LẠI CHUYỆN “DỐT ĐẶC CÁN MAI”
Cán mai và lưỡi mai khi tháo rời nhau. Ảnh: HTC |
Báo Người Lao Động (7/10/2021) đăng bài viết “Dốt đặc cán mai” của chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công [HTC]; bản dài đăng trên Tuấn Công Thư phòng). Trong bài viết này, tác giả phản biện một số cách hiểu chưa đúng về nghĩa đen của câu thành ngữ; lý giải tại sao lại ví von “Dốt đặc cán mai”, mà không phải “đặc cán thuổng” hay “đặc cán cuốc”, “đặc cán xẻng”...
Bài “Lắt léo chữ nghĩa: Dốt đặc cán mai” (An Chi - báo Thanh Niên - 5/12/2021) đi theo một hướng khác. Sau khi dẫn cách giải thích nghĩa đen của HTC, An Chi (AC) đặt vấn đề tìm hiểu nghĩa của chữ “đặc” trong “dốt đặc”.
AC viết:
“Tại sao lại nói dốt đặc? Câu trả lời của chúng tôi là: “Sở dĩ người ta nói dốt đặc vì đặc cũng là dốt”.
Và phân tích:
“Thật vậy, đặc là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [𤙰], được Quảng vận giảng là “ngu đần” (độn dã [鈍也]). Dốt đặc thuộc về những trường hợp của các cấu trúc “đôi” mà thành tố sau, đồng nghĩa với thành tố trước, được dùng làm từ chỉ mức độ của tính chất mà thuật ngữ ngữ pháp gọi là absolute superlative. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng dịch là cực cấp tuyệt đối; ngữ pháp Trần Trọng Kim dựa theo tiếng Pháp superlatif absolu mà gọi là tuyệt đối tối cao đẳng cấp. Thí dụ trong tiếng Việt: xanh rờn, đỏ lòm, vàng khè... Vì cái ý chỉ mức độ cực cao đã có sẵn trong từ thứ hai (rờn, lòm, khè) nên ta không thể thêm các phó từ như rất, lắm, quá… vào mà nói “rất xanh rờn”, “đỏ lòm quá”, “vàng khè lắm”. Cũng vậy, ta không thể thêm các phó từ đó vào mà nói “rất dốt đặc”, “dốt đặc lắm”, “dốt đặc quá”. Chỉ có người không/chưa biết tiếng Việt mới nói như thế mà thôi.
Trường hợp của dốt đặc lại có thêm một đặc điểm tế nhị cần nêu để phân tích. Đó là hiện tượng thành tố sau dùng để chỉ mức độ (đặc) lại đồng nghĩa với thành tố trước (dốt). Nó cũng giống như các trường hợp sau đây: bé tí, nhỏ xíu, lớn đại (phương ngữ Nam bộ), giống hệt, méo xẹo… Đây không phải là những từ tổ đẳng lập mà là những từ tổ chính phụ trong đó từ sau (tí, xíu, đại, hệt, xẹo) thêm nghĩa cho từ trước (bé, nhỏ, lớn, giống, méo) để chỉ cực cấp tuyệt đối của tính chất mà các từ này diễn đạt”.[hết trích].
Cách giải thích trên đây của AC quả bất ngờ thú vị, và không dễ bác bỏ. Tiếc rằng, nó chỉ có cơ sở và khó bác bỏ trong phạm vi cách nói “dốt đặc”. Theo đây, “đặc” với nghĩa như AC đưa ra, sẽ vấp phải một loạt trở ngại. Đó là khi mở rộng ra với những cách nói như điếc đặc, quê đặc, tây đặc, giống đặc…thì “đặc” với nghĩa là “dốt” sẽ khó lòng được chấp nhận.
Vậy “đặc” trong “dốt đặc” có nghĩa là gì?
Theo một hướng tiếp cận khác, chúng tôi cho rằng, “đặc” trong “dốt đặc” có nghĩa là “hoàn toàn”. Theo đây, ngay trong bài viết “Dốt đặc cán mai” trên báo NLĐ, tuy không trực tiếp bàn đến nghĩa của chữ “đặc”, nhưng chúng tôi đã viết như sau: “Dốt đặc cán mai” là cách nói hình tượng, nhấn mạnh thêm của “dốt đặc”. “Đặc” chẳng khác nào cái cán mai làm bằng gỗ, tức không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt”.
Cái sự “không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt”, chính là thuần dốt, dốt hoàn toàn vậy.
Bởi “đặc” có nghĩa là hoàn toàn, nên còn có điếc đặc = điếc hoàn toàn (phân biệt với nghễnh ngãng, nặng tai, lảng tai - tức điếc nhưng vẫn còn nghe được một chút); mít đặc = ngu tối hoàn toàn (phân biệt với chậm hiểu, hoặc đầu óc không đến nỗi nào); quê đặc = quê hoàn toàn, quê một cục (phân biệt với có chút hiểu biết, không quá quê mùa); giống đặc = giống hoàn toàn (phân biệt với mức hơi khác chút ít).
Khi hiểu “đặc” với nghĩa là “hoàn toàn”, thì không những “đặc” có cơ sở với “dốt đặc”, mà còn bao quát được tất cả những trường hợp khác như điếc đặc, quê đặc, tây đặc, giống đặc… Trong khi, nếu có nhiều cách lý giải khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng, thì cách lý giải nào bao quát nhiều cứ liệu nhất, thỏa mãn được nhiều yêu cầu nhất, sẽ là cách có ưu thế nhất. Đó là lý do tại sao cách lý giải “đặc” có nghĩa là “dốt” của AC tuy không phải hoàn toàn không có cơ sở, nhưng vẫn trở nên “yếu thế”, khi không vượt qua được các phép thử.(1)
Không phải ngẫu nhiên mà “đặc” được rất nhiều cuốn từ điển (từ trước 1945 đến nay) giảng với nghĩa là hoàn toàn, toàn nhiên:
1-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí) giảng: “đặc: Toàn nhiên <> Quê đặc, tây đặc”.
2-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng: “đặc: Hoàn-toàn, trăm phần trăm: Dốt đặc, quê đặc”.
3-Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị) “đặc: hoàn toàn, toàn nhiên <> Dốt đặc hơn hay chữ lỏng (Tng) Nhà quê đặc. || Dốt đặc. Quê đặc. Dốt đặc cán mai…”.
4-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “đặc • Hoàn-toàn, trăm phần trăm <> quê đặc; tây đặc”.
5-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “đặc: ở mức độ hoàn toàn: điếc đặc <> giọng khản đặc <> dốt đặc”.
6-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex) “đặc: ở mức như hoàn toàn, một trăm phần trăm. tai điếc đặc ~ giọng khản đặc ~ con giống đặc bố ~ dốt đặc hơn hay chữ lỏng (tng)”…
Trở lại với chuyện “dốt đặc”.
Như đã nói ở trên, sở dĩ người ta dùng lối nói “dốt đặc”, “điếc đặc”, thay vì nói một cách chung chung rất dốt/dốt lắm, rất điếc/điếc lắm, là để phân biệt giữa cấp độ dốt/điếc hoàn toàn, dốt/điếc trăm phần trăm, với mức độ dốt/điếc nhưng vẫn biết/nghe được chút ít.
Chữ “đặc” trong “dốt đặc”, có nghĩa là hoàn toàn. Thế nên, người ta thường chua thêm cụm từ “một chữ cũng không biết”, để giải thích cho cái nghĩa “hoàn toàn” của “đặc”. Ví dụ:
-“Ông Đề điệu là người dốt đặc, một chữ không biết, không thể gà cho ai được.” (Lều chõng - Ngô Tất Tố);
-“Người thông thái biết chữ thì thường sức yếu như sên có khi gió mạnh phải ngã, mà người có luyện tập gân cốt, mạnh mẽ hơn người thì thường dốt đặc cám mai, một chữ chi chẳng biết.” (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính.)
Nghĩa hoàn toàn của “đặc” thể hiện rất rõ trong câu “Dốt đặc hơn hay chữ lỏng” = thà dốt đặc (dốt hoàn toàn) còn hơn hay [chữ] lỏng (biết một tí, biết không đến nơi đến chốn). Dù ở đây có sự chơi chữ: 1-đặc (hoàn toàn) [đối với] lỏng (không hoàn toàn), và 2-đặc (đậm đặc) [đối với] lỏng (loãng), nhưng chúng ta đều nhận thấy nghĩa hiển ngôn của “đặc” chính là nghĩa 1 (đặc = hoàn toàn).
Mẫu câu “Dốt đặc hơn hay chữ lỏng”, giống với “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Theo đây, “đặc” phải không trùng nghĩa với “dốt”, cũng như “đều” phải khác nghĩa với “xấu”, thì chúng mới có thể đăng đối, tạo cặp so sánh giữa hai cấp độ “đặc” và “lỏng”, “đều” và “lỏi”.
Vì “đặc” không có nghĩa là “dốt”, nên trong một số trường hợp, chữ đặc đồng nghĩa với đặc sệt, rặt, thuần. Ví dụ:
-Ta có thể thay “đặc” trong câu “Nói giọng đặc Quảng Nam” = “Nói giọng đặc sệt Quảng Nam”.
-Có thể thay thế “đặc” trong “Nói đặc giọng quê” = “Nói đặc sệt giọng quê”; thay “Nói giọng quê đặc” = Nói giọng quê đặc sệt”…
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) và Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) đưa ra ngữ liệu về từ “rặt”: “Nói rặt tiếng mẹ đẻ”; “Nói rặt tiếng miền Trung”. Theo đây, ta có thể thay “rặt” bằng “đặc”/“đặc sệt” = “Nói đặc/đặc sệt tiếng mẹ đẻ”; “Nói đặc/đặc sệt tiếng miền Trung”. “Rặt”, hay “đặc sệt” có nghĩa là tinh, ròng, hoàn toàn, thuần.
Phương ngữ Thanh Hóa, “điếc đặc” còn gọi là “điếc tổng nhẩy/nhĩ”. Chữ “tổng” trong “tổng nhẩy” ở đây nghĩa là tất cả; toàn bộ; điếc ở mức cả hai tai đều không nghe được tí gì, gần giống như lối nói “điếc đặc”(2).
Như vậy, dân gian đã chơi chữ: “đặc” (hoàn toàn) trong “dốt đặc” (dốt hoàn toàn) với “đặc” trong chất liệu gỗ đặc (không có tí nào rỗng) của cái cán mai. Có nghĩa cái sự dốt đặc (dốt hoàn toàn) của kẻ một chữ không biết, chẳng khác nào mức độ đặc [ruột] của cái cán mai, một lỗ hổng cũng hoàn toàn không có vậy.
Hoàng Tuấn Công - 7/2022
Tham khảo:
(1)-AC viết: “Dốt đặc thuộc về những trường hợp của các cấu trúc “đôi” mà thành tố sau, đồng nghĩa với thành tố trước, được dùng làm từ chỉ mức độ của tính chất mà thuật ngữ ngữ pháp gọi là absolute superlative. […] Thí dụ trong tiếng Việt: xanh rờn, đỏ lòm, vàng khè... Vì cái ý chỉ mức độ cực cao đã có sẵn trong từ thứ hai (rờn, lòm, khè) nên ta không thể thêm các phó từ như rất, lắm, quá… vào mà nói “rất xanh rờn”, “đỏ lòm quá”, “vàng khè lắm”. Cũng vậy, ta không thể thêm các phó từ đó vào mà nói “rất dốt đặc”, “dốt đặc lắm”, “dốt đặc quá” […].
Nhận xét trên đây của AC đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Bởi thực ra ngay cả với những trường hợp mà thành tố sau "không đồng nghĩa với thành tố trước", như “điếc đặc”, “giống đặc”, “quê đặc”…thì ta cũng “không thể thêm các phó từ như rất, lắm, quá… vào”, thành “rất điếc đặc”, hay “điếc đặc lắm”, “giống đặc lắm”…được. Bởi bản thân nghĩa “hoàn toàn”, “trăm phần trăm” của “đặc” trong “điếc đặc”, “quê đặc”… cũng đã “có sẵn” sự biểu thị “mức độ cực cao” rồi.
Chúng ta cũng thấy rằng, với những trường hợp cấu trúc “đôi”, “thành tố sau, đồng nghĩa với thành tố trước”, như “xanh rờn, đỏ lòm, vàng khè”; hay “bé tí, nhỏ xíu, lớn đại […], giống hệt, méo xẹo…” mà AC đã nêu, thì ta không thể hoán đổi vị trí của hai thành tố, thành “rờn xanh”, “lòm đỏ”, “khè vàng”; hay “tí bé”, “xíu nhỏ”,…được. Trong khi xét những trường hợp mà thành tố sau không đồng nghĩa với thành tố trước, như “dốt đặc”, “điếc đặc”, “quê đặc”, “Tây đặc”, thì chúng ta lại hoàn toàn có thể đảo vị trí của chúng thành “đặc dốt”, “đặc điếc”, “đặc quê”, “đặc Tây”…
Điều này cho thấy, “điếc đặc” không có chung đặc điểm của loại cấu trúc đôi, “thành tố sau, đồng nghĩa với thành tố trước”, như “xanh rờn, đỏ lòm, vàng khè”…mà AC đã nêu ra làm ví dụ.
(2) Điều thú vị là Hán ngữ cũng dùng “hoàn toàn” để nhấn mạnh, biểu thị cấp độ của sự dốt, điếc… Ví dụ:
-Tiếng Việt: dốt đặc, mít đặc, một chữ cũng không biết = Tiếng Hán có thành ngữ “Toàn nhiên bất thức nhất tự 全然不識一字 - hoàn toàn không biết một chữ” (dị bản “Bất thức nhất đinh 不識一丁 = Một chữ đinh cũng không biết); “Toàn nhiên vô tri 全然無知 - hoàn toàn không biết gì”.
-Tiếng Việt: điếc đặc = Tiếng Hán: toàn lung 全聾 - totally deaf => điếc hoàn toàn (toàn 全 = hoàn toàn; lung 聾 = điếc).
Baidu giảng về thuật ngữ toàn lung - điếc đặc như sau: “toàn lung [totally deaf]: chỉ cấp độ thính lực bị tổn thất rất nghiêm trọng, Trung Quốc đại lục tục gọi là “thật lung” (thật 實 = tắc, lấp; tức lỗ tai bị tắc, lấp kín - một cách nói hài hước của dân gian – HTC); Thính lực của hai tai bị tổn thất tới 90dB (tiêu chuẩn ISO) trở lên, hoặc hoàn toàn mất cảm giác âm thanh, và ngay cả khi đeo máy trợ thính cũng không thể nghe được”. [nguyên văn: 全聾 totally deaf 聽力損失最嚴重的一級. 中國大陸的一些地區俗稱“實聾”. 指兩耳的聽力損失在90dB (依ISO的標準) 以上, 或者完全失去音感, 即使戴上助聽器也不能較好地理解語音 - (baike.baidu.hk)].
BÌNH LUẬN
Bài viết liên quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét