Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

MƯA BÓNG MÂY

MƯA BÓNG MÂY Sửa

nhagiatrantrung

MƯA BÓNG MÂY*

                            Trần Ninh Hồ.

 

Lâu lắm rồi tôi quên nghe mưa rơi

Không nghe mưa, có chi mà khắc khoải

Ôi những vật vã mưa,thì thầm mưa, mưa mãi

Mà lạ lùng sao tôi quên nghe?

 

Rồi cho đến một ngày tôi chợt thấy

Hình như mưa. Có lẽ.Hình như mưa

Sau sững sờ,tôi ngó qua cửa sổ

Chỉ làn mây lơ đãng giữa trời mưa

 

Và lơ đãng gieo long lanh vào nắng

Như ai qua gieo nỗi nhớ vơi đầy

Không ào ạt,không trắng trời trắng đất

Ai bao ngày như mưa bóng mây?

 

 

*Bài thơ trích trong tập Trần Ninh Hồ 36 bài thơ-

NXB Lao động-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

 

LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG

 

THOÁNG DỊU MÀ ÁM ẢNH-MƯA BÓNG MÂY

                                        

  Với ba khổ thơ thoáng đãng, tự do, Trần Ninh Hồ nhẹ nhàng mà dư ba gửi vào thi phẩm “Mưa bóng mây” của anh chút tâm tình thật nhẹ mà không hề kém phần sâu xa...

  Từ khá lâu, trong thơ Hiện đại-Đương đại Việt, hình ảnh mưa bóng mây đã được nhiều nhà thơ gửi gắm tâm sự về đời, về Người, về Nhân tình thế thái. Trần Ninh Hồ cũng nằm trong quĩ đạo tâm tình ấy. Hai câu thơ của khổ thơ thứ ba (khổ kêt), thi sĩ họ Trần đã thưc sự “đọc vị” ra dấu hiệu thật đặc trưng-bản chất của thứ mưa đất trời ban tặng cho con người: “Không ào ạt, không trắng trời trắng đất/ Ai bao ngày như mưa bóng mây”. Và, thế là, mưa bóng mây, thì nhẹ, thì dịu mà vấn vương găm vào Nỗi-Nhớ-Mưa, thật “ lạ lùng”, cũng thật ám ảnh Tình-Người :

                         “Lâu lắm rồi tôi quên nghe mưa rơi

                           Không nghe mưa có chi mà khắc khoải

                                 Ôi những vật vã mưa, thì thầm mưa, mưa mãi

                                  Mà lạ lùng sao tôi quên nghe?”

  Khổ thơ đầu này của Trần Ninh Hồ, một mặt vừa hướng tới ngoại giới (mưa rơi), lại cũng vừa tự nhủ lòng,tự trách mình trước thực tế của trời mưa “Ôi những vật vã mưa, thì thầm mưa, mưa mãi”-đây là câu thơ tự vấn dài nhất trong “Mưa bóng mây” ( mười âm tiết). Tiếng lòng-Thi nhân, qua tiếng “tôi” trong một khổ mà điệp tới hai lần-Chân thành mà xúc động quá đỗi! Nhà thơ cũng không ngần ngại mà đưa ra nỗi lòng mình với mưa-theo thời gian : “Lâu lắm rồi tôi quên nghe mưa rơi”. Quả là, nói “quên nghe mưa rơi”, để rồi lại khẳng định,  dứt khoát “Mà lạ lùng sao tôi quên nghe?”-Câu cật vấn mang tính khẳng định (câu hỏi tu từ!).

  Sau những ngôn từ giãi bày lòng mình từ cơn mưa nhẹ nhàng nhiều cung bậc, khổ thơ tiếp (thứ hai), Trần Ninh Hồ đi vào cảm nhận, khám phá cơn mưa bóng mây của lòng mình, dẫu cho nhận biết ấy như một thoáng bất chợt  mơ hồ, ám ảnh . Có lẽ, nhiều khi trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và trong sáng tạo thơ ca nói riêng, những cảm giác mơ hồ, hình như, chạm nhẹ... lại tạo nên những chấn động lòng người khó quên. Nhà thơ dùng một loạt từ ngữ thật thoáng nhẹ mà tạo nên , tạo sâu Cõi lòng-Đa cảm, đa suy:

                                  “Rồi cho đến một ngày tôi chợt thấy

                                    Hình như mưa. Có lẽ.Hình như mưa

                                     Sau sững sờ, tôi ngó qua  cửa sổ

                                     Chỉ làn mây lơ đãng giữa trời mưa.”

  Đến đây, hẳn là khỏi cần bình giá, lại càng không lí giải nhiều về cơn “ Mưa bóng mây” của thi sĩ đa cảm mà cũng đa suy Trần Ninh Hồ. Bởi, nhà thơ không hề dừng lại con mắt của nhà sinh thái, sinh học mà giãi bầy bề mặt hiện thực, hiện hữu về cơn mưa bóng mây.. Mà, cảm hứng thi nhân từ cơn mưa bóng mây  trong tâm tưởng, trong kỉ niệm, mà gợi ra nhiều điều, nhiều chiều từ hiện tượng tự nhiên ấy. Giọng điệu nhẹ nhàng, thậm chí ngỡ như “lơ đãng”, ngỡ như “quên”, ngỡ như buông xuôi kỉ niệm... Trần Ninh Hồ tự tình, tự bạch về những Cơn-Mưa-Trời, để rồi thắp lên niềm nhung nhớ yêu thương và cả trân trọng nữa về Cái-Đẹp, Cái-Tình trong cuộc sống hôm nay và muôn sau :

                                     “Và lơ đãng gieo long lanh vào nắng

                                       Như ai qua gieo nỗi nhớ vơi đầy”.

  Một chút ân tình. Một chút nhắc nhủ. Và, hình như có cả một chút ngẫu luận trong lời thơ của Trần Ninh Hồ. Phải chăng, dẫu cho “ Mưa bóng mây” cứ “lơ đãng” (điệp lại 2 lần), cứ mơ hồ giữa không gian rộng hẹp của đất trời, song chính nó lại gieo vào lòng người, nương đậu lại lòng người vẻ đẹp dịu lành, “gieo long lanh vào nắng”. Hóa ra, cơn mưa nhẹ của trời đất lại như  giúp ta, nhắc nhở ta nên/phải gìn giữ cho lòng mình thanh sạch, trong trẻo hơn giữa cuộc sống, nhịp sống  của thời hiện đại hôm nay !?

 

                              HÀ NỘI, 30/11/2018.

unnamedmn

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét