Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA

 


NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA

                       NGUYỄN DUY

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

 

Mẹ ta không có yếm đào

nón mê thay nón quai thao đội đầu rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa...

 

Cái cò ... sung chát đào chua câu ca mẹ hát gió đưa về trời ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru


Bao giờ cho đến mùa thu

trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm bao giờ cho tới tháng năm

mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao

 

Ngân hà chảy ngược lên cao

quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng bờm bờ ao đom đóm chập chờn

trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

 

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn bà ru mẹ... mẹ ru con

liệu mai sau các con còn nhớ chăng

 

Nhìn về quê mẹ xa xăm

lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...


 


LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIÊN

 

“TA ĐI TRỌN KIẾP CON NGƯỜI VẪN KHÔNG ĐI HẾT MẤY LỜI MẸ RU”

 

Thơ viết về mẹ, nhất là những người mẹ đã qui tiên thường dễ chạm đến những tình cảm sâu lắng nhất của con người. Bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy sáng tác năm 1986 in trong tập “Mẹ và em” (1987) là một trong những bài thơ cảm động nhất, hay nhất viết về người mẹ. Thi phẩm là tiếng nói đầy cảm xúc về tình yêu thương, lòng quý trọng cùng với niềm biết ơn mẹ vô cùng sâu sắc, chân thành.

Nhan đề của bài tác giả chuyển ý từ câu ca dao để thành câu mở đầu “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa / Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Điều này vừa có tác dụng khơi gợi nỗi niềm thương nhớ người mẹ đã khuất vừa đưa người đọc đến với thế giới thơ  dân gian cùng với lời ru vang vọng dễ lay thức lòng người. Bài thơ được viết theo thể lục bát truyền thống có âm hưởng êm đềm. Sáng tạo của tác giả thể hiện ngay trong cách cấu trúc các cặp câu lục bát thành những khổ thơ, mỗi khổ đều đọc liền mạch bởi không có sự ngắt dấu, ngoại trừ mấy dấu chấm lửng để người đọc tự suy ngẫm thêm qua mạch ngầm văn bản. Mở đầu tác giả viết: “Bần thần hương huệ thơm đêm / khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn / chân nhang lấm láp tro tàn / xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”. Từ láy “bần thần” được sử dụng đắt giá thể hiện tâm trạng đầy day dứt, suy tư của người con. Đó là nỗi niềm buồn thương da diết người mẹ nghèo đã cả  đời sống trong vất vả: “Mẹ ta không có yếm đào / nón mê thay nón quai thao đội đầu / rối ren tay bí tay bầu / váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa...”. Câu thơ gây ấn tượng bởi lối ngắt nhịp lẻ 3/5 khác thường ở câu cuối khổ thơ. Trong tâm thức con, chân dung mẹ hiện lên sống động với trang phục giản dị cùng những công việc cụ thể mà lam lũ. Điều đáng nói ở đây là: mẹ tuy nghèo nhưng không hèn, mẹ sống còn thiếu thốn nhưng tâm mẹ trong sáng vô ngần, mẹ không lúc nào quên chăm lo dạy dỗ các con nên người. Mượn lời ru - kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sống động của ông cha, mẹ hát lên chia

sẻ cùng con những cơ cực của đời mẹ để vợi bớt nỗi lòng. Nhiều hơn thế, cũng từ lời ru, mẹ truyền dạy cho con những bài học đầu đời về tình yêu quê hương đất nước, về ơn nghĩa, đạo lý ở đời. Hay nhất, thần tình và kết tinh cô đọng nhất giá trị bài thơ là hai câu: “ta đi trọn kiếp con người / cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Cho dù sống đến hết cuộc đời, tác giả cũng như mỗi chúng ta không đi hết, không thấu hiểu trọn vẹn được những triết lý nhân sinh hàng ngàn  đời được đúc rút trong lời ru của mẹ. Tiếp nối ý thơ trên, tác giả nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với tình yêu, sự quan tâm chăm lo của mẹ dành cho đứa con yêu: “Bao giờ cho đến mùa thu / trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm / bao giờ cho tới tháng năm / mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao…”. Dẫu cuộc sống còn biết bao thiếu thốn, nhọc nhằn nhưng mẹ đã nỗ lực hết mình  để cho con có được hạnh phúc tuổi thơ. Mẹ chăm lo cây cối trong vườn để con có trái “trái hồng, trái bưởi” rước đèn trung thu cùng  chúng  bạn.  Mẹ  trải  chiếu ra sân cho  con  nằm  mát, để ngắm trăng,  đếm sao,  để thấy “Ngân hà chảy ngược lên cao / quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng bờm / bờ ao đom đóm chập chờn trong leo lẻo những vui buồn xa xôi”. Những kỷ niệm đẹp khi có mẹ như một miền ký ức lung linh hiện về rồi lại biến đi. Bao trùm lên hết trong lòng con vẫn là những trăn trở về mẹ cùng với những lời ru  dường như vẫn còn vang vọng đâu đây: “Mẹ ru cái lẽ ở đời / sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Cái lẽ ở đời” mẹ ru con là đạo đức, là lối ứng xử hợp lẽ, là chân lý của đạo làm người. Dòng sữa mẹ nuôi con lớn về thể xác, lời ru và tình yêu thương của mẹ đã nuôi con lớn về tâm hồn. Con được như ngày nay  là nhờ có mẹ. Cũng từ đây, tác giả khái quát lên quy luật của dân tộc ta là “bà ru mẹ... mẹ ru con / liệu mai sau các con còn nhớ chăng”. Viết những câu thơ này, tác giả như thoáng chút âu lo vì xã hội ngày nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, liệu lớp trẻ có còn bảo lưu được một trong những vốn quý trong di sản văn hóa dân tộc như lời ru.

Bài thơ kết thúc bằng những vần thơ thấm đẫm chất liệu và ngôn từ ca dao ngợi ca công đức hy sinh và những cử chỉ âu yếm chăm sóc con của mẹ, khơi lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm và suối nguồn yêu thương vô hạn là tình mẹ.

product2531506759683

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét