Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

TƯỞNG NHỚ ANH VŨ CÔNG HOAN!

 


NHÀ VĂN DỊCH GIẢ VŨ CÔNG HOAN ĐÃ VỀ TRỜI!

XIN CHIA BUỒN SÂU SẮC VỚI CHỊ LIÊN VÀ CÁC CHÁU!

CẦU CHÚC CHO ANH LINH CỦA ANH VŨ CÔNG HOAN SIÊU THOÁT MIỀN CỰC LẠC!

XIN ĐĂNG MỘT BÀI VIẾT NHƯ NÉN NHANG TIỄN BIỆT!

vunhonb.blogspot.com

                                                                                                    Nhà văn Vũ Công Hoan
 

Ba lần đến Thủ đô của một người lính

                 Vũ Nho

    Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan là một người lính quê Thái Bình nhưng lại đã có 3 lần định cư Hà Nội. Anh giải ngũ với quân hàm Trung tá. Ba lần đến Hà Nội để lại trong anh những cảm xúc rất khác nhau.

 Lần đầu tiên là những năm sáu mươi:

                Như nai con ngơ ngác

            Giữa Nghi Tàm biếc xanh

            Lên Thủ đô học chữ

            Mở đầu cuộc mưu sinh.

                                       Gã nhà quê vụng dại…

Lần thứ 2 ở Hà Nội 10 năm là lần làm nhiệm vụ của người quân nhân trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc:

        

            May mắn về nguyên vẹn

            Qua hai cuộc chiến tranh

            Đồng hương và đồng nghiệp

            Kẻ mất, người thương binh. . . .

 

            Có ngờ đâu lần nữa

            Lại về với Ba Đình

            Mười năm C mười bốn (cục địch vậnTCTT)

            Ra vào ba cổng thành.

 

            Sống lầu son gác tía

            Nhớ phên nứa giữa rừng

            Vắt chui vào trong tất

            Hút máu sưng tấy chân.

 

            Tắm nước máy trong mát

            Nhớ thượng nguồn sông Công

            Cả tiểu đoàn lấy gạo

            Tồng ngồng lội băng sông.

Lần thứ ba là lần cuối, khi đã giải ngũ, lên hẳn Hà Nội định cư, thành công dân Thủ đô:

         Năm sáu mươi bảy tuổi

             Với con cháu quây quần

             Hà Nội - Thanh Xuân Bắc

             Trạm dừng chân cuối cùng.

 

             Ba lần lên Hà Nội

             Ba lần trong một đời

             Không biết mình may mắn

             Hay là do ý Trời!

               (Ba lần Hà Nội)

 

Như vậy là từ một thanh niên nhà quê lên Hà Nội mưu sinh, trở thành một sĩ quan quân đội làm việc ở Hà Nội, sống “lầu son gác tía” nhưng vẫn chăm chắm hướng về đồng đội, về quê nhà. Rồi khi trở thành dịch giả, thành nhà văn Vũ Công Hoan sau khi giải ngũ, tác giả đã kịp trở thành công dân Thủ đô trước khi thành phố kỉ niệm 1000 năm tuổi.

          Bài thơ “Cảm tác Hà Nội” được viết đúng vào dịp Hà Nội kỉ niệm 1000 năm, khi tác giả của bài thơ đã an vị tại Hà Nội, khi tính theo tuổi ta thì đã tròn 70, nghĩa là vào tuổi “cổ lai hy” theo cách viết của nhà thơ Đỗ Phủ. Ở cái tuổi ấy, Vũ Công Hoan đã từng trải, từng ngẫm, và cũng đã từng viết , từng dịch, từng in hàng vạn trang …

 

Cảm tác Hà Nội

H à Nội không tắc đường

Không phải là Hà Nội.

Hà Nội không mất điện,

Không phải l à thủ đô.

H à Nội không bụi mù

Không phải l à ngàn năm văn vật.

H à Nội lúc nào cũng tất bật

Hà Nội bụi hồng leo lên tận gác ba, gác tư…

Phủ mờ com put tơ cùng các đồ ngoại xịn.

Hà Nội ngun ngút những đường phố

Người xe cuồn cuộn suốt ngày đêm

Như mùa lũ tức nước vỡ bờ.

Hà Nội đâu đâu cũng có người nhà quê rao mua đồ đồng nát, sách báo cũ.

Hà Nội với những công trình xây cất dở dang.

những quán ăn chắn ngang đường dành cho người đi bộ.

Hà Nội có không biết bao nhiêu chốn, bao nhiêu chỗ

các cụ nghỉ hưu và những kẻ ăn không ngồi rồi, tụ tập đánh cờ, chơi tú lơ khơ, reo hò ầm ĩ,

ca cẩm đủ mọi thứ…

Hà Nội có nhà sàn, có quán ăn cắm nợ

Có biết bao ông chồng ngang nhiên đánh vợ

Có biết bao bà vợ hơ hớ đi mồi chài trai tơ

Có cụ già chín mươi bảy tuổi si tình

Vẫn hẹn gái trẻ ra vườn hoa cây xanh

Hà Nội có thừa lịch sự văn minh,

Cũng không thiếu chuyện vô tình hủ lậu

Cao thượng v à đê hèn

Thánh thiện và ma lanh

Sống đan xen giữa Đô thành đang trong qúa trình đổi mới.

    Ngày 8 tết năm Canh Dần 2010

   Vũ Công Hoan ghi nhanh đầu xuân

 

 

          Đầu tiên là nói những điều vấn nạn, những cái gặp như cơm bữa, nó như là là một phần tất yếu của Hà Nội, dẫu chẳng ai mong. Đó là tắc đường, mất điện và bụi. Từ thành phố của xe đạp với số dân vừa phải, Hà Nội trở thành thành phố của xe máy và ô tô, trở thành thành phố đông dân thứ hai của cả nước, làm sao không tắc đường? Nhiều người, nhu cầu sử dụng điện cao, làm sao không mất điện? Hà Nội vẫn phát triển, vẫn xây dựng, nhiều nhà cao tầng chất ngất mọc lên. Làm sao không bụi? Nhưng nói cho công bằng, cái thời điểm năm 2010 ấy, đến bây giờ (2018), mới có 8 năm thôi, tắc đường vẫn còn, nhưng mất điện và bụi thì đã giảm hẳn!

          Cuộc sống với nhịp độ công nghiệp của thành phố đang phát triển, đang lớn, đang đổi thịt thay da từng ngày tất yếu sẽ có những cảnh này:

          Hà Nội ngun ngút những đường phố

Người xe cuồn cuộn suốt ngày đêm

Như mùa lũ tức nước vỡ bờ.

Hà Nội đâu đâu cũng có người nhà quê rao mua đồ đồng nát, sách báo cũ.

Hà Nội với những công trình xây cất dở dang.

những quán ăn chắn ngang đường dành cho người đi bộ.

Với con mắt nhìn hiện thực, nhà thơ thấy chuyện Hà Nội có những góc khuất, cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu, cái văn minh, cái hủ lậu cứ đan xen nhau, sóng với nhau:

    Hà Nội có thừa lịch sự văn minh,

     Cũng không thiếu chuyện vô tình hủ lậu

     Cao thượng và đê hèn

     Thánh thiện và ma lanh

     Sống đan xen giữa Đô thành đang trong qúa

    trình đổi mới.

 

Nhà thơ nói có sách, mách có chứng chứ không phải gặp đâu nói đấy. Những chuyện này ai chẳng thấy hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, và ngay nơi khu dân cư mình ở. Dù cho mức độ đậm nhạt, sáng tối có khác nhau:

   Hà Nội với những công trình xây cất dở dang.

      những quán ăn chắn ngang đường dành cho người đi bộ.

      Hà Nội có không biết bao nhiêu chốn, bao nhiêu chỗ

      các cụ nghỉ hưu và những kẻ ăn không ngồi rồi,

      tụ tập đánh cờ, chơi tú lơ khơ, reo hò ầm ĩ,

      ca cẩm đủ mọi thứ…

      Hà Nội có nhà sàn, có quán ăn cắm nợ

      Có biết bao ông chồng ngang nhiên đánh vợ

      Có biết bao bà vợ hơ hớ đi mồi chài trai tơ

      Có cụ già chín mươi bảy tuổi si tình

      Vẫn hẹn gái trẻ ra vườn hoa cây xanh

 

   Đó là những điều chưa đẹp của Hà Nội. Cũng trong thời điểm ấy, nhà thơ nữ người Mĩ J Fosenbell cũng viết bài thơ “Lại ở giữa lòng Hà Nội” . Hai tác giả của hai nước đều nhìn nhận Hà Nội với những sự vất vả, những điều chưa đẹp và những điều đáng ngợi ca. Nhưng Hà Nội trong lát cắt thơ ấy của nhà văn Vũ Công Hoan giờ đã đẹp lên nhiều, đã tốt lên nhiều, đã văn minh lịch sự hơn 8 năm về trước. Càng ngày Hà Nội càng hoàn thiện để xứng đáng là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Như thế chẳng phải là điều vui sao!

  

          

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét