Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

NHỮNG CHÀNG TRAI VIỆT TRÊN CÁNH ĐỒNG CHUM

NHỮNG CHÀNG TRAI VIỆT TRÊN CÁNH ĐỒNG CHUM

                 Đọc Cánh đồng Chum mùa hoa ban tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh, Nxb Hội nhà văn, 2021

                                       Vũ Nho

bia_can_dong_chum

Nhà văn Hoàng Thế Sinh là một người viết vạm vỡ của không chỉ Yên Bái mà của cả nước. Cuối tập tiểu thuyết Cánh đồng Chum mùa hoa ban, chúng ta thấy gia tài văn chương anh sở hữu:  1 tập thơ, 2 tập bút kí, 7 tập truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết. Lại còn 2 tập tiểu thuyết sắp in. Nghĩa là phải hòm hòm bản thảo.  21 tập sách! Thật đáng nể!

          Tiểu thuyết Cánh đồng Chum  mùa hoa ban là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của nhà văn. Cuốn sách này theo tôi hiểu là cuốn tiểu thuyết khác biệt của anh so với các cuốn khác. Điều đặc  biệt ấy là gì? Có thể nhận ra từ những dòng cuối của trang 266, kết thúc phẫn Vĩ thanh:

          Không nguôi nhớ bạn, nhớ đồng đội vĩnh viễn tuổi hai mươi. Chiến trường Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào, 1771 -1972.

Và trang cuối cùng là tấm ảnh với dòng chú thích : Binh nhì Hoàng Thế Sinh Ngày vượt Trường Sơn sang Cánh Đồng Chum mùa thu 1971.

          Như thế, tiểu thuyết này được viết  bởi người trong cuộc, người trực tiếp tham gia chiến trận. Dẫu rằng có những hư cấu, những sắp xếp chương  mục, những nhấn nhá của tác giả, thì cốt lõi vẫn có thể thấy  chất tự truyện của nhân vật Hoàng với quê quán ở làng Bích Tràng,   Kim Động, Hưng Yên, quê khai hoang ở Yên Bái, những chàng trai chủ yếu ở Yên Bái chiến đấu trên đất bạn Lào năm 1971 – 1972. Có thể lấy suy nghĩ của nhân vật Hoàng khi viết bài thơ Hoa Ban để nói về việc viết tiểu thuyết này. Tiểu thuyết “được viết bằng máu của đồng đội, viết bằng  sự hi sinh vô cùng dũng cảm của tuổi trẻ, được viết từ cái chết thảm khốc, chết đến hai lần của đồng đội, được viết từ cái chết thảm khốc của một cánh rừng hoa ban trắng ngần đương giữa mùa xuân trên đất bạn Lào” (trang 150).

        Tác giả   xây dựng bố cục tiểu thuyết với 6 chương và một phần Vĩ Thanh. Sáu chương   theo thứ tự thời gian. Đường vào chiến dịch. Sau đó là các chương miêu tả các trận đánh : Lính tò te đánh trận (trận Phu Tâng), Bẫy mìn Claymor ( trận Sảm Thông). Cao điểm rỗng (trận đánh cao điểm 1978), Một mình và ác thú ( trận Tà Can), Cờ Pa - thét Lào (trận Nam Tra). Các trận đánh dữ dội, ác thiệt, các chiến sĩ bộ đội ta hi sinh, nhưng đều giành thắng lợi.

         Nhà văn đã không đơn thuần kể lại các  trận chiến diễn ra như thế nào. Ngòi bút của tác giả tập trung vào những suy nghĩ, cảm nhận của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nơi bom đạn ngút trời, nơi cái sống cái chết cận kề gang tấc. Nhân vật được khắc họa kĩ nhất là Hoàng, chiến sĩ phụ trách máy thông tin vô tuyến 2 W. Cùng với Hoàng là Bình, người lính bắn B41, là  Tương Lai, con trai nhà văn Hoàng Hạc, là Phú, chiến sĩ thông tin hữu tuyến cùng với Giền rải dây, nối dây đảm bảo thông suốt thông tin.

         Không thiếu, có thể nói là quá nhiều những tiếng nổ ùng, oàng,  bùm, ùng ùng, chíu chíu, đoành đoành,…Nhưng nhà văn không tập trung khắc họa cuộc  bắn nhau của hai phía.  Tác giả viết về những  hi sinh, tổn thất, mất mát của phía ta.  Chưa đánh trận mà  “chiến sĩ ta đã  chết nhiều thế, chết vì bom tọa độ, chết vì pháo tọa độ,  chết vì sốt rét” (tr. 42). Vào trận thì  tổn thất càng lớn hơn “Đau thế, trận đầu Phu Tâng mất Lập, Chước,  Qui cùng với mấy chục đông đội, cả Bun Kim đại trưởng sắp được phong anh hùng nữa. Trận Sảm Thông thì mất mấy chiến sĩ do dính mìn cóc. Trận Tà Can mất Thăng, Thắng cùng mấy chục đồng đội. Hoàng và Vinh bị thương, không biết sống chết thế nào? Trận 1978 mất mấy chục  chiến sĩ do bị bom và phảo” (tr. 241). Chết chóc như thế, nhưng các chiến sĩ ta vẫn vững tinh thần, mặc dù cũng sợ chết chứ không phải là không biết sợ.

  • Cậu sợ chết không?

Hoàng trả lời thật lòng:

  • Sợ chứ! […]

Hoàng hỏi lại Xuân :

  • Thế còn cậu? Có sợ chết không?

Xuân nói thật :

  • Mình đã qua một mùa chiến dịch rồi, biết mùi chiến trường rồi, biết mùi bom đạn, chết chóc, đau thương, kinh khủng lắm, cũng biết sợ chết đấy. ( trang 124). Đây là những trang viết trung thực và chân thực. Sợ chết, nhưng họ vẫn ra trận, vẫn  sẵn sàng theo lệnh chỉ huy. Bởi  lẽ họ  chiến đấu “ Vì Danh Dự  Một Con Người”.

          Bên cạnh những trang viết về cuộc chiến đấu dữ dội, ác liệt, vẫn có những trang miêu tả  các chiến sĩ hồn nhiên tổ chức sinh nhật, gặp gỡ giao lưu với các cô gái Lào, đọc thơ, kể chuyện hài. Không  thống kê hết, nhưng có rất nhiều các bài hát của Việt Nam, của Lào được các chiến sĩ hát thầm khi đợi giờ G, hát khi gặp gỡ các thiếu nữ Lào. Các bài hát , bài thơ thể hiện niềm yêu cuộc sống, yêu quê hương, mến yêu đất nước Lào với hoa chăm pa, với điệu múa lăm vông, với thiên nhiên tươi đẹp như miền tây Bắc của Việt Nam.

  Hình ảnh thiên nhiên Lào tươi đẹp, đặc biệt là rừng Ban được tác giả khắc họa kĩ lưỡng. Cùng với vẻ đẹp là sự chết chóc, đau thương  mà kẻ thù gây ra cho rừng Ban, cũng là gây ra cho đất nước Lào anh em. Không nhiều  về những người dân Lào, chiến sĩ Pa thét Lào, nhưng bạn đọc có thể cảm thông, trân trọng với người mẹ   có tên Bun May,  yêu mến các cô gái Lào, xinh tươi đáng mến như Bua Xa Ly, Bun La,…

Một điều đáng ghi nhận là nhà văn đã dùng nhiều những giấc mơ, những tưởng tượng, những giai thoại  có tính chất huyền ảo làm tăng sức hấp dẫn của tiểu thuyết. Mặt khác cũng làm cho hiện thực chiến tranh không chỉ trần trụi súng đạn, bom pháo và những mất mát, hi sinh. Đó là đoạn nói về chủa Cỏ linh thiêng của làng Bích Tràng thờ bà Hương Thảo, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đó là giấc mơ Bình gặp Người Lạ, lên lưng Voi Xám cùng đội chiến tượng đánh phỉ Vàng Pao và Mỹ ở Long Chẹng (chương 4). Đó là  câu chuyện cổ tích Sự tích cây hoa ban, vốn là cô gái út của thần núi Pu Luông có năm con gái Ba, Bốn, Bảy, Bảo, Ban. ( chương 5).  Đó là giấc mơ của Bình bắn 9 quả đạn lõm B41 gặp và đối thoại với tổng thống Hoa Kì. Trong khi Bình đàng hoàng, tự tin thì tổng thống lại ngạc nhiên, lẩm bẩm trước người chiến sĩ trẻ Việt Nam (chương 6).

            Có thể khẳng định rằng, đến cuốn tiểu thuyết thứ 8 thì  người viết đã làm chủ ngòi bút của mình, đã thành thạo các mảng miếng, đã già dặn trong bút pháp thể hiện. Có thể nói gọn lại, tác giả đã thành công khi viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào, góp phần vào chiến thắng chung của hai dân tộc.  Tư tưởng chủ đề quan trọng của cuốn sách được thể hiện tập trung qua những vần thơ mà Hoàng, nhân vật chính đã viết, và được tác giả đưa lên bìa bốn:

            Ơi chiến tranh người là con quỷ dữ!

            Người đã giết chết những người bạn của ta tràn trề nhựa sống đương hai mươi tuổi.

            Ngươi đã giết chết những ước mơ cao đẹp của bạn ta đương hai mươi tuổi.

            Người đã giết chết những cây  ban có chiếc lá hình trái tim như trái tim của bạn ta đương hai mươi tuổi.

            Ngươi đã giết chết những bông hoa ban trắng ngần như tình yêu của bạn ta đương hai mươi tuổi.

            Nhưng không phải thế đâu, hỡi con quỷ chiến tranh!

             Hi sinh vì nghĩa lớn, bạn của ta mãi trẻ trung cùng đất nước.

            Cây ban lại mọc lên, xanh biếc lá hình trái tim

            Hoa ban lại nở trắng  ngần giữa mùa Xuân bình yên.

Giải thưởng văn học sông Mê Kông trao cho tiểu thuyết Cánh đồng Chum mùa hoa ban  của Hoàng Thế Sinh là một sự vinh danh xứng đáng.

                                            Hà Nội, 11 tháng Ba năm 2022

           

           

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét