SAY MÙA TÂY BẮC VỚI AN NHU
SAY MÙA TÂY BẮC VỚI AN NHU
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Có nhà văn đã ví nghề văn với bóng đá. Đây đều là một thứ nghề chơi! Nghề chơi cũng lắm công phu. Làm văn thơ và làm bóng đá giống nhau ở chỗ không ai sinh ra đã là nhà thơ cũng như không ai sinh ra đã là cầu thủ. Họ chơi từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn. Nhà thơ làm thơ khi còn là học sinh, khi sinh hoạt ở câu lạc bộ phường xã, dần lên cao hơn, thành Hội viên văn học nghệ thuật tỉnh, thành nhà văn Việt Nam. Cầu thủ chơi bóng trong xóm, trong trường, trên đường phố rồi gia nhập các câu lạc bộ, câu lạc bộ chuyên nghiệp rồi ăn lương cầu thủ nhà nghề, thành nững ngôi sao sân cỏ. Bóng đã là môn chơi nhưng người chơi giỏi thì thành nghề, thành nghiệp! Làm thơ văn cũng là chơi, nhưng hầu như không có ai sống bằng nghề chơi này. Các nhà văn Việt Nam mỗi người làm một nghề để sống và họ viết văn, làm thơ như một trách nhiệm, như một duyên nghiệp, một niềm say mê.
Trở lại với tác giả An Nhu!
Vốn là người làm thơ, chơi thơ trên mạng xã hội. Rồi chị làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Facebook ( FB) Yên Bái. Câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, đã ba lần tổ chức thành công Tình thơ Tây Bắc. An Nhu tham gia Câu lạc bộ thơ FB Việt Nam, thành một thành viên lãnh đạo tích cực. Câu lạc bộ thơ Facebook Việt Nam mới đổi tên thành Câu lạc bộ người yêu thơ Việt. Anh Nhu vẫn là một cán bộ lãnh đạo tích cực được tín nhiệm.
Từ người làm thơ mạng, An Nhu đã in tập thơ riêng “Cánh mùa yêu” , nhà xuất bản Hội nhà văn 2020. Rồi được kết nạp vào Hội văn học Nghệ thuật Yên Bái. Tập thơ đầu tay nhận giải C của Hội văn học nghệ thuật Yên Bái. Bây giờ tác giả xuất bản tập thơ thứ hai của mình “Men say mùa Tây Bắc”. Một sự trưởng thành thật đáng mừng!
Người con gái quê gốc Lý Nhân, Hà Nam đã lấy Yên Bái là quê hương của mình. Bởi vậy mà niềm yêu, niềm say không chỉ riêng dành cho Yên Bái, mà rộng hơn cho cả vùng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ nên nhạc bao đời.
Cao Phạ, một con đèo là địa điểm đẹp cho những người chơi dù lượn Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới. Không thể không say đắm nếu ai đã từng đến đây:
Núi gùi núi, mây cõng mây
Mùa heo may
Hoa Tớ dầy nhuộm sắc hồng phơi nắng
Bản Mông
Tiết đông về sương đậm
Rừng sơn tra trái quả ấm sắc hương
Gái Mông hai má thắm hường
Xà cột cuốn chân
nẻo đường xuống núi
( Cao Phạ)
Còn đây là nét đẹp khiến ngây ngất, ngất ngây của cảnh sắc Văn Chấn:
Dốc ba tầng
Mênh mông đất trời Nậm Búng
Con đèo dìu tôi
Núi chồng núi
Mây chồng mây
Ngất ngây! Ngất ngây!
Sương hóa mây
Mây hóa sương
Đậu trên chùm hoa mua Ông tím
( Tìm…)
Với tấm lòng, ngôn ngữ các cô gái dân tộc xinh đẹp của Yên Bái, An Nhu như reo lên khi về bản:
Về bản
Cái bụng yêu nhiều lắm
Yên Bái quê mình nét đẹp vùng cao
( Cao Phạ)
Vâng! Yên Bái đẹp! Yên Bái bốn mùa hoa! Yên Bái bốn mùa yêu! Những điệu xòe Mường Lò từng say trong thơ của Ngọc Bái, lại hiện lên trong thơ của An Nhu:
Noọng trên núi ước mơ
Mong pì về
Cùng lên nương dưới sương mờ gieo hạt
Vui điệu xòe
Khăn Piêu buộc nhau cái duyên bát ngát
Hòa quyện cùng khúc Páo khát đêm trăng
( Tình thu)
Yên Bái đẹp trong sắc màu núi đồi, ruộng bậc thang, mây phủ đỉnh núi, lưng đèo, màu xôi nhuộm lá rừng, màu trang phục rực rỡ của các cô gái dân tộc:
Ngũ sắc bốn mùa
níu tình yêu ngọt ngào hưng phấn
Nét đẹp quê hương Văn Chấn ướp lại…
Một niềm vui!
(Tìm…)
Đẹp và vui đến mức
Mùa thu trăng bản
Cả ánh sao khuya cũng tíu tít bên sàn
(Tình thu)
Có thể thấy một An Nhu đa cảm, nồng nàn. Trong bài thơ “Cởi tôi” gợi nhớ tập “Cởi gió” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả đã để cho mình thoát hết mọi ràng buộc “ cởi tôi qua vùng hoang sơ” để có một cảm giác lạ lùng, say đắm:
Màn đêm cởi tôi
Vắt qua trùng trùng mây điệp điệp núi
những ngọn núi rùng rình bay
ngả lưng trên xe giường nằm
Say!
Hay đang bay cùng Tây Bắc?
( Cởi tôi)
Nhà thơ với trái tim trẻ trung, với khát khao nồng cháy của người con gái Lục Yên từng hồn nhiên thực thà giãi bầy:
Khép nào đôi mắt ngủ im
Để ngày bung cánh đi tìm miền yêu
(Đêm)
Không phải bay xa, miền yêu ấy ở ngay cạnh nhà. Chỉ cần có trái tim yêu, cặp mắt yêu là nhìn thấy:
Những búp bàng như ngọn lửa xanh
Thắp mãi ngọn lửa yêu bên ngõ
( Ngày ấy vẫn chưa xa)
Miền yêu ấy ẩn ngay trong lời mẹ dặn, mẹ ru:
Con yêu à, hãy “yêu thương” ngay từ thuở ban đầu
Và giữ trọn cả những ngày tận cuối
Để cuộc đời chẳng có gì tiếc nuối
(Lời mẹ)
Về Hà Nội vẫn thấy miền yêu theo về trong những bông cúc họa mi tháng Mười:
Dịu dàng nhỏ nhắn xinh xinh
Cánh hoa trinh trắng lung linh giữa trời
Em đơm mắt nắng em cười
Em reo quyến rũ trao người em yêu
(Tháng mười cúc họa mi)
Miền yêu ấy, thi sĩ khám phá trong những miền đất lạ, nhưng đều là của Việt Nam với những địa danh Hồ Tây, Xẻo Quít, Trà Sư, Đà lạt, Đăk Lăk, Quảng Trị… Nhưng có lẽ đậm đà nhất là trên chính mảnh đất Yên Bái nhiều gắn bó, yêu thương trong “ Mùa yêu”:
Mắc pém mở mùa yêu gái Thái
Cánh ban nở mùa Tây Bắc
Níu tình yêu trên núi mùa hoa
Xòe đi anh! Về đi anh! Say…say…đêm không tàn
Gieo tối đốt lửa lòng khăn piêu hẹn ước!
Có thể thấy những bước tiến vững chắc trong lập tứ, chọn hình ảnh, chọn từ ngữ bày tỏ tình cảm trong những bài thơ của An Nhu. Bên cạnh những thể thơ quen thuộc, tác giả còn thể nghiệm kiểu thơ Namkau trong một số bài. Tuy vậy, phần đặc sắc chính là những bài thơ mà tác giả “cởi” ( Tôi cởi tôi qua vùng hoang sơ – Cởi tôi), hoặc “thả” (Thả mình trong tĩnh lặng – Chiều đông; Tôi thả tôi vào miền quê kí ức – Mở xuân). Nghĩa là khi người thơ để cho cảm xúc tự do dâng trào, bay lượn, không phụ thuộc vào luật lệ nào.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc và chúc mừng An Nhu!
Hà Nội, 7/11/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét