Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

TRONG MỘT CÕI RIÊNG

  TRONG  MỘT CÕI RIÊNG

 

          Đọc Cõi tôi của Lưu Thị Bạch Liễu, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007

                 VŨ NHO

 

                     


                

          Cuộc thi thơ tình năm 2006-2007 của báo Văn Nghệ, Lưu Thị Bạch Liễu được giải A với 3 trong số 5 bài thơ dự thi. Trong tập Thơ tình tuyển chọn  năm 2007 của nhà xuất bản Hội nhà văn, Lưu Thị Bạch Liễu là một ẩn số. Không có ảnh, không có năm sinh, và cả không một dòng địa chỉ. Bây giờ trong tập thơ Cõi tôi  của nhà xuất bản Hội nhà văn cũng vậy. Mặc dù chẳng khó khăn gì khi in một tấm hình, một vài dòng sơ lược về bản thân, hoặc  nhiều hơn nữa là số điện thoại, địa chỉ  email. Nhưng với tác giả Bạch Liễu, không  có một thông tin nào khác. Phải chăng, tác giả muốn người đọc chỉ hình dung chị qua thơ, và chỉ thơ mà thôi. Bởi vì  thơ là sự phản ánh chân thực nhất, là tấm gương soi của hồn người, như Hàn Mặc Tử từng viết: Người thơ phong vận như thơ…

          Có thể thấy rằng trong thơ Lưu Thị Bạch Liễu thể hiện là một người phụ nữ thích một mình, thích kín đáo, lặng lẽ độc hành. Nhiều  tên bài thơ phản ánh đặc điểm này : Độc hành, Cõi tôi, Tự khúc (1,2), Không ai đùa sóng với tôi, Một mình (1,2,3).

          Những câu thơ của chị càng thêm rõ:

          Một mình trên đường Đông […]/Một mình trên đường Sương /bước từ mờ mịt/ vào mịt mờ /gió vội đi đường của gió/ tôi trên đường của tôi (Cõi tôi).      Ta hãy đến vào ngày sinh nhật của nhà thơ thì càng rõ:

Không rượu /không nến/ không hoa/ chỉ một người nhớ/ đang xa (Sinh nhật).

Chính cái tình trạng một mình, tình trạng  cô đơn cho phép người ta chìm vào trong cõi lặng,  thăng hoa lên cõi lạ, đạt được sự tự do tuyệt đối ở cõi tôi trong suy tưởng, ngẫm ngợi, nhớ thương, mơ ước và mong đợi.

          Nhà thơ có rất nhiều tâm trạng và khát khao. Người ta thấy chị cô đơn, cô đơn đến tột cùng :

           mình tôi lẻ bóng […]/ tôi một mình không bóng […]/ tôi đến nơi nào

           cũng thừa tôi cả (Tự khúc 1).

Không rõ đây có phải  là trạng thái hay là sự mong ước khá lạ lùng :

          đôi mắt tôi không ngủ/ sáng thành hai vì sao /hai vì sao không ngủ

          cháy mãi một nơi nào (Tự khúc 1).

Rồi chị mong được thành đá mồ côi, mong được cháy ( Du xuân 2);Chị thú nhận tình trạng bỏng khát một hồn sông, một tình yêu lãng mạn:

          Mỵ Nương em bỏng khát/ chao nghiêng chén bạch đàn/ chỉ vục được xác nước / hồn sông đã vụt tan (Sông Cầu).

Cái nỗi khát thèm dưới đây dù chứa đầy mâu thuẫn, nhưng chúng ta có thể tin là thật vì nó là trạng thái “không rành mạch” thường gặp ở người thơ ( chữ của Nguyễn Duy : tôi vốn không rành mạch bao giờ): chẳng thể hóa một ngọn núi phía Thượng Lâm /vẫn thèm trở lại Na Hang/ ngồi bên một người /đã từng thề /không bao giờ gặp lại ( Thèm trở lại Na Hang).

Người đọc sẽ gặp một trái tim đã khép ( Một lời tiễn biệt), trái tim hóa chim trời vỗ nắng (Một chiều mưa giăng), đôi mắt khép (Tự khúc 2), bài hát ru “ chỉ là hai tiếng à ơi…dang dở” ( Hát ru),  trạng thái vô cảm “ không còn nỗi đớn đau…không còn nỗi tái tê…không còn nỗi trống rỗng”, ( Sông nhìn tôi nhìn sông) những nỗi buồn  thẳm sâu hay phảng phất  (Không nỗi buồn nào buồn hơn nỗi buồn nào)…Cô đơn, khao khát, kiêu hãnh, bền bỉ, dứt khoát…tầng tầng tâm trạng là Lưu Thị Bạch Liễu của cõi tôi.

          Một đặc điểm nổi trội của tập thơ là có một thế giới tự nhiên vừa thân thiện, vừa hòa đồng, nhưng cũng nhiều khi tương phản luôn luôn đồng hành cùng nhân vật trữ tình. Phải chăng vì con người độc hành đó vẫn cần và khát thèm bè bạn, nhưng cái người nhớ sinh nhật đang xa, người  bao năm khảm khắc thì đang ở  phương nào, người yêu thì vì sự kiêu hãnh “không gọi” (người yêu I),  hoặc dù đã  hẹn mà hình như chưa làm, chưa thực hiện, những người khác cũng khó sẻ chia “cõi tôi”. Mặt khác, chính tác giả cũng thấy rằng thế giới thật bình yên, thật nhỏ hẹp, khép kín, đồng nghĩa với “ tôi đang tự hủy diệt tôi” ( Một chiều nào tôi không trở dậy). Vì thế mà thiên nhiên luôn luôn có mặt?  Đống lửa run, đóa quỳnh tàn tái tê, đất gọi, lá khóc, hoa nhỏ lệ… Rồi Thác Mơ day dứt, cây cọ hát, liễu xanh xõa tóc, màn sương trắng nhắc,  mưa nói với ngôi nhà, con suối nhìn, cây lá ngước theo, nhà sàn ngủ yên, đồi chè he hé mắt non… Hai mươi bài trong tổng số ba mươi tư bài có thiên nhiên  cụ thể thành con người như thế. Vì vậy mà các cuộc “giao lưu” của nhà thơ với thiên nhiên, với bạn đọc luôn thay đổi, bất ngờ, mới mẻ.

          Một điều đáng nói là  có một kiểu tư duy và diễn đạt thơ mới lạ, không giống bình thường. Hầu hết thơ Lưu Thị Bạch Liễu là thơ tự do. Chỉ một bài có nguồn lục bát, nhưng lại cũng được trình bày theo kiểu tự do (Độc hành).  Các câu thơ, dòng thơ của Lưu Thị Bạch Liễu thường là ngắn, rất ngắn. Đó là những kiểu câu thơ in dấu ấn riêng.

          Trong bài Sông nhìn tôi nhìn sông, ngay nhan đề cũng đã  nhòe mờ nghĩa. Một số bài thơ có sự tiết kiệm từ ngữ ở mức tối đa,  tạo ra một trật tự cú pháp lỏng lẻo, mở ra trường liên tưởng rộng rãi, gần với bất định. Chẳng hạn:

          Mưa/ giữ lại ở Na Hang/ nghe thác Mơ/ xối lòng hồ/ day dứt/ sông Gâm/ hòa làm gì vào sông Năng! (Na Hang). 

Ở trên đã nhắc đến thiên nhiên tương đồng và tương phản đồng hành cùng người thơ. Đây là một ví dụ về hiệu quả nghệ thuật diễn đạt có tương đồng, tương phản và vừa tương đồng vừa tương phản:

          phố mờ trong mưa

          em mờ trong nhớ […]

          phố đen chiều mưa

          em trắng đêm nhớ […]

 

          mặt trăng mải theo trái đất

          bao buồn vui

          lúc khuyết

          lúc tròn

          em cả đời quay quanh ảo mộng

          chưa một lần mỏi mệt như trăng

                             Đợi 2

         

          Nếu có thể nói về hạn chế của Cõi tôi thì chính là ở chỗ tác giả tô đậm và khai thác triệt để cõi tôi, thành ra cái phần ngoài cõi tôi không được thể hiện đầy đủ và có phần mờ nhạt. Cái tôi là quan trọng, song nếu chỉ có thế thì cũng không có gì phải bàn nhiều, dù là cách thể hiện cái tôi có nhiều mới mẻ. Nhưng Lưu Thị Bạch Liễu còn trẻ:

          mùa hạ tôi nhan sắc tuổi ba mươi

          rừng rực cháy đến từng chân tóc

                             Về một bài thơ tôi đã lãng quên

Trong những cõi khác tiếp theo của hành trình sáng tạo, với sức trẻ, sự tự tin Lưu Thị Bạch Liễu chắc chắn sẽ còn gây không ít ngạc nhiên.

                                                                  

                                                                             17/5/2009

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét