Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

MẸ TRÊN CAO

 

LÊ THÀNH NGHỊ

 

MẸ TRÊN CAO

(Đã đăng Tuần san Hạnh phúc gia đình năm 2018) Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây (Trịnh Công Sơn)

 

Sớm muộn rồi ai cũng sẽ trở về với mẹ

Cho dù mẹ ta ra đi khi còn rất trẻ

Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ

Làm tàn nhạt bao nhiêu mùa hoa trong vườn!

 

Người vẫn đứng chờ ta ở cuối con đường

Khóc thầm lúc ta vấp ngã

Người thường đêm ngồi yên lặng bên giường

Mỗi lần đau, đêm dài ta chẳng ngủ

Trong hiếm hoi niềm vui, thường nhật nỗi buồn

Ta gọi mẹ

Và vượt dốc dễ dàng hơn!

 

Sớm muộn rồi con cũng về với mẹ

“Hoàng tử bé con” của mẹ ngày nào!

Thôi kệ những thành bại, sang hèn, buồn vui, sướng khổ

Ta sẽ bay như mẹ giữa mây cao!


LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

MẸ ĐI XA NHƯNG TÌNH THƯƠNG MÃI CÒN Ở LẠI

 

Ai trong chúng ta cũng được sinh ra từ những người mẹ. Mẹ là suối nguồn yêu thương, nhẫn nại và hy sinh vì những đứa con và cả gia đình. Trong thơ hiện đại Việt Nam, cảm hứng về mẹ thật phong phú, đa dạng. Trong số đó, tôi rất thích bài thơ “Mẹ trên cao” của Lê Thành Nghị, in trong tập Mùa không gió, NXB Hội Nhà văn năm 2002. Bài thơ là những cảm xúc buồn nhớ, thương yêu mẹ sâu lắng, những suy ngẫm về cuộc đời và tình mẹ - nguồn động lực tiếp thêm cho tác giả sức mạnh vượt qua bao thử thách trong cuộc đời để rồi cuối cùng “con cũng về với mẹ”.

Nhan đề bài thơ “Mẹ trên cao” gợi cho người đọc cảm nhận mẹ đã về với thế giới bên kia. Ở đây, tác giả lấy hai câu thơ của Trịnh Công Sơn “Người ngỡ đã đi xa / nhưng người vẫn quanh đây” trong nhạc phẩm “Tình nhớ” làm đề từ cho thi phẩm của mình.

Đề từ là những câu văn - thơ nằm ngoài văn bản, tác giả định hướng cho người đọc vào những thông điệp mà mình muốn gửi gắm. Câu đề từ này quyết không phải ngẫu nhiên. Rõ ràng hai tác giả đã có  sự gặp gỡ, đồng điệu về tâm hồn. Có điều, điệu  cảm xúc Trịnh nhạc sỹ hướng tới là tình nhớ, còn Lê thi sĩ lại hướng tới tình mẹ. Mở đầu bài thơ là một nhận xét mang tính chất quy luật “Sớm muộn rồi ai cũng sẽ trở về với mẹ”. Câu thơ giản dị nhưng đậm chất triết lý nói lên tính quy luật sinh - tử ở đời. Có điều không may là mẹ của tác giả ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ (năm 1969, khi mẹ mới 45 tuổi), để lại biết bao tiếc thương, nhung nhớ cho người thân, nhất là với người con trai đang độ tuổi thanh niên lại rất đa cảm. Mẹ đi thật rồi…mất mát quả là quá lớn, nỗi lòng con trống vắng vô cùng vì: “Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ / Làm tàn nhạt bao nhiêu mùa hoa trong vườn!”. Những hình ảnh ẩn dụ và tương phản ở hai câu thơ cùng với cách diễn đạt ngôn từ mới lạ, lối đảo từ sáng tạo “mùa tóc xanh”, “biếc cỏ” “tàn nhạt” đã khắc sâu nỗi nhớ thương, sự hẫng hụt trong lòng người con. Ở đây, thiên nhiên như được “lọc qua nhiều cung bậc của tâm hồn” chủ thể trữ tình nên cảnh ấy nhuốm đầy tâm trạng. Nỗi niềm thương nhớ mẹ không lúc nào phai, xa mẹ thực rồi nhưng người con vẫn có cảm tưởng dường như mẹ vẫn quanh mình  đâu đây: “Người vẫn đứng chờ ta ở cuối con đường/ Khóc thầm lúc ta vấp ngã”. Sống ở đời vốn đã khó khăn, thiếu vắng mẹ càng khó khăn gấp bội, sự vấp ngã là điều không tránh khỏi. Nhưng người con không hoàn toàn cô đơn bởi có mẹ luôn chờ đợi, sẻ chia, an ủi, nhất là những khi người con mệt mỏi hay  yếu đau: “Người thường đêm ngồi yên lặng bên giường / Mỗi lần đau, đêm dài ta chẳng ngủ / Trong hiếm hoi niềm vui, thường nhật nỗi buồn / Ta gọi mẹ / Và vượt dốc dễ dàng hơn!”. Trong hành trình thiên lý cuộc đời, có không biết bao nhiêu rào cản, đèo dốc đòi hỏi mỗi người cần phải vượt qua. Nghệ thuật đảo ngữ “hiếm hoi niềm vui” và “thường nhật nỗi buồn” càng khắc sâu thêm điều đó. Kinh nhà Phật cũng nói “đời là bề khổ” mà. Mỗi lần như vậy, người con chúng ta thường cất lên tiếng gọi mẹ thân thương. Tác giả Nguyễn Anh Trí trong tập “Sống mãi với thu vàng” (NXB Hội nhà văn 2014) cũng đã từng viết bài “Tiếng gọi: Mẹ ơi!”. Trong bài có đoạn: “ Đó là tiếng gọi đầu đời…Đó là tiếng kêu mỗi khi ta đau / Không ai cần hơn, mong hơn là mẹ/ Mẹ chở che ta khi còn tấm bé / Và mãi cùng ta trong suốt cuộc đời”. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng nói “Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Tình mẹ thật kỳ diệu nên khi cất lên tiếng gọi mẹ thiêng liêng ấy, người con như được tiếp thêm nghị lực và có thêm  sức mạnh để “vượt dốc dễ dàng hơn”, bước qua được những thách thức, khó khăn. Hai câu đầu  ở  khổ  cuối, tác giả đưa người đọc trở lại ý thơ đã khai mở   ở  phần  đầu:  “Sớm  muộn  rồi  con  cũng  về  với /“Hoàng tử bé con” của mẹ ngày nào!”. Lời thơ, giọng điệu và cảm xúc ở đây thật trìu mến, tràn đầy tình yêu thương qua những từ ngữ thuở ấu thơ mẹ thường quí yêu mà gọi con một các cưng nựng, yêu chiều. Đứa con là tài sản vô giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho người mẹ. Vậy nên nếu người mẹ có gọi con là “hoàng tử bé con” cũng là dễ hiểu. Bài thơ khép lại bằng lời thơ kết không còn vương một  chút nỗi buồn: “Thôi kệ những thành bại, sang hèn, buồn vui, sướng khổ / Ta sẽ bay như mẹ giữa mây cao!”. Đại từ nhân xưng - chủ thể trữ tình trong các khổ thơ có sự thay đổi: ta (trong toàn bài điệp 6 lần) xuất hiện ở hai khổ đầu, sang con ở đầu khổ cuối và kết thúc lại là ta để chỉ chung mọi người là rất hợp lý. Mấy câu thơ kết này đã nói lên quan điểm sống của một người từng trải, thấu hiểu lẽ đời: Bằng  lòng với cuộc sống hiện tại, biết dừng, biết đủ, buông xả những danh lợi, tiền tài hay buồn vui để sống an nhiên, tự tại trong cuộc đời. Đó chính là hạnh phúc

“Thơ là thế giới kỳ diệu của tâm hồn, hết sức bí ẩn và vô cùng phong phú”. Bài thơ tuy khép lại nhưng vang ngân trong người đọc là tình thương nhớ và niềm tri ân sâu nặng của người làm thơ với đấng sinh thành.

sinh__hoat___thang_ba_chuan_5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét