Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

BÌNH THƠ & DỊCH THƠ

BÌNH THƠ & DỊCH THƠ
 
DQ Do
 
            
                                      BÙI KIM ANH
 
Chị Bùi Kim-Anh có một giọng thơ khá đặc biệt. Chị không tu từ, không sử dụng nhiều ẩn dụ hoặc phúng dụ trong thơ. Lời thơ không hoa mỹ mà bình dị như lời nói chuyện, tâm tình giữa nhà thơ và người đọc, tưởng như một câu chuyện phiếm. Thế nhưng thơ lại ẩn chứa được một chiều sâu, cho người đọc thấy được những nghịch lý trong cuộc sống dù không hề có tính chất phê phán.
Bài “Chủ Nhật với Thơ” của chị là một điển hình. Cũng là một bài thơ viết về một đề tài quen thuộc, tuổi già, nhưng cách nhà thơ suy gẫm về đề tài này lại rất mới. Khi các thi nhân ngày xưa dùng thơ để cảm khái tuổi già, nhắc lại đời mình một thời vang bóng, hoặc ta thán cái bất lực của mình, để rồi gợi lại những “thành tích” vẻ vang mà ngậm ngùi chuyện tang thương dâu bể, nhà thơ họ Bùi lại rất thờ ơ, xem tuổi trẻ như một vùng ảo tưởng trong hành trình thời gian của cuộc đời.
Ngay cả các nhà thơ phương Tây dạo trước cũng luôn nhắc đến những thời oanh liệt. Khi Don Diègue, bố của chàng Don Rodrigue trong Le Cid, bị đồng liêu trẻ tuổi hơn là Don Gomès tát vào mặt, ông đã uất hận than:
“Ô rage ! Ô désespoir ! Ô vieillesse ennemie !
N’ai-je donc tant vécu que pour cette infamie ?
. . .”
(Ôi uất hận! Ôi tuyệt vọng! Ôi tuổi già thù địch!
Ta đã chẳng sống đủ để phải chịu nỗi sỉ nhục này ư?)
Như thể gián tiếp nhắc nhở mình có một tuổi thanh xuân anh hùng, hào hiệp! Tuổi già chỉ là sự tha hóa của tuổi trẻ hào hùng!
Người thủy sư 80 tuổi của Lamartine cũng thế. Khi tuổi về chiều ngồi ngắm biển để nhớ lại một thời ngang dọc:
“Tel un pilote octogénaire,
Du haut d'un rocher solitaire,
Le soir, tranquillement assis,
Laisse au loin égarer sa vue
Et contemple encor l'étendue
Des mers qu'il sillonna jadis. »
(Alphonse de Lamartine - Adieu)
(Gã thủy sư ngoài tám mươi kia vẫn thế
Trên đỉnh của mỏm đá cô liêu
Ngồi trầm lặng cả buổi chiều
Để ánh mắt đi lạc nơi xa xôi
Chiêm ngưỡng cõi mênh mông
Của bốn biển hắn đã một thời từng ngang dọc.)
Nhiều nhà thơ khác, khi nhắc đến tuổi già, lại quan tâm đến cái chết. Shakespeare, trong bài Sonnet 73, đã viết:
“In me thou seest the twilight of such day
As after sunset fadeth in the west,
Which by and by black night doth take away,
Death's second self that seals up all in rest. . .”
(Trong tôi, bạn thấy tà huy của một ngày như thế
Như khi hoàng hôn phai màu ở phương tây
Để đêm đen, bản thể thứ hai của Tử thần
Lập tức đến tước đi và niêm phong tất cả những gì còn lại. . .)
Tuổi già của chị Kim-Anh khác. Dĩ nhiên vì là tuổi già hiện đại. Hoặc hậu hiện đại. Chị không nhắc, không than tiếc “Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” mà lại quy cho tuổi xuân cái “tội” ảo tưởng:
“tuổi xuân ngắn ngủi
mơ ước dệt trong mộng ảo…”
chẳng cần “nhắc lại để rồi tiếc nuối”. Và hôm nay, khi đối diện với nắng chiều của cuộc đời, chị thấy mình “đã sạch hết ảo tưởng về mình” và hững hờ chẳng quan tâm đến tương lai hoặc quá khứ:
“đừng hỏi tôi hôm nay nghĩ gì
. . .
không còn muốn vun vén ước mơ và ký ức”
Hôm chủ nhật ấy, chị thức giấc lúc 2 giờ sáng, để rồi:
“và thế là những bận rộn chèn lên những ý thơ”.
Đây là câu kết của bài thơ. Câu này là nghịch lý của mọi câu ở phần trước. Chị đã “đang sống trong tuổi già/chậm chạp bước đi” mà bận rộn cái gì? Người đọc chợt hiểu chị chỉ chậm đi, chứ không phải chị chịu ngồi yên mà tư lự. Chị vẫn còn nguyên cái đam mê về thơ. Ở phần trên, chị nhắn “đừng hỏi về bài thơ cũ ấy”, hóa ra chỉ vì chị muốn ta đọc những bài thơ mới mà chị sẽ viết ra, sẽ thành thơ một cách chậm chạp hơn, nhưng chị vẫn không ngừng “bận rộn” viết.
Và cái chậm chạp hôm nay lại là cái thực, không giống như cái nhanh nhẹn ảo tưởng của tuổi xuân kia.
Một thái độ bình thản trước cuộc sống, trước tuổi già mà người đọc không bát gặp trong những bài thơ khác.
Tôi xin phép được dịch bài thơ này ra Anh ngữ.
+++++
Nguyên tác:
CHỦ NHẬT VỚI THƠ
đừng hỏi về bài thơ cũ ấy
ký ức để yên mãi là kỷ niệm
buồn đẹp
tuổi xuân ư
nhắc lại để rồi tiếc nuối
tuổi xuân ngắn ngủi
mơ ước dệt trong mộng ảo
trôi qua
em cũng đừng nhắc nữa
trễ rồi em
tôi đang sống trong tuổi già
chậm chạp bước đi
đừng hỏi tôi hôm nay nghĩ gì
đã sạch hết ảo tưởng về mình
không còn muốn vun vén ước mơ và ký ức
trễ rồi em
chỉ còn những câu thơ
thức dậy 2 giờ sáng
và thế là ngày dài nhất
và thế là những bận rộn chèn lên những ý thơ
Bùi Kim-Anh
Bài dịch:
SUNDAY WITH POETRY
don't ask me about that old poem
memories left undisturbed will always remain souvenirs
that are wistful and beautiful
that springtime of life?
don’t bring it back then regret
springtime was short
hopes that were woven in dreams and fantasies
have drifted away
don’t mention it again, my dear
it’s too late, my dear
i’m living my old age
i’m slow to walk
don't ask me what i think today
i have freed myself of all self-illusions
i no longer want to tend to my hopes and memories
it’s too late, my dear
only these poems remain
i wake up at two in the morning
and so the day will be the longest
and so i will be busy, which will stifle my poetry writing ideas
+++++
Tranh của Edward Hopper, Nắng sớm/Morning sun, 1952.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét