MIỀN MÊNH MANG
MÂY TRẮNG.
Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lũng thững đi
(Trần Huyền Trân)
TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI
Bước lên tuổi chẵn một trăm, cụ giáo Thiềng chỉ còn một nhúm da bọc một nhúm xương. Muốn hỏi gì phải quát to như gọi loa: Năm nay cụ được mấy mươi rồi? Cụ giáo nghiêng đầu, một bàn tay mỏng đét trơ mấy ngón khô đét khum khum che một bên tai, phều phào: Tôi chả còn hơi sức đếm tuổi nữa rồi. Ông Giời để lọt sổ tôi rồi. |
Hai hôm trước, ba hồi trống báo tang cụ giáo nửa đêm vang lên từ ba gian nhà cổ núp dưới tán cây mít cũng già nua gần bằng người vừa bay về thiên cổ. Cha tôi từ thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay về làng Điềm kịp ngày đưa thày giáo ra đồng.
Cụ giáo Thiềng đã sống trọn một đời người kéo dài một trăm lẻ ba năm sướng khổ. Năm thế hệ con cháu cụ, người ở trong nước, người định cư nước ngoài tức tốc về quê chả thiếu một ai. Họ đứng chật nửa sân, áo trở, khăn tang xấp xới như đàn cò trắng. Lố nhố trong đám ấy điểm xuyết những tấm khăn đỏ khăn vàng trên đầu mấy đứa chút chít. Một nửa sân toàn học trò cụ, khăn trắng quấn quanh tóc trắng. Chép vai ông lão chạm sát sát chép vai cụ già. Hơn chục hàng trên dưới thứ tự nối nhau đứng kính cẩn cúi đầu trước linh sàng lờ mờ tấm hình cụ giáo phảng phất nét cười sau nghi ngút khói xanh. Vẫn còn sót lại một ít đồng môn râu dài trắng phớ. Họ là thế hệ học trò đầu tiên của cụ. Lứa cha và chú tôi nhập học sau họ vài chục năm. Còn vài ba chục lứa nữa sau lứa cha tôi. Một sân đồng môn gom đủ thành phần ưu tú làng Điềm thu nhỏ lại. Điểm qua tên tuổi họ, ta bắt gặp một phần lịch sử đương đại một trăm năm sóng gió làng Điềm. Nhiều tên tuổi đã ra đi trước thày. Nhiều tên tuổi vì bệnh tật, vì ở quá xa không về được. Những người có mặt hôm nay, mấy mươi năm trước họ là chính khách, tướng tá, binh sĩ và dân thường từng tao tác giữa dòng nổi nênh thế sự. Hôm nay ai nấy tóc râu đẫm lệ ôm nhau thương khóc người thày đã khai tâm, mở cánh cửa đầu tiên cho họ đi vào con đường học vấn, con đường làm người. Hôm nay họ lần lượt quỳ trước linh sàng, ve áo chẳng đeo lon, xướng tên không kèm chức tước, đơn giản trở về tuổi xưa, tuổi những ngón tay dây đầy mực tím. Hôm nay họ quàng vai kéo áo nhau mở lòng than thở chuyện thuở nào, nhíu mày, nắm tay hỏi han nhau chuyện hôm nay. Trên đường về, chú tôi nói với cha tôi: Gía mà ngày ấy sớm có cuộc hôi tụ này thì… Bố tôi trầm ngâm nét mặt, im lặng bước đều đều.
Đêm ấy con đại bàng hình ảnh làng Điềm trong tâm thức cụ giáo Thiềng vỗ đôi cánh lúa mênh mông xanh biếc bay lên cao tít. Tới lưng chừng trời, nó vẫy mạnh túm lông đuôi làm ngôi nhà ngói u buồn của gia tộc cụ chánh Thy vỡ ra từng mảnh rơi ùm ùm xuống mặt sông Nguồn. Mỗi tảng tường vôi, mái ngói chìm sâu xuống nước, những cơn sóng cả lại vọt lên cao, đổ vào thân đê phủ dầy cỏ non màu ngọc bích. Tôi ngơ ngẩn chạy theo, bị sóng cuốn chới với giữa dòng, kinh hãi hét to cầu cứu. Choàng tỉnh dậy, bàn tay cha tôi vỗ nhẹ lưng tôi. Lúc ấy khoảng nửa đêm. Nghe xa xăm nẻo sông Nguồn vọng về từng hồi ba tiếng trống. Giường bên, chú tôi nói với sang: Nghe nói lão Vận bỏ ăn đã mấy ngày. Không lẽ lại báo tang lão ấy. Làng mình lạ lắm. Cứ chết từng đôi một.
Giấc mơ tôi linh ứng. Đêm qua lão Vận đã đi vào mây trắng. Cha con, chú cháu tôi đến viếng tang đúng lúc ông Vận vừa được tẩm liệm xong. Nắp áo quan sơn son thiếp vàng vừa đậy lại. Tôi nghe từng nhát búa đóng đinh khô khấc vang lên trong căn buồng từ lâu lắm đã thiếu vắng hơi ấm đàn bà. Chú tôi rỉ tai cha tôi: Lão Vận tẩm ngẩm vậy mà lo cho mình cỗ hậu sự đẹp long lanh từ bao giờ không biết. Nếu không có những người bạn cựu chiến binh của tang chủ giúp một tay lo liệu, thì đám này lạnh lẽo, vắng tanh. Nhìn quanh, tôi chỉ thấy một mình anh chở đò ngang mặc áo xô, đội mũ mấn bưng mặt đứng cạnh quan tài. Từ một gia đình bé nhỏ, một mẹ một con thơ, một con thuyền chài tí xíu bị bão đẩy lên bờ, trụ lại chỗ này, hứng chịu cô đơn, khổ ải, rồi ly tán tang thương. Ngót trăm năm qua đi, tới giờ phút này, chỗ này chỉ còn lại duy nhất một sinh linh không vợ, không con, với ngôi nhà cổ rêu xanh bò lên từng viên ngói. Và gió sông Nguồn lạnh buốt thổi suốt bốn mùa. Và sóng sông Nguồn ì oạp không lúc nào ngơi.
Lo xong cho cha mồ yên mả ấm, anh lái đò ngang cắm sào treo bảng thông báo nghỉ phục vụ bẩy ngày. Đúng hẹn anh trở về cùng một đội máy xúc, máy ủi đất. Sáng hôm sau dân làng chứng kiến hai cỗ máy như hai con voi phì phà hổn hển xông vào phá xập ngôi nhà ngói cụ Chánh Thi xưa đã đổ bao công lao xây dựng. Bao nhiêu gỗ lim đen nhức, cả mái ngói mũi hài nung già cong cong, cùng với tuờng vôi, mảnh sân lát gạch Bát tràng anh lái đều cho máy ủi xuống đáy sông. Di tích của cụ chánh Thi còn được mấy phút hấp hối sủi tăm những chùm bong bóng nổi lên trôi theo ngọn sóng sông Nguồn. Phá bằng địa rồi, cỗ máy đào lại tiếp tục ngoáy sâu xuống nền nhà, múc lên những gầu đất đã đắp nên cái mu gò này từ thượng cổ. Cái gò đất hình tam giác góc nhọn chĩa xuống sông ấy, cụ giáo Thiềng cứ khăng khăng tin đấy là cái phao câu con chim đại bàng. Mấy người hiếu kỳ làng Điềm đoán mò anh lái đò tìm vàng cụ chánh Thi chôn cất. Người đinh ninh anh sắp khởi công ngôi biệt thự mấy tầng. Tất cả đều bất ngờ khi được tin anh lái đò con ông Vận xấu xí lên Uỷ Ban xã trao tặng một bọc năm chục cây vàng, nói là của ông nội anh để lại. Anh giải thích: Ngày tổ tiên tôi trôi dạt đến đây chỉ có hai bàn tay trắng. Số của nả này là lộc của sông Nguồn. Của thần sông xin trả về bá tính. Mấy ngày qua, mạn phép chính quyền, tôi đã đào đến bằng địa cái phao câu con đại bàng huyền thoại từng gieo bao oan trái cho cả nhà tôi. Chả có mẩu xương ngựa trắng nào đâu, cũng chả có đâu luồng âm khí nào bốc lên ngùn ngụt. Chỉ lời đồn là có thật. Tôi rất mãn nguyện đã giải được huyền thoại ấy rồi. Xin cúi đầu bái biệt làng Điềm. Xin kính gửi lời cám ơn toàn thể dân làng đã cưu mang mấy đời nhà tôi gần một thế kỷ nay.
Từ hôm ấy, anh lái đò cô đơn âm trầm kín đáo, con lão Vận rỗ nhằng rỗ nhịt từng cam chịu một đời bất hạnh đã cùng con thuyền ra đi biệt tích. Bến đò ngang làng Điềm từ ấy vắng tanh, chỉ còn mỗi khuya lạnh lẽo, gió sông phang phảng lời ca cô lái đò goá bụa xinh đẹp nức tiếng ngày xưa: Ai làm cho dạ em buồn. Cho con bướm lượn, chuồn chuồn bay theo…
Tôi mang giỏ hương đăng theo sau cha và chú tôi đi lễ đền Trung Liệt. Đền được xây trên di tích một đoạn thành đồn các vị nghĩa dũng làng Điềm hai trăm năm trước lập nên cự giặc Tây. Đại sự không thành. Tướng quân Hoàng Giáp tử trận. Cụ Tổ họ tôi cùng mười mấy vị khoa bảng hưởng ứng hịch cần vương tuẫn tiết theo chủ soái. Tôi đoán qua hai thế kỷ rồi, ngôi đền chưa một lần trùng tu, mở rộng. Vẫn nguyên vẹn ba gian khiêm nhường. Mái ngói rêu phong, bốn góc đao đình đắp nổi bốn đuôi rồng không còn nguyên vẹn. Dưới mái hiên xây ba khuôn cửa vòm cung dẫn vào ba bộ cửa gỗ bức bàn. Bậu cửa cao ngang đầu gối, bước vào đền mọi người phải khẽ cúi lưng chậm rãi nhấc cao chân tỏ lòng tôn kính. Cỗ khám lớn sơn son thiếp vàng chiều dài vừa ngang bệ gạch giữa gian. Bên trong thờ một dãy bài vị cũng sơn son thếp vàng. Một bát hương công đồng bằng đá xanh chạm chổ cực kỳ tinh xảo đặt giữa bệ. Cụ chủ từ mặc bộ quân phục cựu chiến binh màu cỏ xậm vừa đốt nắm hương vừa giới thiệu: Cỗ bài vị quan chủ tướng Hoàng Giáp ngồi cao hơn ở giữa. Hai bên tả hữu là bài vị các vị khoa bảng trung thành thân tín theo ngài. Gian bên tả thờ ba công tử Thiên Hộ Dương khởi binh đoạt lại tỉnh lỵ Ninh Bình từ tay giặc Tây. Mưu đồ không thành. Các ngài bị chúng xử bắn ở chân núi Cánh Diều. Gian bên hữu thờ các nghĩa sĩ trận vong vị quốc. Cụ Tổ của hai ông và cháu ngồi bên tả quan tướng chủ soái. Thấy tôi lặng lẽ nhìn rất lâu hai hàng câu đối và các bài vị đang tróc lở nước sơn then, cụ chủ từ hiểu ý vỗ vai tôi nói: Đã có rất nhiều tấm lòng trọng nghĩa xin trùng tu và mở rộng ngôi đền cũng như làm mới lại các đồ tự khí ở đây, nhưng các bô lạo làng mình không thuận. Các cụ bảo trừ phi sắp đổ nát, còn thì làm lại sẽ mất hết cốt cách cổ kính và linh khí oai hùng hai trăm năm rày hội tụ nơi này.
Kính lễ xong, chúng tôi thẩn thơ dạo quanh đền. Cụ từ tự hào thuyết trình: Các đời trước tôi không rõ. Mấy chục năm nay tôi được vinh dự chăm sóc nơi đây, chưa một ngày lá cờ Thần trước đại môn này không tung bay trong gió. Là lính từng mấy năm lăn lộn chiến trường chống Mỹ, tôi hiểu bóng cờ trong lòng người dân thiêng liêng thế nào. Cụ chỉ tay ra ngã ba sông nói tiếp: Cuối mom sông bên kia, chẳng vô cớ mà tiền nhân dựng ngôi đền Đức Thánh Trần quay mặt trực chỉ ngã ba sông. Chẳng vô cớ mà người ta luôn mở toang cánh cửa gian chính giữa để pho tượng Ngài thường trực phóng đôi mắt thần sáng quắc nhìn thẳng ra cửa bể đâu. Cũng chẳng ngẫu nhiên mà các vị Văn Thân Trung Liệt làng mình ngày xưa lập đồn đắp luỹ cự giặc ở vị trí này đâu. Nghe nói bãi dứa cô hồn cạnh bến sông làng Điềm đã cho một người ngoại quốc thuê đứt mấy chục năm. Tôi lo quá. Các ông còn sức khoẻ, lại quan hệ rộng rãi tận Trung Ương, không kịp thời bày tỏ ý kiến thì nguy lắm đấy.
Trên đường về, chúng tôi dừng lại bên gò đất ngoài đê, nơi ít bữa trước tôi vào thăm ông Vận, còn ngôi nhà ngói, còn tiếng gà tao tác trong vườn, còn bức tường bao u ám rêu xanh. Bây giờ đã bình địa, phơi giữa trời vạt đất đỏ au phù sa nguyên thuỷ chưa kịp sạm màu nắng gió. Anh lái đò ngang luôn đượm vẻ u buồn bây giờ lênh đênh sông nước miền nào? Linh hồn Ông Vận biết có thảnh thơi thong dong mây trắng qua đây?
Cha tôi kể: Ngày còn công tác bên châu Âu, nghe một người bạn thông tin có ông giáo sư Việt kiều từng được trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội mời về thỉnh giảng là cháu nội của cụ bà cao tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp. Bà cụ hay nhắc đến làng Điềm và cái bến đò hiu quạnh ngã ba sông Nguồn. Biết địa chỉ, bố đã hai lần tìm gặp, nhưng ông giáo sư ấy đều đi vắng. Không biết có phải đấy là cô lái đò mẹ ông Chánh Thi không?
Đi quá vài trăm mét, chúng tôi đứng trước bãi dứa dại um tùm chỉ chừa một lối đi vào ngôi miếu cô hồn nằm ở giữa. Cả ngôi miếu bị bao phủ thâm u bởi một rừng gai dứa quấn quýt. Chỉ chừa ra một phần nóc miếu, nhô lên một phù điêu nửa mặt trăng bị ngậm trong mây cuộn. Mấy cỗ máy đào máy xúc nằm im lìm dưới chân đê. Chú tôi bảo: Chắc là dự án bị đình chỉ rồi. Phen này thằng cháu cụ trương Tho đố dám vác mặt về làng.
Tiện đường chúng tôi ghé thăm cụ trương Tho. Nhà vắng vẻ, mỗi mình cụ nằm trên giường bệnh. Mình dán xuống chiếu, cụ gắng gượng ngóc mái đầu còn bơ phờ vài túm tóc trắng. Nắm tay cha tôi, cụ dàn dụa nước mắt thều thào: Quí hoá quá, giờ phút này còn được các vị đến thăm, tôi mừng lắm. Nói ra thì xấu hổ lắm. Thằng cháu tôi ngu dại, tham lam làm xấu mặt tôi. Xin các vị và dân làng niệm tình tha thứ, để nó còn có chỗ đi về hương khói Tổ Tông. Tôi cũng mừng cấp trên biết đến rồi. Hôm qua tôi nghe ông Thân nói thế. Ông ấy bảo, vừa trên tỉnh về, chạy lại ngay nhà cụ. Sợ cụ có mệnh hệ nào thì nhắm mắt còn ấm ức. Bây giờ thì tôi thanh thản ra đi rồi các vị ạ.
Ngày giỗ tổ họ tôi năm nay đông vui nhất. Mọi lần cha tôi bận công tác ở nước ngoài không về được. Vai trò tộc trưởng giao cho chú tôi. Sáng nay chính tay cha con tôi được mở toang ba chuồng cánh cửa từ đường. Bài vị cụ thượng tổ đặt trong lòng cỗ ngai trên bệ thờ gian giữa. Các vị Cao, Tằng tổ, tỉ theo thứ bậc trên dưới thờ ở hai bên. Trước khi hành lễ, cha tôi dẫn đầu mấy chục anh em con cháu ra viếng mộ. Khu mộ họ tôi nằm giữa khu đất lọt trong vòng cung con sông Con vươn hai cánh tay ôm gọn vào lòng. Nó là con của sông Nguồn ngoài kia, dân làng vẫn gọi là sông Cái. Chính chỗ này mấy trăm năm trước cụ thượng tổ của họ tôi bổ phập nhát cuốc nhận đất khai hoang. Hôm nay cụ nằm đây hoà cùng cây cỏ thân thuộc bốn mùa. Coi gia phả, cha tôi bảo tôi là hậu duệ thứ mười tám của cụ. Ngôi mộ ông nội tôi nằm lùi xuống hàng thứ ba. Cũng chỉ xây chung quanh nấm đất thấp xum xuê cỏ mọc ba hàng gạch mộc khiêm nhường. Từ mộ cụ Tổ đến mộ các thành viên trong họ đều giản dị như vậy. Cha tôi bảo đó là di nguyện cụ Tổ dặn vậy. Hũ cốt bà nội, cha tôi đã rước về đây mấy năm rồi. Cắm ba nén hương lên mộ ông, mộ bà, tôi nghe rõ lắm tiếng bà tôi: Ông mày đang ngồi ngoài bến sông tay cầm cần câu, giật lên con cá nào cũng chê bé tẹo rồi gỡ ra thả xuống nước. Lúc cao hứng hai tay thủ dưới vạt áo kép, ngâm nga: Vọng mỹ nhân hề tây thất phương. Buồn cười thật, lão mỹ nhân bên cạnh không vọng, vọng đâu đâu.
Đêm ấy nằm bên cha tôi đang thiêm thiếp ngủ, tôi lại mơ thấy tôi ngẩn ngơ dạo bước trên mặt con đê cỏ mượt như nhung. Dòng sông Nguồn bên trái tôi ngời sáng sắc phù sa đỏ mọng. Cuồn cuộn về xa tắp từng đợt sóng đuổi nhau ca hát rạt rào. Bên phải tôi, cánh đồng làng Điềm vừa bị anh con ông Vận giải thiêng, lại sống dậy vẫy đôi cánh lúa xanh rì bay bổng lên tít mấy tầng mây trắng. Tôi trông thấy trên ấy thấp thoáng nhiều bóng người. Có bà tôi phất phới tà áo tứ thân xanh đỏ. Bà cúi xuống nói gì tôi nghe không rõ.
Gần về sáng, lại nghe âm u ba hồi trống phát tang. Chú tôi thở dài: Chắc là cụ Trương Tho mất rồi. Làng mình vẫn có dớp chết đôi. Chả biết cụ nào sẽ đi theo cụ Trương đây.
Lại thêm một linh hồn làng Điềm nhập vào miền mênh mang mây trắng.
15/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét