Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

BÀI CA THÂN PHẬN

 


BÀI CA THÂN PHẬN 

Tập  “Người thắp đêm”  của Vũ Tuyết Nhung

                                           Vũ Nho

 Tác giả tập thơ này là một người xuất thân nông thôn theo như những vần thơ chị  tự  bạch:

                             Tôi từ ruộng đất đi ra

                             Lạc đường nơi chợ phồn hoa đông người […]

                               Tôi từ ruộng đất nâu trầm

                             Đi đâu cũng một tấm lòng nhà quê

                             Trượt chân trong những cơn mê

                             Đứng lên vin bóng con đê tôi về

                                               (Tôi từ ruộng đất mà ra)

Như thế là đã khá rõ. Có chuyện “lạc đường” ở chợ phồn hoa thị thành, có sự cố “trượt chân trong những cơn mê”. Nhưng người đó đã đứng dậy, vẫn giữ “tấm lòng nhà quê”  hồn hậu, chất phác để ứng xử với mọi người, với cuộc đời. Tôi thích và có cảm tình với những bài thơ viết về cha, mẹ của tác giả. Đặc biệt là những câu về mẹ :

                             Mẹ ngồi chải nắng xôn xao

                             Mà bao nhiêu gió xạc xào lòng con

                                                (Mẹ ngồi chải tóc)

                             Cuối tuần tất tưởi đò giang

                             Con về mong thấy bình an mẹ già

                             Mẹ ngồi tóc trắng mây xa

                             Bếp nhà không khói sao nhòa mắt con

                                      (Sợi khói xa mờ)

        Cô gái quê ấy  đã từng mơ mộng trong tình yêu đẹp như cổ tích , chỉ có trong thế giới của nghìn lẻ một đêm:

                             Chúng mình

                              suối gặp biển

                             Bồng bềnh những cuộc thủy du

                             Chúng mình

                             cây và chim

                             Du dương tiếng hót

                             Mát dịu êm đềm

                             (Truyện cổ tích lớn rồi không ai đọc)

Nhưng cổ tích vẫn là cổ tích. Còn đời thực thì không được như ý. Bởi thế mà có sự ngẩn ngơ trước sen tàn, hay đó là sự héo tàn của một mối tình:

                             Hoa xưa nay biết tìm đâu

                             Mình tôi lặng một niềm đau sen tàn

                                                  (Sen tàn)

Bởi thế mà khao khát nhớ mùa, nhớ người xưa:

                             Chiều nay vẫn ngồi lặng

                             Dõi sen tàn thân khô

                             Hương đã dâng cùng kiệt

                             Người đi có nhớ mùa?

                                              (Nhớ mùa)

Sự chia xa, sự tan vỡ ấy đã làm cho  lời thề thiêng liêng của mối tình   tàn úa:

                             Thu về ngồi nhặt lá vàng

                             Lời thề tóc rối úa tàn trong nhau

                                             (Cỏ khóc)

Rồi cô gái ấy cũng lấy chồng. Nhưng có gì đó u ẩn. Bởi thế tương tự  như  cảnh đồng sàng dị mộng của người xưa:

                             Tìm nhau cứ tìm nhau thôi

                             Dù cho duyên đã ghép đôi vợ chồng

                             Bóng tình khuất giữa mênh mông

                             Gối chung mà vẫn buốt lòng tìm nhau

                                              (Vẫn lòng tìm nhau)

Có cảm giác rằng Vũ Tuyết Nhung không viết riêng cho mình mà viết chung cho thân phận đàn bà. Nhiều bài thơ có nhân vật “Người đàn bà”. Đó là các bài “Người đàn bà ngực lép”,  “Đêm cô đơn”, “Bữa tối”, “Tàn đêm”, “Đợi”, “Khát cả cơn mê”, “Dấu cũ”, “Người đàn bà nấu ăn”, “Đếm lá”, “Đêm thẳm”, “Người đàn bà giặt đêm”, “Người đàn bà gấp áo”. Tôi cho rằng đây là những bài ấn tượng nhất trong tập thơ. Các bài đó làm thành bài ca thân phận của người đàn bà. Ở đây ít nhất bốn lần tác giả xưng “EM” trong bốn bài  viết về “Người đàn bà”. Đó là các bài “Đợi”,  “Người đàn bà nấu ăn”, “Người đàn bà giặt đêm”, “Người đàn bà gấp áo”. Người đàn bà vừa là em, lại vừa là người ngoài em, một người mà em nhìn thấy trong cuộc sống quanh em. Do đó mà tác giả như được sống nhiều cuộc đời, trải nghiệm nhiều thân phận của người phụ nữ. Và chính vì thế thơ chị đa diện, đa thanh hơn, không chỉ là một  thân phận cá nhân, mà là bài ca thân phận của  những người  cùng giới.

        Một người đàn bà bị bạo hành:

                             Người đàn bà ôm con nép vào ngực lép của mình

                             Nuốt mặn giọt đắng vội

                             Bàn ghế cốc chén ngổn ngang

                             Chai rượu góc nhà

                             Những lá bài rải rác khắp sân

                             Trên má hằn năm ngón còn buốt rát

                             Người đàn ông ngất ngưởng đi tìm người đàn bà khác

                             Ngực căng hoang dã núi đồi.

                                              (Người đàn bà ngực lép)

Một người đàn bà đảm đang, tần tảo:

                             Người đàn bà bắt nắng treo lên cây

                             Hứng mưa cho ngày ruộng cạn

                              Cây thì tốt mà mình cằn thể xác

                              Quanh năm lo sương gió, hạn hán và bão táp

Đến  khuya, “khi trăng sao gọi bầy gọi bạn”, mới có một lát ngừng để “tắm đêm”. Nhưng nước dội làm hồi sinh, thanh tẩy:

                             Trôi hạt cát

                             Trôi hạt bụi

                             Mà không thể trôi đi

                             Bóng một con chim rời tổ

                                               (Tắm đêm)

       Một người đàn bà cô đơn trong khi các đồ vật có nhau  Ghế còn có bàn/ Bát đũa còn thìa, còn chạn/ Quần còn có áo/ Nhỏ bé như tăm còn có hộp đựng” . Còn người ấy:

                             …ngồi một mình trên ghế

                             Nhìn mình  qua mặt kính trong suốt

                             Thấy mình đang ôm chính mình

                                               (Đêm cô đơn)

Người đàn bà ấy đã bị cơn bão quét qua, phá tan  nát những  gì tốt đẹp. Chỉ còn lại  đổ nát:

                             Khói cay mắt đắng

                             Mây xé ngàn mảnh mưa

                             Rạc khô hồng hoa héo nhớ

                             Ngàn kiến càng chích buốt hồn hoang

                                                 (Cơn bão)

Người đàn bà ấy đã không thể xóa nổi dấu vết của người đàn bà khác từng là bạn thân, đã cướp đi người đàn ông của mình. Thật xót xa, chua chát:

                             Người đàn bà ấy đã từng là bạn

                             Người đàn ông kia xưa đã ở đây

                             Hai người đàn bà từng ôm nhau ngủ

                             Môi người đàn ông đã rất ngọt ngào

                                             (Dấu cũ)

Đó  phải chăng cũng là người  bạn   nữ thân thiết trong bài “Nồi lẩu”, đã cuỗm anh -  người  yêu  nhau đã ba mùa”.

Người đàn bà nấu ăn cô đơn một mình hoài niệm lại những ngày xưa “ rộn ràng”, còn bây giờ:

                             Nửa bó rau và nửa nồi thức ăn

                             Lâu lắm rồi không đầy cả bát

                             Cũng chẳng cần dọn mâm

                              Nồi cơm sôi réo tiếng thở dài […]

                             Chẳng ai càu nhàu

                             Mà sao em ăn

                             Cơm chan nước mắt

                                             (Người đàn bà nấu ăn)

Người đọc  còn gặp người đàn bà  có chồng “là liệt sĩ” (Đêm), có chồng chỉ còn trong di ảnh “Sáng bừng khung ảnh quấn băng đen” (Mưa đêm). Phải  chăng, người đàn bà góa bụa ấy cũng chính là người “không ngủ được/ Chiếc giường đôi bỗng rộng vô cùng/ Em thêm áo quần cho chật/ Cũng để còn hơi ấm của anh” ( Người đàn bà gấp áo).

         Không có gì ngạc nhiên nếu những vần thơ của Vũ Tuyết Nhung có giọng buồn. Bởi vì tác giả đã chọn những nỗi niềm trăn trở của số phận của chính mình, của giới mình để viết.  Tác giả thừa nhận mình là “Người viết thơ buồn”. Bốc đồng lên, người viết đại ngôn:

                             Một đêm cạn chén với buồn

                             Câu thơ ngã gục vùi chôn chính mình

                                          (Ta cạn với ta)

Tác giả còn viết về dịch covid, về “Người hát tình ca”, tặng bạn bè,  tặng anh trai, về “Ngày rỗng”, về “Nỗi buồn thiên di”, về “Thác nguồn” , về “Lời nguyện”,… Nhưng nhìn chung không thật ấn tượng.

              thể  thấy rằng Vũ Tuyết Nhung có tố chất  thi ca. Một số bài thơ về thân phận phụ nữ đã thành công bước đầu, đã có  giọng điệu. Muốn đi xa trên con đường thành tác giả thì còn phải cố gắng rất nhiều. Phải mạnh dạn bỏ qua những dễ dãi trong lập tứ, những câu thơ nhàn nhạt, dàn trải, những triết lí vụn. Những bài thơ làng nhàng đã làm giảm bớt ấn tượng về một Vũ Tuyết Nhung đau đáu với thân phận người phụ nữ.

          Dù sao cũng chúc mừng tác giả với thành công của tập thơ đầu!

 

                                                                Hà Nội, 16 tháng 6 năm 2020

 

 

 

                                                

                            

                                         

                            

                                                                                                                                

                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét