Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

CẢM NHẬN TIỂU THUYẾT TRĂNG LÊN

 

CẢM NHẬN TIỂU THUYẾT  TRĂNG LÊN

                           PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

 vu_nho_iu

                 VŨ NHO


      Nhà văn Thế Đức thành danh với thể loại truyện ngắn và truyện vừa. Anh đã xuất bản các tập Lời nguyền thiêng (2008, được lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn học năm 2009 Hội Nhà văn Việt Nam), Ngưỡng Đời ( 2010), Bão Đỏ ( 2014). Truyện ngắn Thế Đức xuất hiện khá đều trên báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Công An những năm gần đây.

       Cũng như phần lớn những người viết truyện ngắn trên văn đàn, Thế Đức muốn thử sức mình ở thể loại tiểu thuyết. Bởi vì, chỉ có tiểu thuyết mới là nơi để cho người viết thử thách vốn liếng và sức viết của mình. Dẫu rằng những  thành công về truyện ngắn không phải là sự tập dượt, càng không phải là sự đảm bảo cho thành công của tiểu thuyết, thể loại văn xuôi anh em gần gũi, nhưng khác xa với truyện ngắn. Điều đó cho thấy khát vọng tiểu thuyết là một khát vọng của phần lớn các nhà văn viết văn xuôi. Nhiều người coi truyện ngắn là “dao găm, súng lục”, gọn nhẹ so với  tiểu thuyết là “đại bác”. Chắc là sẽ có người phản bác sự so sánh đó. Tuy nhiên, nếu một tác giả văn xuôi có cả “dao găm, súng lục” và “đại bác” thì vẫn thích hơn là chỉ có một loại.

      Tiểu thuyết Trăng lên của Thế Đức không phải là lát cắt lịch sử, cũng không phải là khoảnh khắc cuộc đời của một vài nhân vật như  ở truyện ngắn  mà anh đã có thành tựu. Thời gian của cuốn tiểu thuyết xuyên suốt từ bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, qua hòa bình 1954, đến tận 1968, khi tổ chức truy điệu cho thiếu tướng Nguyễn Văn Thắng, còn tiếp nối thêm một thời gian nữa. Không gian chủ yếu ở huyện Phú Vân. Nhưng theo thời gian, một số nhân vật còn di chuyển tới cả nông trường bò sữa vùng Tây Bắc, vào tận Sài Gòn. Nhân vật thì khá nhiều (khoảng hơn bốn mươi nhân vật). Ông Hai, ông Tuệ  hai người bạn luyện võ, ông Sáng, ông Sằng những nhà giàu thuộc thành phần địa chủ;  Sang đi lính cho Pháp và viên đồn trưởng người Pháp. Đặng Vũ, Sâm,  là những cán bộ chủ chốt của huyện.  Quyết huyện đội trưởng, bà Hoa Chủ tịch Hội phụ nữ sau làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch huyện. Bà Loan, vợ Thắng,  Chủ tịch Hội Phụ nữ.  Mẫn, Bật,  cán bộ huyện và xã, Chinh, chủ nhiệm hợp tác xã, Tùng cháu ông Hai, cô Gái con của bà Loan. Các nhân vật phụ như thằng Còi, chị Huệ, Bạch Yến, Nhung,  Huyền Thương, con dâu lão Sáng, thầy giáo, thằng Hà,… Đặc biệt có nhân vật “tôi”, người kể lại câu chuyện mãi đến quá nửa cuốn tiểu thuyết mới chào đời với cái tên “Nguyễn Hòa Bình”. Các nhân vật ông Hai, bà Hai, ông Thắng, bà Loan, cô Gái đều được nhân vật “tôi” gọi là ông nội, bà nội, bố, mẹ và chị trong câu chuyện của mình.

        Thông thường, các tác giả tiểu thuyết  xây dựng câu chuyện với người kể chuyện  ngôi thứ ba là người “biết hết”. Cũng có khi thay đổi ngôi kể, kết hợp ngôi thứ ba với ngôi thứ nhất, kết hợp thời gian hiện tại, quá khứ hoặc xen kẽ, đồng hiện. Điều đó làm cho câu chuyện phong phú điểm nhìn, đa thanh, đa giọng điệu. Duy nhất một  nhân vật xưng tôi kể chuyện từ đầu chí cuối sẽ có điều hay, nhưng cũng có hạn chế là dễ bị một giọng, khó phát triển đối thoại. Phải có nội lực mạnh mới khắc phục đượng nhược điểm  đó. Phần cuối bài chúng tôi  sẽ nói kĩ hơn về vấn đề này.

            Tiểu thuyết TRĂNG LÊN gồm 17 chương. Mỗi chương có một nhan đề. Nhan đề từng chương đều khơi gợi tò mò của người đọc : Trốn chạy;  Vụ bắt cóc hi hữu;  Đặng Vũ, Những kỉ niệm đầu tiên với người phụ nữ miền Tây Phú Vân và bài học nhớ đời; Cánh diều vàng, những con người huyền thoại và mùa xuân trở về; Những kỉ niệm đầy vơi của hai người anh hùng; Những người ở lại; Vụ án tử được giải cứu; Bom tấn và những chuyện kể từ năm 1963…

         Ở đây không hiếm những tình huống gay cấn, hấp dẫn. Như việc thằng Sang có ý định cưỡng hiếp bà Loan bị rơi xuống giếng cạnh miếu cô Xoan.Việc lão Sáng bị bắt cóc bởi hai ông già có võ. Việc lão Sáng hứa tặng thóc cho gia đình ông Hai, nhưng không thành vì lí do ngoài ý muốn, khiến lão phải đích thân lặn lội đi cùng những người làm công của lão để thực hiện công việc này.  Việc Tùng suýt chết bởi tay đồn trưởng chỉ vì sự  nôn nóng muốn cứu người yêu, nếu ông Hai không xuất hiện kịp thời. Việc lão Sáng cùng cô con dâu giấu vàng  ngoài  bãi sông và câu chuyện lão Sáng đã bị trói vào cột để chuẩn bị hành hình thì có lệnh tha do chủ trương sửa sai đã về đến huyện.

        Điều quan trọng nhất  trọng vụ lão Sáng là tác giả đã xây dựng được một bối cảnh đầy tính tâm linh, chỉ có tâm linh, cụ thể là trời đất thần thánh mới đủ siêu lực để cứu lão Sáng thoát khỏi cái án tử mười mươi ấy.  

          Trong buổi lễ truy điệu người anh hùng, những bạn đọc nhạy cảm không thể không nghẹn ngào, rơi lệ vì cảm động.

        Thế Đức cũng đã xây dựng thành công  chân dung của những con người hiền lành, gan góc, mưu trí, và sự hi sinh cao cả suốt đời để giải phóng quê hương. Tiêu biểu là ông Hai, bà Hai được gọi là “ông nội” và “bà nội”. Ông nội, bà nội chỉ có một người con trai độc nhất đi theo kháng chiến. Hòa bình, người con trai đó lại được tổ chức phân công vào Nam hoạt động tình báo với cái vỏ bọc là dân di cư theo tinh thần hiệp định Gieneve.Việc tổng tuyển cử sau hai năm thống nhất đất nước không thành. Các thế lực đối kháng với gia đình ông Hai đã lợi dụng tung tin người con trai của ông bà đã đi theo phe chống Cộng ở miền Nam làm cho cả gia đình từ có công với kháng chiến trở thành đối tượng cần theo dõi, bị kì thị trong xã hội. Cả gia đình ông Hai  bị chèn ép phải sống trong một hoàn cảnh cùng cực chẳng khác nào địa ngục ở trần gian. Chỉ đến khi người con hi sinh, được tổ chức lễ truy điệu ở xã thì  thành kiến mới được giải tỏa.

          Nhân vật Loan, con dâu của ông bà Hai cũng là một hình ảnh được tác giả xây dựng để lại nhiều ấn tượng. Bà Loan đã trung thực từ chối báo cáo thành tích giết tên Sang. Đó là một  sự cố  ngoài ý muốn của chủ tịch Đặng Vũ. Sau đó, bà được bồi dưỡng, trở thành nhân tố tích cực. Nhưng cả đời làm vợ thì chồng đi biền biệt khi đứa con đầu còn nhỏ. Hòa bình, chỉ gặp chồng ít bữa rồi chồng lại biệt tích. Một mình nuôi hai con dại, tham gia công tác phụ nữ. Rồi khi bị tung tin chồng “phản bội”, người phụ nữ đó đã chọn con đường từ chức, quay về chăm sóc bố mẹ chồng.

Những đồng chí, đồng đội của bà Loan như Đặng Vũ, bà Hoa, Quyết, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều là những nhân tố tích cực, hết lòng vì cuộc kháng chiến chống Pháp, hết lòng vì cuộc Cải cách ruộng đất và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh...

Có thể nói việc đấu tố ở nông thôn, mớm cung, ép cung trong Cải cách ruộng đất đã được phản ánh khá ấn tượng. Điều đặc biệt là những nhân vật như Phó chủ tịch Sâm, Mẫn là những nhân vật cứng nhắc, giáo điều. Họ không chỉ thâm thù với thành phần địa chủ, mà thù hằn cả với những ai không cùng quan điểm dù cùng là đồng chí với nhau. Họ  dùng thủ đoạn, mưu mô lấn át những người  chính trực để củng cố quyền lực.

          Về  nghệ thuật tiểu thuyết, có thể thấy người viết vẫn trung thành với kết  cấu và cách kể, tả của tiểu thuyết truyền thống. Không có những yếu tố siêu thực hay hậu hiện đại. Yếu tố tâm linh  được tác giả chú trọng khai thác dù  không phải là một thủ pháp hay cao hơn là bút pháp nghệ thuật nhưng  có dấu ấn khá đậm. Đó là câu chuyện xung quanh cái chết đột ngột của Sang ở giếng cạnh miếu cô Xoan. Đó là trận mưa đá bất thường khiến đội hành quyết lão Sáng phải bỏ pháp trường trú mưa. Đó là việc khấn vái ở miếu cô Xoan  và giấc mơ của bà Loan. Việc cả ba người đều mơ thấy  con trai và chồng trong bộ quần áo đẫm máu về cái chết của Thắng,… Cả hình ảnh tưởng tượng người bố bước ra từ di ảnh, nhưng mặc quân phục  với quân hàm thiếu tướng, động viên con  gái, con trai và cúi  lạy bố mẹ ba lần rồi vụt biến mất cũng là chi tiết có yếu tố tâm linh.

Trong giấc mơ của bà Loan sau khi khấn cô Xoan về ba đời gặp hoạn nạn : ông Hai bị mất cơ nghiệp, bà Loan bỏ việc, chị Gái bị làm khó dễ không được đi ngước ngoài. Nhưng phải đợi trăng lên mới giải tỏa. Trăng là  âm, đối lập với dương. Phải chăng đó là lí do mà  ông Hai suy nghĩ và ngã ngất trên tràng kỉ? Phải chăng vì thế  tiểu thuyết có tên “Trăng lên”, ngụ ý là chỉ khi sang thế giới bên kia, ông Hai, bà Hai và người con trai mới có thể đoàn tụ?  Và khi đó thì cả gia đình họ mới được giải tỏa khỏi một cuộc sống vô cùng đau thương và hết sức đen tối, bức bí? Chú bé Nguyễn Hòa Bình đã  được chị Gái kéo tay và nói : “Trăng đã lên rồi! Cha đấy… em ạ!”.  Như vậy, dẫu sao thì hình ảnh “trăng lên”  cũng là hình ảnh vừa có yếu tố tâm linh vừa có yếu tố  tượng trưng!

           Bên trên đã nói đến nhân vật người kể trong tiểu thuyết “Trăng lên” là chú bé Nguyễn Hòa Bình xưng tôi. Thường thì người xưng tôi là người trực tiếp chứng kiến những sự việc, cho nên câu chuyện có tính thuyết phục cao. Nhưng nhân vật “tôi” mãi đến quá nửa  nội dung tiểu thuyết mới được hoài thai. Và  năm 1955 mới được sinh ra. Đó là điều “lạ” trong tiểu thuyết này, khác tất cả những nhân vật  xưng tôi ở ngôi thứ nhất. Và chính điều đó cũng làm cho bạn đọc tò mò xem “tôi” là ai? Nam hay nữ?  Vì sao mà  “tôi” nắm được các biến cố, các sự kiện của cả một  bối cảnh cảnh lịch sử của địa phương trong một thời gian khá dài trong khi chưa được sinh ra?

       Có thể nói là tác giả đã khắc phục được tính chất đơn thanh của người kể xưng tôi. Kết hợp linh hoạt giữa ngôi kể xưng tôi với ngôi kể thứ ba không xuất hiện. Và  nhiều đoạn đối thoại, miêu tả xen kẽ linh hoạt  đã làm cho câu chuyện trở nên biến hóa, mềm mại, lôi cuốn.

       Một vấn đề khác là tiểu thuyết này viết về thời kì kháng chiến chống Pháp. Nhân vật tôi được sinh ra vào năm hòa bình đầu tiên, 1955. Còn nhà văn Thế Đức của chúng ta thì cũng sinh năm 1955. Có nghĩa là nhà văn cùng tuổi với người kể chuyện.Tác giả viết về một thời kì mà chỉ được đọc, được nghe kể lại, chứ hoàn toàn không hề được chứng kiến. Tuy vậy, quá khứ  về cuộc kháng chiến chống Pháp và Cải cách ruộng đất  đã được phục dựng khá sinh động và ấn tượng. Điều này khẳng định một  điều có tính nguyên tắc là những người trẻ tuổi, tuy có trở ngại là không trực tiếp tham gia sự kiện, nhưng lại có độ lùi thời gian cần thiết. Bằng kinh nghiệm và năng lực, hoàn toàn có thể viết về  chiến tranh và quá khứ thành công. Nhà văn Khuất Quang Thụy  đánh giá  về văn học chiến tranh : “Văn học chiến tranh sau chiến tranh nó thường là có độ lùi, do có độ lùi nên cách nhìn về chiến tranh trầm tĩnh lại hơn, người ta nhìn thấy không chỉ là cái tốt đẹp, oai hùng của chiến tranh mà còn nhìn thấy cả cái bi, cái xấu của chiến tranh, người ta cũng mới nhìn thấy sự phân hóa của con người trong chiến tranh”. (Trả lời phỏng vấn phóng viên Cẩm Thúy 22/12/2019). Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Khuất Quang Thụy nổi tiếng “Góc tăm tôi cuối cùng” ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) và cuốn “Trăng lên” của Thế Đức  viết về  những người trong cuộc kháng chiến chống Pháp như  là một minh chứng sống động.

          Cũng cần nói thêm về tiểu thuyết này. Nhân vật xưng “tôi” và tác giả cùng sinh một năm. ( Đó là chúng tôi căn cứ vào tài liệu bên ngoài tác phẩm). Mặc dù thế, “tôi” và tác giả hoàn toàn không phải là một.  Cho  dù  trong thực tế,  có  nhà văn viết  tiểu thuyết có nhiều yếu tố “tự truyện”.  Dẫu rằng nhà văn xưng tôi hay  không xưng tôi, nhưng dễ dàng nhận thấy đó là cuộc đời của chính người viết và những người thân. Chẳng hạn như hai tiểu thuyết gần đây của Nguyễn Mạnh Thắng  (Trăn trở một đời – Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018) và  cúa Nguyễn Việt Chiến (Mùa khát, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018). Với nhà văn Thế Đức, dù xưng tôi trong ngôi kể,  song  các nhân vật  ông, bà, bố mẹ, cả chị  nữa đều là nhân vật hư cấu. Nhà văn muốn qua sự hi sinh cho kháng chiến và cách mạng của một gia đình nhiều thế hệ để khẳng định và ca ngợi sự hi sinh lớn lao của nhân dân cho độc lập tự do của dân tộc.

          Suy nghĩ về nghề văn, Thế Đức viết: “Nhà văn giống như người làm vườn, phải tận tụy, một nắng hai sương, và luôn sáng tạo đổi mới trong lao động sản xuất thì mới hy vọng có được những mùa hoa thơm trái ngọt để dâng hiến cho đời!” (Nhà Văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ 5, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020, tr. 1221). Bạn đọc có thể kiếm chứng điều này qua các tác phẩm của nhà văn.

         Có thể nói, tuy lần đầu làm quen với tiểu thuyết, nhưng do vốn sống và bút lực mạnh mẽ nên Thế Đức đã thành công. Đó là thành quả của sự lao động miệt mài, tận tụy, không ngừng nghỉ của tác giả.

                                   Hà Nội, 23 tháng 9 năm 2021

20220410_072437

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét