. Hoa rũ. Tơ lòng bung lung).

          Trong tập tôi thích những bài thơ ngắn, những câu thơ ngắn, không bị tãi cảm xúc và những từ ngữ mòn vẹt  khi các thi nhân đã viết về tình yêu.

          Tôi thích bài thơ 4 câu “Cháy lòng”:

                   Lá bàng như lửa người ơi

                   “ Mỗi lần rụng một lần tôi cháy lòng”

                   Bùng lên đỏ những ước mong

                   Rồi thu lại đến đốt lòng cháy hơn

Tôi thích sự mộc mạc giản dị của bài “ Lạc giữa mùa say”. Tuy vậy cũng phải lược bớt đi một số từ ngữ trùng lặp. Với cá nhân tôi, “Mùa say” chỉ còn như sau:

                   Người đàn bà

Lạc giữa mùa Say

                   Mải miết thả mình

Thơm bầu trời lạ

Gió đồng mơn man

Thôi thúc

dâng hiến kiêu sa

Người đàn bà

Lạc giữa mùa Say

Phồn thực lời yêu

Giấc đời mê gọi

Vũ vần trao gửi

Hổn hển mộng tình

Đón chiều xuân đẫy

Thơ thới lòng

Mê đắm

Yêu và yêu

Lạc giữa mùa Say

Tôi đã tước bỏ đi 25 từ trùng lặp và không cần thiết!

Tôi cũng thích hai câu lục bát mang phong vị ca da của bài “Bắt đền”. Và nghĩ rằng bài “Bắt đền” chỉ hai câu là vừa  đẹp.

                   Bắt đền ai bỏ bùa mê

                   Để ta lạc lối theo về bên ai

Đáng tiếc là những bài và câu như vậy không nhiều trong tập.

          Có thể thấy có không ít những vụng, thô mộc, trùng lắp của những ngổn ngang yêu,  cuồng say yêu, nôn nao khát, mê man mộng! Có vẻ như tình yêu bạn đời, yêu cuộc sống, yêu hoa nở, chim ca, trăng thanh gió mát, yêu muôn vàn hương sắc của cuộc đời này đã khiến cho người viết “phải nói , phải nói và phải nói” ( Xuân Diệu), nói không kịp trau chuốt, nói  bất chấp lề luật. Có vẻ thế chăng!  Nếu thế, người đọc  cũng sẽ  sẵn sàng bỏ qua tất cả để chỉ còn ấn tượng đây là một người đàn bà yêu đời, người đàn bà say cuộc đời, đến mức vồ vập muốn ôm, muốn  riết, muốn say  “Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng. Cho no nê thanh sắc của thời tươi”! ( Xuân Diệu – Vội vàng)

                                            Hà Nội, 1 tháng 11 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét