Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

SỐNG VỚI VĂN CHƯƠNG CÙNG THỜI

 

 

 

SỐNG VỚI VĂN CHƯƠNG CÙNG THỜI

(Ấn tượng đọc Trên sóng & trong lòng bè bạn,

phê bình - tiểu luận - cảm nhận - trả lời phỏng vấn của Vũ Nho, NXB Thanh niên, 2021)

                                                                               BÙI VIỆT THẮNG

bui-viet-thang

             NHÀ NGHIÊN CỨU BÙI VIỆT THẮNG

Sống với văn chương cùng thời

Thuộc U80, nhưng nhà văn Vũ Nho chưa hề có cái tâm thế “rửa tay gác kiếm”, dù đã có nói đâu đó với bạn bè văn chương rằng, sau cuốn sách này ông sẽ nghỉ viết. Con số (biết nói) 114 đầu sách (gồm viết/ dịch riêng / chung), hơn 600 bài báo về lĩnh vực giáo dục và văn học nghệ thuật trong vòng hơn 40 năm tác nghiệp (tính từ tác phẩm dịch đầu tay công bố 1979, đến cuốn mới nhất xuất bản 2021), là dấu chỉ của một người lao động chữ nghĩa nghiêm túc, đã đành, nhưng trong lòng như thể  tiềm ẩn một “hỏa diệm sơn” lúc nào cũng chực phun trào thì mới lưu được một văn sản hoành tráng như vậy.Vũ Nho là kiểu “ 3 trong 1”: nhà giáo - nhà văn - nhà báo, năng động, biến hóa, nhưng vẫn chính cương, nề nếp.Ông luôn lạc quan yêu đời, yêu nghề và đặc biệt là một người hiền, nụ cười thường trực trong ánh mắt. Tuy nhiên, ở phần “Vài thông tin về tác giả”nhà văn cũng rất khiêm tốn tự chọn 14 cuốn thuộc diện “Các tác phẩm chính đã xuất bản” , trong đó có 10 cuốn căn cốt hơn cả: Thơ chọn và lời bình (2 tập), Đi giữa miền thơ (3 tập), Thơ - những vẻ đẹp, Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, 33 gương mặt thơ nữ, Thơ và dạy học thơ, Bình thơ, Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều, Thơ cho tuổi thơ, Hà Nội văn chương từ một góc nhìn. Sự tự lựa chọn này vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan. Thiết nghĩ, nếu cán đích được một phần mười (1/10) tổng số những gì làm được đã là một thắng lợi của người làm văn chương - một nghiệp hơn là một nghề như người ta thường nói. Không chỉ "viết”hấp dẫn người đọc, nhà văn Vũ Nho còn “nói”thuyết phục người nghe, vì bẩm sinh là một nhà giáo vì có gần 20 năm đứng lớp. Năm 2017, nhà văn đã thuyết trình thành công trước cử tọa (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) về Từ Kim Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều trong một buổi sinh hoạt chuyên đề - nghiên cứu so sánh văn học, vốn được xem là một phương pháp đắc dụng hiện nay. Nhà văn từng có chân trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, đã cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều sinh hoạt nghề nghiệp thú vị và bổ ích. Ai đó nói không sai, Vũ Nho thuộc số nhà văn làm lý luận, phê bình có tinh thần sống với văn chương cùng thời, một tấm gương điển hình của lao động chữ nghĩa, thực hành tốt phương châm “đi -đọc - viết”.

bia_tren_song

Tinh thần thực tiễn

Tôi đồng cảm với nhà văn Vũ Nho khi ông chia sẻ rằng, cầm bút làm văn chương cũng đã hơn 40 năm nhưng không bị ám ảnh bởi tâm thế phải cố gắng hết sức mình nhằm gây dựng những tác phẩm để  đời, đỉnh cao, ngang tầm thời đại như bây giờ là một thứ “mode”, một cách nói đầu cửa miệng của không ít người. Nhà văn thực sự biết mình biết ta, biết thế nào là đủ.Tôi đã đọc khá kỹ các bậc tiền bối văn chương như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài song le chưa một lần thấy các vị nói về những điều mà hậu sinh hay thắc thỏm. Nhà văn Tô Hoài thì thẳng thắn nói mình viết với ý thức, tư cách của một người làm nghề văn (thợ chữ), phải cần cù siêng năng từng ngày, thậm chí không chờ đợi cảm hứng. Về phương diện nay, tôi thấy mình gặp gỡ và gần gũi với nhà văn Vũ Nho. Tác giả chân thành: “Các cuốn Đi giữa miền thơ 1 và 2” , “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”, tôi làm từ viết lách, khuân vác, phát hành. (...). Tôi không tự đánh giá tác dụng. Chỉ biết sách bán chạy. Chắc phải có ích thì người đọc mới mua”. Thẳng thắn và chân thành hơn khi nhà văn chia sẻ: “Thật ra tôi viết sách là do nhu cầu của thị trường, cũng do nhu cầu của bản thân muốn tổng kết những gì suy nghĩ từ công tác”.  Tôi cũng là người chịu khó đọc báo chí nên mới thấy nhà văn Vũ Nho thường xuyên xuất hiện trên Khoa học giáo dục, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tạp chí Thơ, tạp chí Hồn Việt, tạp chí Nhà văn và tác phẩm (nay là Nhà văn & cuộc sống), tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Nhân Dân, Người Hà Nội, Quân đội nhân dân, Giáo dục & Thời đại, Tiền phong, Hà Nội mới, Phụ nữ Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật,... Sách của nhà văn Vũ Nho đã được ấn hành tại các nhà xuất bản có uy tín như Giáo dục, Thanh niên, Kim Đồng, Văn học, Hội Nhà văn, Văn hóa thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Quân đội nhân dân.

Ai đó ví von, nhà văn Vũ Nho như một “ lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ nghĩa, đã có những mùa màng bội thu, cũng không quá lời. Trong Lời thưa (in đầu sách Trên sóng & trong lòng bè bạn), nhà văn Vũ Nho chia sẻ: “Vũ Nho tôi làm thơ, viết truyện, dịch sách, viết sách cho giáo viên và học sinh. Nhưng thành tựu chủ yếu là viết nghiên cứu, phê bình”. Tôi vẫn thường chia sẻ với đồng nghiệp rằng, nhà văn Vũ Nho là “ông bình thơ”, được xếp vào đội hình “bộ tứ” cây bút bình thơ được nhiều người thích đọc cùng với Vũ Quần Phương, Nguyễn Vũ Tiềm, Vũ Bình Lục.

Viết chân thành

Người ta vẫn thường nói, trong lĩnh vực văn chương, điều quan trọng không phải là viết là viết về cái gì mà là viết như thế nào. Đọc nghiên cứu, phê bình (nghiêng hẳn về thơ) của Vũ Nho, không riêng tôi cảm nhận, nhà văn đã vận dụng triệt để phép/ phương pháp viết “chân thành”. Dường như tác giả tránh được lối tư biện, hàn lâm, lý thuyết suông; tránh cả những vội vã vận dụng các lý thuyết “nhập khẩu” chưa được sàng lọc kỹ càng (hậu hiện đai, hậu thực dân, phân tâm học, ký hiệu học,... chẳng hạn); tránh được tình trạng “cũ người mới ta” như thường thấy diễn ra trong giới lý luận, phê bình đương thời, nhất là các cây bút mới “bập” vào nghề viết lách. Ai đó thiếu thiện chí thì xếp nhà văn Vũ Nho vào “ô” bảo thủ, thậm chí là “cũ”. Riêng tôi, không nghĩ và không thấy như thế. Đồng nghiệp văn chương không phải quá ưu ái, mà là nhìn nhận ra chân tủy của lối viết chân thành của nhà văn Vũ Nho: “Cứ đọc, bạn sẽ thấy, Vũ Nho hành bút bởi hai lực đẩy lớn: niềm mê say đến sẵn sàng sa đà của một nghệ sỹ và sự tĩnh trí, bình ổn, khuôn thước của một ông thầy” (Chu Văn Sơn). Trong  viết lý luận, phê bình (nghiêng về thơ), tôi thấy, nhà văn Vũ Nho đã thường xuyên duy trì và kiên trì một thái độ thẳn thắn và chân thành: “ Nhưng cái yếu nhất của thơ trẻ ấy chính là sự chưa hết mình vì thơ, vì một lẽ sống cao hơn cả thơ ca. Có thể nói tóm gọn là, phần cái tôi của nhà thơ thì khá trội, nhưng phần công dân thì khá mờ”. Cũng viết về biệt sắc văn trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh có một nhận xét thú vị: “Văn trẻ giỏi thêu thùa bản thân hơn vá may cho người khác”. Khi được hỏi: “Khi phê bình thơ, anh thường đặt mình vào tâm thế nào?”. Câu trả lời của nhà văn Vũ Nho hết sức chân thành: “Có lẽ tôi không nghĩ mình làm công việc phê bình mà nhà thơ  Xuân Diệu đặt cho hai chữ khá ngộ là “lườm nguýt”. Khi viết về bài thơ, tập thơ, trước hết tôi là người đọc thơ, một bạn đọc thơ. Tôi thưởng thức tác phẩm, từ bài cho đến tập. Tôi muốn chia sẻ những ý nghĩ, những cảm xúc của mình với chính tác giả, với bạn đọc".

Nói Vũ Nho là nhà văn viết lý luận, phê  bình (nghiêng về thơ) với phép “chân thành” triệt để, tôi có thể dẫn ra rất nhiều dẫn chứng khác nữa. Nhưng có một bài viết được nhiều người chia sẻ, có tựa Đôi điều về thơ Nguyễn Quang Thiều (in trong sách Hà Nội văn chương từ một góc nhìn, NXB Hội Nhà văn, 2019, trang 371- 385). Sau khi khẳng định “Tiềm năng của một nhà thơ lớn”, nhà văn Vũ Nho đã thẳng thắn và chân thành chỉ ra: “Bước quá đà của sự cách tân” và càng trở nên rốt ráo hơn với: “Thật khó khăn cho Nguyễn Quang Thiều”. Bài viết này của nhà văn Vũ Nho công bố sau khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xuất bản Châu thổ (2010) với ý nghĩa như là “thơ tuyển lần thứ nhất”, sau khi đã đọc hết 25 bài viết của đồng nghiệp về tập thơ này. Tôi thấy, cách viết của  nhà văn Vũ Nho tuy không “lườm nguýt”, theo cách nói vui của thi sỹ Xuân Diệu, nhưng quả thật là “gai góc”, “sắc lẻm”. Nhiều người nhận xét, nhà văn Vũ Nho thuộc “tipe” người hiền, văn phê bình mực thước đầy sự “tĩnh trí, bình ổn, khuôn thước của một ông thầy”, nhưng sao lần này lại có vẻ đầy chất tranh biện, đối thoại thẳng băng, cởi mở và chân thành ở mức độ tối cao?! Tôi nghĩ, câu “văn là người”, vận vào trường hợp Vũ Nho, cụ thể hơn là ở bài viết này, thật sát hợp và sáng tỏ, lột tả chân tủy của ngòi bút phê bình có “thương hiệu”. Nhà văn Vũ Nho là như thế đấy!

                                                                                         Hà Nội, 1-1-2022

vna_potal_phu_tho_lien_hoan_hat_xoan_thanh_thieu_nhi_thanh_pho_viet_tri_lan_thu_vi_nam_2019_stand

                                                                                                  B.V.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét