Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

NGỦ RƯNG

 


NGỦ RỪNG

                   ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

Sáng còn ở Phong Vân

Trưa đã đến làng Cá

Chiều vượt sông Tà Cang

Tối ngủ rừng Xa Lý…

 

Trăng tròn ơi sáng thế!

Trời lại càng mông mênh

Con hươu tác bâng khuâng

Gọi ai hoài trong núi

 

Bồi hồi nghe tiếng suối

Nhớ mẹ hát à ơi

Nhấp nháy sao xa vời

Tưởng xóm thôn đỏ lửa

 

Đống củi còn cháy dở

Đã tí tách sương rơi

Chăn mỏng đắp chung đôi

Ấm cả tình đồng đội

 

Giấc mơ vừa đến vội

Gà rừng đã gáy ran

Ánh ban mai chưa lên

Lính đã ùa xuống suối

 

Chao!

Nguồn nước giưa rừng

Rủa mặt sao mà khoái!

 

Lời bình của Vũ Nho

Ngủ rừng được viết khi Đặng Vương Hưng hăm một, hăm hai. Bài thơ này hay vì nó đầy sức trẻ, hay ở sự tươi trẻ. Sáng, trưa, chiều tối, mỗi thời điểm một địa danh, đi bộ hay hành quân bằng ô tô thì cũng suốt ngày trên đường. Thế nhưng họ rất trẻ, rất khỏe nên tới nơi mới không lăn ra mà ngủ say như chết. Hãy xem các chàng lính trẻ măng tơ làm gì. Ngắm trăng, nghe hươu tác, nhớ mẹ hát à ơi ( Có lẽ nhiều chàng chưa kịp có người yêu nên chẳng thấy kể vào đây, hay là cong đang ngường ngượng?). Họ cứ thao thức như thế, mới chợp ngủ thì trời đã sáng:

          Giấc mơ vừa đến vội

          Gà rừng đã gáy ran

Lại tiếp tục hành quân nên các anh dậy sớm lắm:

          Ánh ban mai chưa lên

          Lính đã ùa xuống suối

          Chao!

          Nguồn nước giữa rừng

          Rửa mặt sao mà khoái!

Có một chút gì trẻ con và hồn nhiên trong hành động “ùa”, trong tiếng tấm tắc : Chao! Khoái! Vâng! Rất trẻ trung và thật khỏe khoắn.

          Đấy là cuộc hành quân lên giữ chốt miền biên cương phía Bắc. Họ ra đi hồn nhiên như thế, trẻ trung như thế, khỏe khoắn như thế nên phên dậu phía Bắc mới vững bền trong ác liệt mùa Xuân năm 1979.

          In trong TUYỂN TẬP VĂN HỌC DÂN TỘC & MIỀN NÚI, TẬP 3, NXB GIÁO DỤC, 1999.

 

 tay-bac7

 

 

Phản hồi

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét