Nhà thơ Y Phương đã về cõi Mường Trời. Hưởng thọ 74 tuổi. Xin chia buồn với gia quyến!
Xin đăng một bài viết như nén nhang thơm tiễn biệt anh!
vunhonb.blogspot.com
MÙA THU NHỚ BẠN
Y PHƯƠNG
Bạn ơi nhìn kìa
Hiu hiu gió rồi
Tôi lại nhớ một người
Ngày ấy trời rất xanh
Tóc rất dài
Con đường núi trắng hoa lau
Người bước trước
Tôi bước sau
Giữ khoảng cách xa nhau đều đặn !
Sớm ấy
Sương mù
Mặt đường in rời rạc
Những dấu chân bé xinh
Đi theo những dấu chân bé xinh
Ra đến cửa rừng thì nắng.
Bây giờ
Người đi qua
Tôi đi lại
Mỗi ngày một lần thương
Đêm nói mơ một mình
Và thế đấy
Chỉ mình tôi biết được
Có một ngôi nhà ướt
Đêm đêm mở cửa xanh
Bạn ơi nhìn kìa
Hiu hiu gió rồi
Người thương cưỡi lá vàng
bay lại
Cô xàn 1983
Lời bình của Vũ Nho
Một tiếng chim, một làn gió, một mùi hương, một vầng trăng, một tia nắng, một thoáng mưa. . . Cái gì cũng có thể gợi nhớ. Nhưng nỗi nhớ này bắt đầu rất dịu êm.
Bạn ơi nhìn kìa
Hiu hiu gió rồi
Ngọn gió "hiu hiu” đúng là gió của mùa thu. Nó giống, nhưng lại cũng không giống với "gió vàng hiu hắt “(Cung oán ngâm) hay "gió hắt hiu” (Thu vịnh). Đây là ngọn gió gợi nhớ. Gió nhỏ, nhẹ đến mức không chỉ cảm được bằng da thịt, mà phải nhìn thêm bằng mắt, nhìn kỹ mới nhận ra. Chỉ bấy nhiêu gió thôi cũng đủ gợi nhớ người. Hẳn là nỗi nhớ rất gắn bó với mùa thu, nó thường trực lắm “day dưa “lắm.
Kỷ niệm được gợi lại từ ngày ấy, tựa như câu chuyện cổ tích được bắt đầu từ “ngày xửa ngày xưa ". . . Khung cảnh kỷ niệm vừa thực, vừa mơ, phảng phất như trong bồng lai tiên cảnh. Hình ảnh được nhớ rất thấp thoáng, nhưng cũng rất đậm. Thấp thoáng là nói trong tương quan toàn thể, còn đậm là nói về ấn tượng riêng. Trong cảnh trời rất xanh (màu xanh đặc sắc của mùa thu) chỉ nổi lên hình ảnh mái tóc rất dài và vang lên nhè nhẹ tiếng bước chân "giữ khoảng cách xa nhau đều đặn". Rồi cụ thể hơn về thời gian "Sớm ấy", nhưng "sương mù” lại làm cho không gian huyền ảo hơn. Cảm thấy thấp thoáng hai người, nhưng không thấy người. Chính xác hơn, ta biết được họ nhờ "những dấu chân bé xinh” trên mặt đường sương ướt.
Mặt đường in rời rạc
Những dấu chân bé xinh
Đi theo những dấu chân bé xinh
Câu thơ sau lặp lại câu thơ trước như những dấu chân đang nối bước theo nhau.
Ra đến cửa rừng thì nắng
Lời thơ dung dị mà thật đặc sắc. Từ "nắng” đặt cuối cùng rực lên làm loá đi không gian huyền ảo kỷ niệm mờ sương, đưa ta từ "ngày ấy” trở về "bây giờ", từ quá khứ trở về hiện tại.
Bây giờ họ không đi sóng nhau người trước người sau, mà đi đến với nhau "Người đi qua Tôi đi lại". Họ vẫn chưa chung một mái nhà, chưa thành ra lứa đôi, nên thoáng thấy cô đơn.
"Đêm nói mơ một mình"
"Chỉ mình tôi biết được”
Cái chính là họ có kỷ niệm riêng, rất riêng, chỉ một trong hai người biết, và cũng chỉ có một trong hai người cảm thông.
Có một ngôi nhà ướt
Đêm đêm mở cửa xanh
Vì thế ngôi nhà này cũng thật lạ lùng, ta chưa thấy ngôi nhà nào tương tự. Nhưng không ngạc nhiên lắm, vì có con đường núi trắng hoa lau, có những dấu chân bé xinh thì cũng có ngôi nhà ướt cửa xanh. Rất thực, nhưng không vì thế mà không mơ. Dễ hiểu nhưng không phải không có điều bí ẩn. Nó cũng như chính bản chất của tình yêu đôi khi chỉ có thể cảm được mà thôi !
Hiu hiu gió rồi
Người thương
Cưỡi lá vàng
bay lại
Bao nhiêu trời thu, đường thu, sương thu, nắng thu ở trên giờ dồn lại trong màu vàng của sắc lá. Lung linh quá, thanh thoát quá. Đã thi nhân nào nhìn thấy người mình thương đang bay trong sắc lá mùa thu ?
Phần lớn vẻ đẹp của bài thơ là cảm giác thần tiên mơ mộng trong thấp thoáng sắc thu, và những gì mong manh buồn buồn, dìu dịu chỉ có thể cảm nhận được mà không nên và không thể phân tích được.
Sau này bài thơ được sửa lại và in vào trong tập Mưa đền cây. Tôi không muốn đổi "trời rất xanh” để lấy thêm cái "áo rất xanh", vì với bạn gái, chỉ một "tóc rất dài” là đủ.
Tôi cũng không đổi "con đường núi trắng hoa lau” rất rực rỡ tạo hình để lấy "con đường núi bên lở bên bồi".
Tôi cũng không đổi "sương mù” để lấy "mưa không thấy".
Không đổi "mỗi ngày một lần thương” bâng khuâng để lấy "mỗi người một ngày buồn” có phần ảm đạm.
Không đổi cái nhìn chầm chậm "nhìn kìa” để lấy cái "nhìn nhanh” phá vỡ nhịp điệu và âm hưởng toàn bài.
Và sau hết làm sao có thể bỏ hình ảnh kết thúc độc đáo ấy để lấy "hiu hiu gió lá vàng không về cội” ?
Mới hay rằng khi sửa thơ đi, chưa hẳn là đã hay hơn lên được. Đó là lý
do người bình vẫn bình theo bản in đầu tiên trên báo Tiền Phong, số 44
ngày 10 tháng 11 năm 1985.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét