CÁI PHAO CÂU
CON ĐẠI BÀNG
Truyện ngắn của VŨ THIỆN KHÁI
NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI
Chuẩn bị cho chuyến hành trình tìm về Sông Nguồn của tôi, cha tôi nhét một hộp sâm Triều Tiên xuống đáy ba lô, dặn: Về tới quê con thay bố biếu cụ giáo Thiềng. Nhớ thưa với cụ bố gửi lời hỏi thăm và chúc thày trường thọ. Chú Hương sẽ đi cùng con. Chú Hương là con ông chú ruột của cha tôi, người buổi sáng cách nay mấy ngày đã đón tôi ngoài cổng hậu làng Điềm.
Sáng nay, trên đường tới nhà cụ giáo, chú Hương kể sơ sơ với tôi: Năm nay cụ giáo Thiềng hơn trăm tuổi rồi, hai mắt loà rồi. Thời Pháp thuộc cụ đăng lính sang tận châu Phi. Hơn mười năm đồn trú qua mấy nước An giê ri, Ma rốc… thuộc Pháp, kiếm được cái lon cai xếp và tấm mề đay hạng bét thì cụ xin giải ngũ. Trước ngày măc áo lính cụ đã đậu bằng Sơ học yếu lược. Tương đương lớp ba bây giờ. Về làng, ông cai Thiềng mở lớp tại nhà dạy mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh chưa đủ cứng cáp để ngày hai buổi đi bộ sang tận làng Diễm học trường nhà nước. Cái lớp Ăng phăng tanh ấy, ông cai vẫn duy trì tới lứa cha cháu và chú xin vào theo học. Chỉ nhì nhằng a bê xê rổ xề bánh đúc với mấy con toán cộng trừ nhân chia đơn giản vậy thôi. Nhưng thày dạy kỹ lắm. Viết ám tả không thẳng hàng, con chữ không ngay ngắn, cứ no đòn. Ngày ấy, tiếng súng kháng chiến chỉ nghe xa xa trong khu Bốn. Làng mình còn nằm trong vùng tề do địch cai quản. Lớp học của thày Thiềng như lớp giữ trẻ bây giờ. Nhưng mà cha mẹ chúng yên tâm. Hễ lính Tây, lính bảo hoàng mò vào làng càn quét, xục vào nhà thày, thày đứng nghiêm giữa cổng, trên người đủ bộ quân phục hạ sĩ quan toàn bằng dạ màu vàng tuy rằng đã cũ mòn, chiếc mề đay đeo chỉnh chiện trên ngực. Vậy mà chả thằng nào giám ho he.
Chú cháu tôi bước vào tới mép hè, nghe bên trong ba gian căn nhà tre im ắng không một tiếng động nhỏ. Khẽ mở tấm mành nứa che kín khuông cửa ra vào, chìm trong bóng tối mờ mờ, tôi trông thấy một cụ già gầy đến độ chỉ còn da bọc xương ngồi ngay ngắn giữa giường. Đang giữa mùa hè cụ vẫn khoác tấm áo kép bọc kín đằng bụng, đằng lưng. Chiếc tráp mất nắp, nước sơn đen tróc lở để sát hai đầu gối co gấp lại như hai củ tỏi. Cụ chậm rãi dùng bàn tay khẳng khiu cầm con dao nhỏ cắt từng miếng ruột chuối non, chấm muối vừng, nhai móm mém. Chú tôi đập vào bậu cửa lên tiếng: Chúng con chào thày ạ. Cụ giáo giật mình, luống cuống tìm chiếc quạt nan che miệng tráp. Rồi cụ thều thào: Anh Hương đấy hả? Còn ai nữa mà nói chúng con? Tôi lễ phép thưa: Con xin kính chào cụ ạ. Ôi, ai như anh Hùng phải không? Dạ. Đấy là con trai anh Hùng ạ. Cụ thanh minh: Tôi vẫn nhớ trò Hùng ngày xưa giọng nó y như vậy. Tôi đưa biếu cụ túi quà và thưa lời cha tôi dặn. Cụ nâng hộp sâm lên ngửi ngửi, nói: Quí hoá quá. Ngày xưa chỉ hạng phú gia mới dám dùng loại sâm này. Sau một hồi thăm hỏi dài dòng, cụ quay lại đề tài củ sâm: Chẳng phải đất nào cũng trồng được nhân sâm thượng hạng đâu. Sâm cũng như người ấy. Phải sinh ra ở vùng địa linh, phong thuỷ kiểu tàng long ngọa hổ mới trở nên nhân kiệt được. Tôi đã để dấu chân trên khắp mấy châu lục rồi. Hơn trăm năm nay tai nghe đủ chuyện, mắt nhìn đủ thế núi thế sông, mới nhận ra phong thuỷ làng mình đích thị hình thể con đại bàng đầu quay về phía núi Cánh Diều. Hai cánh nó là hai cánh đồng bên đông, bên tây làng. Làng mình kẹp ở giữa chính là lưng nó. Trai tráng sinh ra nơi đây, lớn khôn bay bổng ngoài đời đều đáng mặt những trang kiệt hiệt. Chỉ hơi phiền phần đuôi nó chấm mớm nước Sông Nguồn. Cơ ngơi nhà ông chánh Thi cạnh bến đò Điềm nằm gọn trên cái phao câu ấy. Mỗi con nước thuỷ triều lên cao, sóng vỗ rạt rào, phao câu ướt rượt, nhấp nhển không yên kiểu như động đực. Vì vậy đàn bà con gái ở trên đất ấy, nhiễm âm khí ấy, luôn xôn xốn nhấm nhảy sự dâm tà. Anh Hương đã có tuổi rồi, ngẫm kỹ lời tôi nói xem có đúng không?
Tôi ra bến đò ngang, trèo lên ngọn cây đề cổ thụ. Phóng tầm mắt, nhận ra hình thế làng Điềm quả nhiên giống y như con đại bàng đang xoè rộng đôi cánh lấy đà bay lên. Cần cổ nó là cây cầu bà Ngự. Đầu nó quay về ngọn phía núi nhưng chẳng biết nằm ở chỗ nào giữa những ruộng ngô rập rờn xanh biếc. Còn cái gò đất cao hơn mặt đê sông Nguồn đổ thuôn thuôn chạm chân sóng cạnh bến đò nhìn từa tựa hình dáng cái phao câu mà cụ giáo Thiềng đã chỉ ra. Cỏ mọc bời bời xung quanh ngọn gò. Giữa mu gò nổi lên ngôi nhà ngói, so với kiểu kiến trúc bây giờ thì nó thấp lè tè và cổ lỗ lắm rồi. Cổ lỗ từ bức tường đá xám thâm thấp bao quanh ngôi nhà cho đến mấy cây ăn trái cổ thụ nhưng cằn cỗi. Sự sống nơi đây dường như ngưng đọng nếu không có làn khói bếp xanh lam phơ phất bay lên phía đầu hồi bên kia. Bữa nay sông Nguồn im gió. Lòng sông vắng vẻ không một bóng con thuyền xuôi ngược, mặt sông trải rộng và phẳng lặng như mặt bức tranh sơn thuỷ. Bến đò ngang lúc này vắng khách. Nắng chiều ôm ốm lờ đờ. Anh lái đò úp nón mê che mặt cũng ngái ngủ, chân co chân duỗi nằm ngửa trong khoang lái chờ nghe tiếng gọi đò ơi. Tôi biết anh ta là cháu cụ chánh Thi giầu có lừng lẫy một thời, người mấy chục năm trước được thừa hưởng gia tài của bố mẹ vợ đã tạo dựng nên cơ ngơi nhà ngói cây mít đứng sừng sững đằng kia. Lão Vận gỉa đần giả dại bây giờ là con trai độc nhất của cụ.
Người chở đò ngang bây giờ nghe nói là con lão Vận. Chú tôi lại bảo: Anh ta là con ông Thụ. Câu chuyện này dài dòng lắm. Chú từng biết mặt ông Thụ. Anh lái ấy giống ông Thụ như hai giọt nước. Bây giờ Lão vận coi bộ già nua, lẩn thẩn chẳng ra hồn người, nhưng mấy chục năm trước lão từng là công tử con nhà giầu, tiếng vang khắp mấy làng lân cận. Nghe nói năm ngoái, mấy đứa con ông Thụ đột nhiên đánh chiếc xe bóng lộn về tận bến đò biếu lão một bọc tiền và trao cho con lão tức anh lái đò ngang kia tờ di chúc của cha mẹ chúng nhận anh là con ngoài giá thú. Lại còn cam kết, nếu anh đồng ý, chúng sẽ mua một ngôi nhà ở Sài Gòn cho anh vào ở hẳn trong đó.Trả lời chúng, anh lái giơ con dao rựa phạt đứt ngang cây sào cắm mũi thuyền, gầm lên: Đứa nào còn nhắc đến chuyện đốn mạt này tao chém đứt đầu. Nghe chuyện, nhiều người làng bình luận: Nó phản ứng quyết liệt vậy có lý do của nó đấy.
Ngày còn mồ ma giặc pháp, một sớm, một con thuyền chài ọp ẹp bị bão đêm qua hất lên bờ nằm bẹp trên bãi cát, cạnh gò đất tự nhiên mà cụ giáo Thiềng hình dung là cái phao câu con đại bàng nhấp nhển phong tình ấy. Từ trong con thuyền rách nát ấy, mẹ con anh Thi chui ra hì hục đẩy nó xuống chân sóng. Nhưng sức vóc thằng con trai vạn chài khẳng khiu mới mười mấy tuổi với người mẹ eo lưng mềm như cành liễu thì chẳng thấm tháp vào đâu. Vừa may ông lý Cầu dẫn mấy tuần đinh đi coi đê điều có bị sạt lở gì không cũng vửa bước tới. Ông lý sai bọn tuần xuống giúp họ một tay. Xong việc, người mẹ khép nép đến cám ơn ông lý. Đối diện ông lý lúc này là một thiếu phụ chưa hết cóng lạnh sau một đêm bị bão nhồi vật vã, nhưng dung nhan vẫn lộ ra nhiều vẻ đằm thắm nuột nà từ làn da trắng muốt, từ ánh mắt ươn ướt trẻ trung. Tự nhiên ông lý thấy lòng mình xốn xang xao động, bật ra một câu dịu dàng đến không ngờ: Thuyền bè đã bị dệch dạc thế này, sóng sông còn dữ dội thế kia, mẹ con chị ra đi lúc này liệu có an toàn không? Trong khi thiếu phụ cúi đầu lí nhí thưa chẳng rõ lời, ông lý nói như ra lệnh: Thôi chị cho thuyền trú tạm vào doi đất kia, tôi sẽ cho người đem gạo củi cho mẹ con chị dùng tạm mấy ngày, rồi tính sau. Câu nói ấy, khiến mấy năm sau ông phải ngấm ngầm dằn vặt chất vấn lương tâm: Ma quỉ nào sớm ấy đã xui khiến cái mồm mình vậy nhỉ?
Làng Điềm thuở ấy chưa có bến đò. Có việc sang sông, người ta phải đi mãi xuống bến làng Diễm. Gặp mẹ con anh Thi, ông lý nghĩ ngay đến việc mở bến làng Điềm. Việc này hội đồng kỳ hào làng năm nào cũng đem ra bàn bạc mà chẳng biết gỡ thế nào. Vậy là làng cất một căn nhà nhỏ trên gò đất thiên tạo me sông ấy làm chỗ ở và sắm một con đò nhỏ cho mẹ con anh Thy đưa khách sang sông. Ngày một ngày hai, bến đò làng Điềm dần dần đông khách. Thi thoảng còn có vài con thuyền buôn đậu lại nghỉ đêm chờ nước nổi. Rồi nhiều con thuyền xuôi ngược cũng táp vào cắm sào nghỉ lại, khi chốc lát, lúc động trời còn trú hẳn một hai ngày. Người làng bảo: Nhờ bến này nằm ngay ngã ba sông, đắc địa. Người khác cười ruồi lấp lửng: Nhờ cái ngã ba nhân tạo cỏ mượt như nhung thì có.
Từ đó, con đò ngang và cô lái đò goá phụ một con với cặp mắt ươn ướt, với hai cánh tay tròn lẳn mềm mại đung đưa lúc khép vào che đậy, lúc mở ra ưỡn cong bộ ngực đẫy đà khoát sâu hai mái chèo vào dòng nước ngược khiến vuông yếm nái màu cánh sen cứ như vô tình bị cơn gió nhẹ thổi qua lất phất trêu ngươi. Giữa tràng giang mây nước, khách qua đò đa tình cứ ngỡ mình đang bồng bềnh sóng sánh giữa dòng sông Hương thơ mộng chốn kinh kỳ. Đôi khi cô lái khẽ nhướng cổ cao ba ngấn trắng ngần cất lên vài câu hò ngọt lịm: Ai làm cho dạ em buồn, cho con bướm lượn, chuồn chuồn luỵ theo. Đôi khi lơ lửng một câu thôi mà khách bước lên bờ rồi lòng không thôi ngơ ngẩn: Con sông kia nước chảy đôi dòng, đèn khêu hai ngọn anh trông ngọn nào. Khách quá giang ngơ ngẩn đã đành, từ buổi bến đò làng có cô lái đò duyên dáng mặn mòi, ông lý Cầu lòng dạ cũng chơi vơi trăm mối không yên. Khiến chiều chiều đôi chân ông vô thức hướng nẻo sông Nguồn mà bước. Gặp ông, là dân thì họ tủm tỉm chào: Ông lý đi đón gió sông? Cùng cánh lý dịch với nhau thì tếu táo: Thày lý vi hành khám điền thổ? Chỉ vu vơ vậy thôi mà mỗi bận ghé bến đò hỏi han mẹ con cô lái vài câu, lòng ông như trở về cái tuổi đôi mươi mười tám. Rồi mỗi đêm trằn trọc, chả hiểu sao tâm tưởng ông cứ hiện lên đôi môi cô lái, nắng gió thế mà sao mòng mọng thế.
Đến năm thằng Thy đủ sức chèo đò đưa khách sang ngang không cần mẹ phụ, cô lái rảnh rang ở nhà một mình. Người ta thấy ông lý Cầu chả có công vụ gì cũng lững thững một mình đi qua cổng hậu, đi qua cánh đồng ra bến sông Nguồn. Người ta cũng thấy dạo này khách thương hồ cập bến làng Điềm thuyền to thuyền nhỏ không còn chỗ đậu. Bà lý Cầu biết và thằng Huy cũng biết. Nó gườm gườm nhìn mẹ. Nhưng mẹ nó thì bất chấp, cứ phây phây khoe dáng gái một con trông mòn con mắt. Một ngày ông lý bận việc quan lên phủ, bà lý và bọn tuần đinh năm bẩy đứa ập vào nhà cô lái. Cô lái bị trận đòn ghen chí mạng nằm ngất giữa nhà. Lát sau, một con thuyền buôn hạ buồm cập bến. Ông lái buôn hào hoa từng mê cô lái như điếu đổ bặm môi liều lĩnh bế xốc người tình trong mộng xuống thuyền dong buồm đi thẳng. Thằng Thy mất mẹ từ hôm ấy. Từ đấy nó thui thủi mình trong căn nhà phong phanh nắng gió ấy, ngày ngày thui thủi đưa khách sang ngang. Vắng bóng cô em từ dạo ấy, để buồn cho những khách sang sông. Bến đò làng Điềm từ độ ấy khách sang sông thưa vắng dần dần.
Làng Điềm ngày ấy vây cánh binh Ngang và cửu Kham đối nghịch với lý Cầu. Họ nhăm nhăm bới lông tìm vết mong truất được chức vụ lý đương để mình thế chân. Chúng phao tin cô lái đò bị vợ lý Cầu ghen tuông sai tuần đánh chết vứt xác trôi ra biển rồi. Đơn kiện tới tấp lên huyện, lên phủ. Vụ này lý Cầu mất tiêu một phần gia sản mới êm. Lặng sóng được bên ngoài, nhưng trong lòng lý Cầu đêm ngày luôn vò xé khôn nguôi. Giá mà buổi sáng năm ấy mình không nổi máu phong tình giữ mẹ con cô lái đò ở lại, thì gia đình người ta đâu đến nỗi này. Từ trong sâu kín lương tâm, ông lý thầm buộc tội mình, buộc mình phải tìm cách bù đắp cho thằng Thy đỡ khổ.
Bên kia sông Nguồn, lý Cầu có ông bạn rất thân, sản nghiệp trên bờ chẳng có gì. Nhưng lại làm chủ một con thuyền buồm trọng tải hơn mười tấn. Ông ta sống lênh đênh sông nước cả đời. Khoang lái kê sập gụ, tủ chè sang trọng như gian tiếp khách nhà hào phú. Nhớ ra hai vợ chồng ông bạn tuổi đã cao, lại hiếm hoi chỉ có mỗi mụn con gái đến tuổi gả chồng. Lý Cầu nhận thằng Thy làm con nuôi rồi sang xin bạn kết mối thông gia. Vài tháng sau con trai cô lái đò mất tích trở thành con rể ông lái thuyền buôn giầu nứt đố đổ vách. Cưới xin xong, thằng Thy xuống thuyền theo vợ. Tới đận con gái báo tin mừng, ông lái bàn với lý Cầu gây dựng cho con rể một cơ ngơi trên đất. Bàn đi tính lại, chỉ có chỗ ngôi nhà cũ của con rể là tiện nhất cho việc xuôi ngược, đậu thuyền. Ông lái xuất vốn liếng làm cho Thy năm gian nhà ngói vững chãi. Lại xây thêm tường hoa sân gạch, Cơ ngơi chả kém nhà giầu nhất làng Điềm. Thằng Thy lúc này đã đứng vào hàng giầu có, nhưng vẫn là dân chân trắng bạch đinh. Theo lệ làng hằng năm vẫn phải về phục dịch vài chục công đắp đường, hộ đê hay khiêng kiệu rước thần. Để con rể có chỗ ngồi danh giá, ông bố vợ cởi hấu bao mua cho con rể hàm chánh hội. Từ đây anh hóp đò Thy một bước nghiễm nhiên trở thành ông chánh Thy, ra làng, vào đám đã có một chỗ ngồi danh giá.
Vợ Chánh Thy sinh thằng Vận trong ngôi nhà ngói toạ lạc trên doi đất mà cụ giáo Thiềng gọi là cái phao câu con đại bàng ấy. Thằng Vận được ba tuổi thì ông bà ngoại nó lần lượt theo nhau qua đời. Chánh Thy bây giờ thay bố vợ lái con thuyền buôn theo sóng nước lênh đênh để vợ con ở nhà cùng bà già giúp việc. Năm mấy lần ghé bến, vợ chồng mới được ân ái mặn nồng mấy ngày. Lần nào vợ anh cũng ôm cứng lấy anh hổn hển giục chồng bán thuyền về ở hẳn nhà. Không ít lần nghe vợ sợ hãi van vỉ bên tai: Đêm đêm vắng anh em sợ lắm. Từ dưới đất hình như có làn khí nóng bốc lên ngùn ngụt. Nó làm em vã mồ hôi, trong người hừng hực nóng, hôi hổi đòi hỏi được thoả mãn nhu cầu rất xấu hổ của đàn bà. Nó làm em kiệt sức, chết mất thôi. Đang gặp thời vận ăn nên làm ra, chánh Huy chẳng quan tâm lời vợ. Những chuyến ra đi của anh cứ dài hơn, những lần ghé bến nhà cứ thưa dần. Vợ Chánh Huy thì mỗi đêm mỗi mộng mị dục tình đến lả người. Nhất là mỗi kỳ con nước dâng lên vỗ óc ách làm ướt nhẫy mỏm phao câu con đại bàng cái ấy, sáng ra người cô xanh lét, đi lại vô hồn chẳng chú ý gì đến thằng con kháu khỉnh bám theo váy mẹ. Rồi một sớm bà già giúp việc là người đầu tiên nhìn thấy cô đã chết tự lúc nào. Giữa đống chăn gối xộc xệch, cô nằm trong tư thế lõa lồ bất động, hai bàn tay co quắp, thân thể oằn lên vật vã. Nhưng lạ kỳ đôi môi cô hé mở hồng hồng mòng mọng tươi tắn như vẫn đang lưu thông những dòng máu nóng hổi cuồn cuộn chảy trong huyết mạch. Dường như nó không chịu chết, dường như nó đã thoả thuê mãn nguyện, dường như nó vẫn đang đòi hỏi cái gì đó vừa mơ màng, vừa cụ thể không ai biết được.
Vợ chết, anh chánh Thy bán thuyền lên bờ thui thủi sống cùng con. Một phần vốn liếng anh bỏ ra mua mươi mẫu ruộng, mua cặp trâu, thuê hai canh điền cày cấy. Lại mua một chiếc thuyền nhỏ giao cho người bạn chân sào chí cốt làm phương tiện đưa khách qua sông. Anh bạn chí cốt này vốn là chân sào ruột của bố vợ anh.
Thằng Thụ là con anh bạn nọ. Nó bằng tuổi thằng Vận con chánh Thy. Để con khỏi lủi thủi một mình, chánh Thy nhận nuôi thằng Thụ cho thằng Vận có bạn chơi đùa. Thương con côi cút, chánh Thy chả tiếc mua sắm cho con không thiếu thứ gì. Để con vui, chánh Thy mua sắm cho thằng Vận cái gì, cũng mua cho thằng Thụ cái ấy. Tới tuổi đi học, cho hai đứa chung một lớp, một trường. Người lạ cứ tưởng chúng là hai đứa trẻ sinh đôi. Chánh Thy chỉ hơi buồn nỗi hai đứa mỗi ngày mỗi khác nhau. Trong khi thằng Thụ bụ bẫm khôi ngô trắng trẻo, trơn da thắm thịt, thì thằng Vận con anh chẳng may năm lên ba tuổi đã bị mắc bệnh đậu mùa tưởng chết. Đổ tiền đổ sức cứu con qua khỏi, nhưng thằng Vận lãnh đủ di chứng trên người, đã mặt bị rỗ chằng rỗ chịt, hai mi còn bị kéo xếch lên khiến hai con mắt thức cũng như ngủ cứ mở ra trắng dã. Lúc còn nhỏ thằng Vận chưa biết buồn vì dung nhan xấu xí. Nhưng tới tuổi thích nhìn con gái, nó mặc cảm tự ti chẳng muốn sánh đôi xuất hiện cùng thằng Thụ. Anh chánh Thy cũng ngay ngáy buồn phiền.
Chợ làng Diễm không to bằng chợ làng Điềm. Nhỏ thôi, hàng hóa ít thôi, nhưng lại nổi tiếng hơn chợ Điềm bởi các cô bán hàng cô nào cũng đẹp. Giá mà làng mở cuộc thi, chắc chắn cô Lý bán hàng xén chiếm hoa hậu chợ Diễm. Bao khách hào hoa ghé chợ, quẩn quanh rồi cũng tạt qua gian lều Lý con cụ đồ Hân. Ngày hai buổi đi học trường nhà nước bên làng Diễm, hai công tử Thụ và Vận nổi tiếng con nhà giầu bên làng Điềm thường tạt qua chợ Diễm. Nơi chúng ghé thường xuyên vẫn là gánh hàng xén cô Lý. Hình như cô Lý cũng có phần để ý đến một trong hai đứa. Mấy phản thịt của một nhà đồ tể nằm đối diện với dãy hàng xén. Con lão đồ tể thích cô Lý ra mặt. Anh ta ve vãn đủ mọi mánh khoé khôn ranh nhưng chẳng xiêu lòng người đẹp. Lại còn bị cô Lý đốp chát: Lấy anh để tôi làm lòng lợn thối với rửa phản thịt suốt đời à? Bông hoa nhài không bao giờ cắm bãi phân trâu đâu. Đừng tưởng bở. Biết chẳng sơ múi gì đám ấy, anh ta rắp tâm hạ nhục cô. Chẳng khó khăn gì, anh con trai nhà đồ tể cũng biết cô Lý có ý với đám con ông chánh Thy làng Điềm. Hắn lân la làm quen với ông Chánh Thy. Biết được tâm sự chánh Thy, hắn bày mưu giúp ông chánh kiếm cho thằng Vận cô vợ đẹp. Thương con, chánh Thy muối mặt làm theo.
Mai đi, mối lại, biết tiếng nhà chánh Thy đại phú làng Điềm, cụ đồ Hân đồng ý kết thông gia. Phần cô Lý nghĩ đến anh chàng Thụ đẹp trai rờ rỡ, thì đỏ mặt trả lời bố: Phận gái cha mẹ đạt đâu con ngồi đấy. Vậy là lễ ăn hỏi, lễ vu quy, nhà trai lập lờ cho anh em Thụ, Vận cùng mặc áo dài, cùng đi giầy Gia định, cùng chải tóc vướt mỡ bi dăng tin bóng mướt song đôi trình diện. Họ hàng nhà gái thấy chú rể Vận mặt mũi phương phi nói năng từ tốn ai cũng khen cụ đồ tốt phúc.
Nửa đêm, phòng tân hôn tối đen như mực, chú rể Vận mò vào tranh thủ để cả áo quần hì hục phá trinh cô dâu. Xong cuộc, cô dâu sung sướng ôm chồng, bàn tay cô sờ lưng chú rể sần sùi tổ ong, hiểu ra bị lừa, cô kêu thét vang nhà. Cuộc vui biến thành cuộc chửi rủa nhà chánh Thy tàn tệ. Nhưng mà giữa ngã ba sông lồng lồng gió thổi ai nghe. Sự đã rồi, cụ đồ Hân chỉ còn biết cúi mặt ngậm ngùi xấu hổ. Cái ngàn vàng của con gái bỏ đi rồi. bát nước sạch hất xuống đất rồi, hớt lên làm sao được.
Chính cô Lý cũng chẳng hiểu tại làm sao, ban ngày lòng cô ngùn ngụt quyết tâm bỏ chồng bằng được. Nhưng hễ ôm bọc áo quần chưa bước ra khỏi cổng đã bị một bàn tay vô hình lôi tuột cô quay lại. Để rồi mỗi đêm cô lại ngùn ngụt, lại hổn hển ép chồng mây mưa đến nhược người. Mỗi đêm, hễ nhắm mắt cô lại nhận thấy có một làn khói không màu từ dưới gầm giường dâng lên bao bọc cô, nung nóng cô, làm cho da thịt cô dường như xưng phồng, nóng rẫy, không được ôm chồng, cô tưởng mình có thể chết ngay tức thì. Vậy mà cô chẳng mang bầu. Cứ óng ả tấm thân mềm mại như gái chưa chồng ngày ngày ra cổng trông xuống bến đò, nơi anh lái Thụ cởi trần khoe tảng ngực vạm vỡ, màu mỡ như bãi phù sa ven sông. Trong khi anh Vận chồng cô mỗi ngày một héo hắt, dệu dạo vì phục vụ cô quá mức. Vậy là hạn lắm tất sẽ mưa rào. Anh rể giả và cô dâu bị lừa năm nào dan díu với nhau khắng khít, cả làng đều biết, chỉ có bố con chánh Thi không biết hay giả vờ không biết. Rồi trong ngôi nhà ngùn ngụt âm khí ấy cất tiếng thằng con trai khóc oe oe. Ông chánh Thi bảo con trai: Dầu gì cũng giữ lấy mà nuôi, khói hương nhà mình trông vào nó đấy. Ông chánh lấy tên Nhẫn đặt cho cháu. Thằng Nhẫn được một tuổi, buổi sáng ông thắp hương cúng thôi nôi cho cháu thì buổi chiều ông nhẹ nhàng ra đi.
Cùng năm ấy ký kết hiệp định Geneve chia đôi lãnh thổ Việt Nam. Cô Lý và anh Thụ trốn xuống đò chạy ra Hải Phòng lên tầu biển vào Nam. Hai năm sau, anh Vận dở khôn dở dại và thằng Nhẫn ba tuổi phải gánh chịu thành phần địa chủ. Ruộng đất bị tịch thu, ngôi nhà ngói bị tịch thu. Hai bố con anh được ở lại hai gian nhà bếp. Ba hộ bần cố nông được chia căn nhà ngói. Họ ở chưa đầy nửa tháng, cả ba bà vợ đã cùng ôm xống áo nằng nặc bắt chồng dọn về nhà cũ. Họ bảo xấu hổ lắm. Mỗi đêm họ tự nhiên như ngựa cái lồng lộn trên giường. Nhà này có ma nữ ám rồi. ai không tin vào ở thử. Bán chẳng ai mua, họ trả lại cho bố con anh Vận. Đến thời chiến tranh chống Mỹ, thằng Nhẫn mang thân phận con địa chủ nên mãi tới sát nút giải phóng miền Nam mới được lệnh tổng động viên gọi nhập ngũ. Sau 1975 nó giải ngũ về làng, lại theo nghiệp nhà đưa người qua lại bến Điềm.
Tôi bước qua khoảng giữa hai trụ gạch nham nhở lớp hồ xin xỉn, dấu tích còn lại của chiếc cổng xây ngày trước. Ông Vận đang ngồi bệt dưới sân lưng dựa vào thềm hè ngôi nhà ngói còn khá kiên cố. Hai ống chân ông chằng chịt vết rỗ thâm đen duỗi dài phơi nắng. Ngước hai con mắt mở to bất động, hướng vào tôi, ông nói: Nhà tôi lâu lắm rồi mới có khách vào chơi, xin hỏi quí vị là ai vậy? Tôi thưa qua lai lịch, ông vồn vã: Tôi biết danh tiếng nhà câu mà. Chắc bố cậu còn nhớ tôi. Còn bà cậu ngày xưa, năm mấy lần qua đò, bận nào không ghé chơi nói chuyện với bố tôi. Chuyện vãn một hồi, ông mở lòng tâm sự: Tôi biết trong đầu cậu đã định viết một câu chuyện về cái gò đất này và gia sự nhà tôi rồi. Nói thật với cậu, họ nhét vào đầu cậu toàn chuyện thêu dệt đấy. Cả cụ cai Thiềng cũng chỉ tưởng tượng đâu đâu. Gò đất chỉ là gò đất thôi. Cái phao câu đại bàng cái con khỉ. Nếu đúng vậy thì ngày ba bận nhà tôi nổi lửa đùng đùng trong bếp, có mà nó nóng dãy quáng quàng bay lên, liệu cả làng Điềm này yên ổn không? Cả cái lão thày Tầu tứ chiếng ấy cũng lí lí lớ lớ phán gò đất này là ngôi mả con ngựa cái lạc đàn, đến nước hứng tình không tìm được ngựa đực đã chết rục ở đây. Sau một đêm mối đùn thành gò. Tinh khí nó ngàn năm nay còn phừng phừng bốc thành âm khí quyến vào đàn bà, biến họ thành những con ngựa cái bất kham. Nhảm nhí tất, tôi bật mí cho cậu biết nhá: Ngày ấy tôi đã van lạy họ dẫn nhau đi đấy. Sống với tôi mấy năm, cô hàng xén hoa hậu ấy cứ mặt ủ mày chăm, mỗi đêm nghe thằng bạn nối khố của tôi, cái thằng lái đò ngang ấy, dìu dặt cất tiếng hò bò lan trên sóng nước lại úp mặt vào tường thở dài não nuột. Lương tâm tôi chịu sao nổi. Sự lừa đảo này là do bố tôi quá ích kỷ đã nghe lời thằng hàng giát khốn nạn. Đáng lẽ ra họ đã thành một đôi hạnh phúc. Tôi, chính tôi đã giải phóng cho họ đấy. Cậu có tin không? Còn câu chuyện ba bà vợ ba ông bần cố nông ấy, cũng là do tôi mớm cho họ đấy. Sự thực là sau cải cách, tôi đào hũ vàng cha tôi chôn dưới chân móng nhà bếp rồi mua lại của họ với giá đắt gấp ba đấy. Tôi chỉ buồn thằng Nhẫn con tôi, họ cứ bảo nó là con con ông Thụ. Lúc còn sống cha tôi cũng tin vậy. Láo toét cả. Nó đích thực con tôi đấy. Nó cũng nghĩ tôi là cha hờ của nó. Nhưng nhờ trời, nó thương tôi còn hơn tình thương con với bố thông thường. Tôi khuyên nó lấy vợ, nó bảo: Bao giờ con đủ tiền thuê máy xúc cào bằng địa cái phao câu oan nghiệt này đổ xuống sông Nguồn, cào cho bằng hết oan trái đớn đau của những thân phận đàn bà liên quan đến ngôi nhà chết tiệt này, khi ấy con sẽ lấy vợ rồi cả nhà ta sẽ đến nơi nào đó làm ăn. Nghe vậy, tôi bày ra chuyện mấy thằng con ông Thụ từ Mỹ đem tiền về cho nó, để nó có cơ hôi thực hiện ước mong ngông cuồng kia. Ai ngờ nó phản ứng dữ dội vậy. Sự thự thì đến nay, cả làng này, cả tôi, chả ai biết con vợ lộng lẫy của tôi và thằng bạn chân sào nối khố ấy sống chết ra sao. Họ một đi, một thăm thẳm chân trời rồi. Ai oán quá.
Tôi đem chuyện này kể với chú tôi, chú bảo: Cái lão Vận Rỗ này, tưởng dại dại đần đần mà khôn ranh nhỉ. Mà biết đâu lão tung hoả mù vậy để bán được ngôi nhà rồi bố con lão chạy cho xa cái phao câu ma ám ấy thì sao?
5/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét